PSG VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM
Năm 2011, QIA mua lại 70% cổ phần, trở thành ông chủ PSG, và đại diện của thủ đô Paris lập tức trở thành một thế lực mới, không chỉ trong làng bóng Pháp mà ở cả châu Âu. Ngay mùa đầu tiên diễn vai “ông kẹ”, PSG đã đoạt vị trí Á quân Ligue 1 (2012).
Và cũng chỉ cần đến mùa kế tiếp là họ đoạt chức VĐQG. Sức mạnh tổng thể của PSG khi ấy được khẳng định bởi thành tích vào đến tứ kết Champions League mùa bóng 2012/13. Mùa này, PSG lại đang dẫn đầu giải VĐQG một cách vững chắc. Và họ coi như cũng đã lấy vé vào vòng tứ kết Champions League, dễ dàng và ổn định hơn so với mùa trước sau màn hủy diệt Leverkusen tới 4-0 ngay trên sân đối thủ.
Các ông chủ Ả Rập hẳn phải gật gù khoái trá khi nhìn vào thành quả từ sự đầu tư của họ? Thậm chí, họ phải mơ đến danh hiệu vô địch Champions League? Không hề, và đấy mới là điều quan trọng để giới hâm mộ bóng đá Paris yên tâm về sự phát triển căn cơ của PSG.
Một mặt, QIA đề ra mục tiêu trở thành đội bóng hàng đầu châu Âu, và PSG có hẳn một kế hoạch 5 năm để từng bước thực hiện mục tiêu ấy. Mặt khác, với những gì đã diễn ra trong vòng chưa tới 3 năm đầu tiên, những ai quan tâm đến PSG hẳn đều có thể thống nhất nhận định: PSG có khả năng tranh ngôi vô địch Champions League trong một tương lai rất gần. Thế là đủ!
Mùa trước, họ suýt loại Barcelona ở vòng tứ kết. Mùa này, họ coi như đã có vé vào vòng tứ kết dù chỉ mới đá xong trận lượt đi vòng 1/8, trên sân đối phương! Nhưng PSG chưa có đủ kinh nghiệm cần thiết để tranh chấp ngôi cao. Trong lực lượng hiện thời, chỉ có Thiago Motta và Alex từng dự trận chung kết Champions League (và họ đều chỉ ngồi ghế dự bị).
Ngay cả Ibrahimovic hoặc Edinson Cavani cũng đều chưa biết thế nào là một trận chung kết Champions League. Và nếu chỉ có Cavani, Ibra, hoặc Motta là đáng kể, thì rõ ràng PSG vẫn cần tiếp tục tăng cường lực lượng để sánh vai với các siêu CLB ở châu Âu.
Đây là việc làm không thể diễn ra chỉ trong một sớm một chiều, nhất là khi UEFA đã từng bước triển khai quy định công bằng tài chính. Thủ môn và các cầu thủ đá cánh của PSG hiện nay vẫn chưa vươn đến đẳng cấp ngôi sao châu Âu. Đấy chỉ là vài ví dụ nhỏ.
Nhưng đấy đều là những vấn đề có thể thay đổi, và sự thay đổi hoàn toàn nằm trong khả năng của Laurent Blanc - một HLV có cả danh tiếng lẫn kinh nghiệm. PSG hoàn toàn không bị hụt hẫng khi Blanc bước lên thế chỗ một Carlo Ancelotti ra đi vì tham vọng cao chứ không phải vì nguyên nhân bị sa thải. Nhìn từ lực lượng cầu thủ đến HLV, chúng ta thấy rõ: PSG không nháo nhào mua sắm một cách ầm ĩ, theo kiểu chỉ cốt nổi đình nổi đám.
Điều quan trọng khiến Man City khác hẳn PSG chính là: trong mọi hoàn cảnh, chẳng bao giờ HLV lại không phải chịu áp lực nặng nề.
MAN CITY LUÔN RỐI RẮM
Những bước tiến “chậm mà chắc” của PSG trông thật tương phản với sự bất ổn, khó lường của một đại gia ỷ tiền khác trong làng bóng đỉnh cao là Man City . Giả sử Man Xanh” cũng đề ra một “bản kế hoạch 5 năm” để từng bước tiến lên đỉnh cao châu lục như PSG, thì kế hoạch ấy bây giờ đã khép lại.
Đã gần 6 năm trôi qua kể từ khi Abu Dhabi United Group trở thành chủ sở hữu của Manchester City vào năm 2008. Và hãy xem, Man City để lại được dấu ấn nào ở đấu trường Champions League trong thời kỳ mới?
Ở mùa đầu tiên sau khi đổi chủ, Man City đã chuyển nhượng đình đám, chi hơn 100 triệu bảng để mua sắm lực lượng, nhưng họ chỉ đứng giữa BXH ở Premier League. Đến mùa kế tiếp, Man City vẫn không lấy được vé dự Champions League.
Còn khi có vé, Man City lập tức bị loại ngay sau vòng bảng, trong 2 mùa bóng liên tiếp ở Champions League. Mùa này, họ đã vượt qua vòng bảng, nhưng chắc không thể tiến xa khi đã thua Barcelona 0-2 ngay tại sân nhà trong trận knock-out đầu tiên.
HLV Jose Mourinho bình luận: “Đây là một Barcelona kém nhất trong vòng nhiều năm”. Có thể ông chỉ nói vậy để chơi khăm Man City, nhưng cũng không thật quá đáng, khi rất nhiều người đồng tình rằng Barcelona bây giờ chẳng còn mạnh mẽ như trước.
Còn theo Dietmar Hamann, cựu danh thủ từng khoác áo Man City, thì dù có vẻ suy yếu, Barcelona vẫn hơn hẳn Man City về mặt đẳng cấp. Giới hâm mộ Man Xanh có buồn đi nữa, cũng phải chấp nhận thực tế đúng là như vậy. Với một đội bóng có lực lượng hùng mạnh nhất Premier League, thất bại hẳn đến từ khâu điều hành.
Đành rằng Man City cũng đã 1 lần đăng quang ở Premier League. Nhưng đáng lẽ phải tiến xa hơn từ bệ phóng ấy thì Man City lại thất bại ở vòng bảng Champions League. Và tệ hơn, trong vai ĐKVĐ Premier League, Man City thua cả Wigan - một đội rớt hạng - ở trận chung kết Cúp FA 2013.
Những chi tiết như vậy cho thấy dù là thành công hay thất bại, vẫn khó cho rằng Man City là một đội mạnh căn cơ, ổn định. Làm sao có thể cho là căn cơ, ổn định, khi Man City sa thải Roberto Mancini chỉ gần 1 năm sau khi chính ông đưa họ lên ngôi vô địch Premier League 2012!
Trước Mancini là Mark Hughes - một HLV xưa nay chỉ quanh quẩn ở đẳng cấp trung bình trong làng bóng Anh. Thế chỗ Mancini là Manuel Pellegrini, với bản lĩnh cầm quân đã được thể hiện qua cách chơi, và cả cách chọn người, trong trận thua Barcelona vừa qua.
Công bằng mà nói, không thể bảo Pellegrini là HLV tồi. Nhưng quan điểm của ông quá khác so với Mancini, và Mancini thì cũng khác xa về mọi mặt so với Hughes. Man City khó mà ổn định lực lượng, lối chơi, cũng khó tạo nên dấu ấn với những sự nối tiếp như vậy.
Nhìn về tương lai, Man City thậm chí còn có nguy cơ sụp đổ, bởi bất cứ lúc nào họ cũng có thể lãnh đòn trong trò chơi chính trị của UEFA. Ít ai thực sự hiểu rõ cái quy định công bằng tài chính cực kỳ phức tạp mà UEFA đã và đang triển khai. Trước mắt, Man City đã rơi vào tầm ngắm, do bị quá nhiều CLB tố cáo là không tuần thủ quy định này.
UEFA mà cần một con dê trắng làm vật tế thần, để cả châu Âu phải sợ và tuân thủ quy định công bằng tài chính của họ, thì Man City luôn là đối tượng thích hợp. Tiền tỷ từ Trung Đông đổ vào đội này xem ra chỉ để làm cho mọi chuyện luôn rối rắm và phức tạp!
Chỉ cần bảo vệ được ngôi vô địch Ligue 1 và tiến thêm một bước so với Champions League năm ngoái, tức chỉ cần vào bán kết, PSG đã có quyền ăn mừng một mùa bóng thành công. Vào được chung kết Champions League - tùy may rủi nữa - thì quá mỹ mãn. Nhưng tóm lại, sẽ chẳng có áp lực nào.