VÌ SAO “CÒ” NỮ BỊ XEM THƯỜNG?
Số lượng nữ giới hành nghề đại diện cầu thủ tăng đáng kể trong khoảng chục năm trở lại đây nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với các đồng nghiệp nam. Theo danh sách chính thức của FIFA, tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, hiện chỉ có 82 nữ đại diện cầu thủ hoạt động chuyên nghiệp (có bằng FIFA) trong tổng số 2.405 đại diện (chiếm 3,4%). Trong đó có 18 nữ đại diện ở Anh, 17 ở TBN, 7 ở Pháp, 10 ở Đức và 30 ở Italia.
Vì sao lượng nữ giới chiếm thiểu số trong thế giới của những người đại diện, quản lý, môi giới cầu thủ - một nghề tuy bị xem thường, thậm chí ghét bỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong bóng đá hiện đại? Câu trả lời là… phân biệt giới tính. Trong xã hội nói chung, phụ nữ vẫn bị xem thường hơn đấng mày râu về năng lực và trong bóng đá, môn thể thao vẫn được mặc định là trò chơi của đàn ông, phụ nữ lại càng bị xem thường.
Georgina Lillis là 1 trong số 18 nữ đại diện cầu thủ ở Anh. Cô sinh ra trong gia đình có truyền thống bóng đá, cha là Mark Lillis - cựu cầu thủ Man City và anh trai Josh hiện đang thi đấu cho Scunthorpe.
Trên In the Spotlight, chương trình về phân biệt giới tính trong bóng đá, Georgina chia sẻ: “Ở bất cứ nơi đâu, bạn vẫn thường nghe người ta nói rằng: phụ nữ biết quái gì về bóng đá. Họ không bao giờ hiểu luật việt vị là gì. Những câu nói vui nhưng thể hiện cái nhìn thiển cận, thiếu tôn trọng phụ nữ và không thể chấp nhận được. Bóng đá phản ánh mạnh mẽ nhất về cái gọi là phân biệt giới tính”.
Nhưng nói tới nữ đại diện, phải nhắc tới bà Rachel Anderson - người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được cấp bằng đại diện của FIFA năm 1991. Trước khi trở thành nữ đại diện lừng danh, bà Anderson không chỉ bị giới cầu thủ xem thường, đồng nghiệp chê bai mà những nhà quản lý bóng đá cũng tẩy chay. Tâm sự với Mirror, bà Anderson thổ lộ: “Một quan chức bóng đá từng nói với tôi rằng, bóng đá không có chỗ cho phụ nữ. Anh ta còn mỉa mai, tôi nên cởi giày ra và… mang thai”.
Người hâm mộ, cầu thủ và “cò nam” xem thường nữ đại diện đã đành, đến Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) - một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho các cầu thủ, luôn nói không với phân biệt chủng tộc và giới tính cũng khinh miệt những nữ đại diện.
Chẳng thế mà trong hai năm 1997 và 1998, bà Anderson đều bị từ chối tới dự gala trao giải của PFA vì gala bóng đá của tổ chức này “không dành cho phụ nữ”. Bà Anderson bức xúc viết thư cho Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair và được ông ủng hộ kiện PFA ra tòa. Kết quả là, PFA phải bồi thường cho Anderson 200.000 bảng.
ĐỪNG XEM THƯỜNG PHỤ NỮ!
Đại diện cầu thủ không phải công việc đơn giản. Người đại diện phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ ngoài sân cỏ cho giới cầu thủ, từ chuyển nhượng, lương thưởng, quan hệ với giới chủ CLB, đánh bóng hình ảnh, kêu gọi tài trợ, giải quyết bê bối… chính vì thế, nghề đại diện đòi hỏi người ta phải chịu được sức ép tốt, là một nhà chiến lược với tầm nhìn xa, một nhà marketing giỏi và trên hết, phải… tinh quái.
Cầu thủ chọn đúng người đại diện chẳng những giúp anh ta yên tâm tập trung thi đấu, mà sự nghiệp, hình ảnh của anh ta cũng sẽ được nâng đỡ bằng đủ mọi chiêu trò. Ngược lại, chọn nhầm người đại diện kém năng lực thì dù thi đấu tốt đến mấy, anh ta cũng sẽ chịu nhiều thiệt thòi về lương bổng, tài trợ hoặc đứt nghiệp nếu dính scandal.
Vì tầm quan trọng của người đại diện, nên giới cầu thủ thường tìm đến những tay uy tín là nam giới như Jorge Mendes, Pini Zahavi, Mino Raiola… để “chọn mặt gửi vàng” chứ mấy ai tin cánh phụ nữ mà họ vẫn định kiến là “không hiểu luật việt vị”.
Hiểu được tâm lý e dè, định kiến với phụ nữ của đám cầu thủ, Anderson - người phụ nữ đầu tiên hành nghề đại diện chuyên nghiệp không ngần ngại đầu tư thời gian, tiếp xúc với nhiều cầu thủ để thuyết phục họ. Ở khía cạnh… thuyết phục, phụ nữ mềm mỏng, khéo léo và nhẹ nhàng đôi khi còn được việc hơn đàn ông.
Bà Anderson thổ lộ: “Tôi tìm những cầu thủ có xu hướng tin tưởng tôi và thuyết phục họ. Tôi cũng không mất quá nhiều thời gian để chiếm được cảm tình và sự tin tưởng của họ. Vì sao ư? Tôi cũng không biết nữa, có lẽ vì tôi là… phụ nữ”.
Trong thập niên 1990, bà Rachel Anderson đã “nắm” trong tay tới 50 cầu thủ. Tài năng của bà đã cứu vãn sự nghiệp thi đấu của hai cựu ngôi sao West Ham và Liverpool là Don Hutchison, Julian Dicks khi phong độ của họ xuống dốc hay dính phải những bê bối như say rượu, thác loạn với gái gọi, gây rối trật tự công cộng…
Vụ thắng kiện PFA cùng với những lần nâng đỡ, cứu giúp thành công cho Hutchison, Dicks… và sau này là Didier Zokora chẳng những giúp tiếng tăm của Anderson lừng lẫy, mà thế giới bóng đá cũng bắt đầu đỡ định kiến, khắt khe hơn với phụ nữ làm nghề đại diện cầu thủ.
Tuy nhiên, Georgina Lillis cho rằng: “Sau thời Rachel Anderson, phụ nữ làm nghề đại diện vẫn bị xem thường và miệt thị. Tôi phải mất rất nhiều thời gian, vượt qua nhiều thử thách mới có thể tồn tại được với nghề nghiệp mình yêu thích”.
WAG CŨNG ĐI LÀM… “CÒ”
Trong quá trình cộng tác, chuyện nảy sinh tình cảm giữa những nữ đại diện xinh đẹp và giới cầu thủ là không thể tránh khỏi. Điển hình như chuyện tình ở xứ Đấu bò của tiền đạo TBN Dani Guiza và “nàng cò” xinh đẹp Nuria Bermude.
Nuria Bermude vốn là diễn viên, kiêm ca sĩ ở Tây Ban Nha. Vốn xinh đẹp và bốc lửa, Nuria từng lọt vào mắt xanh của hàng loạt danh thủ như Luis Figo, David Beckham, Cristiano Ronaldo… Năm 2006, mỹ nhân hâm mộ Real Madrid sinh năm 1981 này được cấp bằng đại diện từ FIFA, bắt đầu hành nghề môi giới và Dani Guiza khi đó đang đầu quân cho Getafe trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của nữ đại diện xinh đẹp Nuria.
Sắc đẹp khỏi bàn nhưng năng lực của Nuria thế nào? Cựu HLV Getafe, Bernd Schuster nhận xét: “Từ ngày dính vào Nuria, Dani tiến bộ hẳn lên”.
Mùa Hè năm 2007, Nuria đưa bạn trai rời Getafe gia nhập Mallorca với giá 5 triệu euro và ngay lập tức, anh đoạt danh hiệu Pichichi (Vua phá lưới La Liga) mùa 2007/08, giúp anh được triệu tập vào danh sách ĐT TBN tham dự EURO 2008 (vô địch), đồng thời lọt vào tầm ngắm của hàng loạt CLB lớn như Barcelona, Arsenal, Inter, Milan, Roma, và Manchester City. Nhưng tới năm 2009, cặp đôi này đường ai nấy đi, dù “mỹ nhân cò” đã sinh cho nhà vô địch EURO 2008 một cậu con trai.
Nhưng nếu như Nuria Bermude từ “cò” biến thành WAG thì ngược lại, siêu mẫu Wanda Nara lại từ WAG trở thành… “mỹ nhân cò”. Số là hồi đầu tháng 10 vừa qua, tiền đạo Mauro Icardi đã sa thải người đại diện Abain Moreno sau 10 năm gắn bó để giao toàn quyền đại diện cho cô vợ xinh đẹp Wanda. Vậy là từ nay, mọi hợp đồng bóng đá, thương mại, lương thưởng… của tân đội trưởng Inter sẽ nằm trong tay cô vợ Wanda.
Xưa nay, mỹ nhân sinh năm 1986 người Argentina chỉ được biết đến trên những cuốn tạp chí khoe xác thịt dành cho quý ông hay những bê bối, tai tiếng liên quan tới sex và tình cảm. Vậy liệu Wanda có gánh vác được trọng trách lớn? Nữ giới làm… “cò”. Từ bà Rachel Anderson cho tới cô nàng Nuria Bermude, chớ nên xem thường phái đẹp!
Shehneela Ahmed lá cờ đầu của phụ nữ Hồi giáo Phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại trong bóng đá và vai trò, khả năng của phụ nữ ở các nước Hồi giáo trong các hoạt động thể thao lại càng bị xem nhẹ. Vậy nên, sự kiện nữ luật sư mang quốc tịch Anh, Shehneela Ahmed chính thức trở thành nữ đại diện cầu thủ người Hồi giáo đầu tiên vào tháng 1/2014 được giới truyền thông đặc biệt quan tâm. Người ta kỳ vọng, Shehneela sẽ là lá cờ đầu, cổ vũ tinh thần cho nữ giới hâm mộ thể thao tại các nước Hồi giáo. Shehneela Ahmed, 42 tuổi, là fan của Man United. Sau khi tốt nghiệp ngành luật ở đại học Staffordshire, Shehneela làm luật sư, chuyên bào chữa cho các bị can tại tòa hình sự. Cho tới khi đăng ký thi công nhận đại diện cầu thủ tại FA, Shehneela mới biết tại châu Á và thế giới Hồi giáo chưa từng có nữ giới hành nghề này. Trên Telegraph, Shehneela thổ lộ: “Thế giới thể thao không chỉ dành cho đàn ông. Đặc biệt là bóng đá, tôi xem bóng đá từ nhỏ và may mắn có được những người bạn tốt luôn khuyến khích tôi theo đuổi sự nghiệp mình mơ ước. Nghề đại diện cầu thủ giờ đây là thách thức với tôi, tôi muốn chứng minh cho phụ nữ Hồi giáo thấy rằng, phụ nữ có thể làm mọi thứ, nếu họ có đam mê”. Mẹ Owen cũng bị cấm cửa Ai là người phụ nữ đứng đằng sau thành công của Micheal Owen? Người phụ nữ ấy không phải nàng WAG Louise Bonsall, mà là bà Jeanette Owen, mẹ của “cựu thần đồng” nước Anh. Bà Rachel Anderson - nữ đại diện cầu thủ nổi tiếng người Anh thổ lộ: “Mẹ Owen là người đầu tiên đưa anh ta đến với bóng đá, là người truyền đam mê, tình yêu bóng đá cho con trai”. Kết thúc mùa bóng 1997/98, Owen được Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) bầu chọn là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Premier League. Nhưng trong đêm vinh danh “thần đồng” Liverpool, bà Jeanette lại không được ở bên cạnh con trai. Bởi cũng giống như nữ đại diện Rachel Anderson, mẹ của Owen cũng bị PFA cấm cửa vì “bóng đá không có chỗ cho phụ nữ”. Luật lệ quái gở, miệt thị phụ nữ chỉ bị bãi bỏ ở PFA, khi tổ chức này bị bà Anderson kiện thua. Bà Anderson cho biết: “Mẹ của Owen thậm chí còn không được chứng kiến khoảnh khắc con trai nhận giải thưởng. Giờ thì những người mẹ tuyệt vời như thế có thể đàng hoàng tham dự mọi sự kiện bóng đá”. |