Vả lại, Uli Hoeness sống và làm việc không phải để nghe số đông khen ngợi. Ông cũng chẳng buồn trốn tránh khi scandal trốn thuế bùng nổ và ông phải vào tù.
"NIỀM VUI TRONG TÔI ĐÃ CHẾT..."
Ngồi tù đi nữa, cũng đâu có thấm tháp gì so với cái chết. Tháng 2/1982, Hoeness tưởng như đã chết trong một tai nạn hàng không. Ông là người duy nhất thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng 3 người bạn rất thân của ông đều tử nạn trong thảm họa ấy. "Niềm vui trong tôi đã tắt kể từ ngày ấy".
Hoeness rất ít khi nhắc lại chuyện cũ, nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã trả lời như vậy. Những người hiểu rõ về ông lại nghĩ khác: thứ đã chết thật ra chỉ là cái chủ nghĩa "ta là nhất" trong con người ông.
Khi Hoeness rời ghế tổng giám đốc để tiến lên ngôi vị cao nhất ở Bayern Munich: chủ tịch CLB thể thao (gồm rất nhiều môn chứ không chỉ là CLB bóng đá), ông chỉ bình thản trả lời phỏng vấn: "Sau ngần ấy thời gian làm việc, chẳng còn điều gì có thể làm tôi hoang mang, bất ngờ, vui sướng hoặc đau khổ nữa". Ra tòa với tội danh trốn thuế? Hoeness tuy đã thừa nhận rằng ông hối hận vì "một sai lầm chết người", nhưng không né tránh mà chỉ bình thản chờ đợi.
Tờ báo đầu tiên loan tin Hoeness trốn thuế lại chính là tạp chí Focus của Helmut Markwort - người hay ngồi cạnh Hoeness trên khán đài VIP trong các trận đấu của Bayern. Markwort cũng là một thành viên trong ban giám sát Bayern Munich. Ban này, do chính Hoeness làm chủ tịch, có vị trí cao hơn ban điều hành vốn là chỗ của các quan chức như Karl-Heinz Rummenigge hoặc Matthias Sammer.
Markwort nói gì về người bạn mà ông đã sát cánh trong hơn 20 năm trong hàng ngũ quan chức Bayern? "Tôi chỉ có một câu: hãy xử đúng luật, và hãy để Hoeness nói lên việc làm của mình".
Markwort không phải là VIP duy nhất từng tự hào khi xuất hiện bên cạnh Uli Hoeness. Có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều thành viên cao cấp khác trong đảng Dân chủ Cơ đốc giáo. Họ đều thấy đau vì scandal động trời của Hoeness. Và họ đều lập tức xa lánh người bạn nổi tiếng của mình, ít ra là giữ khoảng cách với Hoeness trước công chúng.
Scandal trốn thuế mà không bùng nổ, dứt khoát phải có cảnh bà Merkel tươi cười bên cạnh Hoeness trong cái ngày Bayern Munich đăng quang vô địch Champions League. Đằng này, người phát ngôn của bà Merkel chỉ nói ngắn gọn: "Thủ tướng cảm thấy thất vọng".
SỐNG TRONG ĐỊA NGỤC
Trốn thuế là một tội danh đáng xấu hổ trong xã hội Đức. Và người trốn thuế trên 1 triệu euro, nếu bị tòa án kết luận như thế, đương nhiên phải vào tù. Số tiền mà Hoeness "quên nộp thuế" cao hơn 3 triệu euro.
Về mặt kỹ thuật, Hoeness đã "bị bắt" lúc 7 giờ sáng ngày 20/3/2014. Sau đó, ông được tại ngoại một thời gian vì đã tự nguyện "khắc phục hậu quả". Lý lẽ của Hoeness là ông quên khai thuế, đúng vào thời điểm mà người đã lẽ phải làm việc đó, cố vấn tài chính của ông, lại đang nghỉ phép. Tòa có chấp nhận những gì Hoeness giải thích?
Hơn 30 năm sau khi "niềm vui trong Hoeness đã chết", bây giờ chính ông lại đang "sống trong địa ngục". Hoeness rầu rĩ kể lại trạng thái của mình sau ngày 20/3: "Tôi không ngủ được. Tôi vã mồ hôi suốt đêm. Đấy là những điều trước đây tôi chưa bao giờ trải qua. Và tôi kiệt sức vào mỗi sáng sớm".
Ông sẽ cố gắng thanh minh trước tòa? Hình như cũng chẳng quan trọng. Ông nói: "Tôi chỉ mong có cơ hội để nói rất thật về mình, về câu chuyện của mình, với những người bạn thân, nói một cách riêng tư".
Sau khi Hoeness bị kết tội thì việc ông phải từ chức chủ tịch Bayern Munich là chuyện đương nhiên. Và như thế, bóng đá đỉnh cao đã chia tay một tượng đài lớn. Cái tên Uli Hoeness có lẽ sẽ chìm mãi vào quên lãng. Và do vậy, đấy chính là lúc để những ai quan tâm đến Hoeness nhìn lại những gì ông đã làm trong hơn 30 năm điều hành Bayern.
BIẾN BAYERN THÀNH MỘT "TỔ CHỨC TỪ THIỆN"
Bayern thành công vang dội, trở thành vô đối trong làng bóng Đức, và là một trong những CLB bóng đá giàu nhất thế giới? Những chuyện như thế, nhắc mãi cũng nhàm. Nhưng với Hoeness, nói thế hãy còn quá ít. Cây bút Dietrich Schulze-Marmeling gọi Bayern Munich trong thời Hoeness quản lý là một "tổ chức từ thiện".
Sự thật là không có đội bóng nào ở Đức đóng tiền hoặc gây quỹ từ thiện nhiều hơn Bayern. Báo chí bình luận Bayern "hút máu" các đội bóng khác. Nhưng chính Hoeness từng ra quyết định chi tiền để cứu Borussia Dortmund - đối thủ lớn nhất của Bayern trong vài năm nay - thoát cảnh rớt hạng. Ông còn cứu đội bóng cùng thành phố, TSV 1860 Munich, trong hoàn cảnh tương tự.
Cựu danh thủ Markus Babbel khẳng định: "Khoan nói ở Đức, Bayern chắc chắn là đội bóng nhiều tình người nhất châu Âu. Khi cầu thủ của đội gặp phải bất cứ vấn đề gì, Bayern luôn giúp đỡ tận tình". Babbel nói vậy không phải khi anh gia nhập Bayern (và "lấy điểm"), mà là khi anh chia tay Bayern để gia nhập Liverpool trong một hoàn cảnh các bên liên quan không mấy vui vẻ với nhau!
Cứ hỏi Mehmet Scholl, Alan McInally, Gerd Mueller, Lars Lunde, và rất nhiều trường hợp khác. Câu trả lời chắc chắn cũng như Babbel. Hoeness giúp các cầu thủ Bayern cả trong tư cách cá nhân chứ không chỉ dùng tiền của CLB. Ông giúp cả trong cuộc sống tinh thần, chứ không chỉ biết chi tiền.
Hồi Lars Lunde chấn thương nghiêm trọng vì tai nạn giao thông, gần như một mình Hoeness giúp đỡ, chăm sóc Lunde trong ngôi nhà của mình. Đấy cũng là nơi mà sau này Hoeness đã giúp đỡ và bầu bạn với Scholl, khi ngôi sao này ly dị. Lunde là một câu chuyện cảm động về mặt thể chất, còn Scholl lại là câu chuyện về tinh thần.
Hãy trở lại với scandal trốn thuế. Đấy hoàn toàn là việc riêng của Hoeness, liên quan đến số tiền lãi của cá nhân ông trên thị trường chứng khoán và tài khoản bí mật của ông trong một nhà băng Thụy Sĩ. Dù cảnh sát có mở rộng điều tra đi nữa, cũng chỉ có thêm tình huống vì sao người đứng đầu công ty Adidas (nay đã qua đời) lại cấp vốn cho Hoeness đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Tóm lại, vụ án Hoeness trốn thuế hoàn toàn không gây chút ảnh hưởng nào đến uy tín của Bayern. Chỉ mỗi Hoeness phải chịu tội. Ông không yêu cầu, không cần, cũng chẳng muốn ai trong ban điều hành Bayern giúp đỡ. Ông sẽ tự mình bước vào quên lãng?
(Hết)
Giống như Garrincha, George Best, hoặc nhiều ngôi sao khác, huyền thoại Gerd Mueller cũng từng chìm đắm trong men rượu. Ông được Bayern giúp đỡ và kéo trở lại thế giới thể thao. Đối lập hẳn với câu chuyện cảm động về Gerd Mueller, báo chí từng hỏi: "Pele ở đâu khi Garrincha qua đời vì nghiện rượu và nghèo đói?".