Tháng 10/1998, Gascoigne lần đầu nhập viện vì những rắc rối gặp phải từ rượu. 17 năm, 13 lần thần chết gõ cửa, Gascoigne tiếp tục chìm trong cuộc sống không lối thoát dù cách đấy vài giờ, trong chuyến tọa đàm khắp lãnh thổ khối thịnh vượng chung (bắt đầu từ hôm 26/10 vừa qua), Gazza còn khẳng định chắc nịch với thính giả: “Tôi ổn rồi”. Đấy chỉ là một trong hàng trăm biểu hiện của “rối loạn lưỡng cực (BPD)” – dạng bệnh lý thường chỉ bắt gặp nơi các nhân viên tình báo Hoa Kỳ CIA.
THUỐC LÀ… PIN
Trong 3 cuốn sách đã phát hành, Gascoigne dành phần lớn dung lượng nói về hai căn bệnh ông mắc phải từ việc lạm dụng rượu: Chứng vô độ và Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Xác suất xảy ra một trong hai triệu chứng này với người bệnh là khoảng 50 trên 1 triệu người còn biến cố cả hai đồng thời xuất hiện với một cá thể là 8 trên 1 triệu người.
Các chỉ dẫn khoa học cho thấy tình trạng ấy hiện hữu nếu cơ thể hấp thụ nhiều hơn 4 lít cồn/ngày – vượt ngưỡng trung bình khoảng 4 lần. Quá ít so với Gascoigne khi tờ The Sun công bố, hạn mức/ngày của Gascoigne 20 năm qua là 6 chai rượu blended (thứ rượu trộn của người Scotland, nồng độ cồn tối thiểu khoảng 40 đơn vị).
Đấy chưa phải điều tồi tệ nhất. Một khi mắc cả hai thứ bệnh quái ác ấy, các mầm mống gây họa bên trong sẽ không ngừng phát tác và biến chứng, tạo ra chứng “rối loại lưỡng cực (BPD)” – vấn đề nan giải nhất của các bác sĩ, nhà nghiên cứu thần kinh học.
Căn bệnh này mới được thừa nhận khoảng 15 năm về trước, thời điểm hàng loạt nhân viên của Cục tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA), những cá nhân coi rượu như liều thuốc an thần trước áp lực công việc được chẩn đoán là hay đưa ra quyết định đi ngược với quá trình truyền thông tin não bộ. Vì lẽ ấy, giới chuyên gia còn gọi BPD là “bệnh CIA”.
Nhiều năm qua, phác đồ điều trị cho các bệnh nhân này là dùng lithium – một nguyên tố hóa học chuyên dụng trong ngành sản xuất pin sạc dưới dạng viên nén. Chất này cực độc, có chức năng thay đổi dòng chảy của natri trong dây thần kinh và các tế bào cơ bắp trong cơ thể. Nói đơn giản thì người mắc BPD như Gascoigne đạt được trạng thái tỉnh táo nhờ dựa vào những tế bào biến đổi.
Mấu chốt ở đây: Bệnh nhân BPD vốn đã nghiện rượu, nay lại phụ thuộc vào lithium, nghĩa là mọi cử động hay hành vi của họ, cụ thể hơn là Gascoigne bị chi phối bởi hai loại xung đột. Phiên bản tiếng Ireland của tờ Mirror tiết lộ ngoài lượng rượu cố định kéo dài hàng thập kỷ, Gascoigne bắt đầu uống lithium từ tháng 2/2008. Bằng vài phép tính cơ bản, Gascoigne nạp gần 2.800 viên “thuốc độc”.
TỈNH LÀ MÊ, MÊ LÀ TỈNH
Hai tác động xung khắc, một bên gây ảo giác (rượu), bên kia giúp cân bằng (lithium) tham gia chuỗi phản ứng hóa học, tạo ra sản phẩm “Luôn làm ngược ý niệm” như đã đề cập. Ở vụ bê bối mới nhất vướng vào, Gascoigne tới Champneys Forest Mere vào cái lúc Gazza tuyên bố ông đang đạt trạng thái khỏe mạnh nhất.
Ai cũng tin chuyến ghé thăm cơ sở massage nổi tiếng này của Gascoigne đơn thuần là nhằm tái tạo năng lượng. Sau cùng, sản phẩm xuất chúng hiếm hoi mà bóng đá Anh từng sản sinh rơi vào vô thức, không biết rằng cổ tay mình đang tứa máu sau vết cắt từ mảnh cốc vỡ.
Sở dĩ mạnh dạn khẳng định Gascoigne dần đánh mất sự tự chủ là do trong quá khứ, những tình huống kiểu này thường xuyên xảy đến với ông. Ngày 9/7/2013, Gascoigne xuất hiện tại Quảng trường Russell trong bộ dạng bệ rạc, túi quần đầy vỏ chai rỗng, tiền bay la tả bên ngoài khách sạn Hoàng gia trước khi tấn công cô vợ cũ Sheryl. Trước đấy hai ngày, đích thân Gascoigne tự chuẩn bị đồ ăn, tới nhà chị gái Marie tham dự tiệc mừng tuổi 18 của cô cháu Jay Harley và đặc biệt, ông không động vào bất kỳ giọt rượu nào trong buổi tiệc.
Kế đến, Gascoigne được chuyển tới Tổ chức hành động vì sức khỏe cộng đồng trước khi tham gia khóa cai rượu do quỹ từ thiện của Tony Adams, một sâu rượu từng chết đi sống lại nhiều lần lúc còn thi đấu. Tại đây, Gascoigne học cách trò chuyện với động vật, hạn chế thức khuya, lao động chân tay và tham gia các hoạt động cứu trợ cho những bạn trẻ đang hủy hoại cuộc đời bên bàn nhậu.
Tưởng đâu Gascoigne đã thay tâm đổi tính. Chính Adams cũng không khỏi ngạc nhiên. Vào lễ bế giảng khóa huấn luyện, Adams phải thốt lên “Ngày xưa, tôi mất 6 năm mới cai được rượu, còn Gascoigne dường như nghị lực hơn tôi rất nhiều. Anh ấy luôn là học viên tích cực nhất”. Hai tuần sau ngày “xả trại”, Gascoigne bị cáo buộc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhân viên an ninh trạm tàu điện ngầm Stevenage.
Không còn chút tia sáng nào với Gascoigne trên con đường tái hòa nhập cộng đồng. Khi xã hội giang tay chào đón, ông trở nên xấu xí. Khi không còn ai tin tưởng, Gascoigne lại khoác lên mình lớp vỏ bọc đối lập. Có lẽ, bản thân Gascoigne cũng chẳng thể nhận ra mình.
Giá như Gascoigne là một nhân viên tình báo, nơi mọi hoạt động diễn ra trong bóng tối, nghiện rượu kiểu CIA chẳng ai thèm đoái hoài, quan tâm. Ngặt nỗi, số phận chọn Gascoigne làm ngôi sao bóng đá, và số phận cũng gắn chặt ông với những cơn mê sảng vì rượu. Để rồi, những gì đọng lại chỉ là cái tặc lưỡi đắng ngắt. Tiếc cho Gascoigne, và cũng tiếc cho một thế hệ khán giả hâm mộ Gazza!
SAO “NÁT RƯỢU” GIỜ RA SAO? 1. FRANK LAMPARD Hậu sự kiện 11/9, Lampard thường xuyên xuất hiện ở các quán bar tại London, nốc rượu và ra sức chửi bới, miệt thị công dân Mỹ sinh sống trong khu vực. Một cáo buộc không chính thức hồi 2001 có ghi: “Cậu ta chửi bọn Mỹ xứng đáng hứng chịu hậu quả”. Hiện anh đang khoác áo New York City sau thành công tại Chelsea. 2. PAUL MERSON 11 năm trước, cựu tiền vệ của Arsenal từng đi cải tạo 3 tháng do thừa nhận trên truyền hình mình là tín đồ của đồ uống có cồn và cocaine. Cách đây 2 năm, Merson thậm chí còn suýt mất mạng khi lái xe trong tình trạng say xỉn. Sau này, Merson thử sức trong vai trò HLV và hiện là BLV của đài Sky Sports. 3. MALCOM MACDONALD Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, Macdonald liên tiếp gặp chuyện buồn (phá sản, ly dị lần 2, đau đầu gối mãn tính). Chân sút lừng danh của Newcastle gặp khủng hoảng tâm lý, chọn rượu làm giải pháp. Tới năm 1997, Macdonald mới cai nghiện thành công và làm lại từ đầu, trở thành BLV radio hàng đầu nước Anh. 4. ROMAN SHIROKOV Một trường hợp đặc biệt của bóng đá Nga. Giữ kỷ lục 9 năm 9 CLB trong phạm vi lãnh thổ Nga, 27 tuổi mới lên tuyển lần đầu, được mệnh danh là “Chàng trai mùa Xuân xứ bạch dương”, tất cả những nghịch lý đó được cấu thành bởi chi tiết: Shirokov rất tài năng, nhưng nghiện vodka nên nở muộn! 5. JIMMY GREAVES Đứng thứ 4 trong danh sách các cây làm bàn vĩ đại nhất ĐT Anh, Jimmy Greaves tiết lộ rượu là liều doping giúp ông thăng hoa trong những năm 60. Tới năm 1978, Greaves bỏ rượu hoàn toàn, chuyển hướng sang lĩnh vực báo chí và truyền hình. |