Bóng Đá Plus trên MXH

"Nữ hoàng đi bộ" Nguyễn Thị Thanh Phúc: Không đi ở mà liều mình "đi bộ lên đỉnh"
21:25 ngày 21/10/2015
Cô gái con nhà nghèo đen đúa, bé như cái kẹo ở vùng miền núi Đà Nẵng vừa lập kỷ lục 9 lần liên tiếp vô địch quốc gia.
    Thanh Phúc là người đã biến môn đi bộ không chỉ được công nhận mà còn trở thành một thế mạnh tầm quốc tế của điền kinh Việt Nam. Cô cũng là VĐV duy nhất đã khiến cho thể thao cả một địa phương phải thay đổi chiến lược, đột phá về chế độ chính sách. 

    NỖI OAN “LÊN PHỐ LÀM CON Ở”
    Sinh năm 1990 ở xã miền núi Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng, cô thiếu nữ “hạt tiêu” Thanh Phúc tình cờ bén duyên điền kinh từ hồi học lớp 7. Chị gái Nguyễn Thị Thanh Nhiệm khi đó đang tập ở đội điền kinh Đà Nẵng rủ Phúc đi cho vui và cũng là cách để đối phó với sợ hãi vì đi quãng đường dài mà không có bất cứ nhà dân nào. 

    Thấy Phúc ngày nào cũng chăm chú đi theo chị, HLV Trần Anh Hiệp liền bảo Phúc ra chạy thử rồi “kết” ngay từ lần đầu tiên. “Một đứa trẻ nhỏ nhắn, cứ nhìn chằm chằm với ánh mắt sáng rực khiến tôi giật mình và muốn em nó thử xem sao. Ai ngờ, Phúc làm quá tốt và tôi nhận ra những tố chất của em để có thể thi đấu đỉnh cao”, HLV Anh Hiệp nhớ lại thời điểm đầu khi chọn Phúc vào đội điền kinh của Đà Nẵng. 


    Phúc phải thuyết phục mãi bố mẹ cho theo thử và bắt đầu đến với niềm đam mê của mình. Sự khó khăn như chưa bao giờ buông tha Phúc. Hàng xóm dị nghị, coi thường vì cứ tưởng Phúc “về phố” chỉ để làm con ở, đi buôn bán chứ học hành, luyện tập gì dưới đó. 

    Một số người làng qua một vài lần ngẫu nhiên thấy Phúc “lang thang” ngoài đường vào lúc sáng sớm hay buổi chiều muộn lại càng không hiểu “con bé đang làm gì” vì họ đâu có biết môn đi bộ như thế nào. Tưởng chừng cô gái trẻ sẽ dễ dàng gục ngã nhưng Phúc lại động viên ngược gia đình và tự hứa sẽ sớm “minh oan”. 

    Nếu các VĐV trẻ khác hồi đó đua nhau tập 100, 200m để được như Vũ Thị Hương hay 400m, 800m theo Trương Thanh Hằng, riêng Phúc lại gắn bó với “món” đi bộ mới và khó tới mức ở Việt Nam chẳng có HLV, không có bất cứ bài vở chuyên môn nào. VĐV đầu tiên của loại hình siêu dị này đã phải tự mò mẫm tập luyện, dưới sự hướng dẫn của ông thầy cũng thuộc diện “tay ngang”.

    10 NĂM LIỀU MÌNH “ĐI BỘ LÊN ĐỈNH”
    Rất kỳ lạ, trong tình cảnh gian khó ấy, Phúc vẫn tiến bộ không ngừng, bởi dường như cô sinh ra để dành cho đi bộ, với sự phù hợp đặc biệt về cơ địa. Chỉ qua một thời gian ăn tập, đã không chỉ vô đối ở các đấu trường quốc nội mà còn đạt các thông số ngang ngửa với mức HCV SEA Games.
    Thế nhưng, có đến cả chục năm kể từ khi khởi nghiệp, Phúc không hề được một lần xuất ngoại tranh tài, thậm chỉ chỉ đơn thuần là giải mời hay tập huấn cũng không. Việc bộ môn đi bộ của Việt Nam chưa từng có ý định, nói chính xác không dám cử quân đi cọ xát quốc tế vì kỹ năng và kỹ thuật đi bộ của chúng ta “có vấn đề”. Chuyện đào tạo, tập luyện, thi đấu đi bộ tại Việt Nam lâu nay đang có nhiều khác biệt, phần nào đó sai lệch, nếu xuất ngoại có thể sẽ “lộ” ra nhiều điều đáng ngại.

    Một vài đồng đội khác vì chán nản đã bỏ cuộc hết, riêng Phúc vẫn bền bỉ trụ lại, và lặng lẽ khẳng định bằng những tấm HCV cùng các kỷ lục ở cơ hội duy nhất trong năm - giải VĐQG. 


    Để rồi đến trước thềm SEA Games 2011, ngành thể thao mới bắt đầu xem xét đưa đi bộ vào đội hình dự tranh SEA Games. Một phần bởi chính thành tích quá ấn tượng của Phúc, phần quyết định chính từ lời khẳng định đầy bản lĩnh mà cũng vô cùng mạo hiểm của cô ở thời điểm ấy: kiểu gì cũng có huy chương.

    Và trên đất Indonesia, gương mặt lạ hoắc đến từ sông Hàn đã gây chấn động cả làng thể thao khu vực khi đoạt ngay 1 tấm HCV với một màn trình diễn hoàn toàn vượt trội so với các đấu thủ kỳ cựu. 

    Cũng từ thành quả ngoạn mục của Phúc, cả một môn đi bộ đang dò dẫm tìm đường, luôn đứng trước nguy cơ “chết yểu” đã lập tức xác lập vị thế hàng đầu của điền kinh Việt Nam. Nó càng được củng cố với những kỳ tích liên tiếp mang tên Phúc, nổi bật là 1 tấm HCB giải châu Á 2012 cùng 1 suất chính thức tới Olympic London. 

    “PHÁO LỆNH” CHO SỰ THAY ĐỔI
    Trước khi tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Thanh Phúc trực tiếp đến gặp lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng để đề đạt nguyện vọng xin giải nghệ. 

    Rất thẳng thắn, Phúc bày tỏ mình ngày càng thấy mơ hồ về tương lai của mình, chỉ biết tập và thi đấu chứ không biết tương lai đi về đâu, và xin chia tay nghiệp đấu để tìm hướng đi cho mình. Phúc cũng “tiện thể” trình bày luôn suy nghĩ chân thành, sắc bén, chuẩn xác về nguy cơ tụt hậu của thể thao Đà Nẵng. 


    Đứng trước nhu cầu bức thiết, những người đứng đầu ngành thể thao thành phố sông Hàn đã buộc phải vào cuộc để chẳng những giải quyết một trường hợp điển hình như Phúc mà còn giải cứu cho thể thao một địa phương từng đứng trong Top 4 quốc gia nay đã sa sút quá nhiều. 
    Chính từ đây, chiến lược đãi ngộ đối với HLV, VĐV rồi sau đó cả một chiến lược phát triển đã có sự thay đổi căn bản. Trong đó, theo quy định mới, nếu VĐV giành HCV Olympic sẽ được hưởng thu nhập “cứng” cao gấp 25 lần mức lương cơ bản trong vòng 4 năm, được hỗ trợ mua nhà, tiền học phí 100%, bố trí công việc. Ngay với SEA Games, VĐV giành HCV cũng có thu nhập “cứng” gấp 11 lần mức lương cơ bản trong 2 năm, HCB 6 lần và HCĐ 4 lần.

    Với bước đột phá này, Thanh Phúc là người vui nhất vì chị hiểu rằng thể thao quê hương mình đã có một nền tảng vững chắc cho sự tăng tốc. Còn bản thân không được hưởng gì nhiều. Bởi thu nhập hiện tại của chị cũng đã ngang với quy định mới, và trước đó đã hoàn thành chương trình học Đại học ngốn hết gần như toàn bộ tiền lương, thưởng trong mấy năm của chị. 

    Rèn luyện từ hoàn cảnh gian khổ
    Nhà nghèo lại đông anh em, thu nhập chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng trồng lúa, khoai, sắn, mà chuyện mất mùa diễn ra như cơm bữa. Chạy ăn tránh đói từng ngày nên từ nhỏ, Phúc đã phải lẽo đẽo theo mẹ kiếm kế sinh nhai. Cứ 2 giờ sáng hàng ngày, Phúc đi chợ đêm để phụ mẹ bán củi, bán chổi. 

    Rồi tới 6 giờ, cô bé bé như cái kẹo mới 11-12 tuổi lại phải cuốc bộ hơn 3 cây số tới trường, chiều về cùng mẹ đi chặt củi, bó chổi, tối tranh thủ học bài khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ rồi ngủ để sáng sớm dậy đi bán. Cuộc sống cứ tiếp diễn như thế khiến Phúc không có thời gian để nghỉ ngơi, trông người còm nhom. Nhưng chính hoàn cảnh gian khó như vậy đã tạo nên một “nữ hoàng đi bộ” có ý chí thép cùng sự bền bỉ phi thường. 

    Món “khoai” nhất của điền kinh
    Thanh Phúc được công nhận là VĐV đi bộ đầu tiên, một loại hình có trong chương trình chính thức của Olympic, được gây dựng tại Việt Nam từ 2002.  Đặc điểm cơ bản của kĩ thuật đi bộ thể thao là suốt quá trình thi đấu với cự ly dài tới 20km, cơ thể không được bay trên không mà luôn luôn có một hoặc cả hai chân cùng chạm đất và từ khi chân chống trước đến khi kết thúc đạp sau, chân phải luôn giữ thẳng. Đây được đánh giá là nội dung khó nhất của môn điền kinh. 
    Kim Tuyến • 21:25 ngày 21/10/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay