SUAREZ: CÚ CẮN THẾ KỶ
Pha “cẩu xực” của Luis Suarez dành cho Giorgio Chiellini là một trong những tai tiếng lớn nhất trong lịch sử World Cup. Cả thế giới đều biết chuyện gì đã diễn ra tại Natal hôm 24/6/2014, sự hiếu kỳ còn lan đến tận những người không thích bóng đá.
Trong nhiều ngày sau scandal ấy, hầu như ai cũng nói về Suarez, anh trở thành đề tài chính cho tất cả. Thậm chí diễn biến của các trận đấu tại vòng knock-out cũng bị lu mờ trước diễn biến của sự việc. Rất nhiều người nguyền rủa anh, nhưng cũng không ít người bảo vệ anh. Trong đó có cả Tổng thống Uruguay Pepe Mujica, người bảo rằng không có một cảnh quay nào thật sự chứng thực cho hành vi xâm hại của Suarez. Tất cả chỉ là một chiến dịch ganh ghét chống lại Suarez mà thôi.
Một số khác lại cố đẩy vấn đề đi xa hơn, khẳng định hành động của Suarez là dấu vết của một tuổi thơ bất hạnh. Các báo Anh vốn đã ác cảm với Suarez là những kẻ chỉ trích hăng hái nhất. Họ gọi anh là vai chính của phim “Hàm cá mập”, họ kêu gọi FIFA hãy phạt thật nặng “con quái vật”.
Pha cắn Chiellini ở World Cup 2014 để lại nhiều hệ lụy cho Suarez
11 giờ sáng ngày 26/6/2014, FIFA ra thông báo chính thức về án phạt. Suarez bị treo giò 9 trận quốc tế, đồng thời bị cấm hoạt động bóng đá trong 4 tháng, nộp phạt 100.000 franc Thụy Sỹ. Tiểu ban kỷ luật khép anh vi phạm điều luật thứ 48 về lỗi hành vi. Án phạt có hiệu lực ngay lập tức, nghĩa là Suarez sẽ phải rời khu tập trung của đội ở Sete Lagoas.
Trước đây chỉ có một lần FIFA ra án phạt sau khi xem xét lại kỹ lưỡng băng ghi hình. Đấy là năm 1994, trận tứ kết World Cup giữa Italia và Tây Ban Nha, hậu vệ Mauro Tassotti giật chỏ vào mặt Luis Enrique, làm vỡ mũi cầu thủ này ngay trên sân nhưng không bị trọng tài truất quyền thi đấu. Italia đi tiếp vào bán kết, nhưng Tassotti phải thụ án treo giò 7 trận.
Khi tin tức về án phạt được đưa ra, Montevideo tỏ ra cực kỳ phẫn nộ. Không một ai ở Uruguay chờ đợi người hùng của họ lãnh án phạt nặng nề nhất trong lịch sử World Cup. Ngay cả bên ngoài Uruguay, người ta cũng nghĩ đấy là một án phạt quá nặng. “Suarez đã giết ai ư? Đây là bóng đá, mà bóng đá thì phải va chạm. Sao người ta không còng luôn anh ấy mà gửi đến Guantanamo”, Diego Maradona bức xúc. Tiền đạo Fred của Brazl thì nói: “Cầu thủ luôn bị đẩy đến giới hạn của sự chịu đựng trong những giây phút căng thẳng. Án phạt vì thế theo tôi là quá nặng và bất công”.
Đến cả “nạn nhân” Chiellini cũng đừng về phía Suarez. Anh viết trên trang cá nhân vào thời điểm ấy: “Ngay lúc này, mọi suy nghĩ của tôi dành cho Luis và gia đình của anh ấy, vì tôi biết họ đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Tôi nghĩ án phạt là quá nặng. Chí ít anh ấy cũng nên được phép ở cạnh các đồng đội của mình. Việc trục xuất có thể khiến cho mọi cầu thủ cảm thấy nổi giận”.
NEYMAR: VỤ CHUYỂN NHƯỢNG ỒN ÀO
CĐV lâu năm của Barca Jordi Cases giờ đã trở thành một trong những cule nổi tiếng nhất lịch sử. Ông là một người ủng hộ Catalan động lập, làm nghề dược sĩ ở ngoại ô Barcelona. Tên của ông sẽ gắn liền với vụ chuyển nhượng của Neymar.
Cảm thấy không thỏa đáng với những con số mà Ban lãnh đạo Barca đưa ra, Jordi Cases yêu cầu mở một cuộc điều tra tài chính. Chính ông đã khiến Chủ tịch Sandro Rosell phải từ chức vì không chịu nổi áp lực từ các thành viên. Cases đã mang Rosell ra tòa, khẳng định Rosell đã không nói lên sự thật về con số lẫn cách thức Barca đã chiêu mộ Neymar. Ông tin là con số mà CLB của mình phải trả cho Santos phải cao ít nhất là gấp đôi con số 57 triệu euro được công bố. Tiền chuyển nhượng được chia làm tư, cho 4 công ty giữ bản quyền sở hữu hình ảnh của Neymar gồm: DIS, Teisa, công ty N&N của ông bố Neymar và cuối cùng là CLB Santos.
CĐV lâu năm của Barca Jordi Cases, người đã phanh phui
vụ chuyển nhượng rắc rối của Neymar
Chủ tịch Florentino Perez từng thừa nhận là ông đã bỏ qua cơ hội tuyển mộ Neymar vì đối tác đòi đến 150 triệu euro. Tòa án Barcelona vào cuộc, đề nghị FIFA công bố chứng từ mà họ đã nhận để thông qua vụ chuyển nhượng đình đám này. Trước áp lực, Rosell từ chức. Josep Maria Bartomeu lên làm Chủ tịch tạm quyền và sau đó trúng cử sau cuộc bầu cử Chủ tịch chính thức. 24 giờ sau khi Rosell từ chức, con số chính thức cũng được hé lộ. Đó là 86,2 triệu euro, chưa tính tiền lương. Trong đó 57,1 triệu euro là chi phí chuyển nhượng, phần còn lại là “phụ phí”.
Thế nhưng ít lâu sau đó, tòa án lại truy cứu Barcelona, khẳng định họ vẫn còn chưa đóng hơn 9 triệu euro tiền thuế. Một mặt Barca khẳng định sự vô tội, mặt khác họ âm thầm nộp 13,5 triệu euro tiền thuế bổ sung. Sau một đêm, tổng số tiền chuyển nhượng của Neymar đội lên trên 100 triệu euro, biến anh thành cầu thủ cao giá nhất lịch sử. Người ta còn đặt cho scandal này là “Neymargate”.
MESSI: TAI TIẾNG TRỐN THUẾ
Số 10 của Barcelona được xem là hình mẫu ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ cho đến khi scandal trốn thuế của anh bị phanh phui. Ngày 27/10/2013, Leo buộc phải xuất hiện ở phiên tòa tại Gava, cách Barcelona 20 km để giải trình vì 3 nghi vấn thuế vụ từ 2007 đến 2009.
Ông bố của Messi đã chia nhỏ quyền sở hữu hình ảnh của con trai mình ra cho nhiều công ty, trong đó có những công ty đặt trụ sở ở tận Belize hay Uruguay. Vì thế những thu nhập tư các công ty như Adidas, hay thậm chí là cả từ Barcelona đã không được trừ thuế đúng mức. Các công tố viên tin là Messi và gia đình đã giấu đi một mức thu nhập khoảng 10 triệu euro, tức là 4,1 triệu euro tiền thuế.
Messi dính phải scandal trốn thuế khó bào chữa
Chiến lược bảo vệ của gia đình Messi là khẳng định trước tòa anh hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề giấy tờ tài chính, mà toàn bộ do ông bố Jorge của anh đảm nhiệm. Đến ngày 16/12/2013, tờ El Mundo nêu ra một thông tin chấn động: ông bố của Messi bị điều tra vì đã rửa tiền cho bọn buôn ma túy. Tờ báo tin rằng những trận đấu dưới danh nghĩa: “Messi và những người bạn” chính là nơi được bọn buôn ma túy cỡ bự xem như một cách rửa tiền. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng lên tiếng phủ nhận việc họ đã nhận được tiền từ thiện từ các trận đấu của Messi như đã hứa.
Tháng 10/2014, tòa áo Barcelona bác bỏ sự bảo vệ của gia đình Messi. Họ khẳng định Messi cũng phải chịu trách nhiệm trong việc trốn thế chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho ông bố. Gia đình Messi cũng đã phải nộp lại 5 triệu euro tiền thuế bổ sung, như một cách gián tiếp thừa nhận là mình đã vi phạm.
Đấy mãi mãi là một vết nhơ lớn trong sự nghiệp ngỡ như là toàn bích của Messi.
(Còn nữa)