BÌNH THẢN TRƯỚC BI KỊCH Ở TUỔI 27
Tháng 3/1979, Uli Hoeness kết thúc sự nghiệp cầu thủ vì một chấn thương chữa mãi không lành. Ở thời điểm ấy, ông chỉ mới 27 tuổi. Đấy là bi kịch đối với một ngôi sao bóng đá đã vô địch từ EURO đến World Cup, từ Bundesliga đến Cúp C1/Champions League? Không hề!
Có 2 điều đáng nói. Thứ nhất, làng bóng Đức phản ứng một cách thờ ơ với việc Hoeness giải nghệ ở tuổi 27. Thứ hai, Hoeness - giống như rất nhiều trường hợp tương tự khác trong bóng đá đỉnh cao - chỉ đi đến quyết định treo giày sau rất nhiều nỗ lực bất thành trong việc chữa trị chấn thương. Trên thực tế, ông đã không thể khôi phục phong độ suốt nhiều mùa bóng trước đó, chính xác là kể từ khi chấn thương trong trận chung kết cúp C1 châu Âu 1975.
Nói vậy có nghĩa, Hoeness chẳng những phải giải nghệ ở tuổi 27 mà còn bắt đầu sa sút phong độ từ tuổi 23, vì một chấn thương không thể trị dứt điểm. Thực tế ấy lý giải vì sao người ta không biết nhiều về sự nghiệp cầu thủ của Uli Hoeness.
Tất nhiên, Hoeness thì ai cũng biết. Nhưng ông giỏi đến cỡ nào, có tuyệt chiêu gì đọng lại trong ký ức của giới hâm mộ? Ông là thành viên trong thế hệ hào hùng nhất của ĐT Đức, vô địch EURO 1972 và World Cup 1974. Nhưng ở cái thế hệ lừng danh ấy, cái tên Uli Hoeness dứt khoát không thể được đặt ngang hàng với Sepp Maier, Gerd Mueller hoặc Franz Beckenbauer.
Nhắc lại những khoảnh khắc đáng nhớ trên sân cỏ quốc tế hồi thập niên 1970 mà có liên quan đến Hoeness, thì kỷ niệm buồn lại nhiều hơn vui. Chẳng hạn, ông chính là người đốn ngã Johan Cruyff trong trận chung kết World Cup 1974, dẫn đến quả phạt đền giúp Hà Lan mở tỷ số. Ở tình huống ấy, Hoeness không còn giải pháp nào khác để ngăn cản Cruyff ghi bàn.
Và sau khi Johan Neeskens sút thành công quả phạt đền cho Hà Lan thì thủ môn Sepp Maier mới trở thành cầu thủ Đức đầu tiên chạm được vào bóng trong trận chung kết World Cup (chạm bóng bằng cách vào lưới nhặt nó ra)! Một sự kiện đáng nhớ khác liên quan đến Hoeness: ông sút vọt xà, và Đức trở thành đội đầu tiên thất bại trên chấm 11m luân lưu ở một giải đấu lớn (trận chung kết EURO 1976, thua Tiệp Khắc).
Lịch sử ghi nhận: CHLB Đức (mà chúng ta vẫn gọi vắn tắt là ĐT Đức) chỉ gặp CHDC Đức duy nhất một lần trong làng cầu quốc tế. Đấy là trận đấu tại kỳ World Cup 1974 mà Đức vô địch ngay tại sân nhà. Trớ trêu thay, họ lại thua CHDC Đức ở kỳ World Cup ấy. Nhưng thật ra, còn có một trận đấu khác, cũng mang tính lịch sử. Đó là trận đấu duy nhất giữa hai nước này trên đấu trường bóng đá Olympic.
Trận đấu diễn ra vào năm 1972, khi Đức cũng là chủ nhà của Olympic Munich. Tại đấy, CHLB Đức vẫn thua 2-3 và không vào được bán kết. Hoeness ghi được 1 bàn trong trận thua này, nhưng thất bại của cá nhân ông xem ra còn nặng nề hơn của đội Đức. Lý do: Hoeness đã phải cố giữ vững tình trạng “nghiệp dư” để được tham dự Olympic Munich 1972.
NGHIỆP DƯ, NHƯNG THÂU TÓM ĐỦ DANH HIỆU
Những ai hâm mộ Uli Hoeness không nhất thiết phải nổi nóng khi người viết dùng các sự kiện đáng nhớ vừa nêu để khắc họa chân dung của một ngôi sao... hạng nhì nơi Uli Hoeness. Thật ra, chính cái chỗ tầm thường về đẳng cấp chuyên môn (so với Beckenbauer, Mueller, Maier) càng làm nổi bật thành công của Hoeness.
Năm 1975, tờ báo Kicker từng viết về Uli Hoeness như thế này: “Có những cầu thủ chơi bóng cho khán giả và vì khán giả. Loại này thường chơi rất hay khi được đám đông cổ vũ, nhưng cũng hay thất bại khi không chịu nổi áp lực lớn từ khán đài. Có những cầu thủ chơi bóng vì bản thân mình. Họ biết thế nào là tốt và chỉ chơi theo suy nghĩ của họ, mặc kệ người ta thích hay không thích. Lại có một loại cầu thủ chỉ chơi bóng vì... băng ghế dự bị. Đấy là do trên ghế dự bị có BHL đang ngồi xem họ thi đấu. Uli Hoeness là điển hình của loại cầu thủ này".
Không nổi bật về tài năng, nhưng Hoeness lại tích lũy những thành công, những danh hiệu mà khối tài năng mơ ước cả đời vẫn không có được. Ông có 3 Cúp C1/Champions League, 3 lần vô địch Bundesliga, 1 Cúp Quốc gia, 1 Cúp Liên lục địa, 1 lần vô địch World Cup và 1 lần vô địch EURO. Và nên nhớ: ông vẫn là một cầu thủ nghiệp dư cho đến năm 1972 và phải chính thức giải nghệ vào năm 1979, sau khi mờ nhạt hẳn vì chấn thương vào năm 1975!
TỰ LẬP TRÌNH SỐ PHẬN
Bất cứ điều gì Hoeness đã làm, từ bóng đá đến cuộc đời, đều có mục đích. Đấy đều là kết quả của một kế hoạch và có ý nghĩa rõ ràng, dĩ nhiên là ý nghĩa cho bản thân ông. Người ta phỏng vấn Hoeness trước thềm World Cup 1974, hỏi về giấc mơ vô địch thế giới. Ông bình thản trả lời: “Chúng tôi sẽ trở nên bất tử ư? Chúng tôi sẽ đi vào huyền thoại ư? Những điều như thế có gì là quan trọng? Tôi chỉ thấy rõ một điều: nếu vô địch World Cup, tôi sẽ sống khỏe đến cuối đời”.
Rõ ràng, sự nghiệp cầu thủ cực kỳ thành công của Hoeness không đến từ một tài năng lớn, hoặc nói cách khác thì đấy không nhất thiết phải là tài năng bóng đá. Khi chơi bóng, ông biết phải làm sao để có lợi nhất cho bản thân mình. Ông chơi bóng để ban huấn luyện chấm điểm về mình hơn là chơi cho khán giả hoặc chơi để đồng đội chiến thắng.
Cũng không phải tự nhiên mà Hoeness, xuất thân từ thị trấn Ulm, lại chọn Bayern làm xuất phát điểm cho sự nghiệp bóng đá - ở cái giai đoạn mà Bayern hoàn toàn chưa "có số" trên sân cỏ châu Âu. Hồi còn đi học ở Ulm, Hoeness luôn dễ dàng vượt qua mọi kỳ kiểm tra, dù ông không phải là học sinh giỏi. Ông phụ trách tờ báo tường cho trường học, và luôn có điểm ưu tiên.
Một người thầy cũ của Hoeness kể lại: "Tôi chưa bao giờ thấy cậu ta làm điều gì mà không có mục đích, không toan tính trước". Năm 1970, Hoeness ký hợp đồng với Bayern. Trước đó 1 ngày, Hoeness gọi điện đến tờ báo lớn nhất ở địa phương và yên tâm là ảnh của mình sẽ xuất hiện tràn ngập, cùng các bài báo lớn, trong ngày hôm sau (xin được lưu ý: đấy là chuyện cách đây hơn 40 năm, khi Pele vẫn còn chơi bóng và làng cầu thế giới chưa có khái niệm "PR" như bây giờ).
Cũng vì luôn có kế hoạch, có mục đích, nên Hoeness bình thản treo giày ở tuổi 27. Thế giới không hề sụp đổ khi một cầu thủ buộc phải giải nghệ ở độ tuổi quá trẻ như vậy. Sự nghiệp cầu thủ khép lại thì một sự nghiệp đồ sộ hơn, thành công hơn, vĩ đại hơn, lại mở ra cho Hoeness, như thể nó đã được lập trình bởi... chính ông.
(Còn nữa)