Khi lên 7 tuổi, sân bóng mơ ước của tôi chính là con đường nhỏ ở phía sau nhà. Một bên là cây chanh do bà nội tôi trồng, một bên là bức tường vôi xám với dây kẽm gai chằng chịt của nhà tù dành cho nữ. Khoảng sân ấy chúng tôi vẫn gọi là “callejon”.
SÂN BÓNG ƯỚC MƠ
Callejon rất hẹp nên xe cộ rất hạn chế qua lại, nhưng đấy lại là thiên đường của bọn mua bán cần sa, ma túy. Đấy là nơi mà các phụ huynh chẳng đời nào muốn con mình bén mảng đến. Nhưng chỉ cần luồn ra cửa sau là tôi đã đến được sân bóng ước mơ của mình và chơi đến tối mịt cùng với người anh trai Paolo, lớn hơn tôi 6 tuổi.
Lần đầu Paolo dẫn tôi đến đây, đám trẻ nhìn tôi e ngại và không muốn để tôi nhập bọn. Nhưng ngay lập tức chúng nhận ra tôi không phải là đứa dễ bắt nạt. Tôi tranh chấp từng pha bóng, tôi lao vào những đứa to con nhất, tôi không bao giờ biết sợ. Nếu có đông người, chúng tôi tận dụng cả khoảng sân lớn, nếu ít hơn chúng tôi chỉ dùng phân nửa.
Tôi nhớ những ngày còn ở Salto, đá bóng chân trần. So với Montevideo, Salto chỉ như một ngôi làng. Ở đó tôi đã được chơi “bóng đá thiếu nhi” (baby football) khi mới lên 4 tuổi. Khi bọn trẻ chỉ vừa biết đi biết nói, người lớn đã cho chúng tham gia vào những trận đấu từ rất sớm. Nhưng vì công việc làm ăn, bố mẹ tôi dời lên Montevideo và cắp tôi đi theo. Từ sân bóng chính thống, tôi buộc phải chơi bóng ở “callejon”, phải hứng chịu những cú đạp đến bầm dập mình mẩy.
Chúng tôi vừa đá bóng vừa tự bình luận rất hào hứng. “Bóng đến chân Francescoli. Anh bật tường với Ruben Sosa và sút”. Đôi giày đá bóng đầu tiên trong đời tôi là đôi Adidas Francescoli, quà sinh nhật của mẹ tặng tôi hồi 1997. Năm ấy Francescoli vừa treo giày và hãng Adidas muốn vinh danh ông. Nhưng thần tượng của tôi những năm đầu đời không phải là huyền thoại của quê hương mà là Gabriel Batistuta.
Những khi không đá bóng, chúng tôi sẽ xem bóng đá không ngừng nghỉ. Tôi vẫn còn nhớ ký ức của World Cup 1994, nơi Romario và Bebeto có cách ăn mừng đưa nôi nổi tiếng. Tôi nhớ giải U20 Thế giới tại Malaysia vào năm 1997, Uruguay vào chung kết đá với Argentina với những cầu thủ thật tuyệt vời như Nicolas Olivera, Marcelo Zalayeta, Cesar Pellegrin...
HỌC CÁCH LÀM CHỦ TÂM LÝ CỦA MÌNH
Khi được nhận vào đội trẻ của Nacional năm 11 tuổi, tôi vốn đã không giỏi kềm chế cảm xúc. Có những lúc cố mãi mà vẫn không ghi được bàn, tôi sẽ bật khóc ngay trên sân. Có những trận đấu tôi chả chịu chuyền bóng cho ai bởi vì các đồng đội tôi đã ghi bàn còn mình thì chưa.
Tôi đã lớn lên trong một môi trường mà không ai cho không bạn điều gì. Muốn có được điều gì, bạn phải tự thân vận động. Uruguay là một quốc gia nhỏ với những con người rất nghèo. Để có tiền sinh sống, chúng tôi làm mọi thứ có thể. Ngay từ rất sớm, tôi đã học cách trân trọng giá trị mà lao động tạo ra. Ở Uruguay, bạn buộc phải tận dụng những cơ hội nhỏ nhất.
Bên cạnh nỗ lực, tôi còn phải học cách làm chủ tâm lý của mình. Tài năng chưa bao giờ là đủ. Khi còn nhỏ, em trai Maxi là một người vượt trội hơn tôi. Nhưng rồi cậu ấy mau chóng chững lại khi sa đà vào những thú vui như tiệc tùng, hẹn hò. Là người anh, tôi luôn cố khuyên Maxi, điều mà tôi luôn ra sức làm sau khi bố mẹ tôi chia tay, nhưng chính tôi lúc ấy cũng chỉ là một đứa trẻ. Vì thế tôi cứ nói những gì tôi thích, cậu ấy sẽ chỉ làm những gì muốn làm.
Bây giờ Maxi đã quay trở lại đá bóng. Cậu ấy chưa đến cái ngưỡng hủy hoại đời mình, nhưng cậu ấy cũng bỏ qua cơ hội tuyệt vời để vươn lên đỉnh cao, chơi bóng ở một trình độ lẽ ra còn cao hơn tôi. Bây giờ nhìn thấy tôi đã đi xa đến đâu, có lẽ Maxi cũng cảm thấy tự hào pha lẫn nuối tiếc. Và cậu ấy đã hiểu nỗ lực là điều quan trọng thế nào trong cuộc sống.
Tôi là một kẻ rắn rỏi, nhưng lại mau nước mắt. Tôi không bao giờ chối bỏ nếu có ai bảo tôi hay khóc. Vâng, tôi khóc rất nhiều, khóc từ khi còn bé cho đến khi đã trưởng thành. Tôi sẽ bước khỏi sân bóng với gương mặt giàn giụa nước mắt khi đội nhà bị loại khỏi một giải đấu, tôi khóc khi cuộc chuyển nhượng như ý không diễn ra, tôi khóc khi phải thức dậy lúc 7 giờ 30 sáng để đến sân tập khi còn nhỏ...
KHÔNG BAO GIỜ GỤC NGÃ
Tôi cũng muốn mình có một cuộc chia tay đàng hoàng với Liverpool và rõ ràng tôi cũng sẽ khóc nếu có một buổi như vậy. Tôi là một người giàu cảm xúc. Tôi đã xăm hàng chữ “Cuộc đời rất ngắn, đây là định mệnh của chúng ta, anh là của em” trên lưng mình để ghi khắc tình cảm với Sofia. Sau khi vô địch Copa America 2011, tôi xăm hàng chữ “Uruguay, nhà vô địch Nam Mỹ” trên chân mình. Tôi xăm cả tên các con mình lên người.
Người xăm tên con trai Benjamin lên người tôi cũng chính là người xăm hàng chữ sau lưng tôi. Anh ấy là một fan của Liverpool. Một ngày nọ, người nghệ sĩ xăm mình ấy muốn chính tay tôi xăm cho anh ấy một hình xăm. Tôi bất ngờ và do dự, nhưng vì anh ta nài nỉ mãi nên tôi đánh liều làm đại. Không hề vẽ kiểu mẫu hay xăm nháp gì, tôi xăm luôn chữ “L”, chữ “S” và số 7 trên người anh ấy với Sofi đứng cạnh quay phim lại toàn bộ quá trình làm việc của “nghệ nhân” Suarez.
Tôi rất muốn có một hình xăm kỷ niệm chức vô địch Premier League 2013/14 với Liverpool, đáng tiếc điều đó đã không diễn ra. Tôi biết là khi người ta nghĩ về thời gian ở Anh của tôi, cú cắn vào tay của Branislav Ivanovic hay sự cố với Patrice Evra đã chiếm trọn tâm trí họ. Kể cả danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa cũng không làm cho họ nghĩ tốt hơn về tôi. Nhưng tôi biết vẫn có những người dành cho tôi sự thừa nhận. Những gì Wayne Rooney nói trước thềm World Cup 2014 khiến tôi cảm thấy cảm động.
Rồi sự cố với Giorgio Chiellini tại World Cup 2014 lại một lần nữa khiến cho mọi người càng tin vào nhận định của mình. Nhưng tôi một lần nữa phải đứng lên, để chứng tỏ cho tất cả thấy Luis Suarez là một người như thế nào. Tôi thích mọi người thừa nhận tôi là một cầu thủ giỏi. Tôi đã bị chỉ trích quá nhiều vì những việc mình đã làm cũng như những việc mình không làm. Nhưng tôi luôn đứng lên, bước tiếp con đường mà tôi yêu thích.
Và tôi biết bây giờ, tôi đã đi rất xa với cái sân callejon ngày nào. Nou Camp với 98.000 CĐV tất nhiên là một quang cảnh rất khác.
Nước mắt không khiến ta kém đàn ông hơn Tôi đã khóc khi các CĐV Ajax từ biệt mình. Và tôi không tài nào hiểu được vì sao Jamie Carragher lại không khóc khi các CĐV tại Anfield chia tay và tri ân anh ấy. Thôi nào, chỉ là một giọt nước mắt thôi mà, nó đâu thể khiến ta kém đàn ông hơn. Khi nhìn thấy tấm thịnh tình của các CĐV Ajax tại Amterdam Arena, tôi đã khóc phải đến từ 10 đến 15 phút cho dù chỉ thi đấu cho đội bóng của họ có 3 mùa bóng. Carragher đã ở Liverpool suốt cả sự nghiệp và mà anh ấy không bộc lộ một chút xúc cảm nào. |
(Hết)