LẦN THỨ 3 CHỌC TỨC NGƯỜI ARGENTINA
Delfi chuẩn bị thôi nôi khi Uruguay thực hiện thêm một kỳ tích nữa: trở thành nhà vô địch Nam Mỹ trên đất Argentina.
Uruguay và Argentina chỉ cách nhau dòng sông Rio de la Plate, từ bờ bên này sang bờ bên kia mất có vài giờ đồng hồ. Từ Montevideo, bạn có thể lên tàu đi sang Buenos Aires trong ngày. Và cái ngày chung kết của tháng 7/2011 ấy, hàng nghìn người Uruguay đã làm vậy, cứ như một cuộc xâm lăng vậy.
Một năm sau World Cup, Uruguay đã vào chung kết Copa America để gặp Paraguay. Trận đấu diễn ra trên sân vận động huyền thoại của River Plate - Estadio Monumental. CĐV Uruguay đông áp đảo so với Paraguay. Thậm chí có cảm giác hôm chung kết, ở thủ đô Argentina người Uruguay còn đông hơn cả người Argentina.
Trên đường vào chung kết, Uruguay đã loại đội chủ nhà ở tứ kết sau loạt sút luân lưu. Uruguay và Argentina vốn không ghét nhau, nhưng các trận đấu giữa 2 đội lúc nào cũng là cuộc chiến thật sự trên sân cỏ. Tôi giữ quan hệ tốt với nhiều đồng nghiệp Argentina, nhưng những trận đấu với họ bao giờ cũng căng thẳng.
Chúng tôi vẫn thường chọc ghẹo người Argentina: tất cả những gì tốt nhất của Argentina cũng đều xuất xứ từ Uruguay cả, thịt bò tốt nhất, dulce de leche (món mứt sữa rất nổi tiếng ở Nam Mỹ - ND) và ngay cả nghệ sỹ tango huyền thoại Carlos Gardel nữa. Còn ở Argentina, người ta chọc Uruguay chỉ là một quốc gia bé xíu, cỡ cái... làng của họ là cùng.
Với người Argentina, việc chứng kiến Uruguay một lần nữa vô địch Copa America ngay trên đất của họ thật sự là thảm họa. Đã từng xảy ra việc này 2 lần trong quá khứ. Lần đầu đến vào năm 1916, kỳ Copa đầu tiên Argentina đăng cai, cũng đúng dịp lễ bách niên của LĐBĐ nước này. Lần thứ hai diễn ra vào năm 1987, khi Enzo Francescoli huyền thoại đá cặp với Ruben Sosa trên tuyến đầu. Cả 2 lần ấy đều đã để lại vết thương khó lành cho người Argentina.
Bây giờ, nếu lần thứ 3 vô địch Copa trên đất Argentina, chúng tôi sẽ nâng tổng số danh hiệu Copa của mình lên con số 15, tức là nhiều hơn họ 1 danh hiệu. Truyền thông Argentina như điên loạn, họ chắc mẩm đội nhà kiểu gì cũng phải vô địch. Nhưng chúng tôi đã đánh bại họ và bây giờ, bước vào trận chung kết trên sân bóng của họ.
CÀNG XA NHÀ LẠI CÀNG YÊU NƯỚC
Cảm giác nghe bài quốc ca Uruguay trên sân Monumental thật là tuyệt vời. Bài hát hùng tráng khởi đầu với một lời kêu gọi tự do và kết thúc với câu: “Chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách anh hùng”. Đấy thật sự là một bản quốc ca rất tuyệt.
Không hề tự sướng đâu nhé, tôi đã đọc ở đâu đó là quốc ca Uruguay xếp thứ nhì trong danh sách những bản quốc ca hay nhất thế giới, chỉ sau bản La Marseillaise của Pháp. Tôi luôn nổi da gà khi hát quốc ca và khi cả sân hòa theo nhịp điệu, sự cộng hưởng ấy càng làm cho bài hát mang thêm sức mạnh, nó đánh vào tâm lý của bạn rất mạnh, đặc biệt là khi đang ở xa quê hương.
Sofi luôn cười ngất khi tôi nói chuyện về chủ đề yêu nước, nhưng tôi rất tự hào về Uruguay. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ, khiêm tốn, nhưng lại cực kỳ đoàn kết và vô cùng hạnh phúc. Năm 2013, tạp chí The Economist bình chọn Uruguay là “quốc gia của năm”. Càng xa nhà, tình yêu nước trong tôi lại càng mãnh liệt hơn. Từ khi rời Uruguay để sang Ajax thi đấu, tôi không có dịp về thăm nhà thường xuyên. Vì thế những trận đấu trong màu áo Uruguay, trước những đồng bào của mình càng trở nên đặc biệt.
Bây giờ, khán đài tràn ngập màu áo xanh của Uruguay. CĐV đã mang đến rất nhiều băng rôn, một cái còn chỉ người Argentina cách uống mate cho đúng. Vô địch Copa America 2011 sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời, càng tuyệt vời khi vô địch ngay tại Argentina.
Cảm xúc lúc ấy không khác gì khi đấu tại World Cup 1 năm về trước, cũng đoàn kết và quyết tâm như vậy. Chỉ khác cái là chúng tôi không bị nhốt trong khách sạn mà được quây quần với gia đình mình. Con cái của các cầu thủ được vui đùa cùng nhau.
Sofi cũng ở đó, cùng với Delfina. Trước khi giải đấu bắt đầu, tôi có trả lời phỏng vấn và nói như sau: “Tôi đang nghĩ đến cảnh con gái mình tập nói, và tôi sẽ dạy cho cháu nói câu: Bố con vô địch Copa America”. Nghĩ lại lời phát biểu ấy, tôi thấy mình thêm động lực. Nó trở thành một lời hứa mà tôi phải giữ, không một người bố nào muốn phá vỡ lời hứa với đứa con gái đầu lòng.
1 NĂM ĐI TỪ BK WORLD CUP ĐẾN VĐ COPA
Chúng tôi đã đến với Copa năm ấy với trạng thái rất tốt, từ thể lực cho đến tinh thần. Chúng tôi khởi đầu vòng bảng với 2 trận hòa trước Peru và Chile trước khi đánh bại Mexico. Chạm trán Argentina ngay tứ kết, chúng tôi nghĩ: “Nếu hạ được chủ nhà thì mình đi rất xa đây”. Chúng tôi từng phải chạm trán Nam Phi tại 2010 và bây giờ lại phải gặp một đội chủ nhà, chúng tôi biết một tấn áp lực đang chờ mình.
Uruguay đã loại họ ra khỏi Copa America 1987, người Argentina tuyên bố sẽ trả lại cả vốn lẫn lời. Tôi quyết tâm chứng minh điều ngược lại. Tôi thật sự thích làm điều không ai nghĩ mình làm được. Vào trận tôi phản ứng, tôi chạy, tôi xông vào mọi pha bóng, đến mức Oscar Tabarez phải cảm thấy âu lo. Ông ấy nói vào giữa hiệp: “Vừa vừa thôi nhen Luis, cậu còn chạy theo kiểu cảm tử như thế tôi phải rút cậu ra đấy”. Nhưng tôi không thể bình tĩnh nổi. Kết thúc trận đấu, tôi phạm đến 13 lỗi.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1, Diego Perez và Gonzalo Higuain là 2 người ghi bàn, sau đó có rất nhiều cơ hội, có cả bàn thắng không được công nhận, có luôn thẻ đỏ cho mỗi bên. Rốt cục chúng tôi đi tiếp nhờ thắng 5-4 trong thi sút luân lưu. Messi, Forlan, Burdisso và tôi ghi bàn. Sau đó Fernando Muslera cản quả sút của Carlos Tevez. Chúng tôi gần như phát điên. Martin Caceres là người sút quả quyết định và anh ấy đã thành công. Trong cùng thời gian ấy, Brazil cũng bị Paraguay loại trong loạt sút luân lưu. Và chúng tôi đã nghĩ: “Copa America này là của Uruguay rồi”.
Chúng tôi gặp Peru ở bán kết, tôi ghi cả 2 bàn chỉ trong vòng 5 phút trong chiến thắng 2-0. Rồi tiếp theo là trận chung kết, lần đầu chúng tôi tiến vào trận đấu tranh Cúp kể từ 1999. Nhưng cảm giác tự tin là rất lớn. Paraguay đã phải đá hiệp phụ và phạt đền liên tiếp ở tứ kết và bán kết, lịch thi đấu Copa lại rất dày, cứ 2-3 ngày/trận. Trận chung kết lại diễn ra trong mưa. Sự chênh lệch về thể lực là điều quá rõ, đặc biệt là khi Paraguay gần như chỉ giữ nguyên một đội hình ra sân từ đầu giải.
Và cục diện trên sân đã chứng minh cho sự chênh lệch ấy. Chúng tôi vượt trội trên mọi phương diện, kể cả... hát quốc ca. Paraguay đã làm tất cả mọi thứ để có thể vào chung kết và họ chấp nhận việc không thể đánh bại chúng tôi. Tôi ghi bàn đầu tiên chỉ sau 11 phút. Diego Forlan bồi thêm bàn thứ 2. Trong 12 tháng, chúng tôi đi từ bán kết World Cup đến ngôi vô địch Copa America.
“Bố con vô địch Copa!”
Bạn sẽ hỏi hạng 4 World Cup và hạng Nhất Copa cái nào vui hơn. Thật khó chọn lựa bởi cảm xúc ở 2 giải đấu ấy khác nhau. Ở Argentina, tôi ghi 4 bàn và chơi rất tốt, được bầu là cầu thủ hay nhất giải. Sofi và Delfi cũng ở đó. Vào bán kết World Cup lại là một thành tựu tuyệt vời hơn ở cấp độ quốc tế, nó buộc thế giới nhìn khác về Uruguay. Nhưng khi nâng cao chiếc Cúp vô địch Copa, tôi thật sự hạnh phúc, nhất là khi nghĩ đến lúc tập cho Delfi nói: “Bố con vô địch Copa America”!
(Còn nữa)
>>
Tự truyện "Vượt qua giới hạn" của Luis Suarez (Kỳ 13)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 12)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 11)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 10)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 9)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 8)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 7)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 6)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 5)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 4)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 3)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 2)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 1)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 12)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 11)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 10)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 9)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 8)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 7)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 6)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 5)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 4)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 3)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 2)
>> Tự truyện “Vượt qua giới hạn” của Luis Suarez (Kỳ 1)