Và Carlos Bilardo, dù được xem là một trong những HLV có ảnh hưởng lớn nhất đến nền bóng đá Argentina, làm sao có thể can thiệp được gì vào khoảnh khắc Diego Maradona dắt bóng qua cả đội tuyển Anh và ghi bàn ở World Cup 1986?
Câu trả lời là KHÔNG. Một HLV sẽ cung cấp chiến thuật thi đấu và môi trường phát huy năng lực của cầu thủ, nhưng cầu thủ ngôi sao mới là những người tạo ra khoảnh khắc thay đổi trận đấu, và thực sự có đủ năng lực chủ động để tìm kiếm chiến thắng. Nhưng bất kỳ CLB nào có ý định coi thường vai trò của HLV, chỉ vì các ngôi sao thi đấu tốt đến mức tạo cảm giác rằng họ không cần HLV, đội bóng ấy sẽ phải trả giá.
Năm 2003, sau khi đã giúp cho Real Madrid giành 2 chức vô địch Liga, 1 Champions League, 1 Siêu Cúp TBN, 1 Siêu Cúp châu Âu và 1 Cúp Liên lục địa, HLV Vicente Del Bosque điện hỏi chủ tịch Florentino Perez rằng tại sao ông chưa được gia hạn hợp đồng. Đáp lại, Perez chỉ buông gọn lỏn: “Hãy bình tĩnh, chúng tôi đang tập trung theo đuổi David Beckham”.
Thời điểm ấy, Real Madrid kỷ nguyên Galacticos 1.0 chơi hay đến mức người ta cho rằng Del Bosque là một chi tiết thừa thãi. Chủ tịch Perez thì trắng trợn tuyên bố: “Del Bosque đã có dấu hiệu mệt mỏi, và thành thật mà nói, chúng tôi không tin rằng ông ấy là HLV cho tương lai lâu dài của Real Madrid”.
Tính cách trầm lặng và không ưa phô trương bản thân đã làm hại Del Bosque, và cả Real Madrid: Từ đó đến khi trở lại với danh hiệu vô địch Liga vào năm 2007, họ đã thay tới 7 HLV trong 4 năm, bị loại ở vòng 1/8 Champions League trong 6 năm liên tiếp, từ mùa 2004/05 cho đến 2010/11.
Một HLV vĩ đại khác là Jupp Heynckes cũng đã từng bị sa thải vào cuối mùa 1997/98, sau khi giúp Real Madrid giành… Champions League. Kết quả? Họ trắng tay toàn tập cho đến khi Del Bosque được mời làm HLV của Madrid vào tháng 11/1999.
Vào thời điểm Tito Vilanova mới tiếp quản Barcelona từ Pep Guardiola, đội bóng thi đấu vẫn rất thành công, và tờ AS đã đăng một bài viết mỉa mai rằng đội bóng xứ Catalunya có lẽ không cần HLV cũng chơi tốt.
Đầu năm 2013, khi trợ lý Jordi Roura cầm quân thay Tito đi chữa bệnh và thắng một vài trận, câu nói ấy được nhắc lại. Nhưng sau này thì mọi chuyện đã rõ: Ảnh hưởng của Pep Guardiola là quá lớn, dù ông có trong tay những cầu thủ hay nhất thế giới trong khoảng 2008-2011 đi chăng nữa.
Khi Man United ở tột đỉnh của thành công một thập kỷ trước, cựu thủ môn của Quỷ đỏ là Mark Bosnich đã từng ví von rằng Man United giống như một con ngựa hay đến mức chẳng cần nài ngựa cũng thành công, có ngụ ý hạ thấp vai trò của Sir Alex Ferguson. Nhưng cho đến lúc này, thì lịch sử đã trả lời: Man United không thể thiếu Sir Alex!