BỘ ĐÔI TOÀN-THẮNG CHẤN THƯƠNG
Ngay từ trước thời điểm danh sách 29 cầu thủ U23 Việt Nam (trước lúc gọi bổ sung Xuân Trường) chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016 được công bố, người ta đã đoán được một số cái tên sẽ được HLV Toshiya Miura chọn lựa. Hai trong số gương mặt được nhắc đến đầu tiên không phải Quế Ngọc Hải, cũng chẳng phải Công Phượng hay Tuấn Anh mà đó chính là Võ Huy Toàn cùng Hồ Ngọc Thắng.
Không phải ngẫu nhiên mà ở bất cứ đợt tập trung đội U23 hay ĐTQG trong thời gian qua, cặp bài trùng kể trên luôn được HLV Miura triệu tập. Dù thi đấu chưa thực sự ấn tượng trong màu áo SHB Đà Nẵng tại V.League 2015, cũng chẳng gây tiếng vang lớn như một số cầu thủ tham gia VCK U21 Quốc gia hay U21 Quốc tế 2015 song cứ mỗi lần “ăn cơm tuyển” là Huy Toàn và Ngọc Thắng lại thể hiện được sự sắc bén cần có. Hay nói chính xác hơn, dường như họ hiểu và thấm nhuần một cách sâu sắc ptriết lý trong cách vận hành sơ đồ 4-4-2, với trọng tâm là sức mạnh từ biên mà HLV Miura đã và đang gây dựng cho đội tuyển.
Tại vòng loại U23 châu Á, dù không nằm trong danh sách các chân sút hàng đầu của U23 Việt Nam nhưng hai bàn thắng của Huy Toàn và Ngọc Thắng lại tạo ra một bước ngoặt giá trị cho đội nhà. Pha lập công gỡ hoà quý như vàng vào lưới U23 Malaysia trong trận đầu ra quân của Huy Toàn giúp thầy trò HLV Miura lấy lại khí thế cần thiết và cuối cùng là giành 3 điểm đầy quan trọng.
Ở trận đấu cuối cùng gặp U23 Macau (TQ), trong bối cảnh U23 Việt Nam cần ghi thật nhiều bàn thắng mới hy vọng giành tấm vé đến Qatar thì đến lượt Hồ Ngọc Thắng khai hoả từ rất sớm để giúp các đồng đội có một sự tự tin nhất định trước khi dội một cơn mưa bàn thắng vào lưới đối thủ. 3 tháng sau trên đất Singapore, bộ đôi này tiếp tục trở thành đôi cánh thiên thần của U23 Việt Nam tại SEA Games 28.
Phong độ xuất sắc trước đó của hai cậu học trò cưng hẳn nhiên mang đến cho HLV Miura một niềm tin rất lớn nơi hành lang cánh. Thế nhưng, đúng trong giai đoạn đầu hội quân, ông thầy người Nhật lại phải nghe liên tiếp hai tin đáng buồn. Huy Toàn sớm rời đội vì thoát vị đĩa đệm. Vài ngày sau, đến lượt Ngọc Thắng phải nói lời chia tay vì tổn thất sụn chêm gối.
AI “CẤT CÁNH” CHO U23 VIỆT NAM?
Không có sự phục vụ của cặp học trò cưng, HLV Toshiya Miura tất nhiên phải tìm đến những phương án khác thay thế. Hiện tại, trong tay ông có khoảng 7 cầu thủ đủ khả năng đảm nhận vai trò ở hành lang biên. Đó là Đức Huy, Lâm Ti Phông, Xuân Mạnh, Hồng Duy, Trần Duy Khánh hay thậm chí là tiền đạo Văn Toàn hoặc hậu vệ Huỳnh Tấn Tài.
Ở vị trí tiền vệ trái, nhà cầm quân sinh năm 1963 có thể sử dụng Duy Khánh – một tiền vệ đa năng từng thi đấu tốt trong màu áo U19 Việt Nam, Lâm Ti Phông – cầu thủ ít nhiều khẳng định giá trị ở giải U21 Quốc tế hay Phạm Đức Huy trong bối cảnh không Huy Toàn.
Phía bên cánh đối diện, Xuân Mạnh nổi lên như một ứng viên sáng giá khỏa lấp cho vị trí của Hồ Ngọc Thắng. Còn nhớ tại giải U21 Quốc tế vừa qua, cầu thủ người Nghệ An đã có màn trình diễn đáng khen với 4 bàn thắng (kém vua phá lưới là Công Phượng đúng 1 bàn). Một phương án khác mà ông Miura có thể tính đến là kéo Văn Toàn từ vị trí tiền đạo xuống chơi tiền vệ phải hoặc đẩy hậu vệ Huỳnh Tấn Tài chơi nhô cao như một tiền vệ biên.
Xuân Mạnh rất đa năng
Tuy nhiên, dù sở hữu một số những phương án tiềm năng trên lý thuyết song trên thực tế, chiến lược gia Nhật Bản vẫn chưa thể tìm ra miếng ghép đủ khả năng thay thế vai trò mà cặp Huy Toàn và Ngọc Thắng để lại. Đức Huy, Tấn Tài, Xuân Mạnh hay Duy Khánh đều là những cầu thủ có thể hình, chơi đa năng và tốc độ song kinh nghiệm thi đấu ở một giải đấu lớn với họ thực sự còn khiêm tốn. Lâm Ti Phông được đánh giá rất sáng tạo trên hàng tấn công thế nhưng khả năng phòng ngự của tiền vệ thuộc biên chế Sanna Khánh Hòa lại bị đánh giá là hạn chế rất nhiều.
Trong khi Văn Toàn dù sở hữu tốc độ, kinh nghiệm chinh chiến ở nhiều giải đấu nhưng lại không có thế mạnh tranh chấp và cũng không phải một cầu thủ chạy cánh sở trường. Còn người được kỳ vọng nhất ở vị trí tiền vệ trái là Nguyễn Phong Hồng Duy lại đang gặp vấn đề về thể lực. Chấn thương viêm cơ nhị đầu đùi buộc anh phải ngồi ngoài trong phần lớn buổi tập của U23 Việt Nam.
Truyền thuyết Hy Lạp vẫn nhắc về đôi cánh Icarus bị thiêu rụi dưới ánh mặt trời như một bài học về sự non nớt và chủ quan. Và với HLV Miura, chắc chắn ông sẽ không chủ quan để đôi cánh của U23 Việt Nam của mình non nớt dưới cái nóng oi ả tại Tây Á.
Những quân bài cho hai cánh của U23 Việt Nam PHẠM ĐỨC HUY - Ưu điểm: Sở hữu tốc độ, thể lực mạnh mẽ. Có thể tham gia tấn công lẫn phòng ngự. Có khả năng đá tốt ở cả vị trí tiền vệ lẫn hậu vệ biên. - Nhược điểm: Kinh nghiệm thi đấu ở các trận đấu quan trọng chưa nhiều. Còn thiếu tập trung ở nhiều tình huống. LÂM TI PHÔNG - Ưu điểm: Thông minh, sáng tạo, nhanh nhẹn, có tốc độ và kỹ thuật. Có tố chất khi tham gia tấn công. - Nhược điểm: Chưa có đủ độ bền để thi đấu trọn vẹn một trận đấu. Chưa có khả năng phòng ngự. PHẠM XUÂN MẠNH - Ưu điểm: Đa năng, đá tốt nhiều vị trí, sức bật tốt, tham gia cả phòng ngự lẫn tấn công, có thể lực tốt. - Nhược điểm: Còn trẻ, kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao chưa có, khả năng bắt nhịp trận đấu ở nhiều thời điểm chưa tốt. TRẦN DUY KHÁNH - Ưu điểm: Đa năng, có sức mạnh, khả năng tranh chấp tốt, sút xa. Có tốc độ và bứt tốc trong cự ly ngắn nhanh. - Nhược điểm: Kinh nghiệm thi đấu hạn chế, chơi cá nhân. Khá nóng nảy, chưa kiểm soát tốt tinh thần khi thi đấu. NGUYỄN VĂN TOÀN - Ưu điểm: Có tốc độ. Khả năng bứt tốc rất nhanh. Có thể thi đấu ở hai biên lẫn trong vai trò của tiền đạo. Khả năng dứt điểm tốt. - Nhược điểm: Thể hình nhỏ, bất lợi trong khả năng tranh chấp. Không phải một cầu thủ chạy cánh sở trường. NGUYỄN PHONG HỒNG DUY - Ưu điểm: Có tốc độ, khả năng cầm bóng và đi bóng tốt, khả năng sút xa rất mạnh và hiểm. - Nhược điểm: Thường xuyên bị chấn thương, thể lực chưa đảm bảo. Khả năng phòng ngự không cao. HUỲNH TẤN TÀI - Ưu điểm: Tốc độ, khả năng cản lướt tốt, sút xa. Có thể thi đấu ở vị trí tiền vệ biên lẫn hậu vệ phải. - Nhược điểm: Thiên nhiều về phòng ngự. Khả năng lật cánh chưa tốt. Còn nóng nảy, chưa có sự kiểm soát tốt khi thi đấu. |