Các đội bóng Bundesliga nổi tiếng với chiến thuật linh hoạt không chỉ trận này sang trận khác mà còn ngay trong trận đấu. Ví dụ tiêu biểu như RB Leipzig - đội đang đứng thứ 3 trên BXH, đã sử dụng tới hơn 7 đội hình trong mùa này.
Với cuộc chiến của 2 đội dẫn đầu, việc chuyển từ sơ đồ này sang sơ đồ khác trong từng thời điểm cụ thể là điểm nhấn. Hãy nhìn vào Dortmund đầu tiên. Trong 3 tháng đầu, HLV Lucien Favre trung thành với hệ thống 4-2-3-1 nhưng thi đấu không ổn định. Mọi chuyện thay đổi đáng kể khi Dortmund bắt đầu sử dụng sơ đồ 3 trung vệ từ cuối tháng 11. Kể từ lần thay đổi đó, Favre chỉ sử dụng lại hệ thống 4 hậu vệ đúng 1 lần - đó là thất bại 3-4 trước Leverkusen hồi tháng 2.
Những con số thể hiện rất rõ ràng: Dortmund chỉ giành được 20 điểm trong 13 trận chơi với hệ thống 4 hậu vệ, nhưng giành tới 31 điểm trong 12 trận sử dụng 3 trung vệ.
Về phần Bayern, sự thay đổi dễ nhận ra vào thời điểm Hansi Flick thay thế Niko Kovac. Trong 3 tháng đầu mới nắm đội, Flick trung thành với hệ thống 4-1-4-1 với Thiago hoặc Joshua Kimmich đá ngay trên hàng phòng ngự. Nhưng kể từ đầu tháng 2, Flick muốn một đội hình chắc chắn hơn nên đã xoay sang 4-2-3-1 để có thêm một "số 6", qua đó tăng cường khả năng kiểm soát tuyến giữa.
Việc thay đổi sơ đồ ảnh hưởng trực tiếp tới các hậu vệ cánh hoặc cầu thủ chạy cánh. Trong những tháng đầu mùa, Dortmund sử dụng hậu vệ kinh nghiệm và ổn định Lukasz Piszczek ở cánh phải trong khi lại đẩy cầu thủ thuận chân phải Achraf Hakimi sang cánh trái. Cách sắp xếp này không mang lại nhiều hiệu quả.
Nhưng khi chuyển sang sơ đồ 3-4-3 (hoặc 3-4-1-2), Piszczek được đẩy về hàng phòng ngự 3 người còn Hakimi trở lại cánh phải quen thuộc. Raphael Guerreiro có cơ hội góp mặt ở cánh đối diện.
Đỉnh cao của cách sắp xếp này đến trong chiến thắng 4-0 trước Frankfurt vào ngày Valentine. Cả Guerreiro và Hakimi đều tham gia vào bàn mở tỷ số của Piszczek. Hakimi tiếp tục kiến tạo cho Erling Haaland trong bàn thắng thứ 3 trước khi "dọn cỗ" cho Guerreiro ghi bàn ấn định tỷ số. Đây được xem là một trong những màn thể hiện xuất chúng của cặp hậu vệ cánh tại châu Âu mùa này.
Bayern ưa chuộng hàng phòng ngự 4 người nên các hậu vệ cánh của họ có vị trí lúc xuất phát thấp hơn phía Dortmund. Tuy nhiên, với một cầu thủ có tốc độ phi mã như Alphonso Davies thì đó cũng không phải vấn đề quá lớn.
Davies phải đợi đến tận tháng 10 mới có trận xuất phát ở Bundesliga, chỉ 1 tuần trước khi Flick được bổ nhiệm thay Kovac. Kể từ đó, cầu thủ 19 tuổi phát triển thần tốc khi có xu hướng thích đi bóng, vượt qua 1-2 hậu vệ đối phương trước khi chuyền vào trung lộ cho Robert Lewandowski. Những chiến thắng 3-0 trước Chelsea hay 3-1 trước Freiburg là các màn thể hiện xuất sắc của Davies.
Ở cánh đối diện, Benjamin Pavard không đột biến bằng Davies nhưng là một mắt xích quan trọng để Bayern phát triển bóng từ dưới lên trên. Khả năng chuyền bóng của Pavard xuất sắc hơn Davies rất nhiều, đặc biệt là những đường chuyền phát động lên phía trên.
Cách pressing của Bayern thay đổi rất nhiều kể từ khi họ sa thải Kovac và bổ nhiệm Flick. Dưới thời Kovac, chỉ số PPDA (đường chuyền của đối thủ thông qua mỗi hành động phòng ngự) là 11,5, cao hơn mức trung bình của Bundesliga. Chỉ số này càng cao thể hiện đội bóng đó càng ít cố gắng trong việc giành lại bóng và để đối phương thực hiện nhiều các đường chuyền chính xác. Ngược lại, chỉ số này thấp thể hiện đội bóng đó chịu khó pressing.
Đến thời Flick, chỉ số PPDA của Bayern giảm xuống 8,6, biến họ trở thành đội bóng tích cực nhất trong việc gây sức ép khi không có bóng. Hùm xám cũng giành lại nhiều bóng hơn và ghi được 5 bàn từ những tình huống phản công như thế, qua đó vượt qua RB Leipzig để trở thành đội pressing hiệu quả nhất giải từ tháng 11 tới giờ.
Với Dortmund, họ có phần "nhởn nhơ" hơn khi đạt chỉ số PPDA trung bình là 12,4 trong 25 trận tại Bundesliga. Họ đã ghi 4 bàn từ những tình huống cướp bóng phản công, đứng thứ 2 sau Bayern và Leipzig. Dortmund của Favre không cuồng nhiệt gây sức ép như các phiên bản của Juergen Klopp hay Thomas Tuchel nhưng với nhiều cầu thủ có tốc độ trong đội hình, họ vẫn có thể trông cậy nhiều vào phản công.
Cả 2 đội bóng đều ghi rất nhiều bàn thắng. Bayern đứng đầu Bundesliga với 73 bàn trong khi chỉ có số bàn thắng kỳ vọng là 64,4. Dortmund đứng thứ 2 với 68 bàn với chỉ số bàn thắng kỳ vọng là 45,1.
Dortmund của Favre là đội biết cách thể hiện vượt quá kỳ vọng vào loại số 1 châu Âu. Tính tổng cộng, đội bóng này đã ghi tới 149 bàn trong khi giới chuyên môn chỉ kỳ vọng cvos 109,6 bàn. Điều này cũng từng diễn ra với những đội bóng cũ của Favre như M'Gladbach và Nice.
Dù như thế nào, để tạo ra nhiều cơ hội và ghi bàn thắng ổn định, các CLB đều cần phát triển bóng lên trên. Dortmund và Bayern làm điều này theo những cách khác nhau.
Cách phát triển bóng của Bayern tập trung ở giữ sân. Ba cầu thủ chuyền bóng về phía trước ít nhất 10m nhiều nhất toàn đội là Kimmich, Thiago và David Alaba. Nhìn vào bảng thống kê ở dưới, chúng ta có thể thấy cả 3 cầu thủ này chuyền tập trung ở khu vực giữa sân, kết nối hàng phòng ngự với hàng tiền đạo.
Thiago là cầu thủ cực kỳ quan trọng với Bayern. Tiền vệ người Tây Ban Nha đã tham gia 50% những tình huống dẫn đến dứt điểm của Hùm xám, chỉ kém Serge Gnabry và Lewandowski (51%) nhưng cần công bằng hơn bởi 2 cầu thủ kia đều thuộc hàng tấn công.
Với Dortmund, việc phát triển bóng của họ phụ thuộc vòa những hậu vệ cánh hay cầu thủ chạy cánh Hakimi và Guerreiro. Vai trò của 2 cầu thủ này cũng khá khác nhau, Hakimi bay bổng mạnh mẽ bên hành lang phải, kết hợp với Jadon Sancho tạo ra mũi tấn công chiến lược. Trong tổng số 10 đường kiến tạo của Hakimi, 3 trong đó có sự kết hợp với Sancho. Với Guerreiro, anh thiên về một cầu thủ kết nối hơn, cố gắng chuyền bóng xuyên tuyến để cung cấp cho những cầu thủ tấn công.
Dễ hiểu vì sao Guerreiro và Hakimi lần lượt tham gia 54% và 47% trong những tình huống dẫn đến dứt điểm của Dortmund, đứng thứ 1 và thứ 3 trong đội. Maro Reus đứng thứ 2.
Trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, chỉ mình Kevin de Bruyne cân bằng thành tích kiến tạo 16 lần của Thomas Mueller cho Bayern trong khi Sancho đứng ngay phía sau với 15 lần.
Mueller cũng là một cầu thủ hưởng lợi lớn từ việc bổ nhiệm Flick. Từ một cầu thủ chuyên dự bị dưới thời Kovac, Mueller đã lấy lại được vị trí và giờ là một thành phần không thể thiếu trong đội hình của Flick. Trong từng sơ đồ của Bayern, Mueller hoạt động linh hoạt, lúc thì như một cầu thủ chạy cánh phải, lúc thì giống một "số 10".
Đây đã là lần thứ 7 Mueller đạt lượng kiến tạo ở mức 2 con số cho Bayern ở Bundesliga nhưng chưa bao giờ trong sự nghiệp anh lên tới 16. Với một cầu thủ từng ngồi dự bị rất nhiều, đó chắc chắn là một sự hồi sinh quá tuyệt vời.
Sancho là mẫu cầu thủ khác biệt hoàn toàn so với Mueller. Nếu như Mueller rất giỏi trong việc tìm khoảng trống dù là rất nhỏ trong vòng cấm thì cầu thủ người Anh lại là một chuyên gia chạy cánh phải, ưa thích những khoảng không mênh mông để đua tốc độ.
Trong số 16 đường kiến tạo của Mueller, 11 đường đến từ những pha chạy chỗ trực tiếp. Mueller không phải mẫu cầu thủ giúp xây dựng bóng, anh đơn giản là xuất hiện ở một vị trí tuyệt đẹp rồi tung ra đường chuyền sắc lẹm cho đồng đội lập công. Sancho chỉ có 8 lần như thế, còn lại đều tham gia nhiệt tình vào việc xây dựng bóng trước khi cơ hội được tạo ra.
Ở một vấn đề khác, nếu Sancho thua kém Mueller chút xíu ở khả năng kiến tạo thì anh lại vượt trội người đàn anh ở khả năng ghi bàn. Sancho đã ghi tới 14 bàn trong khi Mueller mới có 6. Tổng cộng 29 lần góp dấu giày vào bàn thắng của Sancho là thông số ấn tượng nhất Bundesliga, chỉ kém Lionel Messi (31) và Ciro Immobile (34) trong 5 giải VĐQG Hàng đầu châu Âu.
XEM THÊM
Khó lường cuộc đua vô địch Bundesliga