Bayern Munich và Borussia Dortmund đã là đối thủ cay đắng của nhau từ lâu. Tuy nhiên, cần minh định lại khái niệm "từ lâu" trong ngữ cảnh này. Nó không cổ xưa như trận Superclasico giữa Boca Juniors và River Plate ở Argentina, như trận El Clasico giữa Real Madrid và Barcelona, như trận Old Firm giữa Celtic và Glasgow Rangers.
Der Klassiker cũng không bồi đắp đời đời kiếp kiếp như trận derby nước Anh giữa Man United và Liverpool, hay derby Italia giữa Juventus và Inter Milan. Những trận derby giữa những đại kình địch này không chỉ nằm trong giới hạn thắng thua về mặt thành tích, mà còn là ở mặt lịch sử, chính trị, văn hoá, kinh tế…
Thành thực mà nói, Der Klassiker giống như trận derby thành Manchester ở giai đoạn từ cuối thập niên 2000 đến nay. Bởi Bayern Munich, cũng như Man United, vốn là nhà vô địch tuyệt đối ở Bundesliga và Premier League, thậm chí, sự thống trị của Hùm Xám còn xuyên suốt lịch sử bóng đá Đức, chứ không chỉ ở giai đoạn Premier League như Quỷ Đỏ.
Borussia Dortmund là một trong những thế lực nổi lên để thách thức quyền lực của Bayern, cũng như Chelsea thách thức Arsenal, Man City thách thức Man United vậy. Có những kẻ thách thức nổi lên rồi biến mất như Monchengladbach, Wolfsburg, Stuttgart…, nhưng cũng có kẻ thách thức dai dẳng như Dortmund trong hơn 3 thập niên trở lại đây.
Song không vì thế mà trận Der Klassiker lại kém đi vẻ hào hùng và máu lửa. Bởi trong hơn 30 năm qua, tại Bundesliga, anh hùng chỉ còn có Bayern và Dortmund là đáng nhắc tên mà thôi. Kể từ khi được thành lập vào năm 1963, 33 trong tổng số 56 Mâm Bạc Bundesliga đã thuộc về Bayern Munich (28) và Borussia Dortmund (5), một minh họa cho tầm vóc của họ.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa hai CLB đã tương đối dịu êm trong một thời gian dài cho đến khi nó bắt đầu phát triển thành mức độ dữ dội từ những năm 1990. World Cup 1994 đánh bại sự sa sút của bóng đá Đức, đồng nghĩa với giai đoạn trắc trở của Bayern, CLB cung cấp nhiều tuyển thủ Đức nhất.
Thời điểm này, Dortmund đã bắt đầu đạt được nhiều tiến bộ liên quan đến chất lượng trong đội hình. Rất nhiều ngôi sao của bóng Đức và thế giới đã đầu quân cho đội bóng Vàng - Đen, thay vì Bayern Munich - một điều khiến Hùm Xám cực ngứa mắt.
Nhờ sự thay đổi tích cực này, Dormund đã có một đội hình hùng mạnh, đủ để cạnh tranh Mâm Bạc với Bayern một cách sòng phẳng và quyết liệt. Kết quả là, cuối cùng, Dortmund đã vô địch Bundesliga 2 lần liên tiếp vào 2 mùa 1994/5 và 1995/96.
Động lực của cuộc cạnh tranh giữa hai họ đã được thúc đẩy mạnh mẽ sau một sự cố vào năm 1996, khi đội trưởng Lothar Matthaeus của Bayern cáo buộc tiền vệ Andreas Moeller của Dortmund là "một đứa bé khóc nhè", bằng cách chùi những giọt lệ vô hình trên mặt mình trong một trận Der Klassiker.
Một đứa trẻ ranh không kinh gì Hùm Xám, có thể hiểu được ngụ ý như vậy.
Moeller đã phản ứng lại sự nhục mạ đó bằng một cái tát vào mặt Matthaeus, tát thật sự chứ không phải hình ảnh nghĩa bóng. Hành động này làm dấy lên cơn giận dữ từ cả 2 nhóm CĐV trong sân vận động, những cái đầu nóng rực đã bị kích thích bởi hành động chiến tranh của 2 ngôi sao dưới sân.
Thêm vào đó, Bayern cũng phải chịu đựng sự nhục nhã khi phải chứng kiến Borussia Dortmund giành chiến thắng trong trận chung kết Champions League 1997 tại Olympiastadion. Đó là sào huyệt cũ của của Bayern, nhưng vào thời khắc đó, trên mặt sân này, những cầu thủ áo Vàng – Đen vênh váo đi khắp sân với Cúp Bạc trên tay.
Mùa giải tiếp theo 1998/99, cuộc chiến của những kẻ nóng nảy lại bùng lên khi trong trận lượt về của Bundesliga, thủ môn Oliver Kahn của Bayern đã biểu diễn một cú kung-fu uy lực vào mạng sườn của Stephane Chapuisat, trước khi thi triển cú "cẩu xực" vào tai Heiko Herrlich.
Không lâu sau đó, trận Der Klassiker ở năm 2001 đã chứng kiến một sự kiện dã man và đầy bạo lực khác xảy ra. Không cần mô tả những hành động "âu yếm và đầy thương yêu" mà cầu thủ hai bên dành cho nhau, chỉ cần nhìn vào con số 10 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ là đủ hiểu.
Cho đến nay, đây vẫn là kỷ lục về số lượng thẻ phạt trong một trận đấu về sự vô kỷ luật của Bundesliga.
Tuy nhiên, Der Klassiker không chỉ toàn những thù hận, bạo lực mà còn vẻ đẹp lãng mạn. Năm 2004, Borussia Dortmund rơi vào nợ nần và phải đối mặt với phá sản.
Trong tình thế "chỉ mành treo chuông" thì khoản vay trị giá 2 triệu euro từ đối thủ Bayern Munich sẽ giúp CLB thoát khỏi thảm hoạ phá sản và vẫn tồn tại. Điều này, những CLB khác ở châu Âu không hề được hưởng và đã bại vong, như Parma ở Serie A là một ví dụ.
Nhiều CĐV lúc đó, nhân cử chỉ hào hiệp, đã chuyển sang chế giễu màn đua tranh "đầy tính diễn kịch" của Der Klassiker. Họ cho rằng, những thứ mà các cầu thủ Bayern và Dortmund thể hiện, chẳng qua là một chiêu trò nhằm tăng "kịch tính và tỉ lệ rating" cho giải đấu, như các show giải trí truyền hình vậy.
Trong một thời gian dài sau đó, sự nổi tiếng của Der Klassiker đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là khi Dortmund bị sa sút, trở nên yếu ớt và không thể thách thức sức mạnh của Bayern. Đó là chuỗi ngày hễ gặp là thua của đội bóng vùng Ruhr.
Phải cho đến năm 2010, Dortmund mới được hồi sinh. Đội hình của họ đã được xây dựng lại hoàn toàn và có sự góp mặt của những kẻ tài ba như Mats Hummels, Mario Goetze, Shinji Kagawa và Robert Lewandowski. Đặc biệt, Dortmund có một vị tướng tuyệt hay: Juergen Klopp.
Klopp và 4 chàng kỵ sĩ kể trên đã dẫn dắt Dortmund quay trở lại tháng ngày vinh quang. Họ lại cắt đứt chuỗi thống trị của Bayern bằng 2 chức vô địch Bundesliga vào mùa giải 2010/11 và 2011/12. Không CLB bóng đá Đức nào làm được điều đó như Dortmund với Bayern kể từ năm 1995 đến nay.
Mùa 2011/12, Dortmund đã đoạt cú đúp trước mũi Bayern đầu tiên trong lịch sử CLB nhờ chiến thắng 5-2 tại trận chung kết Cúp Quốc gia Đức. Chiến tích này ghi đậm dấu ấn của chân sút người Ba Lan là Robert Lewandowski, hiện đang khoác áo Bayern, với cú hat-trick. Đây cũng là chiến thắng thứ năm của Dortmund trong 5 trận Der Klassiker liên tiếp.
Tuy nhiên, trong mùa giải 2012/13, trận Der Klassiker đã đi vào lịch sử khi trở thành trận chung kết Champions League toàn Đức đầu tiên. Đây cũng là thời điểm danh từ Der Klassiker - Trận Siêu Kinh Điển nước Đức xuất hiện.
Bởi để đến được trận chung kết Champions League 2013, cả Bayern và Dortmund đã để lại sau lưng 2 bại tướng Real Madrid và Barcelona, chủ nhân của trận El Clasico danh tiếng.
Chưa dừng ở đó, trận Der Klassiker còn được phủ thêm kịch tính bởi sự phản bội của công thần Mario Goetze, tài năng trẻ của Dortmund đã nhận lời khoác áo Bayern đúng 1 tuần trước khi trận chung kết Champions League diễn ra.
Và sau 7 trận Der Klassiker liên tiếp (không tính trận lượt đi ở Cúp Quốc gia Đức 2012/13), cuối cùng Bayern đã giành được chiến thắng trước Dormund. Mandzukic mở tỉ số ở phút 60, Guendogan gỡ hoà ở phút 68 và đến phút 89, Robben ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho Bayern.
Chiến thắng này chấm dứt tháng ngày tạm lép vế của Bayern trước Dortmund, trả được mối thù nhìn Dortmund vô địch Champions League trên sân nhà mình năm 1997. Một tuần sau, Bayern đánh bại Stuttgart 3-2 trong trận chung kết Cúp Quốc gia, để hoàn tất cú ăn ba.
Một năm sau, họ hốt nốt tiền đạo ngôi sao Lewandowski của Dortmund - chân sút ghi bàn tốt nhất trận Der Klassiker với 22 bàn. Cộng thêm sự ra đi HLV Klopp và các ngôi sao khác như Ikay Guendogan, Shinji Kagawa… Dormund đã lại khuất bóng Hùm Xám kể từ năm 2014 đến nay. Họ chỉ giành được đúng 2 chiến thắng ở Bundesliga.
Bóng tối dường như bao phủ lên Dormund và phần còn lại của Bundesliga. Sau thời khắc vinh quang năm 2012 của đội bóng vùng Ruhr, Hùm Xám xứ Bavaria đã thiết lập một thành tích đáng sợ là vô địch giải đấu cao nhất nước Đức 7 lần liên tiếp.
Ở mùa giải này, sự lao đao kỳ lạ khiến Bayern bị lấn lướt bởi RB Leipzig và Dortmund, dẫn đến sự mất ghế của HLV Niko Kovac. Sau khi Hansi Flick lên chữa cháy, chiến lược gia này đã đem lại sự quen thuộc cho đội chủ sân Allian Arena: Chiến thắng.
Tính đến vòng 28 Bundesliga 2019/20, Bayern đang dẫn đầu BXH với 61 điểm, trong khi đó, Dortmund xếp thứ hai với 57 điểm. Như thế, nếu Bayern thắng hoặc hoà trong trận Der Klassiker 126 này thì họ sẽ có tới 90% cơ hội đoạt Mâm Bạc lần thứ 8 liên tiếp.
Còn nếu Dortmund có được 3 điểm, lịch sử lại trao cho kẻ thách thức này cơ hội lật đổ sự thống trị của Bayern, cho dù rất mong manh. Hiện tại, Dormund đang sở hữu một dàn cầu thủ trẻ chất lượng cao như Jadon Sancho, Julian Brandt hay Erling Haaland.
Cần nhắc đến tài năng trẻ người Na Uy Haaland của đội chủ nhà. Chân sút 19 tuổi này làm chúng ta nhớ đến hình ảnh của Lewandowski ngày nào. Chỉ gia nhập Dortmund từ tháng Giêng năm nay, nhưng sau 10 trận, anh đã có 10 bàn thắng, đạt hiệu suất ghi bàn cao nhất Bundesliga.
Haaland sẽ được đối đầu trực tiếp với tiền bối Lewandowski, người đang dẫn dầu danh sách ghi bàn ở Bundesliga mùa này với 27 bàn thắng. Anh đang vững bước tới danh hiệu VPL giải đấu này lần thứ năm, điều mà chỉ có một huyền thoại khác của Bayern làm được là "Máy dội bom" Gerd Mueller.
Ngoài dàn tài năng trẻ, Dortmund đang có một HLV khá ấn tượng là Lucien Favre. Chiến lược gia này cũng chính là niềm hy vọng của đội bóng vùng Ruhr trong nỗ lực tái hiện vinh quang của thập niên 1990 và thời kỳ Juergen Klopp. Màn đấu trí giữa Favre và Flick sẽ rất hấp dẫn bởi đây sẽ là trận Der Klassiker thứ hai giữa họ. Ở trận lượt đi, Flick và Bayern đã thắng 4-0.
Ở lần trở lại này, Lewandowski sẽ không phải chịu áp lực từ các khán đài của sân Signal Iduna Park - căn cứ địa của lực lượng người hâm mộ BVB nổi tiếng. Đây sẽ là trận Der Klassiker đầu tiên diễn ra mà không có khán giả bởi những cánh cửa đóng kín.
Những CĐV Đức đã quen với điều này ở 2 vòng đấu đã qua. Đại dịch COVID-19 đã khiến họ không được đến sân để xem màn đại chiến có tính chất quyết định ngôi Vương của Bundesliga mùa này nhưng không thể ngăn cản lửa của trận Der Klassiker và lửa trong lòng của mỗi CĐV.
Họ vẫn sẽ ngồi ở nhà hay tụ tập thành nhóm nhỏ ở quán Bar để cổ vũ cho đội bóng của mình. Những bức đại bích hoạ có thể sẽ không xuất hiện trên khán đài Signal Iduna Park như thường lệ, nhưng không gì có thể ngăn cản sự xuất hiện của Der Klassiker!