CHẤN THƯƠNG CHỒNG CHẤN THƯƠNG
25 tuổi, tuyển thủ đất Cảng đã có tới 19 năm gắn bó trọn vẹn với nghiệp thể dục dụng cụ. Ngoài những kỳ tích vô song, Hà Thanh cũng là điển hình số 1 cho tình cảnh chấn thương, tàn phá cơ thể đáng sợ của những người đã trót đam mê với cái nghiệp đầy hiểm nguy mà như ví von “chết bất thình lình”.
Làng thể thao, không ai từng phải trải qua tới 30 lần dính chấn thương đủ loại ở cổ, lưng, vai, tay và đầu gối như Thanh. Năm nào, chị cũng gặp “ác mộng” vài lần. Trong đó, nhiều nhất và nặng nhất với vài lần tái phát chính là chấn thương đầu gối mà lần đầu tiên đã cách đây 11 năm.
Rất may mắn vì các chấn thương của Thanh đều không nặng tới mức phải giải nghệ luôn, hay đánh mất phong độ. Thế nhưng, chính từ đó cũng khiến chị phải trả giá đắt vì luôn phải bất chấp chấn thương để tập luyện, thi đấu vì thành tích thay vì tập trung điều trị dứt điểm.
Và vòng loại Olympic mới đây có lẽ là cuộc mạo hiểm cuối cùng của Thanh khi phải tranh tài với cái đấu gối hãy còn bị sưng phù tủy xương, dãn dây chằng, tràn dịch. Dù đã tiêm thuốc giảm đau liều cao, bịt kín đầu gối bằng băng gạc song trong mỗi động tác gắng sức, Thanh vẫn đau nhói đến tận óc và rụt cả cổ.
Phải bằng ý chí thép, chị mới hoàn thành 5 bài thi với kết quả tốt để đoạt suất chính thức tới Brazil, dù thực tế mới chỉ thể hiện được chưa nổi 70% khả năng vốn có. Đây là chấn thương tái phát ngay trước thềm SEA Games và ngày càng nặng khi Thanh cắn răng đoạt 3 HCV. Sau đó, Thanh quyết định tạm không phẫu thuật để giải quyết triệt để vì có thể ảnh hưởng đến mục tiêu Olympic do cần phải mất ít nhất 6-8 tháng tĩnh dưỡng.
Từ nhiều năm nay, cơ thể đầy thương tích của cô gái 9X này đã giống như “máy dự báo” với những cơn đau nhức ê ẩm kéo dài mỗi khi thời tiết thay đổi. Thanh bảo, kết thúc Olympic 2016, việc ưu tiên đầu tiên là phải tập trung “đầu tư cho sức khỏe, giải quyết các chấn thương”. Tuy nhiên, chị cũng hiểu rõ điều đó giờ trở nên quá khó trong tình cảnh chấn thương chồng chấn thương.
KHỞI ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH MỚI
Suốt 19 năm, ngay cả thời điểm đã là ngôi sao hàng đầu, cuộc sống của Hà Thanh vẫn hết sức đơn sơ, bình dị, phần nào đó khắc khổ. Một phần vì đặc điểm tính cách, phần quan trọng khác xuất phát từ nếp sống và cách nghĩ của một cô con gái nhà nghèo chân chất và đầy nghị lực.
Kể từ 2011, cùng với những chiến tích quốc tế sáng giá, Thanh cũng là một trong những tuyển thủ có thu nhập cao nhất Việt Nam nhờ nguồn tiền thưởng rất cao và đều. Năm thấp cũng khoảng trên 100 triệu còn năm cao, đơn cử 2015 với 3 HCV lên tới gần 400 triệu đồng.
Có thu nhập tốt song Thanh gần như không có nhu cầu chi dùng gì cho bản thân. Thậm chí, có năm chị chỉ tiêu vài triệu đồng, vào việc mua sắm vài bộ quần áo, vài thứ nữ trang thuộc diện “tươm” cho mình, hay mua quà cho người thân trong mỗi lần xuất ngoại. Khoản đầu tư ngoại lệ mà chị dành cho riêng mình chỉ là lần mua một chiếc máy tính xách tay và một chiếc Ipad để phục vụ việc học hành và giải trí. Cô gái vàng của thể dục dụng cụ Việt Nam không hề biết đến hàng hiệu.
Đến giờ, có thể coi như Hà Thanh đã hoàn thành được một mục tiêu lớn, cũng là tâm nguyện của mình khi tiết kiệm được một số tiền kha khá, vào cỡ trên nửa tỷ để giúp bố mẹ xây nhà mới, thay cho căn nhà 20m2 chật hẹp và cũ kỹ. Trên thực tế, như một nếp quen ngay từ lúc khởi nghiệp, có được bao nhiêu tiền thưởng, Thanh đều gửi hết về cho bố mẹ.
Còn về phần mình, gương mặt từng giành tấm HCĐ thế giới lịch sử năm 2011 cũng đã có thể khá yên tâm, vì đã được lãnh đạo TP Hải Phòng xét đặc cách vào biên chế và cấp một mảnh đất 90m2 tại một dự án thuộc quận Kiến An. Có thể trong tương lai gần chị sẽ khởi đầu một hành trình mới của mình, trở về làm HLV tuyến Trẻ của thể dục dụng cụ Hải Phòng, sau cả chục năm liên tục ăn tập tại ĐTQG trên Hà Nội.
Chỉ có điều, muốn trở thành một HLV đầy đủ tiêu chuẩn, Thanh cần phải vượt qua “ải” khó không kém cuộc chinh phục trên thảm đấu là hoàn thiện chương trình đào tạo tại trường Đại học TDTT Bắc Ninh để có tấm bằng cử nhân.
Cũng bởi những chuyến tập huấn thi đấu liên miên nên giờ ở tuổi 25 Hà Thanh sau 5 năm vẫn đang là sinh viên “chậm tiến” của trường Đại học. Năm nào chị cũng bị nợ môn để rồi trong những dịp nghỉ lại vắt chân lên cổ để học lại thi lại. Có một điều khá bi hài, do lần Thanh nhập học trường không tuyển sinh khoa thể dục nên ngôi sao hàng đầu thế giới phải theo học khoa... điền kinh.
Bàn tay “bà già” lướt phím piano Sự khắc nghiệt của nghiệp thể dục dụng cụ đã được hội tụ đỉnh cao ở Hà Thanh, nhất là đôi bàn tay nhăn nheo, sần sùi hệt như một bà già. Nó có độ dày gấp mấy lần của người thường, do hậu quả của vô số vết chai sần chồng lên nhau sau 18 năm mài tay lên các dụng cụ. Thậm chí các đường rãnh trên tay đều mờ hết cả. Thế nhưng, chính với đôi bàn tay ấy, Hà Thanh đã gây ngạc nhiên thú vị khi có thể lướt trên những phím đàn piano. Từ lời rủ rê của một người bạn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, từ đầu 2015, cứ vào mỗi dịp cuối tuần, Thanh lại dành trọn 1 ngày để thỏa đam mê bên cây đàn. Dù việc tập luyện không đều do bị cắt quãng bởi các chuyến tập huấn thi đấu song cô học viên già và nghiệp dư như Thanh tự nhận đã có vốn kha khá về nhạc lý và có thể đánh được vài chục bài phổ thông. |