Khi mà Đoàn Việt Cường còn hưởng mức lương dành cho một cầu thủ mới lên đội 1 Đồng Tháp, thì Châu Phong Hòa đã vi vu đánh chiếc xe hơi bóng loáng lướt trên đường phố Cao Lãnh. Chiếc Ford Escape của Phong Hòa được tậu năm 2005 và nó có giá lên đến 40.000 USD khiến không ít người cảm thấy “gato” với anh.
Chuyển đến B.BD năm 2009, Châu Phong Hòa tiếp tục khiến các đồng nghiệp phải “lác mắt” bởi sự hào nhoáng của một quý ông. Nhưng cũng từ đó, anh đã không còn là chính mình, đến nỗi năm 2010, người đồng hương của Đoàn Việt Cường phải “xin” rời đất Thủ để đầu quân cho Ninh Bình nhằm lấy tiền lót tay… trả nợ. Tuy nhiên, ngựa quen đường cũ, Hòa tiếp tục “sa lầy” ở đất cố đô Hoa Lư, anh gần như mất tất cả, phải lang bạt đây đó xin tập ké, xin cả giày và cả quần áo…
Cả một thời gian dài Hòa đã biến mất. Cho đến một ngày, những đồng nghiệp Việt Nam giáp mặt anh trong các trận giao hữu trên đất Campuchia. Nhưng đó không phải là Châu Phong Hòa, mà anh là Sok - Va, cái tên mà ông bầu đội Cảnh sát Phnom Penh (Campuchia) gá cho anh, nhằm biến một ngoại binh thành người Miên chính gốc.
Sok - Va đã đổi thay. Anh tự tin trở về Việt Nam với vốn liếng là cái đầu đã sạch sẽ và một đôi chân đã khỏe mạnh. Song đời vẫn không như mơ. Hòa vẫn chỉ là một tay đá phủi. Cho đến một ngày, anh quyết định trở về quê để “đốt đuốc” tìm lại chính mình.
Sau một mùa giải (2014) chơi cho đội hạng Nhất Đồng Tháp, Châu Phong Hòa đã quyết định có những ngã rẽ riêng cho mình, đó là hợp tác với những người bạn mở sân bóng đá cỏ nhân tạo ở Khu dân cư Vĩnh Lộc (Quận Bình Tân, TP.HCM). Gặp lại Phong Hòa, anh hớn hở khoe: “Tôi vẫn gắn bó với bóng đá dù chỉ là huấn luyện đội phong trào, nhưng thỏa mãn đam mê. Tôi tính vừa làm vừa đi học huấn luyện viên để mai này sẽ tiếp tục làm cái nghề mà mình yêu thích”.
Cũng theo chia sẻ của Phong Hòa: “Động lực để anh làm lại cuộc đời là nhờ sự hỗ trợ của những người bạn, đặc biệt là người bạn gái hiện tại. Vượt lên tất cả là tình yêu với trái bóng khiến tôi không thể dứt ra được”. Khi chúng tôi hỏi thăm đến người bạn thân Đoàn Việt Cường, Hòa chỉ nói rằng: “Ở Việt Nam, Cường là cầu thủ có chuyên môn xuất sắc nhưng tôi cũng lấy làm tiếc vì bây giờ cậu ấy không còn gắn bó với bóng đá nữa. Tôi gặp Cường cách đây đã vài năm, thi thoảng vẫn gọi điện xem cậu ấy thế nào nhưng chẳng thấy phản hồi…”.
Vâng, Việt Cường và Phong Hòa từng là hai trong số những cầu thủ ưu tú của Đồng Tháp, cả hai đều từng ra đi để đến với bến bờ nhung lụa và đều vấp ngã trên đường đời. Phong Hòa đã làm lại, vậy còn Việt Cường thì sao?