Bóng Đá Plus trên MXH

Tiqui-taca: Tuyệt chiêu đập nhả sẽ ra sao tại World Cup 2014?
19:30 ngày 24/04/2014
Sau khi Atletico loại Barca để giành vé vào bán kết Champions League 2013/14, một lần nữa, câu hỏi “phải chăng Tiqui-Taca đã đến hồi cáo chung?” lại được đặt ra…Mùa bóng 2013/14 đã bắt đầu bước vào hồi kết với ngôi vô địch đầu tiên đã được ấn định sớm tại Bundesliga, dành cho Bayern Munich.
    Chỉ còn vòng bán kết, trận chung kết Champions League và vài vòng đấu nữa ở các giải VĐQG lớn nữa thôi là NHM đã bắt đầu có thể nghĩ đến World Cup, một sân chơi mà họ đã chờ đợi 4 năm nay. 

    Và trong lúc đợi chờ ấy, việc điểm danh ứng cử viên vô địch luôn luôn là đề tài được tranh luận nhiều nhất mà đặc biệt ở trong các cuộc tranh luận đó, câu hỏi về khả năng thành công của TBN, đội bóng với lối chơi đặc trưng mang tên Tiqui-Taca, vẫn luôn là đề tài nóng bỏng nhất. 

    Đơn giản, kể từ hơn 1 năm nay, dường như Tiqui-Taca đã không còn là vũ khí hủy diệt đối với các đối thủ lớn nữa rồi và cái chết của Tiqui-Taca đã được đánh bằng những dấu mốc thực sự rõ rệt.

    Tháng 4/2013, Barca bước vào trận bán kết Champions League với Bayern của Jupp Heynckes với tư thế của một ứng cử viên vô địch nặng ký nhất. Nhưng Tiqui-Taca của họ đã sụp đổ như một thảm họa trong hai trận cầu Bayern khiến cả thế giới kinh ngạc. 

    Tiqui-Taca sụp đổ thảm họa

    Tổng tỷ số 7-0 cả hai lượt trận là điều không ai có thể tưởng ra được và kể từ thời kỳ Pep Guardiola chèo lái Barca cho tới nay, chưa bao giờ Barca thảm bại nặng nề đến thế. 

    Bayern đã xử lý bài toán Tiqui-Taca từng làm rất nhiều HLV phải đau đầu bằng cách rất khoa học: tổ chức pressing liên tục, phong tỏa các mắt xích của Barca với nhau, tranh cướp bóng quyết liệt với lối chơi cơ bắp để không cho Barca được cầm bóng nhiều và tổ chức tấn công với tốc độ cực cao để khiến Barca không thể nào ứng phó kịp. 

    Lối chơi ấy đã phát huy tác dụng kinh khủng và sau này đã trở thành đặc sản của Bayern dù Jupp không còn trên băng ghế huấn luyện nữa. Điển hình là ở trận gặp M.U mới đây, bàn gỡ hoà 1-1 của Mandzukic đã tái hiện lại tinh thần Bayern của Jupp Heynckes ấy. 

    Các cầu thủ Bayern chỉ mất đúng 22 giây, với 7 đường chuyền để đưa bóng vào lưới của De Gea. Barca hồi 2013 cũng qụy ngã vì những nhát đánh nhanh gọn như búa bổ đó của Bayern và sau khi bị Bayern loại ở bán kết, báo chí khắp nơi đã cùng đặt ra câu hỏi “Phải chăng, sự cáo chung của Tiqui-Taca đã bắt đầu?”.

    Đúng là Jupp Heynckes đã kiếm ra phương thuốc điều trị Tiqui-Taca đắc dụng nhưng đó lại không phải là phương thuốc duy nhất. Ở Confed Cup 2013, đội tuyển TBN đã gặp phải một cách điều trị khác không kém phần hữu hiệu. Luiz Felipe Scolari, bậc thầy chiến thuật của Brazil, đã đưa Selecao lên ngôi vô địch Confed Cup trước một TBN từng ghi 15 bàn ở 3 trận vòng bảng bằng một lối chơi được gọi là “niềm vui thú hồi sinh”. 

    Jupp Heynckes đã kiếm ra phương thuốc điều trị Tiqui-Taca đắc dụng.

    Cũng nắm bắt yếu quyết của Tiqui-Taca là ban chuyền ngắn nhuần nhuyễn để giữ bóng nhiều, Scolari giải quyết đối thủ không nhờ vào cơ bắp như Jupp đã làm mà thay vào đó, ông chứng minh rằng sự khéo léo trong kỹ thuật giữ bóng, phát triển bóng của các cầu thủ Brazil chính là thứ vũ khí hữu hiệu nhất. 

    Xác định được đối thủ muốn có bóng và giữ bóng cũng phải căn cứ trên nền tảng kỹ thuật cá nhân, Scolari tự tin hơn hẳn Del Bosque bởi ông biết, kỹ thuật cá nhân của Selecao còn tốt hơn TBN nhiều. Và ông chỉ sử dụng một thứ tương đồng duy nhất với Jupp. Đó là tốc độ tấn công/phản công. 

    Điểm yếu của Tiqui-Taca hoá ra là ở đó. Ở tốc độ tấn công/phản công cực cao của đối thủ, hàng thủ TBN hoàn toàn yếu thế. Tiqui-Taca thất thủ 0-3 trước Brazil và lập tức, truyền thông có cớ để khẳng định rằng “kỷ nguyên Tiqui-Taca đã hết”.
    Trong khi đó, ở tứ kết Champions League 2013/14 này, Diego Simeone đã xuất sắc loại được Barca bằng một lối chơi dựa trên nền tảng duy trì sự chắc chắn bền bỉ, dùng sức mạnh thể lực không cho phép đối thủ chơi bóng. 

    Lối chơi ấy, có lẽ Simeone đã phải mất khá nhiều thời gian để đúc kết (kể từ tháng 12/2011, khi ông làm HLV Atletico) và với thành tích 5 trận bất bại trước Barca từ đầu mùa đến giờ, dường như Simeone đã tìm được cách giải quyết lối Tiqui-Taca của đối thủ

    Cách tiếp cận của Simeone gần giống như cách Italia cầm hòa TBN ở vòng bảng EURO 2012 và Bồ Đào Nha chơi trên chân Bò tót cũng ở giải đấu đó. Nhưng Simeone may mắn hơn những đồng nghiệp của mình là bởi ông có một đội hình đồng đều hơn, với những sát thủ thực sự Koke. 

    Chuỗi 3 thất bại trước Bayern Munich, ĐT Brazil và Atletico Madrid trong 1 năm có thể là dấu hiệu cáo chung của Tiqui-Taca.

    Chính vì thế, ông mới có thể khiến cho Tiqui-Taca không thể phát huy tác dụng và chính thức bị kết án bởi giới phân tích rằng nó đã hoàn toàn cáo chung.

    Với 3 dấu mốc lớn như thế từ Hè 2013 tới nay, phải chăng Tiqui-Taca thực sự đã không còn là bí kíp đỉnh cao của bóng đá nữa? Và như thế, World Cup 2014 này cũng sẽ là dấu mốc cuối cùng, dấu mốc lớn nhất để người ta có thể nhắc đến Tiqui-Taca như một hoài niệm đẹp của dĩ vãng?
    ANH LINH • 19:30 ngày 24/04/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay