Bóng Đá Plus trên MXH

VĐV Cuba bỏ trốn sang Mỹ: 'Giấc mơ Mỹ' liệu có như mơ?
07:31 ngày 04/08/2015
Tối ngày 15/7/2015, Ariel Martinez, tiền đạo ngôi sao của bóng đá Cuba, đã hai lần thể hiện kỹ năng khéo léo với cái chân trái của anh.
    Trên sân, anh kiến tạo bàn duy nhất vào lưới Guatemala ở giải vô địch Gold Cup diễn ra ở Charlotte, North Carolina, Mỹ. Rồi sau đó, khi cùng xe chở đội về lại khách sạn, Martinez đã trao đổi một cái ôm thắm thiết với HLV của anh rồi “biến mất vào trong bóng tối”.

    VƯỢT BIÊN NHANH KẺO HẾT CƠ HỘI
    Martinez là cầu thủ bóng đá Cuba thứ tư trốn ở lại Mỹ trong giải Gold Cup kéo dài 19 ngày. Cũng trong tuần lễ đó, 4 VĐV đua thuyền người Cuba tại Đại hội thể thao Liên Mỹ ở Canada đã lẻn ra khỏi nơi tập trung của đoàn thể thao và vượt biên qua Mỹ. Trước đó nữa, 2 VĐV bóng chày biến mất sau một trận giao hữu với các đối thủ Mỹ tại North Carolina và bặt vô âm tín cho tới giờ.

    Những vụ bỏ trốn diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm. Ngày 20/7, Mỹ và Cuba chính thức nối lại quan hệ ngoại giao sau 54 năm lạnh nhạt. Nhưng cũng giống như lệnh cấm vận thương mại đã kéo dài nửa thế kỷ, chính sách “chân ướt, chân lạnh” (tức vừa đấm vừa xoa) của Mỹ với Cuba tiếp tục được duy trì. Washington vẫn sẽ mở đường để nhập quốc tịch cho bất cứ công dân Cuba nào đặt được chân lên đất Mỹ. Lo ngại những cải thiện trong quan hệ giữa hai nước sẽ khép lại con đường nhập tịch Mỹ dễ dàng đó, số người Cuba tìm cách vượt biên, bao gồm các VĐV thể thao, đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, khi mà điểm gần nhất của lãnh thổ Mỹ với Cuba, qua eo biển Florida, chỉ cách nhau 145 km.

    Các VĐV thể thao lại càng có lợi thế nhờ đường tắt. “Dễ như ăn kẹo. Leo lên một chiếc xe và lái đi”, Joe Kehoskie, một tay cò cho các cầu thủ bóng chày người Mỹ, nói. Thật ra, rất nhiều VĐV Cuba không hề tìm thấy thiên đường mơ ước ở Mỹ, nhưng họ cũng chỉ muốn tìm kiếm một cơ hội khác, một cuộc sống tốt hơn.


    CÁI GIÁ CỦA “GIẤC MƠ MỸ”
    Với các VĐV bóng đá hay chèo thuyền, cơ hội để họ tiếp tục nghề nghiệp của mình là rất thấp. Tuy nhiên, bóng chày, môn thể thao quốc hồn quốc túy của Cuba, lại là chuyện khác. Peter Bjarkman, môt tác giả người Mỹ từng viết sách về vấn đề này, nói trong 2 năm qua, khoảng 140 cầu thủ bóng chày tài năng của Cuba, từ những người trẻ cho tới các cựu binh, đã tìm cách tới được Mỹ. 

    Những người giỏi nhất có thể kiếm được hàng triệu USD mỗi năm tại giải bóng chày nhà nghề Mỹ Major League Baseball (MLB). Tình trạng bỏ trốn tồi tệ tới mức Cuba đã phải giảm số đội ở giải bóng chày quốc gia của họ từ 16 xuống chỉ còn 8 đội ở mùa vừa rồi, theo lời Bjarkman.

    Tuy nhiên, hành trình đó có thể đầy rủi ro. Một câu chuyện hay được kể là của Yasiel Puig. Ngôi sao bóng chày này đã trốn vào một chiếc tàu chở thuốc lá để tới Mexico năm 2012 do được hứa hẹn một hợp đồng triệu đô với CLB bóng chày lừng danh của Mỹ Los Angeles Dodgers. Từ Mexico, Puig được băng tội phạm ma túy và buôn người khét tiếng Los Zetas giúp vượt biên vào Mỹ. Nhưng anh chỉ thành công sau 5 lần cố gắng.

    Lần thứ nhất, cảnh sát Cuba đã gọi chiếc xe Puig lại và phát hiện ra có người trong xe. Lần thứ hai, chiếc tàu hứa đón anh không tới. Lần thứ ba, cảnh sát truy quét đường dây đưa lậu người ra nước ngoài và Puig bị giam 6 ngày, khiến anh lỡ hẹn. Lần thứ tư, lực lượng tuần duyên của Mỹ chặn chiếc tàu lại ở gần Haiti. Chỉ tới lần thứ năm anh mới đến được Mexico. 

    Từ đó, Puig bỏ trốn sang Mỹ và sau này anh kể đã phải trả lại cho những kẻ buôn người khoản tiền gần 2 triệu USD từ thu nhập của anh khi chơi cho đội Dodgers. Tay đại diện của anh, cũng là người sắp xếp toàn bộ vụ vượt biên, bị tuyên án một năm tù giam.

    VẤN ĐỀ NAN GIẢI
    Lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba đã gây ra rất nhiều sự cố phản tác dụng như thế. Các CLB bóng chày Mỹ bị cấm mua trực tiếp những cầu thủ rất tài năng từ Cuba, do đó họ buộc phải tổ chức những đường dây buôn người qua một nước thứ ba, như Mexico và Cộng hòa Dominica, mà ranh giới giữa phạm pháp, tội ác và tạo điều kiện cho một tài năng thể thao là rất mong manh.

    Những vụ bỏ trốn như kiểu Martinez hay Puig, vì thế, sẽ còn tiếp diễn. Một phần vì sự vắng mặt của Martinez, trong trận tiếp theo ở Gold Cup, Cuba đã thua Mỹ 0-6. Chính HLV ĐT Mỹ Juergen Klinsmann cũng phải nói mấy lời thông cảm với đồng nghiệp của ông Raul Gonzalez. “Chúng tôi biết những gì họ đang trải qua trong và ngoài sân cỏ, nên chúng tôi rất khâm phục cách mà họ đã vượt qua tất cả”, Klinsmann nói.

    Nhưng trường hợp của Gonzalez cũng không phải là lạ. Khoảng gần 30 cầu thủ bóng đá Cuba (từ các đội U23 tới ĐTQG) đã bỏ trốn khi chơi bóng ở Mỹ từ năm 1999 tới nay, theo thống kê không chính thức của Bjarkman. Cuba lần gần nhất được dự World Cup là năm 1938, và với việc những cầu thủ giỏi nhất của họ liên tục bỏ trốn, có lẽ sẽ còn lâu nước này mới trở lại được với đấu trường danh giá nhất thế giới.

    Ở Gold Cup vừa rồi, bất chấp những vụ đào tẩu, Cuba vẫn giành vé vào tứ kết một cách đầy ngạc nhiên và HLV Gonzalez đã đưa ra một tuyên bố rõ ràng về những kẻ bỏ đồng đội: “Các cầu thủ đó hiện không có ở đây, họ chẳng có nghĩa lý gì với chúng tôi, họ đã chọn con đường của họ”.

    NHỮNG NỖ LỰC GIỮ NGƯỜI
    Nhà nước Cuba cũng đã ban hành nhiều chính sách trong nỗ lực giữ lại các VĐV giỏi nhất. Một đột phá lớn về luật là vào năm 2013, khi các VĐV đỉnh cao của Cuba được phép giữ lại phần lớn tiền thưởng của họ từ các giải đấu nước ngoài và có thể ký hợp đồng với các đội thể thao nước ngoài. 

    Chủ tịch Raul Castro đã tiến hành nhiều cải cách để giải quyết nạn
     VĐV bỏ trốn sang nước ngoài

    Những cải cách này, nằm trong gói cải cách chung do Chủ tịch Raul Castro đề xướng, cho phép các VĐV Cuba giữ lại 80% tiền thưởng của họ bằng ngoại tệ, nhiều hơn 5 lần so với mức trước kia. 

    Ngoài ra, Hội đồng Bộ trưởng Cuba cũng đã thông qua sắc lệnh cho phép các VĐV được thi đấu cho những đội thể thao nước ngoài miễn là họ “có mặt ở Cuba vào những giải đấu quan trọng trong năm”. Mức lương của các VĐV Cuba là điều bí mật, nhưng các hãng tin phương Tây nói là vào khoảng 20 USD mỗi tháng.

    Sau những cải cách, các VĐV giành huy chương Olympic sẽ có thu nhập gấp ba lần số đó. Tiền thưởng cũng sẽ được tăng thêm cho những người giành huy chương ở các kỳ Thế vận hội, Đại hội thể thao Liên Mỹ hay Đại hội thể thao Caribe. Riêng các cầu thủ bóng chày sẽ được thưởng và có thu nhập tăng thêm riêng.

    “Những cải cách đó sẽ có ảnh hưởng tích cực lên nền bóng chày trong nước, ít ra là về mặt tâm lý”, cầu thủ bóng chày Cuba từng giành HCV Olympic 2004, Carlos Tabares, nói. Thể thao chuyên nghiệp chính thức là không tồn tại ở Cuba, do các VĐV được khuyến khích đóng góp cho Tổ quốc cũng như phục vụ quần chúng. Nhưng cùng với quá trình mở cửa dần dần và sự cải thiện quan hệ với Mỹ, ngày càng nhiều VĐV Cuba tìm cách ra nước ngoài thi đấu

    CAY ĐẮNG PHẬN THẤT BẠI
    Trong khi hầu hết các VĐV bóng chày Cuba bỏ trốn thành công đều sẽ gây rất nhiều chú ý, không phải ai cũng biết về những người thất bại. Rất nhiều người vượt biên khác không bao giờ được chơi ở MLB, hay thậm chí là kiếm được một hợp đồng tử tế. 

     Minh họa “chuyến đào tẩu” của Yasiel Puig, người đã may mắn hơn rất nhiều 
    so với Rojas hay Lagar khi còn được thi đấu cho đội Los Angeles Dodgers

    Nhiều người đã phải trả giá đắt để hy vọng được đổi đời, nhưng rồi mắc kẹt với những tay cò cầu thủ mà thực chất không khác gì những kẻ buôn người. “Chúng tôi trên thực tế là những con tin”, Rojas (chỉ cho biết tên), một VĐV bóng chày như thế, nói. 

    Lagar, một người bỏ trốn khác, đã chỉ được dự vài phiên thử việc lấy lệ ở một số đội MLB rồi bị hắt hủi không thương tiếc. Sau nhiều tháng trời lưu lạc ở các trại tị nạn và khu trú ẩn tại Dominica và Puerto Rico, anh tới Mỹ hồi tháng 2/2014 và giờ đang là thợ lợp mái nhà ở Houston với đồng lương chết đói. Anh vẫn chơi bóng chày trong khu phố của mình, nhưng giấc mơ MLB đã thật sự tan thành mây khói.

    Rojas, vượt biên bằng đường bộ qua ngả Mexico, chứ không phải đường biển như Lagar. Hành trình của anh là những ngày đầy cay đắng tủi nhục, bị cảnh sát bắt giữ, đánh đập, bị tống giam nhiều lần vì thiếu giấy tờ tùy thân và phải tìm cái ăn từng ngày. 

    Rojas cuối cùng cũng tìm được đường sang Mỹ, nhưng thay vì chơi bóng chày, giờ anh đang làm việc ở một cửa hàng tạp hóa với mức lương 900 USD mỗi tháng, chỉ đủ để trang trải qua ngày. Anh hiện sống trong một căn hộ mini không có bếp, không có xe hơi và phải đi bộ nửa tiếng tới chỗ làm mỗi ngày. Rojas thậm chí còn chán nản tới mức không thèm chơi bóng chày nữa. Giấc mơ của anh bây giờ chỉ là có một chỗ học tiếng Anh miễn phí.
    LOAN PHƯƠNG • 07:31 ngày 04/08/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay