Những ý kiến trái chiều
Hôm thứ Năm (23/4), 36 CLB thuộc hai hạng đấu hàng đầu đã tán thành kế hoạch thi đấu trở lại sớm nhất vào ngày 9/5. Ban tổ chức các giải chuyên nghiệp Đức (DFL) đã đệ trình lên chính phủ chờ duyệt. Quyết định cuối cùng từ Thủ tướng Angela Merkel sẽ có vào ngày 30/4 đồng nghĩa với việc Bundesliga chỉ có thể thi đấu từ 15/5. Bởi lẽ các CLB cần ít nhất hai tuần tập luyện chuyên sâu trước ngày thi đấu.
Việc chính phủ Đức có phê duyệt cho Bundesliga trở lại hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, không phải tất cả đều tán đồng việc trái bóng lăn trở lại giữa tình hình bệnh dịch còn nhiều phức tạp. Thái độ hoài nghi từ Bộ Lao động, Bộ Nội vụ về khả năng kiểm soát y tế của DFL, quan điểm cứng rắn của Viện dịch tễ học Robert Koch trong việc tạm dừng bóng đá sẽ tác động không nhỏ tới quyết định cuối cùng. Cho dù DFL đã vẽ ra một kịch bản rất xấu nếu Bundesliga không thể tiếp tục, đó là phần lớn trong số 36 CLB rơi vào cảnh phá sản và 56.000 người mất việc làm, họ cũng không thể chắc chắn các chính trị gia có cùng quan điểm.
Nhà dịch tễ học Karl Lauterbach là một trong người phản đối gay gắt nhất việc Bundesliga thi đấu trở lại. “Chúng ta đang truyền tải thông điệp tới những người trẻ tuổi: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, virus vô cùng nguy hiểm. Nhưng việc Bundesliga tái khởi động đã phủ nhận cả ba nguyên tắc này”, Lauterbach nói trên đài phát thanh Bavaria. Việc một bộ phận không nhỏ dư luận Đức, cụ thể là giới y học, phản đối Bundesliga trở lại sẽ gây sức ép lên các nhà chính sách.
Cẩn thận làn sóng thứ 2 của đại dịch
Ngoài dư luận phản đối, Bundesliga còn đối diện với kẻ thù nguy hiểm nhất là làn sóng thứ hai của đại dịch. Đức đang làm rất tốt công tác chống dịch, biểu hiện ở số người tử vong thấp (5575) nếu so với các quốc gia láng giềng như Pháp (21.856). Hệ thống y tế của Đức vẫn kiểm soát tốt tình hình. Việc nới lỏng cuộc sống công cộng là biểu hiện của tình hình tốt lên. Nhưng các nhà dịch tễ học Đức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm vẫn còn tiềm ẩn và làn sóng thứ hai của đại dịch có thể xuất hiện vào tháng 5 hoặc tháng 6. Nếu điều đó xảy ra, kế hoạch lăn bóng sẽ bị phá sản.
Chính phủ Đức đặc biệt quan tâm đến nguy cơ lây nhiễm trong thi đấu. Chỉ cần 1 cầu thủ dính virus, cả đội sẽ bị cách ly, giải đấu sẽ bị xáo trộn thậm chí dừng lại lập tức. Tuy nhiên, DFL cam kết tất cả cầu thủ có kết quả xét nghiệm âm tính một ngày trước trận mới được đăng ký thi đấu. Số lượng xét nghiệm virus corona tại Bundesliga sẽ chiếm khoảng 0,5% số mẫu xét nghiệm trên toàn quốc. Đây là tỷ lệ quá cao theo các chuyên gia y tế, và chính Christian Seifert (GĐĐH của DFL) phải thừa nhận “nếu mẫu xét nghiệm không đủ cho toàn dân, việc xét nghiệm cho cầu thủ sẽ dừng lại và giải đấu sẽ không diễn ra”.
Một mối lo ngại khác đến từ đám ultras, những CĐV quá khích. Do không được vào sân, khả năng rất lớn họ sẽ tụ tập bên ngoài sân vận động đồng nghĩa làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Hiện các CLB và chính quyền địa phương đang nỗ lực thuyết phục các hội CĐV ngồi yên ở nhà nhưng ít có hiệu quả.
Những nguy cơ vẫn tiềm tàng, đặc biệt liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Đức trong những ngày tới. Nhưng hy vọng rằng trái bóng Bundesliga sẽ lăn theo đúng kế hoạch vào giữa tháng 5 để đánh thức các sân cỏ châu Âu.
Cầu thủ đeo khẩu trang thi đấu? 300 - Một trận đấu không khán giả tại Bundesliga chỉ được phép có tối đa 300 người trong sân vận động bao gồm HLV, cầu thủ, lực lượng an ninh và các thành phần liên quan. |
XEM THÊM
Leipzig chuẩn bị đá không khán giả thế nào?