CHẲNG SỢ GÌ NGOÀI SỢ MẤT QUẢNG CÁO
David Beckham đã chính thức giải nghệ sau vài tháng khoác áo PSG trong nửa cuối của mùa bóng 2012/13 và đã dùng toàn bộ tiền lương ở PSG để làm từ thiện. Nhưng anh vẫn cứ là cầu thủ có thu nhập cao nhất thế giới trong năm 2013. Thu nhập 47,2 triệu USD của Beckham chủ yếu đến từ các hợp đồng quảng cáo, và đấy là con số vượt xa so với thu nhập của các ngôi sao bóng đá có mức lương cao nhất thế giới hiện nay.
Chúng ta hiểu ngay, các ngôi sao thể thao hàng đầu thế giới sợ nhất điều gì. Họ không sợ thất bại, không sợ bị trừ lương vì vi phạm kỷ luật, thậm chí cũng chẳng sợ bị treo giò đến nỗi không được thi đấu. Tất cả đều sẽ trở nên ổn thỏa nếu các hợp đồng quảng cáo của họ vẫn không sứt mẻ. Mà trong đa số trường hợp, scandal tình ái hễ đã bị báo giới phanh phui thì lập tức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp đồng quảng cáo của các ngôi sao.
Rooney thiệt hại hàng triệu USD khi Nike tạm ngừng hợp đồng quảng cáo
vì anh vướng vào scandal gái gọi năm 2010
Hồi Wayne Rooney vướng vào scandal gái gọi (tháng 9/2010), anh đang lĩnh mức lương 100.000 bảng/tuần, tức 5,2 triệu bảng/năm ở CLB M.U. Nhưng thu nhập của Rooney khi ấy lại là 15 triệu bảng/năm. Có nghĩa các nguồn thu khác của Rooney còn cao gấp đôi so với mức lương vốn đã rất cao của anh.
Nhà xuất bản Harper Collins hoặc thương hiệu trò chơi điện tử EA Sports khi ấy tuyên bố vẫn ủng hộ Rooney. Nhưng 2 nhà tài trợ lớn nhất của anh là hãng Nike và Coca-Cola lập tức tạm ngưng hợp đồng quảng cáo.
Không lâu sau, Tiger Beer cũng theo gương Nike và Coca-Cola, cắt hợp đồng quảng cáo, khiến thu nhập của ngôi sao bóng đá số 1 nước Anh giảm hẳn. Trong năm ấy, Rooney thất thu ít nhất 5 triệu bảng, nghĩa là thiệt hại tương đương với việc chơi bóng 1 năm không lương!
Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ. Mất mát của Ryan Giggs còn lớn hơn Rooney rất nhiều. Rio Ferdinand, John Terry, Franck Ribery... đều không thoát khỏi quy luật này. Nhưng trên hết vẫn là siêu sao Tiger Woods ở môn golf. Tính ra, Woods thất thu khoảng 20 triệu bảng vì mất các hợp đồng quảng cáo sau khi đổ bể scandal “nghiện sex” hồi năm 2010.
Rất nhiều nhà tài trợ như hãng điện thoại AT&T, nước uống thể thao Gatorade, công ty tư vấn Accenture... lập tức chấm dứt hợp đồng với Woods. Nhưng, người ta biết Woods mất khoảng 20 triệu bảng là vì sổ sách rõ ràng, chứ không phải vì tuyên bố chấm dứt hợp đồng của giới tài trợ.
Vì quá thành công nên Woods phải thuê hẳn công ty IMG quản lý các hợp đồng quảng cáo. Và khi chính IMG cũng đã thất thu hàng triệu bảng tiền hoa hồng trong việc quản lý hợp đồng quảng cáo cho Woods, người ta chỉ việc làm con tính nhân đơn giản để biết Woods mất bao nhiêu.
Tiger Woods
THƯƠNG HIỆU NẰM Ở GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH
Dĩ nhiên, sự nổi tiếng và thành công về mặt chuyên môn là những chi tiết đầu tiên giúp các ngôi sao thể thao kéo giới tài trợ về phía họ. Đi sâu vào lĩnh vực quảng cáo, giới phân tích còn chỉ ra khối chi tiết quan trọng, như khả năng gây ấn tượng, nét riêng hoặc các đặc điểm đáng nhớ...
Cần lưu ý một điều, các nhà nghiên cứu luôn dễ dàng thống nhất, rằng giá trị gia đình là một trong các chi tiết quan trọng nhất làm nên thương hiệu cho một ngôi sao thể thao, trên trận địa quảng cáo. David Beckham hốt bạc chẳng phải vì anh quá xuất sắc về mặt chuyên môn, mà vì anh luôn nêu cao giá trị gia đình. Chỗ này, lại phải nhắc đến Zinedine Zidane. Anh thực sự là mẫu đàn ông của gia đình.
Thế nên, khi bùng nổ scandal tình ái thì giá trị gia đình của ngôi sao trong cuộc coi như tan vỡ, và hậu quả lớn lao là ngôi sao ấy mất luôn “thương hiệu” trên trận địa quảng cáo. Tất nhiên, ngôi sao càng nổi tiếng thì càng phải thường xuyên đối đầu với những cám dỗ.
Đấy là nguyên nhân vì sao tuyệt đại đa số hợp đồng quảng cáo đều có điều khoản liên quan đến tình huống “mất hình ảnh”, cho phép nhà tại trợ dễ dàng chấm dứt hợp đồng. Thật ra, các ông lớn như Nike hoặc Coca-Cola nào có tiếc tiền. Họ phải chấm dứt hợp đồng với các ngôi sao bê bối về tình ái để không rơi vào tình trạng phản tác dụng trong quảng cáo.
Hai năm sau khi đổ bể scandal, Tiger Woods mới văng khỏi vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng thu nhập của các ngôi sao thể thao. Đấy cũng là một chi tiết đáng lưu ý. Hậu quả đối với các “thương hiệu đã hoen ố” thường diễn ra một cách âm thầm và kéo dài, không dễ đánh giá. Với Ryan Giggs, ai mà chẳng biết anh sẽ chấm dứt sự nghiệp chỉ trong nay mai. Và chỉ đến khi Giggs giải nghệ, người ta mới thấy anh có giá trị khủng khiếp ra sao, khi ký được bản hợp đồng có thời hạn đến 20 năm, với hãng Reebok. Và khi Reebok đã hủy hợp đồng quảng cáo, liệu Giggs còn có khả năng tìm kiếm một hợp đồng khác, có giá trị tương đương?