Bóng Đá Plus trên MXH

ĐT Đức sẽ mất vài lứa cầu thủ để sửa sai
16:29 ngày 19/11/2018
Sau khi Đức chính thức xuống hạng League B của Nations League, thậm chí họ còn chưa đá lượt trận cuối, HLV Joachim Loew đã đưa ra thông điệp công khai về cuộc cách mạng nhân sự nhằm đưa “Xe tăng” trở lại đúng vị thế. Song cuộc cải tổ này hứa hẹn sẽ không dễ dàng khi cỗ máy sản sinh tài năng bóng đá Đức đang gặp vấn đề.

    Khởi động cách mạng 2.0

    Cuộc tái sinh đau đớn của bóng đá Đức những năm cuối thế kỷ 20 và giai đoạn đầu 2000 đã mang đến thành công rực rỡ cho Die Mannschaft. Hàng loạt cầu thủ từ giỏi đến xuất chúng như Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Manuel Neuer, Mats Hummels, Jerome Boateng, Mesut Oezil, Toni Kroos, Thomas Mueller, Marco Reus… trở thành nguồn lực dồi dào trẻ hóa một ĐT Đức đang rệu rã, lột bỏ lớp vỏ xù xì cũ kỹ để thay thế bằng thứ bóng đá khoa học nhưng không kém phần quyến rũ. Đỉnh cao của quá trình “thay da đổi thịt” chính là chức vô địch World Cup 2014 tại Brazil, đưa Đức trở thành đội bóng châu Âu đầu tiên nâng cúp ngay trên lục địa Nam Mỹ.

    “Chúng ta đã làm rất tốt trong 10, 12 năm. Nhưng bóng đá liên tục phát triển. Chúng ta cần có nhiều cuộc thảo luận và một lần nữa phải tiến hành thay đổi rất nhiều”, HLV Jochim Loew, người đồng hành cùng ĐT Đức từ 2006 đến giờ, đánh giá. Đây là những ý kiến Loew đưa ra sau kỳ World Cup 2018 thảm bại và nối theo đó là thất bại trong chiến dịch Nations League của ĐT Đức. 

    Loew đã phát động cuộc cách mạng ở ĐT Đức
    Loew đã phát động cuộc cách mạng ở ĐT Đức

    “Chúng tôi có nhiều chỗ cho các cầu thủ trẻ để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cùng ĐTQG”, Loew ám chỉ về cuộc cải tổ mạnh mẽ đang đến. Với tình trạng hiện tại của ĐT Đức, tất cả đều đồng ý rằng điều chỉnh và thay đổi là không thể tránh khỏi. Các cuộc thảo luận, đánh giá của những nhà chuyên môn đã chỉ ra nhiều vấn đề mà Loew và bộ sậu phải đối mặt, trong đó đáng chú ý là “cỗ máy” đào tạo trẻ của Đức đang có dấu hiệu không theo kịp xu thế phát triển.

    Thực ra những dấu hiệu cảnh báo đã có từ trước khi ĐT Đức rơi vào thoái trào trong năm 2018 này. Có điều, chức vô địch Confed Cup 2017 và vô địch U21 châu Âu cùng năm đã khiến người Đức có phần chủ quan. Giờ thì nỗi lo lắng đã quay trở lại. 

    Hệ thống… lỗi thời

    Người Đức từng tự hào về hệ thống phát triển tài năng trẻ mà họ xây dựng gần 2 thập kỷ trước, với hàng nghìn trung tâm trên toàn quốc được LĐBĐ Đức (DFB) định hướng một triết lý bóng đá nhất quán thông qua giáo trình đào tạo và luyện tập dành cho các HLV lẫn cầu thủ. Nhiều quốc gia đã học hỏi, thậm chí sao chép mô hình thành công của Đức. Song như đã nói, bóng đá hiện đại thay đổi từng ngày, có những trường phái bóng đá được ngưỡng mộ để rồi chỉ sau vài năm đã trở nên lỗi thời. Những gì ĐT Đức đang trải qua là hệ quả của việc chậm thích ứng với thời cuộc.

    Những đòi hỏi với một cầu thủ hiện đại đã khác nhiều. Triết lý cũ giúp Đức sản sinh ra vô số cầu thủ có tư duy chơi bóng sắc bén. Họ am hiểu cả chục hệ thống sơ đồ, chiến thuật phức tạp, thi đấu với tính kỷ luật rất cao, chuyền bóng giỏi như những cỗ máy được lập trình. Tuy nhiên, như nhận định của HLV U18 Đức, Meikel Schoenweitz thì: “Một phần trong tâm lý chơi bóng của cầu thủ đã mai một. Họ không còn tận hưởng trận đấu, rê dắt, thực hiện các nỗ lực cá nhân vốn là những điều hết sức quan trọng, đặc biệt đối với cầu thủ trẻ”.

    Người Đức đào tạo ra nhiều cầu thủ có lối chơi giống nhau
    Người Đức đào tạo ra nhiều cầu thủ có lối chơi giống nhau

    Không khó để nhận thấy nhiều cầu thủ ở Bundesliga bây giờ có phong cách thi đấu na ná nhau. Hệ quả là rất ít cầu thủ có khả năng tạo ra đột biến lúc cần. Stefan Kuntz, HLV cùng U21 Đức vô địch châu Âu 2017, chỉ ra những điều kiện khó khăn: “Các CLB ở Bundesliga đang tiếp cận nhiều hơn với những cầu thủ 16, 17, 18 tuổi không phải là người Đức. Họ không phải không muốn những tài năng bản địa, nhưng thực tế là các cầu thủ nước ngoài đang thi đấu hiệu quả hơn. Đây là những hồi chuông báo động”.

    Quả thực Bundesliga đang dần trở thành miền đất hứa với những cầu thủ trẻ bên ngoài biên giới. Những Jordon Sancho, Reiss Nelson, Christian Pulisic, Benjamin Pavard, Josip Brekalo, Dayot Upamecano, Leon Bailey, Amine Harit, Luka Jovic, Achraf Hakimi… dễ dàng tìm được chỗ đứng và đánh bật các cầu thủ trẻ Đức lên ghế dự bị. 

    “Không đơn giản là siết lại một con vít. Mọi người phải chuẩn bị để tạo nên sự khác biệt”, Kuntz ví von một cách hình ảnh. “Chúng ta không còn sản sinh ra 5, 6 tài năng chất lượng mỗi năm mà chỉ còn 1 hoặc 2”. Loew phụ họa: “Vẫn còn một vài cầu thủ tốt sinh trong năm 1995 và 1996. Nhưng với những lứa U tiếp theo, chúng ta không còn trong nhóm hàng đầu”.

    Cần thời gian khắc phục vấn đề

    “Ngay cả trước World Cup (2018) chúng tôi đã biết về những điểm yếu của mình. Bây giờ, tất cả những người có liên quan đều đã sẵn sàng để khắc phục vấn đề. Về mặt nào đó, thất bại cũng đem đến những cơ hội lớn. Nhưng chúng tôi phải nhận thức được rằng hiệu quả từ những thay đổi trong hệ thống bóng đá sẽ không đến trong ngày một ngày hai, mà phải từ 4 đến 7 năm tới”, Schoenweitz cảnh báo.

    Mẫu cầu thủ giỏi kỹ thuật, giàu đột biến như Leroy Sane sẽ được khuyến khích phát triển
    Mẫu cầu thủ giỏi kỹ thuật, giàu đột biến như Leroy Sane sẽ được khuyến khích phát triển

    Cựu danh thủ Mehmet Scholl cũng góp ý kiến vào chủ đề này. Ông nhắm sự chỉ trích vào một thế hệ “HLV laptop”, những người rất nhạy bén trong việc áp dụng công nghệ vào bóng đá nhưng lại bỏ qua những điều cơ bản nhất của môn thể thao này. “Các cầu thủ trẻ không còn được phép lừa bóng nữa. Thay vào đó, họ nhồi nhét vào đầu cầu thủ những chiến thuật phức tạp, rối rắm”, Scholl than phiền.

    Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi giám đốc thể thao Max Eberl của Borussia M’Gladbach. “Sẽ có những vấn đề trong các năm tới khi những cầu thủ trẻ có lối chơi cá nhân không còn xuất hiện. Cần có sự khuyến khích những mẫu cầu thủ như thế nhiều hơn nữa”, ông nói.  

    Việc thiếu những kiểu cầu thủ khác nhau đã đặt ra cho các nhà cầm quân bài toán khó giải. Minh chứng là màn trình diễn của ĐT Đức tại Nga mùa Hè vừa qua, lối chơi kém đột biến vì trong tay Loew không có những quân bài đa dạng. “Chúng tôi đang cần những tiền đạo biết chơi độc lập, những cầu thủ giỏi đột phá cá nhân và các hậu vệ cánh, đặc biệt là cánh phải”, Loew than thở.

    “Hậu quả đang xảy ra. Bởi thế, giờ đây chúng ta phải thay đổi nếu muốn có những thành công trong tương lai”, Kuntz kết luận. Tuy nhiên, cách mạng không đồng nghĩa xóa bỏ hoàn toàn những cái cũ. Huyền thoại Matthias Sammer nhắc nhở: “Chúng ta cần cải tổ nhưng cũng cần phát huy những điều tốt đẹp đang có”.

    Đức sẽ là chủ nhà EURO 2024. Từ giờ đến thời điểm đó, người Đức vẫn còn thời gian. Song họ cũng hiểu rằng có thể sẽ mất vài lứa cầu thủ để khắc phục những sai lầm đã mắc phải.
    Sơn Tùng • 16:29 ngày 19/11/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay