“MỐI TÌNH” MỘT THẬP KỶ
Ở World Cup 2006 trên sân nhà, bà Merkel mới nhậm chức được một năm, và bối cảnh cho bức ảnh đầu tiên của bà với ĐTQG vẫn còn rất trang trọng: tất cả đứng thẳng người ở tiền sảnh khách sạn, các cầu thủ mặc áo phông tay dài và quần dài.
Năm 2010, sau một trận vòng loại gặp Thổ Nhĩ Kỳ, bà Merkel tỏ ra thoải mái hơn và vào chụp ảnh trong phòng thay đồ của đội, điều mà báo chí Đức nói đã khiến LĐBĐ nước này (DFB) thấy phiền lòng. Bà cũng đã bắt tay với người ghi bàn ở trận đó Mesut Oezil, lúc đó còn chưa kịp mặc áo.
Còn World Cup 2014, có cảm giác như bà Merkel đã trở thành một thành viên của ĐT Đức, khi bà xuất hiện liên tục trong các bức ảnh ở phòng thay đồ với những nhà vô địch thế giới. Trong một bức hình sẽ đi vào lịch sử sau chiến thắng hôm 14/7 vừa rồi trước Argentina, vây quanh bà là những cầu thủ còn ướt đẫm mồ hôi, còn gương mặt thì đang hân hoan vì chiến thắng.
Wolfgang Niersbach, Chủ tịch DFB, tiết lộ bà đã hôn chúc mừng từng cầu thủ một, trong khi tiền đạo Lukas Podolski gọi bà là một “Muttivation” (động lực từ bà má, do biệt danh của bà Merkel, “Mutti”), còn trưởng đoàn Oliver Bierhoff ca ngợi bà là “quý nhân phù trợ” cho đội bóng.
Cầu thủ mà bà thích nhất, theo nhiều thông tin ở Đức, là Bastian Schweinsteiger. Anh này từng vinh dự ngồi cạnh Thủ tướng xem một trận đấu mà anh bị treo giò ở EURO 2008. Khi được hỏi ông sẽ sử dụng bà Merkel ở vị trí nào trong đội hình của mình trong một cuộc phỏng vấn năm nay, HLV Joachim Loew đã ngay lập tức trả lời là tiền vệ trung tâm do “bà ấy sẽ thấy rất thoải mái bên cạnh cậu ta (Schweinsteiger)”.
Báo Đức Die Zeit đùa dai tới mức có hẳn chuyên mục dưới nhan đề “Tình thư của Angela và Schweini” do nhà biên kịch Moritz Rinke đứng trang: “Một ngày nào đó, Basti, họ sẽ so sánh chúng ta với Willy Brandt và Guenter Netzer”. Ý chỉ cố Thủ tướng Đức Brandt, nắm quyền giai đoạn 1969-1974 và cựu danh thủ Netzer, vô địch thế giới với Tây Đức năm 1974, cũng là những người bạn chí cốt.
Thông điệp là rất rõ ràng: bà Merkel là CĐV cuồng nhiệt nhất ở Đức.
Ở Đức, mối liên hệ giữa Thủ tướng và bóng đá chưa bao giờ sâu sắc như dưới thời bà Merkel. Thủ tướng đầu tiên của Đức thời hậu chiến, Konrad Adenauer, thậm chí không thèm tới xem trận chung kết World Cup đầu tiên của Mannschaft, dù nó diễn ra ngay tại Bern, Thụy Sỹ, hồi năm 1954. Thủ tướng Helmut Schmidt thì có tới xem trận chung kết năm 1974 trên sân nhà, nhưng xa cách ở khu khán đài VIP.
Helmut Kohl là Thủ tướng Đức đầu tiên vào thăm phòng thay đồ của ĐTQG, nhưng ông không hề chủ ý để những bức ảnh của mình lên báo sau chiến thắng ở Italia hồi năm 1990. Khi được hỏi anh cảm thấy thế nào khi Thủ tướng bước vào phòng thay đồ của ĐT Đức trong chiến thắng ở EURO 1996, cựu tiền vệ Mehmet Scholl nói ngắn gọn: “Căng thẳng”.
LÃNH ĐẠO MÊ BÓNG ĐÁ
Bà Merkel tạo ra một không khí hoàn toàn khác. Vài ngày trước buổi tiệc chính thức kỷ niệm sinh nhật 60 tuổi của bà ở Berlin ngày 17/7, và giữa những tin đồn bà sẽ từ nhiệm giữa nhiệm kỳ thứ ba, chiến thắng của ĐT Đức đã đến đúng lúc hơn bao giờ hết, khi nó phản ánh chính xác những giá trị mà bà Merkel theo đuổi: thực tế, tham vọng và khiêm nhường.
Có thể nói khát khao thấy ĐTQG thành công của bà Merkel không kém bất cứ cầu thủ hay HLV nào. Chính vì thế mà bà từng triệu tập Juergen Klinsmann, người tiền nhiệm của Loew, cho một cuộc gặp khẩn cấp vì vấn đề thuần túy bóng đá. Nghị trình là màn trình diễn đáng lo ngại của ĐT Đức khi đó.
Thành tích của Die Mannschaft trở thành chuyện chính trị sau khi Norbert Barthle, một nghị sĩ trong Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Merkel, yêu cầu ông Klinsmann phải ra điều trần trước quốc hội về thất bại 1-4 dưới tay Italia trong trận giao hữu 2 tuần trước đó.
Để lấy lại tinh thần cho quá trình chuẩn bị World Cup của ĐT Đức, bà Merkel đã gọi Klinsmann, Franz Beckenbauer, cựu HLV ĐT Đức và trưởng ban tổ chức World Cup 2006, cũng như Theo Zwanziger, Chủ tịch DFB, tới văn phòng của bà ở Berlin. Trong cuộc gặp, bà Merkel nói với Klinsmann như thể với một Bộ trưởng của mình, rằng bà “hoàn toàn tin tưởng” nơi ông, một tuyên bố cũng tương đương với sự bày tỏ ủng hộ của chủ tịch các CLB với những HLV.
Đổi lại, những hành động như tuyên bố lòng tin nơi Klinsmann và vào phòng thay đồ chụp ảnh cùng các cầu thủ Đức ở World Cup tỏ ra rất có ích cho uy tín chính trị của bà Merkel, vốn đã rất cao nhờ vào tài chèo lái của bà giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn tăng trưởng ổn định bất chấp cuộc khủng hoảng.
Chẳng hạn, một cuộc thăm dò dư luận ngay sau khi bà Merkel vào thăm ĐT Đức ở trận thắng BĐN 4-0 cho thấy uy tín của bà đã tăng 2%. Con số đó có thể còn cao hơn nữa sau chức vô địch vừa rồi.
“Việc Thủ tướng thăm tuyển Đức khi World Cup đang diễn ra cho thấy bà rất quan tâm tới người dân và những mối bận tâm của họ”, Manfred Guellner của Viện Forsa, đơn vị tiến hành cuộc thăm dò, nói.
Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp khắc nghiệt của người Đức khiến không phải ai cũng thấy vừa lòng với việc bà Merkel lên truyền hình ăn mừng bên cạnh các cầu thủ khi họ nâng cao Cúp Vàng. “Người phụ nữ đó đã làm gì để xứng đáng đứng ở kia”, một CĐV ở Berlin bình luận trên mạng xã hội dưới bức ảnh bà Merkel nâng cao cúp cùng các cầu thủ áo trắng.
Kim cương của Merkel
Ngoài tình yêu bóng đá và sự nghiệp chính trị lừng lẫy, cũng như tài trị quốc an dân khó nguyên thủ nào sánh được, bà Merkel còn nổi tiếng với cử chỉ biểu tượng bằng đôi tay, “Merkel-Raute”, hay “kim cương của Merkel”. Cử chỉ đó đã trở thành hình nền cho chiến dịch tranh cử của bà năm ngoái, với các ngón tay tương ứng của hai bàn tay chạm khẽ vào nhau, hai ngón cái và hai ngón trỏ tạo thành một hình thoi, biểu tượng của kim cương, sự hoàn hảo, chất lượng Đức. Hình ảnh tranh cử của bà hồi năm 2013 là đôi tay đó bên cạnh dòng chữ: “Nước Đức đang ở trong bàn tay tin cậy”.