THỜI ĐỈNH CAO 3 NĂM VỀ TRƯỚC
Anh Tuấn, còn được biết đến với biệt danh Tuấn “Hòa Bình”, không phải là trung vệ số 1 so với những vị trí cùng thời như Phước Tứ hay Như Thành..., tuy nhiên, những gì Tuấn “Hòa Bình” nhận được từ bóng đá thì không hề kém ai, thậm chí còn thuộc hạng đỉnh cao.
Việc trưởng thành trong môi trường bóng đá quân đội và thi đấu cho Thể Công là một lợi thế của Anh Tuấn. Trung vệ sinh năm 1984 này nổi lên từ khá sớm và từng được triệu tập vào ĐT Việt Nam lần đầu tiên năm 2009 dưới thời HLV Calisto, sau chừng một mùa giải mà Anh Tuấn cùng với Phước Tứ được đánh giá là cặp trung vệ nội tốt nhất V-League lúc đó.
Lưng vốn của Anh Tuấn hầu như cũng chỉ có thế, bởi cuối năm 2009, Thể Công giải thể và chuyển giao cho Thanh Hóa. Suốt V.League 2010, dường như lứa cầu thủ Thể Công đi biệt phái theo dạng nghĩa vụ một năm thì đá bóng không phải là mục tiêu quan trọng bằng việc tìm kiếm cho mình bến đỗ mới. Thế nên, bất chấp việc sở hữu hầu như toàn bộ đội hình sáng giá của Thể Công, Thanh Hóa chỉ chính thức trụ hạng ở những vòng đấu cuối cùng.
Với nhiều cầu thủ khác, sự sa sút về phong độ ấy thường đi kèm sự sụt giảm về giá trị chuyển nhượng, nhưng số phận lại dành cho Anh Tuấn sự ưu ái nhất định. Sau một năm “đi nghĩa vụ” và cầm trên tay tờ giấy ra quân, Anh Tuấn ngay lập tức tìm kiếm được bến đỗ mới tại Navibank Sài Gòn với giá trị khoảng 7 tỷ đồng/3 năm, không phải là cao nhất nhưng chắc chắn cũng lọt vào nhóm những bản hợp đồng đắt giá nhất của bóng đá Việt Nam.
Gia đình nhỏ và sân bóng nhân tạo mới khai trương là niềm quan tâm chính
của Tuấn “Hòa Bình” trong cảnh thất nghiệp
Quãng thời gian 2009-2010 đánh dấu rất nhiều ông bầu mới nổi nhảy vào làm bóng đá như bầu Trường của Vissai Ninh Bình, bầu Thụy của Xuân Thành Sài Gòn hay bầu Thọ của Navibank Sài Gòn…, kết hợp với cuộc đua nóng bỏng trên thị trường chuyển nhượng đã diễn ra từ trước đó, một trong những hệ quả của nó là cầu thủ được săn đón và cung phụng như những ông hoàng.
Không phải là một tuyển thủ xịn (những người thường xuyên góp mặt trong đội hình ĐTVN tại các giải đấu chính thức) nhưng khi Anh Tuấn ra quân, có không dưới 3 CLB sẵn sàng chi tiền tỷ để sở hữu trung vệ gốc Hòa Bình và Navibank Sài Gòn đã là người chiến thắng bởi đơn giản là họ chịu chi nhất.
Khoản tiền 7 tỷ đồng Anh Tuấn không phải nhận theo nhiều đợt mà nhận một lần, anh dùng nó để mua một căn nhà ở Hà Nội, xe hơi làm phương tiện đi lại…, tiền lương, thưởng mỗi tháng lên tới cả trăm triệu đồng dùng để chi tiêu tại TP.HCM và vé máy bay mỗi tháng 2 lần về thăm vợ con. Cuộc đời thật khó phong lưu và rủng rỉnh hơn thế còn tương lai đương nhiên chỉ thấy toàn màu hồng.
NGẬM NGÙI 3 NĂM SAU
Nhưng ngày vui qua mau! Cuộc đổi chủ trên băng ghế huấn luyện của đội bóng Sài Gòn khiến sự nghiệp của Anh Tuấn bắt đầu đi xuống từ mùa giải 2012. Khi HLV Phạm Công Lộc thay thế HLV Mai Đức Chung cũng là điểm khởi đầu của những tháng ngày cựu trung vệ Thể Công phải làm quen với băng ghế dự bị.
Song đó chỉ là một lý do khiến Anh Tuấn nghĩ đến chuyện ra đi, lý do còn lại nằm ở chỗ, sau chừng 1 năm tiêu tiền như công tử Bạc Liêu, các ông chủ của Navibank Sài Gòn dường như đã “ngấm đòn”.
Từ chỗ ăn ở tại các khu resort sang trọng, các khách sạn 4, 5 sao mỗi lần đi thi đấu sân khách, đội bóng Sài Gòn chỉ còn dám thuê các khách sạn bình dân không khác lắm so với nhà nghỉ; lương, thưởng từ chỗ xông xênh đi đến đoạn nợ, thiếu và… quỵt.
Sự nhanh nhạy khiến Anh Tuấn nhanh chóng hướng về Hải Phòng ngay khi kết thúc giai đoạn 1 của V.League 2012, nơi đang “khát” trung vệ còn HLV Lê Thụy Hải thì không giấu giếm tình cảm đặc biệt dành cho Tuấn “Hòa Bình”.
Một lần nữa, số phận lại mỉm cười với Anh Tuấn. Thói quen chịu chi của các nhà làm bóng đá ở đất Cảng khiến họ không ngần ngại đặt lên bàn đàm phán khoảng 4 tỷ đồng để mua lại 1,5 năm hợp đồng của Anh Tuấn với Navibank Sài Gòn.
Thêm cái phẩy tay đầy nghĩa hiệp của ông Hải “lơ”: “Các anh cho cháu thêm một ít để nó đá cho máu”, trong khi rất nhiều đồng nghiệp bắt đầu đối diện với cơn khó khăn đang quét qua bóng đá Việt Nam, Anh Tuấn, nói theo ngôn ngữ của giới cầu thủ, vẫn thuộc diện “ấm”.
Nhưng số phận không thể mãi mỉm cười với Anh Tuấn. Hải Phòng dưới sự dẫn dắt của HLV Lê Thụy Hải tại V.League 2012 là một nỗi thất vọng. Đội bóng đất Cảng xuống hạng cuối mùa giải ấy đồng nghĩa với việc ông Hải “lơ” phải ra đi. Và khi HLV Hoàng Anh Tuấn lãnh đội, Tuấn “Hòa Bình” đã bắt đầu hình dung về một viễn cảnh u ám.
Trước V.League 2013, Anh Tuấn được thông báo rằng anh không còn nằm trong kế hoạch của HLV, nhất là sau cuộc chuyển giao và sáp nhập giữa 2 CLB Xi Măng Vicem Hải Phòng và Khatoco Khánh Hòa khiến quân số phình to lên gấp đôi.
Không chấp nhận sắm vai người thừa, Anh Tuấn xin ra đi và đã có đôi ba đội đánh tiếng. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn có vẻ như không đội nào sẵn sàng bỏ ra một khoản phí quá lớn để giải phóng hợp đồng và trả lương cho cựu trung vệ Thể Công.
Một năm ngồi dự bị khiến Anh Tuấn quá ngán ngẩm và anh càng ngán ngẩm nhiều hơn khi tuy đã kết thúc hợp đồng với Hải Phòng nhưng con số trong những lời mời gọi từ các đội bóng khác quá ít mà Tuấn mô tả: “Một vài trăm triệu đồng/năm thì không xứng đáng với công sức mình”.
Nên Anh Tuấn đã quyết định rẽ sang một hướng khác ngay khi cơ hội đến. Anh chung vốn cùng với 2 người bạn đầu tư cải tạo sân tập của đội Đường Sắt Việt Nam trước đây (phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) thành Sân cỏ nhân tạo cho các đội phong trào thuê đá giải.
Một sự khởi đầu mới bao giờ cũng đi kèm nhiều khó khăn. Khoản tiền tích lũy từ những ngày đá bóng khiến Anh Tuấn không đến nỗi phải chạy ngược chạy xuôi để huy động đủ 2,3 tỷ đầu tư vào sân cỏ nhân tạo. Nhưng mọi thứ với anh lúc này gần như phải bắt đầu lại từ con số không: bằng cấp không, biên chế không, kinh nghiệm kinh doanh không…
Anh Tuấn đã có lúc tâm sự rằng anh đang phải nỗ lực tối đa để làm quen với cuộc sống mới: “Trước đây đi đá bóng, tháng lĩnh lương đều đặn chẳng phải lo nghĩ gì nhưng giờ phải lo từ cái nhỏ nhất. Trước kiếm cả cục tiền, giờ kiếm lắt nhắt từng cắc một”…
Ở độ tuổi 29, trong khi nhiều đồng đội bước vào giai đoạn chín nhất của sự nghiệp, trung vệ được đánh giá là tài năng một thời Nguyễn Anh Tuấn đã sửa soạn “nghỉ hưu”.