THOÁT NGHÈO NHỜ BÓNG ĐÁ
Cũng như bao đứa trẻ khác ở xứ Nghệ, bóng đá ngấm vào máu và khi lớn lên, có chút năng khiếu, họ khoác ba lô lên vai rời quê hương ra Vinh tìm đến bóng đá. Trương Đắc Khánh là một trong hàng trăm cầu thủ xứ Nghệ từ trước đến nay, rời quê nghèo Quỳnh Lưu ra phố thị phồn hoa với hy vọng nhờ bóng đá đổi đời.
Có năng khiếu từ nhỏ, thể hình vạm vỡ và cái chân trái khéo léo, nên khi 15 tuổi, Đắc Khánh một mình lên xe đò ra Vinh thử việc tại lò Sông Lam. Với những phẩm chất như thế, chẳng mấy chốc anh được các thầy gật đầu lịa lịa để vào ngôi nhà chung của bóng đá xứ Nghệ.
Tài năng có sẵn, Khánh “khỉ” luôn là đầu tàu, là sự lựa chọn số một nơi hàng thủ của bóng đá trẻ SLNA dự các giải “U”. Trưởng thành nhanh, Khánh là số ít cầu thủ được khoác lên mình chiếc áo vàng xứ Nghệ (đội 1) khi tròn 18 tuổi.
Đây cũng là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời anh. Từ khi lên đội một, Khánh được các đời HLV sử dụng và xem là ưu tiên hàng đầu cho đội hình xuất phát. Tỏa sáng cùng SLNA, Khánh “khỉ” có tên ở các đợt tập trung đội U19 Quốc gia, U22 Quốc gia và cả sự chuẩn bị cho SEA Games 25 năm 2009 tại Lào.
Những, vinh quang đến nhanh thì sự thỏa mãn cũng kéo anh đi nhanh. Từ một cậu bé nghèo ngơ ngác, tiêu xài chắt bóp để trụ lại ở thành phố Vinh đến khi có tiền triệu, hàng chục triệu, Khánh “khỉ” như bị lóa mắt. Anh bắt đầu đua đòi ăn chơi, tiêu xài không thương tiếc.
Năm 2009, cũng vì ăn chơi đua đòi không giữ mình, Đắc Khánh bị “vỡ kế hoạch” và “lỡ SEA Games”, anh về quê cưới vợ. Hồi đó, HLV Calisto loại Khánh không phải vì lí do chuyên môn mà đơn thuần chỉ là lấy cái cớ “bị đau dạ dày”. Thực ra, anh về quê “giải quyết hậu quả”.
SUY TÀN CŨNG VÌ BÓNG ĐÁ
Những tưởng sau khi yên bề gia thất, Khánh sẽ tập trung vào sự nghiệp bóng đá. Nhưng ngựa quen đường cũ, anh lao vào cá độ, ban đầu chỉ là mấy trăm nghìn đồng cho vui, rồi đến tiền triệu, hàng chục và cứ thế, con ma cá độ ám anh theo cấp số nhân. Số tiền ngày càng nặng lên tiền tỷ, Khánh trượt dài.
Đỉnh điểm là World Cup 2010, anh bị “âm” tiền độ hàng tỷ đồng, trong khi số tiền lương và lót tay ở CLB không trang trả đủ. Khánh trở thành con nợ của các chủ nợ. Anh vi phạm kỷ luật, trốn tập vì không dám bén mảng tới sân Vinh vì sợ giang hồ đòi nợ, kẻ thù cắt gân. Khánh trốn biệt tăm một thời gian.
Thời gian sau, được HLV Hữu Thắng cùng các đồng đội an ủi và động viên, Khánh trở lại và quyết tâm làm lại. Anh được giới thiệu ra Ninh Bình đầu quân ở mùa giải 2011 để hòng kiếm ít tiền lót tay trả nợ. Nhưng ngoài bóng đá, anh còn vắt kiệt sức với các cuộc ăn chơi xuyên màn đêm. Không đủ thể lực, Khánh “khỉ” không còn là chính mình trên sân bóng, mỗi trận đấu chỉ chạy chưa được 60 phút anh đã hết “pin”.
Sự nghiệp bóng đá của cầu thủ sinh năm 1987 này suy tàn từ đó. Anh bỏ mặc bóng đá, trốn về quê mưu sinh với nghề nhôm kính, lắp rạp đám cưới… Là một người đầy nghị lực, Khánh “khỉ” không chịu khuất phục. Dù đồng lương của thợ nhôm kính chỉ tính bằng trăm ngàn nhưng anh vẫn chịu làm. Chỉ tội cho Khánh, nó quá nhỏ so với những gì anh đang nặng gánh trên vai.
KHAO KHÁT TRỞ LẠI
Bẵng đi một thời gian, người ta không biết tung tích gì về Đắc Khánh. Chính xác hơn, các đồng đội, đàn em và cả các HLV cũng không muốn dính vào Khánh. Bởi những gì anh gây ra khó chuộc lỗi. Mới đây, người ta thấy Khánh xuất hiện ở sân phủi đá giải bóng đá phong trào ở Nghệ An. Khánh thuộc biên chế của đội FC Thành Cổ cùng với Quốc Vượng và một số cựu ngôi sao khác.
Hỏi ra, Khánh kể: “Tôi bây giờ ngoài làm công nhân thì bóng đá phủi vẫn là niềm vui nhỏ nhoi. Muốn trở lại với bóng đá đỉnh cao lắm nhưng không ai nhận. Vì mình đã mang lỗi quá lớn nên không biết đứng dậy từ đâu, chuộc lỗi như thế nào”.
Một vài tâm sự ngắn rồi anh lại biến mất tăm khi người viết chưa kịp lấy thông tin liên lạc. Cái cách mà Khánh “khỉ” lặn nhanh cũng giống như cách anh đã sống chui nhủi trong 3 năm qua.
Số ít người biết Khánh và cũng là đồng nghiệp công nhân của anh tại Quỳnh Lưu, Vinh cho biết. Khánh bây giờ tu chí rồi, làm được đồng nào đều dành dụm báo ơn cha mẹ. Ngoài công việc bốc vác, thợ hàn xì… anh luôn tìm đến bóng đá phủi để tìm niềm vui với bóng đá.
Rõ ràng, “đánh người chạy đi không đánh người chạy lại”. Đắc Khánh đang rất muốn trở lại nhưng với biến cố quá lớn, anh chưa thể tìm được điểm tựa để đứng lên làm lại. 27 tuổi so với bóng đá là sự nghiệp chín muồi. Nhưng nếu biết cố gắng đứng lên, những hi vọng vẫn còn chờ Khánh “khỉ”.
Học đòi thành hư
Những bậc đàn anh, đồng đội của Khánh một thời bây giờ đều trở thành sao số vì họ biết tu chí và không sa ngã vào đỏ đen. Một trung vệ tâm sự: “Thằng Khánh rất tài năng nhưng vì nó đua đòi quá. Món nào cũng biết rồi thành hư và đánh mất cả tương lai”.
Hạnh phúc tan vỡ
Bố mẹ và người thân khi thấy Khánh lập gia đình, những tưởng anh sẽ tu tâm với điểm tựa là vợ và con. Song cũng vì “ma cá độ”, gia đình tan vỡ, vợ Khánh một mình ôm con về ngoại sinh sống. Gia đình hai bên muốn hàn gắn hạnh phúc nhưng cũng vì nợ nần và thói ăn chơi đua đòi, hạnh phúc của anh biến mất. Bây giờ, thời gian rảnh, Khánh chỉ có thể đến thăm con nhưng hi vọng nối lại tình xưa hầu như không còn.
Cựu hậu vệ Trương Đắc Khánh
Gánh nặng của bố mẹ
Gia đình Khánh thuộc diện nghèo ở Quỳnh Lưu. Bố mẹ anh không có nghề nghiệp ổn định mà chỉ là dân cửu vạn. Số tiền lúc anh đá bóng thăng hoa không mang về cho bố mẹ được nhiều nhưng khi anh lâm vào nợ nần, bố mẹ đã phải hy sinh cả đất đai, nhà cửa, tiền tiết kiệm để trả nợ cho anh. Những bấy nhiêu không đủ với số nợ quá lớn.