Bóng Đá Plus trên MXH

Thu nhập của cầu thủ bóng đá nữ: 'Bán thân' mới mong có được nhiều tiền
06:28 ngày 09/07/2015
Bóng đá nam được được coi trọng hơn bóng đá nữ và cầu thủ nam cũng được hưởng mức đãi ngộ cao hơn các nữ đồng nghiệp. Đó là phân biệt đối xử của thế giới với bóng đá nữ bấy lâu.
    Song, bạn có ngạc nhiên nếu biết rằng nữ cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới có thu nhập không hề thua kém một ngôi sao Premier League? Tuy nhiên, đó là những trường hợp có cơ hội “bán thân” cho quảng cáo...

    HIỆN TƯỢNG ALEX MORGAN
    Alex Morgan, niềm cảm hứng của ĐT Mỹ và là ngôi sao lớn nhất trong hành trình chinh phục chức VĐTG thứ ba của bóng đá nữ nước này, có thu nhập 3 triệu USD (1,9 triệu bảng) mỗi năm, phần lớn là từ các hợp đồng tài trợ và quảng cáo.

    Số tiền đó giúp tiền đạo 25 tuổi đang chơi cho CLB Portland Thorns này sánh ngang với những đồng nghiệp nam có thu nhập trung bình ở giải đấu giàu có nhất hành tinh: Premier League của Anh, dù vẫn còn kém xa những người ở tốp đầu của danh sách kiếm tiền, vào khoảng 13 triệu bảng mỗi năm.

    Sự nổi tiếng của Morgan ở Mỹ giúp cô kiếm được hơn 30 lần so với thu nhập trung bình mỗi năm của những nữ cầu thủ hàng đầu nước Anh, vào khoảng 65.000 bảng, như với đội trưởng CLB nữ Man City và ĐT Anh Steph Houghton.

    Trong tổng thu nhập của ngôi sao người Mỹ, khoảng 3 triệu euro (1,9 triệu bảng) là từ các hợp đồng tài trợ. Sau khi giúp ĐT Mỹ vào chung kết World Cup 2011 và giành HCV Olympic 2012, cô nhanh chóng trở thành nhân vật số 1 của bóng đá nữ Mỹ và giờ cô đã là đối tác của các thương hiệu hàng đầu nước Mỹ và thế giới như Nike, Coca-Cola, McDonald’s, Nationwide Insurance và Tampax.


    Morgan cũng kiếm được khoảng 180.000 USD (117.000 bảng) từ việc thi đấu cho ĐTQG Mỹ. Không giống như phần lớn các nước khác, các CLB Mỹ không trả lương cho cầu thủ nữa sau khi mùa giải kết thúc và nếu ĐT Mỹ muốn sử dụng họ, ĐT Mỹ sẽ phải trả lương.

    Sau khi Mỹ giành chức vô địch World Cup nữ các năm 1991 và 1999, bóng đá trở thành một môn thể thao rất phổ biến với nữ giới ở đây, giúp các cầu thủ như Morgan có thể nhanh chóng trở thành triệu phú, theo lời Dan Levy của hãng tư vấn thương mại và truyền thông Wasserman Media Group.

    “Ở Mỹ hàng triệu bé gái chơi bóng đá khi còn rất nhỏ, và các bà mẹ cho con cái chơi bóng đá giờ là những người tiêu dùng có tiếng nói đầy ảnh hưởng. Sức mua của phụ nữ và tầm quan trọng của bóng đá khiến các ngôi sao giờ có sức hút lớn hơn hẳn. Nhiều cô gái chơi bóng đá không trở thành chuyên nghiệp thì sau này cũng là những khách hàng mục tiêu quan trọng khi họ thành công trên đường đời, trở thành các giám đốc, bác sĩ, kỹ sư…”, Levy phân tích. 

    VÀ NHỮNG NGƯỜI DƯỚI ĐÁY
    Tuy nhiên, cả thế giới chỉ có một Morgan. Phần lớn nữ cầu thủ hiện vẫn khó khăn và bị đối xử bất công hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam trong việc kiếm tiền. Ngay cả một nước có nền bóng đá rất phát triển như ở Anh, một giải bóng đá chính thức cho nữ cũng chỉ bắt đầu hoạt động bán chuyên từ năm 2011 và những hoạt động tài trợ còn rất sơ khai. Nhiều cầu thủ chơi ở hạng cao nhất cũng chỉ nhận mức lương bèo bọt 50 bảng mỗi tuần.

    Trong khoản tiền lương 65.000 bảng một năm của Houghton, chỉ 4.000 bảng là từ các hoạt động tài trợ. Tuy nhiên, lợi thế của các tuyển thủ nữ quốc gia Anh là không như các đồng nghiệp ở châu Âu lục địa, họ cũng được chia phần từ LĐBĐ quốc gia FA. 
    Các tuyển thủ nữ Anh nhận hợp đồng hỗ trợ từ FA từ năm 2009 và hiện 27 người đang hưởng nhiều khoản trợ cấp khác nhau, với mức cao nhất là 26.000 bảng mỗi năm. Thêm vào đó, những tuyển thủ Anh chơi ở giải cao nhất Women’s Super League có thể nhận thêm khoảng 35.000 bảng mỗi năm tiền lương do CLB trả.


    Tiền đạo của Chelsea và ĐT Anh Eniola Aluko, đã từ bỏ sự nghiệp luật sư danh giá vì đam mê bóng đá, nói: “Lương bổng đã được cải thiện rõ rệt nhờ các hợp đồng với FA, giờ nhiều người chúng tôi không còn phải lo lắng về việc phải đi làm thêm nghề khác để kiếm sống”. 

    Nhưng số cầu thủ như thế vẫn còn rất ít ỏi, theo Matthew Buck, phụ trách bóng đá nữ của Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA). “Có những cầu thủ ở WSL chỉ kiếm được 50 bảng mỗi tuần”, Buck tiết lộ. “Một số cầu thủ trẻ chấp nhận không được trả lương nhưng nhờ CLB trả cho các chi phí học đại học. Nhiều cầu thủ lớn tuổi hơn phải đi làm thêm một công việc khác, đôi khi ở chính CLB của họ”. 

    LÀM SAO ĐỂ NÂNG LƯƠNG CHO NỮ CẦU THỦ?
    Không chỉ có Anh và Mỹ nỗ lực cải thiện thu nhập cho nữ cầu thủ. Các LĐBĐ ở Canada, Mexico và Brazil đều đóng góp cố định để tăng thu nhập cho nữ cầu thủ, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho CLB và tránh cảnh các giải đấu cấp quốc gia cho nữ phải “dẹp tiệm” một khi các nhà tài trợ rút lui.

    Bằng cách đó, các LĐBĐ tin rằng họ sẽ giúp bóng đá nữ phát triển bền vững hơn, giữ lại các ngôi sao sáng giá và phát triển giải đấu quốc nội. Giải vô địch quốc nội ở Mỹ, National Women’s Soccer League, còn áp dụng trần lương để đảm bảo sự công bằng. Nhiều cầu thủ muốn tới chơi ở giải đấu nữ được coi là chất lượng nhất thế giới hiện nay này sẽ phải chấp nhận giảm lương.

    Tiền vệ tuyển thủ Anh từng chơi cho Arsenal là Kim Little hiện kiếm được khoảng 21.000 bảng mỗi năm sau khi chuyển tới CLB Mỹ Seattle Reign vào năm 2014, thấp hơn so với lương của cô ở Pháo thủ, nhưng Little tin rằng với chất lượng bóng đá tốt hơn, cô sẽ còn nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp hơn ở Mỹ. 

    Người đại diện của Marta, Fabiano Farah, tiết lộ rằng các giải đấu ở Mỹ, Đức, Pháp và Thụy Điển hiện là tốt nhất ở châu Âu, nhất là trong việc tìm nhà tài trợ. Trong sự cạnh tranh khốc liệt đó, người Anh không muốn tụt lại phía sau. FA đang đặt mục tiêu biến bóng đá nữ thành môn thể thao có khán giả nhiều thứ hai ở Anh sau bóng đá nam. Tuy nhiên, hành trình đó còn rất xa: lượng khán giả trung bình tới sân mỗi trận ở WSL hiện chỉ là 892, còn ở giải hạng nhì, WSL2, chỉ là 326.

    Levy cho rằng bóng đá nữ ở Anh thua kém Mỹ khoảng 20 năm về trình độ phát triển, nhưng điều đó cũng giúp Anh còn nhiều cơ hội phát triển và cải thiện thu nhập cho các nữ cầu thủ. “Phụ nữ thường rất tích cực trên mạng xã hội và điều đó sẽ có ích cho bóng đá”, ông nói. “Alex Morgan hiện có 4 triệu người theo dõi trên nhiều kênh khác nhau của internet và con số đó là rất ấn tượng. Các công ty và nhà tài trợ sẽ rất chú ý tới điều đó”.

    Aluko thì nghĩ World Cup nữ và những ai thành công ở đó sẽ có nhiều cơ hội nhất vươn tới tầm cỡ của Morgan và Marta. “Những cầu thủ như Abby Wambach hay Alex Morgan kiếm được rất nhiều tiền”, Aluko nói. “Nhưng còn quan trọng hơn, họ là những hình mẫu cho các nữ cầu thủ trẻ và rất được tôn trọng ở đất nước mình”.

    Tiền đạo người Brazil Marta, từng 5 lần giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA, hiện đang khoác áo CLB Thụy Điển Rosengard, có mức lương khoảng 315.000 USD (202.000 bảng) mỗi năm. Tuy nhiên, giống như Morgan, Marta, 29 tuổi, có nguồn thu nhập chính là từ các hợp đồng tài trợ. 
    LOAN PHƯƠNG • 06:28 ngày 09/07/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay