Đây đang là những ngày ngắn nhất trong năm ở Cologne. Mùa đông đã chạm đến sông Rhine. Ánh nắng sớm tràn vào khắp căn hộ của Havertz ở Sudstadt, khu đô thị náo nhiệt nhất trong vùng. Dùng xong bữa sáng, anh kéo chiếc ghế đàn dương cầm ra, tay bắt đầu gõ những nốt nhạc.
Quyển bài hát của Havertz có đủ thể loại, từ pop tới jazz, từ cổ điển cho đến hiện đại. Anh đã tập dương cầm được hai năm, sau khi người bạn thân và cũng là cựu đồng đội ở Bayer Leverkusen, Julian Brandt, nói rằng đang học guitar.
Ở tuổi 20, Havertz đang là một trong những ngôi sao trẻ được thèm muốn nhiều nhất thế giới, được bao vây bởi các tin đồn liên quan đến Real Madrid, Liverpool, Manchester United, Bayern Munich và Juventus. Anh trầm lắng và kín đáo, dù ưa thích sự huyên náo ồn ã của Sudstadt nhưng hiếm khi nào chịu bước vào các club xuyên đêm hay quán bia bên phố. Phía bên kia cầu là Leverkusen, nơi đặt bản doanh của CLB Havertz đang đầu quân, yên ả có phần hơi buồn chán.
“Tôi đã là người lớn rồi mà. Nơi này rất ổn. Tôi có thể phát triển trong hoàn cảnh như vậy”, Havertz tuyên bố.
Havertz sống một mình trong căn hộ rộng rãi này. Chơi dương cầm giúp anh lấp thời gian trống và giải phóng tâm trí khỏi bóng đá.
“Khi bạn chơi bóng, bạn luôn để trái bóng xâm chiếm tâm trí. Cần có một mối quan tâm khác”.
Havertz phát hiện ra bà của mình có giữ một chiếc đàn dương cầm cũ. Một lần đến chơi anh đã thử khảy vài nốt. Havertz nói rằng anh chỉ tập theo từng bài, nghĩa là thích bài nào thì cố gắng tập cho bằng được bài đó. Hôm nay Havertz sẽ tập lại bài Comptine d’un autre été: L’apres-midi của Yann Tiersen.
Một ngày nào đó, có lẽ sớm thôi, Havertz sẽ rời khỏi căn hộ này. Leverkusen đang trả cho anh 5 triệu euro mỗi mùa, nhưng tài năng của Havertz đã vượt qua con số đó. Những lời chào giá đã vượt quá con số 100 triệu euro, cái ngưỡng mà chỉ có 7 vụ chuyển nhượng vượt qua trong lịch sử. Con số đó đủ để mua phần còn lại của hàng tiền vệ Leverkusen.
Người Đức chưa rõ sự lựa chọn của Havertz. Liệu anh có sẵn sàng cho một CLB hàng đầu châu Âu? Liệu có chọn Bayern Munich như nhiều cầu thủ người Đức khác? Liệu vụ chuyển nhượng sẽ xảy ra khi nào?
Nhưng Havertz đang biến đổi. Anh không còn là cầu thủ giống như mùa giải trước nữa. Bundesliga 2018/19 chứng kiến Havertz ghi được 17 bàn thắng, trong khi cả lượt đi mùa này, anh chỉ mới có 2 bàn. Leverkusen muốn leo cao nhất có thể nhưng sau lượt đi chỉ đứng ở vị trí thứ 6, cách ngôi đầu 9 điểm. Đó là thời gian căng thẳng cả bên trong lẫn ngoài CLB, với cả đội bóng lẫn cổ động viên.
Nhưng người ngoài sẽ không cảm nhận được nếu nhìn cách Havertz thi đấu.
“Tôi là một gã bình tĩnh. Tôi không căng thẳng. Không bao giờ phải như vậy. Có lẽ điều đó giúp tôi trên sân bóng”, chàng trai trẻ trầm ngâm. Havertz dừng lại trước một loạt các nốt phức tạp đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện. Rồi anh bắt đầu gõ phím, càng lúc càng mạnh mẽ.
Cho đến thời điểm này, con đường bóng đá của Havertz tương đối hanh thông. Từ một cầu thủ trẻ xuất sắc, anh trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp xuất sắc. Ở cấp độ đội tuyển, dù chỉ có 7 lần ra sân, Havertz được kỳ vọng sẽ là số 10 thế hệ mới, thay thế cho những Mesut Oezil hay Thomas Mueller.
“Từ đó đến giờ, cậu ấy luôn giữ chính xác một phong cách thi đấu. Tốc độ ở cấp độ trẻ và chuyên nghiệp khác nhau rất lớn, nên tất cả các cầu thủ đều cần thời gian để thích nghi. Với Havertz, mọi thứ rất dễ dàng. Cậu ấy chơi ở cấp độ cao nhất mà không khác gì hồi chơi cho các đội trẻ” - Simon Rolfes, GĐTT của Bayer Leverkusen, nhận xét.
Năm 10 tuổi, Havertz rời Aachen để gia nhập Leverkusen. “Đây là nơi hoàn hảo dành cho tôi”, anh đánh giá. Mẹ anh là người đưa anh đi đi về về mỗi ngày từ Aachen đến Leverkusen. Được một thời gian, CLB bố trí một chiếc xe đón Havertz và đồng đội từ Aachen. Tận dụng quãng giữa đường đi, anh lôi bài tập ra làm. Đến năm 15 tuổi, mọi việc dễ dàng hơn cho Havertz khi anh trọ ở một gia đình gần sân, rồi sau nữa, đến ở cùng người anh trai làm việc cho cửa hàng của CLB.
Năm 2016, Havertz được HLV Roger Schmidt trao cơ hội lên đội một. Anh không hề lo lắng mà chỉ tò mò, ngay lập tức thể hiện tiềm năng vô hạn của mình. Mới hôm trước, Havertz chỉ là một cậu bé đá bóng giỏi ở đội trẻ, hồi hộp mỗi khi chạm mặt mấy đàn anh trong phòng ăn CLB. Giờ thì Havertz đã có thể tương tác với họ thông qua trái bóng. Kevin Volland, Javier ‘Chicharito’ Hernandez, Hakan Calhanoglu và Karim Bellarabi... Họ đều là những cầu thủ Havertz đã ngưỡng mộ từ bé.
Ngày tập đầu tiên, Schmidt chia đội thành nhiều nhóm sáu người thi đấu với nhau. Không cần mất quá nhiều thời gian, Havertz cảm nhận được tiềm năng của mình.
“Tôi đã ghi nhiều bàn thắng. Rất nhiều bàn. Tôi nhận ra là mấy anh lớn không hề giỏi hơn tôi quá nhiều. Tôi có thể thi đấu cùng họ. Việc đó giúp ích tôi rất nhiều. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình có thể làm những điều to tát”.
Ngày 15/10/2016, Havertz trở thành cầu thủ trẻ nhất của Leverkusen ra mắt Bundesliga ở tuổi 17 và 126 ngày. Chưa tới một tháng sau, anh ra mắt Champions League khi Leverkusen làm khách ở sân Wembley của Tottenham Hotspur.
Jonathan Tah, đồng đội của Havertz, phải rất cố gắng để không bị ngợp: “Sân vận động đặc kín người. Tôi mới 20 tuổi và kiểu như: ‘Wow, Wembley. Một trận đấu vĩ đại”. Nhưng khi nhìn sang Havertz đang đứng kế bên, Tah hết sức ngạc nhiên.
“Cậu ấy chill lắm, cực kỳ bình thản. Phong thái cậu ấy thể hiện trước và trong trận đấu, cách cậu ấy chơi bóng rất mượt mà và dễ dàng. Cậu ấy mới 17 tuổi thôi. Thật không thể tin nổi. Tôi thầm nghĩ: 'Liệu điều này có bình thường không?’”.
Havertz chỉ nhún vai: “Tôi không nghĩ quá nhiều. Tôi chỉmuốn tận hưởng bóng đá”.
Havertz đạt được rất nhiều cột mốc "nhanh nhất", "trẻ nhất" của Bundesliga. Mùa giải trước chứng kiến Havertz thay đổi từ nhanh nhất và trẻ nhất thành giỏi nhất. Anh giúp Bayer Leverkusen giành vé dự Champions League, là cầu thủ xuất sắc thứ nhì Đức, chỉ sau Marco Reus. Nhưng trong một cuộc bầu chọn khác, anh vượt lên trên số 11 của Borussia Dortmund, Jadon Sancho và Robert Lewandowski.
Mùa hè trước, Havertz xuất hiện trong vô vàn bài báo, gắn liền với những con số phí chuyển nhượng khổng lồ. Nhưng anh vẫn có những tham vọng ở nước Đức. Với Havertz, mọi thứ đều có thể.
Nếu bạn vô tình tìm kiếm Havertz trong game FIFA hay Football Manager, hoặc bỏ thời gian xem xét các số liệu thống kê ở Bundesliga, sẽ ngạc nhiên khi nhận ra điểm chung của mọi hạng mục. Trong những mùa giải đã qua, Havertz đứng trong top đầu của rất nhiều hạng mục. Những con số thống kê riêng lẻ không thể minh họa hết ảnh hưởng của anh.
“Sẽ có người rê dắt giỏi hơn Havertz. Không nhiều nhưng chắc chắn là có. Cũng có người đi bóng nhanh hơn Havertz. Không nhiều nhưng sẽ có. Cậu ấy cũng rất mạnh mẽ, thường xuyên chạy về tham gia việc phòng ngự nếu cần thiết. Havertz có rất nhiều kỹ năng ở đẳng cấp cao, điều đó thực sự phi thường. Tôi không nhớ là mình đã từng gặp cầu thủ nào tương tự chưa”- Rolfes nói.
Điều này giải thích vì sao Havertz có biệt danh tiếng Đức là "Alleskoenner", nghĩa là một cầu thủ toàn năng, xuất sắc trong mọi lĩnh vực.
Anh cao tới 1,89 mét, bằng với Harry Kane của tuyển Anh. “Nhưng mọi người sẽ không bao giờ nhận ra cậu ấy nhanh đến mức nào đâu” – Brandt nói. “Không ai có thể tin nổi với vóc dáng như vậy mà cậu ấy cực nhanh, cực kỳ linh hoạt. Havertz cũng giỏi trong khâu chuyền bóng và ghi bàn. Tất cả kỹ năng đều xuất sắc”.
Tốc độ của Havertz từng thể hiện là 35,4 km/giờ, thuộc nhóm cầu thủ nhanh nhất của Bundesliga. Nhưng anh không chỉ biết dùng tốc độ, Havertz là cầu thủ chậm chạp nhất khi cần. Bài tủ của anh là đưa bóng về phía trước một cách hờ hững có chủ ý, chờ cho hậu vệ lao vào thì Havertz mới bất ngờ chuyền bóng hoặc qua người. Havertz luôn chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Chẳng có gì xảy ra. Cho tới lúc có gì đó xảy ra thì hậu vệ đã bị bỏ lại phía sau.
“Cậu ấy không bao giờ hấp tấp. Không bao giờ bận tâm kiểu ‘tôi đang bị gây áp lực’ hay gì. Cậu ấy dành thời gian suy nghĩ rồi mới ra quyết định” – Tah ca ngợi.
Havertz nói anh lấy khuôn mẫu cách tiếp cận trận đấu của Xavi, cựu cầu thủ Barcelona chưa bao giờ để nỗi sợ biến thành sai lầm. “Xavi nói phải dùng đầu chơi bóng. Còn với tôi, những cầu thủ thông minh chính là những người giỏi nhất” – Havertz nói.
Cũng như Xavi, Havertz có thể biến mình thành nút bấm làm chậm toàn bộ trận đấu lại. Khác Xavi, Havertz có thể đánh bại đối thủ bằng một pha tăng tốc bất ngờ.
Julian Nagelsmann khi xem Havertz đã liên tưởng tới Andreas Iniesta: “Khi thì cậu ấy chơi giống Xavi, khi thì giống Iniesta, nhưng lại là một trong số những người nhanh nhất giải đấu. Sẽ không thể tìm thấy điều này ở bất kỳ ai khác”.
Sau khi chuyền bóng, Havertz thường bứt tốc đầy chủ ý. Những hậu vệ sẽ chẳng thể nào đoán được hướng di chuyển của anh. Nếu bạn xem trận đấu từ truyền hình, Havertz sẽ biến mất khỏi khuôn hình.
“Đôi khi chúng ta có cảm giác Havertz đã rời sân. Cậu ấy rất thông minh. Cậu ấy di chuyển vào những không gian trống nên không ai có thể một kèm một cậu ấy. Rồi cậu ấy biết mất. Cậu ấy đi đâu đó trong những không gian trống được mở. Rồi bất thình lình cậu ấy di chuyển và nhận bóng” – Nagelsmann đánh giá.
Nhưng mùa giải này Havertz đã mất tích khá nhiều lần. Một trong những ví dụ tiêu biểu là ở trận thua 0-2 của Bayer Leverkusen trước Juventus hồi tháng 12 – kết quả chấm dứt giấc mơ Champions League của đội bóng.
Havertz không thể tìm ra không gian để hoạt động. Các hậu vệ Italia bao vây anh. Havertz chỉ có thể tung ra những đường chuyền vô hại, sang hai biên hoặc trả về phía sau. Trong một tình huống cuối hiệp một, Havertz có cơ hội đối mặt với Gianluigi Buffon. Anh giữ bóng bằng chân trái trước khi tung cú sút nhưng hậu vệ Juventus đã đưa chân ra chặn đường bóng. Mùa giải trước, tình huống tương tự chắc chắc có kết quả là một bàn thắng.
Không có Brandt, người đã kiến tạo 13 lần và ghi 7 bàn mùa trước, hàng tấn công của Bayer Leverkusen rất chật vật để ghi được bàn. Mùa trước họ ghi được 69 bàn, còn mùa này, họ chỉ mới chạm cột mốc 35 bàn sau chiến thắng kịch tích 4-3 trước Borussia Dortmund.
Nếu duy trì tỉ lệ 1,67 bàn mỗi trận như hiện tại, họ có thể kết thúc mùa giải với 56 bàn. Sự sụt giảm về hiệu suất ghi bàn khiến Havertz phải lùi về sâu hơn, anh chơi gần như một tiền vệ con thoi hơn là tiền vệ tấn công. Anh phải chuyền bóng vào vị-trí-có-thể-tạo-ra-cơ-hội thay vì giải-quyết-cơ-hội như trước kia. Sự ảnh hưởng là không thể bàn cãi.
“Kai quá quan trọng với chúng tôi, ở khía cạnh con người và cầu thủ trên sân. Cậu ấy giúp phần còn lại chơi hay hơn” - Tah nói.
Dù vậy, thể hiện đó vẫn không phải là thứ đã từng được định giá tới 100 triệu euro. Từ tháng 9 cho đến hết năm 2019, Havertz không ghi được một bàn nào. Đó là điều mà không ai dám nghĩ tới trước khi mùa giải bắt đầu.
Ở kỳ tập huấn mùa đông tại Tây Ban Nha, HLV Peter Bosz báo cáo lên ban lãnh đạo rằng Havertz “sung mãn và tự tin”. Anh ghi được 2 bàn trong trận giao hữu với F.C. Utrecth, Bosz hồ hởi “chính là Kai mà chúng ta từng biết”. Sau khi lượt về trở lại, anh đã ghi 1 bàn thắng, kiến tạo 1 bàn khác trong chiến thắng 4-1 trước SC Paderborn.
Tới trận gặp Fortuna Duesseldorf, Havertz lại ghi bàn. Lần này từ một pha đánh đầu. Lần đầu tiên trong mùa giải anh ghi bàn trong hai trận liên tiếp. Một dấu hiệu tốt.
Trận chung kết Champions League năm ngoái là một thành công nho nhỏ với Bayer Leverkusen. Vì “Son Heung-Min” – Rolfes nói. Cầu thủ Hàn Quốc từng có thời gian khoác áo đội bóng hãng dược từ 2013-2015. Nhưng vẫn không hạnh phúc bằng cách đây 3 năm, với sự góp mặt của Toni Kroos, Dani Carvajal bên phía Real Madrid và Arturo Vidal bên phía Juventus. “Đó là một phần thưởng. Chúng tôi cùng theo dõi trận chung kết và nói rằng: ‘Xem kìa, họ đã đi bước đầu tiên ở đây’”.
Thông điệp đó có nghĩa là các cổ động viên Leverkusen cảm thấy hạnh phúc nếu những cựu cầu thủ giành chức vô địch Champions League, ngay cả trong một màu áo khác.
“Sẽ rất tuyệt nếu chúng tôi giành được Champions League. Chắc chắn là một trong năm nào đó, chúng tôi cố gắng hết mức để tạo ra điều kỳ diệu như vậy. Nhưng để cạnh tranh năm này qua năm khác, ngân sách của chúng tôi phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Điều này là bất khả thi” - Rolfes phân tích.
Thứ Rolfes có thể làm là biến Bayer thành nơi cho ra lò những sản phẩm bóng đá hoàn thiện. Họ tìm kiếm những tài năng còn tươi mới, đánh bóng họ ở Bundesliga và đưa họ đi khắp thế giới. Tiến trình đó vẫn đang nỗ lực ngày đêm tìm kiếm những Michael Ballack hay Dimitar Berbatov mới. Hoặc là những Son, Brandt hay Havertz mới.
“Đó là DNA của chúng tôi. Havertz trưởng thành từ đây. Cậu ấy gắn chặt với bản sắc của CLB. Tôi nghĩ cậu ấy thích chơi bóng ở đây. Chúng tôi tự hào vì đã đào tạo nên Havertz. Và tất cả phải cùng chờ xem liệu chúng tôi giữ cậu ấy được bao lâu. Tới lúc thì chúng tôi sẽ phải để cậu ấy ra đi”.
Một số tin rằng anh sẽ ở lại Đức. Lutz Pfannenstiel, GĐTT của Fortuna Duesseldorf, nhận định: “Chúng ta chưa khi nào xuất khẩu quá nhiều”. Bayern Munich?. “Tôi chắc chắn đến 99%. Và nếu không phải, thì sẽ là Dortmund”.
Nhưng Havertz không đảm bảo: “Họ chính xác là không hề hiểu tí gì về tôi”.
Aachen, nơi Havertz lớn lên, là tâm điểm của một tam giác quốc tế. Lái xe 10 phút về hướng tây là nước Bỉ; 15 phút về hướng tây nam là Hà Lan. Gia đình anh cũng có thể lên xe đi mua sắm ở Maastrich, thưởng thức món moules et frites* trứ danh trên đường về nhà.
(moules et frites là món trai ăn kèm khoai tây, có xuất xứ từ Bỉ)
“Bayern Munich là CLB vĩ đại, nhưng tôi không thể nói rằng tôi muốn ở lại Đức. Có vài người muốn dành cả đời để ở đấy, nhưng không phải tôi. Tôi bỏ ngỏ mọi thứ. Tôi nghĩ ba năm qua mình đã chơi tốt, theo ý kiến của tôi là vậy. Vì vậy nên hoài bão của tôi cũng rất lớn. Tôi muốn được khoác áo những CLB lớn nhất thế giới. Có lẽ bây giờ, hoặc sau này”.
Havertz tiếp cận mọi thứ với sự bình thản đầy tự nhiên. Khi nói về dự định trong bóng đá, anh nhắc đến kế hoạch cho bữa tối Chủ nhật.
“Trong tất cả quyết định, gia đình và bạn bè tôi đều có vai trò quan trọng. Chúng ta cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Có thể vài tháng nữa. Có thể qua năm. Tôi sẽ tìm ra hướng đi. Nhưng ở độ tuổi này, tôi biết tôi muốn được ra sân”.
Và rồi Havertz quay lại với bản nhạc của mình. Giai điệu đã tới một đoạn cực kỳ khó xử lý, phải rải ba nốt thật nhanh. Anh cuối cùng cũng hoàn thành hai trong số đó. Giờ thì Havertz nhuần nhuyễn lắm rồi, nhưng anh sẽ làm lại cho đến khi không còn mắc một lỗi nào. Havertz biết phần tiếp theo sẽ cần thời gian.
XEM THÊM
Nếu rời Dortmund, Sancho nhất quyết đừng quay lại Anh
Thomas Gronnemark – Người giúp Liverpool ghi bàn từ những quả ném biên