Pháo sáng có thể đốt rụi cả nền bóng đá Việt Nam
Một cảnh tượng không khác gì chiến tranh hay khủng bố: Từ góc cao của khán đài B sân Hàng Đẫy, một vật thể bay vun vút như một quả tên lửa cầm tay với tốc độ hơn 100km/h, kéo theo một đuôi khói dài ngoằng và cắm thẳng vào đùi của một nữ CĐV bên khán đài A, sau đó bật tưng tưng xuống sân và phát hoả.
Cả một nền bóng đá bàng hoàng vì sự dã man của tội ác nhân danh tình yêu bóng đá đó, được giao dịch trên mạng và mang dễ dàng vào sân. Pháo sáng, một thứ ánh sáng của ma quỷ đang hoành hành dữ dội trong bóng đá Việt Nam và có thể thiêu rụi mọi thành quả của nền bóng đá nước nhà.
Khi phát triển thành môn thể thao hấp dẫn nhất thế giới theo cách xưng tụng “môn thể thao vua” hay thậm chí được ví von là một tôn giáo qua cách gọi “túc cầu giáo”, bóng đá đã vượt qua biên giới địa hạt giải trí thuần túy. Vì là “tôn giáo”, “túc cầu giáo” xuất hiện những tín đồ nhiệt thành, luôn cổ vũ máu lửa cho đội bóng họ yêu mến.
Để bày tỏ tình yêu, khích lệ tinh thần cầu thủ đội nhà và uy hiếp tinh thần cầu thủ đối phương, các CĐV nhiệt thành này tạo ra bầu không khí rộn rã trên khán đài bằng cách nhảy múa, hát hò và biểu ngữ. Đó là những nét đẹp đặc trưng mà gần như chỉ xuất hiện trong các trận đấu bóng đá nên cần được tôn vinh và phát triển.
Tuy nhiên, trên các sân cỏ trên khắp thế giới, đặc biệt là các quốc gia đam mê túc cầu, hình thức cổ vũ đã bị biến tướng bởi những kẻ “hạ lưu” ưa thích vũ lực. Những kẻ đó biến sân bóng trở thành vũ trường để chúng phô diễn “quyền lực”, thứ chúng thèm khát nhưng ngoài xã hội chúng không có. Và dĩ nhiên chúng phô diễn bằng cách thực hiện những hành vi xã hội không cho phép.
Bạo lực và pháo sáng chính là hai phương tiện dễ nhất để chúng có thứ quyền uy ảo tưởng ấy. Một cú đấm tung ra, là điều đốn mạt chúng thường làm để hạ gục đối phương hoặc những CĐV thuần túy, những con chiên hiền lành của đức Chúa bóng đá. Một cây pháo sáng chúng đốt lên, cả 4 khán đài nhìn theo bằng ánh mắt hoặc tò mò, hoặc thán phục, hoặc e sợ tùy phông văn hóa.
Đó là thời điểm chúng được tận hưởng men say của ảo tưởng quyền lực nhưng trong tay dĩ nhiên chẳng có thực quyền hay nói thẳng ra là tiểu nhân đớn hèn. Để rồi hậu quả cả xã hội gánh lấy là mất mát và đau thương.
“Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi danh hiệu để thằng nhóc sống lại”, Tite, HLV ĐT Brazil thời còn dẫn dắt Corinthians năm 2014 mếu máo nói khi nghe tin một chú bé 14 tuổi CĐV đội nhà chết vì pháo sáng trên sân cỏ.
Đúng 20 năm trước, năm 1993, John Hill, một người đàn ông 67 tuổi qua đời vì lĩnh trọn một quả pháo sáng trong trận đấu giữa Xứ Wales và ĐT Romania tại Cardiff. Năm 1992, chú bé 13 tuổi Guillem Lazaro thiệt mạng vì quả pháo sáng phát nổ ngay trước ngực trên một sân bóng tại Barcelona.
Hãy thử tưởng tượng, quả pháo dù, loại còn nguy hiểm hơn pháo sáng, tại Hàng Đẫy cách đây ít ngày không bắn vào đùi mà găm vào vùng bụng hay vùng mặt của nữ phóng viên báo Nhi Đồng, chuyện thảm khốc gì sẽ xảy ra! Pháo dù và pháo sáng nguy hiểm vô cùng vì tính sát thương như bom đạn nhưng chúng vẫn được lén lút mang vào sân vì sức hấp dẫn khó cưỡng của nó với đám CĐV Ultra thích chơi trội.
Pháo sáng bắt mắt, huyền ảo và dễ tạo nên không khí phấn khích bởi sắc màu và khói của nó. Không khó để tìm thấy những bức ảnh đẹp đậm chất bóng đá với chủ đề là pháo sáng. Tuy nhiên, một bức ảnh suy cho cùng chỉ là một khoảnh khắc, không thể phản ánh đúng giá trị của pháo sáng, thứ cần bị cấm hoàn toàn trong bóng đá hay nơi tụ tập đông người.
Về bản chất, pháo sáng vốn dĩ được sử dụng trong quân sự và hàng hải, dùng để chiếu sáng hoặc báo tin. Thế nên pháo sáng rất… sáng và khó tắt. Để phát sáng như vậy, chúng có thể cháy ở nhiệt độ lên tới 1.600 độ, đủ để nung cả thép chứ đừng nói da thịt người. Và để lâu tắt, pháo sáng chứa rất nhiều hóa chất.
Như vậy, nếu chẳng may đứng cạnh một quả pháo sáng phát nổ, bạn sẽ bị ảnh hưởng cả thị lực lẫn hệ hô hấp. Đối với những người bị hen suyễn, khói pháo sáng hoàn toàn có thể đoạt mạng họ. Ngoài ra, có những loại pháo khi bắn thì chẳng khác gì quả tạc đạn. Đó là pháo dù.
Pháo dù chính là thứ mà những CĐV quá khích Nam Định đã dùng trên sân Hàng Đẫy và khiến một khán giả bị bỏng nặng - mà nếu cần từ để mô tả chính xác mức độ của vết bỏng thì phải là “cháy tới xương” - ở trận đấu hôm 11/9 vừa qua.
Vận tốc tối đa mà trái pháo này có thể đạt được lên tới hơn 100km/h, tức ngoài việc bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, ánh sáng và hóa chất, một trái pháo trời giáng hoàn toàn có thể rơi trúng bạn mà bạn chẳng thể tránh né với một sức mạnh có thể hạ gục một con bò tót.
Đã qua vài thập kỷ, nhận thức của một bộ phận NHM Việt Nam với pháo sáng dường như chưa có gì thay đổi. Thứ "vũ khí" phát cháy tới nhiệt độ 1.600 độ C, thậm chí có loại lên tới 3.000 độ C vẫn được cầm ngang nhiên không khác gì một công cụ cổ vũ bóng đá thân thiện như kèn trống vào sân. Từ vài quả “đốt cho vui” đến một "bữa tiệc khí thế" khắp khán đài đỏ rực pháo sáng đều đã được thực hiện.
Tuy nhiên, pháo sáng không phải thứ đồng hành với bóng đá Việt Nam ở mọi giai đoạn. Bóng đá thời A1 hay giải VĐQG hoàn toàn không có bóng dáng của pháo sáng. Chỉ đến khi bóng đá chuyển đổi thành chuyên nghiệp với cái tên V.League, pháo sáng manh nha xuất hiện, ở chính mảnh đất mà bây giờ mệnh danh là “kinh đô pháo sáng”: Hải Phòng.
Với vị trí địa lý là một cảng biển, nơi tập kết rất nhiều hàng hóa, không khó để những thùng pháo sáng đầu tiên có mặt ở thành phố Hoa phượng đỏ để rồi trình làng trên sân Lạch Tray và sau đó theo chân CĐV đất Cảng đến những sân bóng trên cả nước.
Những CĐV cuồng nhiệt của mảnh đất tràn trề tính sức mạnh này bị mê hoặc bởi những màn cổ vũ “rợp trời ánh sáng và khói pháo sáng” mà đám hooligan phương Tây, Nam Mỹ thường thể hiện. Và những CĐV manh động Hải Phòng cũng tập dần hành vi đốt pháo sáng như một hình thức cổ cũ.
Hành động này từ tự phát dần trở thành trào lưu thịnh hành, đến mức Hải Phòng còn xuất hiện những nhân vật nổi tiếng chơi pháo sáng như Hoàn “pháo” (Trần Văn Hoàn), một trong những CĐV nổi tiếng nhất đất Cảng được cả nước biết mặt, biết tên.
Đại gia "mũ cối" này đam mê chơi pháo đến mức mang pháo sáng đi đốt khắp các SVĐ cả nước. Kể cả khi bị phạt tới hàng trăm triệu, Hoàn “pháo” vẫn giữ thói quen này, thậm chí không chỉ đốt một mình mà ông còn đem chia cho CĐV đối thủ đốt cùng cho "xôm".
Người như Hoàn “pháo” ngày xưa là điển hình, giờ lại đông như “quân Nguyên”. Ngay chính kẻ phóng pháo dù trên sân Hàng Đẫy là một ví dụ. Nghi phạm Vũ Trung Trực cho thấy anh ta đã mua trên mạng được 2 quả pháo dù và 18 quả pháo sáng và đem hết đến sân để cổ vũ “đội nhà”. Không chỉ đốt một mình, anh ta còn vừa bán, vừa cho người khác để đốt cùng.
Sự xuất hiện của những kẻ như Vũ Trung Trực trong bóng đá, không thể phủ nhận được rằng, nó xuất phát từ “niềm cảm hứng Hải Phòng”, với những người như Hoàn “Pháo” mở lối tiên phong trong nhận thức, rằng dân Hải Phòng đi cổ động thì không thể thiếu pháo sáng.
"Thật khó để nói phải trái về pháo sáng. Tôi nghĩ là mọi thứ vẫn ổn nếu các CĐV không ném chúng qua lại hay quẳng xuống sân. Nếu không ai bị thương và chỉ có khói thôi thì tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì cả. Việc đốt pháo thể hiện niềm vui của các cổ động viên", tiền đạo Errol Stevens khoác áo Hải Phòng trong giai đoạn 2014-2018 nhớ lại.
"Những gì CĐV làm đều khiến các cầu thủ cảm thấy tốt hơn. Nếu một ngày đến Lạch Tray mà không có CĐV, tôi sẽ chẳng có chút cảm xúc nào mà thi đấu cả. CĐV ở nhiều nơi trên thế giới cũng đốt pháo sáng và tôi nghĩ điều đó thật tuyệt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu họ không ném chúng lung tung hoặc vào người khác".
Chia sẻ “mộc mạc” của Stevens nói lên nhận thức đơn giản của một bộ phận không nhỏ cầu thủ và CĐV về thứ sản phẩm quân trang nguy hiểm mà họ vẫn đốt ở mỗi trận đấu. Tất cả chỉ nghĩ về niềm vui, còn cách kiểm soát niềm vui thì chẳng ai quan tâm.
Từ "thủ phủ" Hải Phòng, pháo sáng lan nhanh khắp cả nước. Các sân đấu ở Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội và cả Sài Gòn đều đã ghi nhận cảnh tượng phấn khích này. Trước đây, phải là "đại gia" để mua được pháo sáng, nhưng giờ giá pháo sáng bình dân đến mức ai cũng mua được.
Mỗi thùng pháo sáng có 10 hộp. Mỗi hộp có 6 quả. Mỗi quả cháy trong vòng 40 giây đến 1 phút. Pháo sáng có 2 loại, một loại pháo đỏ và một loại pháo vàng. Giá một thùng khoảng 5 triệu rưỡi. Nếu mua lẻ thì 100.000 đến 110.000 đồng/quả.
Giá thành đã rẻ, phương thức mua còn dễ dàng. Chỉ cần một vài thao tác trên Google là sẽ có ngay SĐT của một nhà “phân phối”. Tiền trao, cháo múc, rồi đem đến sân. Đó chính là cách thức mà nghi can Vũ Trung Trực có pháo sáng và đem đến sân Hàng Đẫy hôm 11/9 đã đề cập ở trên.
Hậu quả đến nhanh chóng và trực diện. Hãy nhìn vào danh sách của một vài trường hợp BTC các sân bị phạt vì nhóm CĐV quá khích đốt pháo sáng Hãy nhớ, đây mới chỉ là hậu quả của một nhóm CĐV. Còn trên bình diện toàn V.League, con số trọn vẹn lớn gấp nhiều lần. Tính từ năm 2015, V.League đã chứng kiến tới 60 án phạt từ Ban kỷ luật VFF dành cho BTC trận đấu vì nạn pháo sáng. Ban kỷ luật VFF đã “thu” tổng cộng 2 tỷ 195 triệu đồng tiền phạt từ các án phạt liên quan đến pháo sáng của các BTC sân.
Theo thống kê tính đến vòng 22 V.League 2019, tổng cộng 6 án phạt liên quan đến việc CĐV đốt pháo sáng trên sân được Ban kỷ luật VFF ban hành cho các BTC sân. Trong đó SVĐ Hàng Đẫy nhận nhiều án kỷ luật nhất với 3 lần phải nộp phạt.
Không lạ khi BTC sân Hàng Đẫy bị phạt nhiều nhất khi số tiền lên tới 645 triệu đồng, xếp sau lần lượt là Hải Phòng với 380 triệu đồng và Nam Định 235 triệu đồng. Có thể ở đây chúng ta sẽ thấy nghịch lý: CĐV Hà Nội rất hiếm khi đốt pháo sáng nhưng sân Hàng Đẫy lại đứng đầu danh sách nộp tiền phạt.
Vì sao? Có thể do nguyên nhân các đội Nam Định, Hải Phòng ghét đội bóng của bầu Hiển nên cứ nhè sân Hàng Đẫy để mang pháo sáng đến “gây án” chăng? Bởi họ biết, dù CĐV Hà Nội không đốt pháo nhưng CLB Hà Nội không thể vô can. Họ bị liên đới nhưng cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Đi tìm người chịu trách nhiệm cao nhất sẽ là một câu chuyện dài, chỉ biết phạm vi của những sai phạm này đã vượt quá lãnh thổ Việt Nam. Vụ việc nữ CĐV Hà Nội bị trọng thương vì pháo dù mới đây trên sân Hàng Đẫy đã lan khắp các mặt báo quốc tế.
Chúng ta, đáng buồn thay, thêm một lần nữa, lại nổi tiếng vì pháo sáng. Trước đó, hành vi đốt pháo sáng khiến VFF tốn tiền không ít. Năm 2017, AFC đã phạt VFF 10.000 USD vì để CĐV đốt pháo sáng trong trận Campuchia thua Việt Nam 1-2 trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019.
Ngày 10/10/2018, AFC ra án phạt VFF 12.500 USD cũng vì pháo sáng. Đó là trận bán kết ASIAD 18 nơi Việt Nam thua Hàn Quốc 1-3 ở Indonesia, pháo sáng một lần nữa lại được các CĐV nước ta đốt trên khán đài.
Gần đây nhất, ngày 15/5/2019, VFF tiếp tục nhận liền 2 án phạt cũng do pháo sáng. Cụ thể, AFC phạt VFF tổng số tiền 39.500 USD vì để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình ở 2 trận Việt Nam gặp Indonesia (13.750 USD) và Thái Lan (25.750 USD) trong khuôn khổ vòng loại U23 châu Á.
Quan trọng nhất, AFC cũng phát đi cảnh báo, đây là lần thứ 4 VFF không thể kiểm soát tình hình và để CĐV đốt pháo sáng trong sân. Nếu tình trạng này còn xuất hiện thì AFC sẽ phạt nặng hơn nữa.
Sau khi đã phóng quả pháo dù lao vun vút như một viên đạn chống tăng hay xoè diêm đốt ngòi pháo sáng, những kẻ đốt pháo có nghĩ gì đến hậu quả mà họ gây ra cho người khác và bóng đá hay không? Vết bỏng trên đùi nữ CĐV rồi cũng sẽ lành sau bao phẫu thuật đau đớn nhưng sự sợ hãi của chị về bóng đá là không thể xoá nhoà.
Những án phạt mà VFF phải chịu từ AFC, FIFA rồi cũng sẽ được đóng đầy đủ nhưng hình ảnh bóng đá Việt Nam sẽ xấu đi rất nhiều trong mắt của quan chức các tổ chức bóng đá, những người có quyền cân nhắc việc giao Việt Nam tổ chức một sự kiện hay một giải bóng đá nào đó.
Và nếu ở những trận tiếp đón ĐT Malaysia, Thái Lan tới đây ở Vòng loại World Cup 2022 pháo sáng lại xuất hiện, liệu chúng ta có dính án phạt phải thi đấu trên một sân Mỹ Đình vắng không một bóng khán giả hay phải thi đấu trên sân trung lập hay không?
Những điều đó hoàn toàn có thể xảy ra bởi FIFA gìn giữ hình ảnh World Cup hơn cả giữ gìn con ngươi, họ không muốn cỗ máy in tiền siêu lợi nhuận này bị bôi bẩn bởi bất cứ sự cố nào, ví dụ như bạo lực, pháo sáng… Chơi pháo sáng rõ ràng là chơi với lửa, ánh lửa có thể lung linh nhưng nguy cơ bị bỏng là rất cao.
Bình luận