Lương thấp, chẳng bao giờ gửi được tiền về cho bố mẹ
PV: Xin chào chị Dương Thị Phương Thảo. Thật sự tôi thấy bất ngờ khi con số trợ lý và trọng tài nữ Việt Nam tham gia lớp tập huấn trọng tài các giải bóng đá nữ quốc gia năm 2019 chưa đến 20 người. Phải chăng, nghề cầu thủ nữ đã kén, nghề trọng tài nữ lại càng kén hơn?
- Trợ lý Dương Thị Phương Thảo: Thật sự là như thế. Chỉ những người quá đam mê và yêu bóng đá như chị em chúng tôi mới có thể gắn bó với bóng đá lâu như vậy. Với cá nhân tôi, sau khi “treo giày” cách đây 2 năm, tôi đã nghĩ đến việc làm HLV nhưng không thành. Song vì say mê bóng đá, tôi quyết định theo nghề trọng tài. Cụ thể là làm trợ lý.
Vậy trước đây, chị đến với bóng đá trong hoàn cảnh như thế nào?
- Ban đầu tôi học điền kinh. Các thầy bên trung tâm tại tỉnh Thái Nguyên thấy tôi có tố chất thể thao nên đề nghị tôi sang chơi bóng đá. Lúc đấy tôi 14 - 15 tuổi, ở giai đoạn chuyển từ cấp 2 sang cấp 3. Được một thời gian thì tôi cảm thấy yêu thích bóng đá. Mà gia đình tôi cũng rất ủng hộ. Bố mẹ vẫn nói với tôi: “Tùy theo ý con. Con thích làm gì bố mẹ cũng đồng tình”. Trong khoảng hơn chục năm, tôi chơi cho 3 CLB là Thái Nguyên, Hà Nội I và Sơn La, trong vai trò hậu vệ và tiền vệ.
Người ta vẫn nói làm cầu thủ nữ thì vất vả lắm, thu nhập không cao mà phải hy sinh rất nhiều. Vậy hỏi thật lòng, thu nhập trung bình mỗi tháng đối với một cầu thủ nữ như chị trước kia là bao nhiêu?
- Tôi vẫn nhớ hồi năm 2002 - 2003 khi còn chơi cho Thái Nguyên, cả tháng tôi chỉ nhận được 300.000 đồng, bao gồm cả tiền sinh hoạt và tiền ăn. Sau đó dần dần, thu nhập của tôi nhích lên 600.000 đồng/tháng. Đến tầm năm 2009 - 2010, tôi thi đấu cho Hà Nội I thì chế độ nhận được nhiều hơn. Tiền công vào khoảng 900.000 đồng/tháng, và còn có thêm cả tiền ăn là 150.000 đồng/ngày, tức được khoảng 5 - 6 triệu/tháng.
Có thể xem mức lương 5 - 6 triệu/tháng vào năm 2010 là trung bình. Vậy cầu thủ như chị khi ấy có thể tích góp gửi tiền về cho gia đình giống như các đồng nghiệp nam vẫn thường hay chia sẻ trên báo giới?
- Thú thật tôi chưa bao giờ gửi được tiền về cho gia đình. Thậm chí là có quãng thời gian tôi phải than thở rằng: “Bố mẹ ơi, con thiếu tiền”. Cũng may khi thi đấu cho một đội mạnh như Hà Nội I thì thường được giải. Mà khi được giải thì tôi có thêm tiền thưởng để xoay sở.
“Tôi có người yêu, nhưng cũng lại chia tay rồi”
Chị có nói rằng mình từng là hậu vệ. Không như tiền đạo, mỗi một sai lầm của hậu vệ hay thủ môn đều chịu sự chỉ trích từ nhiều phía. Áp lực khi làm hậu vệ so với thời điểm hiện tại làm trợ lý trọng tài, đôi khi chỉ cần căng cờ báo việt vị sai cũng chịu búa rìu dư luận, liệu có sự khác biệt?
- Theo tôi, trợ lý trọng tài chịu áp lực hơn nhiều so với cầu thủ. Một tình huống nhận định đúng có thể không ai nhắc đến, nhưng chỉ cần một quyết định sai, chắc chắn sẽ bị chỉ trích. Nghề trọng tài thật sự khắc nghiệt. Nếu hôm nào mình làm đúng, làm chuẩn thì về nhà ăn uống rất ngon. Nhưng khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi thật sự rất bứt rứt. Trọng tài biên luôn phải tập trung 100%, thậm chí là 200% sức lực. Các cầu thủ bây giờ phản ứng nhiều hơn chúng tôi ngày xưa. Thế nên, bắt sai việt vị thôi cũng đã là lỗi lớn.
Tôi tò mò rằng không biết công việc của trợ lý trọng tài như chị có diễn ra đều đặn trong năm hay không?
- Thực ra thì như tôi, mới có 2 năm thâm niên trong nghề nên cũng chỉ tham gia các giải như U16, U19 nữ hay U13 nam hoặc giải nữ quốc gia. Nếu có sức khỏe tốt hơn sẽ được LĐBĐ Việt Nam tạo điều kiện tham gia giải U15, U17 quốc gia nam. Tính ra nếu gộp thời gian của tất cả các giải đấu đấy thì khoảng chừng 2 tháng.
Vậy thời gian 10 tháng còn lại, chị làm gì?
- Nếu không có giải thì tôi làm việc khác, ví dụ như tham gia điều khiển các giải phong trào hoặc dạy bóng đá, buôn bán. Thực sự có những lúc nghĩ nghề trợ lý trọng tài chỉ như nghề tay trái. Chúng tôi lựa chọn nghề này để có thể theo đuổi đam mê. Có những lúc thấy bạn bè cùng lứa thành đạt, có nhà, có cửa mà chạnh lòng lắm.
Chị nói rằng đây chỉ là nghề tay trái với nhiều người. Phải chăng vì thu nhập không cao?
- Trung bình một tháng trợ lý như tôi kiếm được 5 tới 6 triệu đồng. Vậy nên tôi kiếm thêm từ việc dạy bóng đá cộng đồng. Mỗi tuần tôi làm 2 buổi, được 400.000 đồng/buổi.
Chị ít khi nhắc về gia đình, chồng con. Vậy ngồi đối diện tôi hiện tại vẫn là một người con gái độc thân, giường đơn gối chiếc?
- Tôi có người yêu rồi nhưng lại… bỏ rồi (cười). Người yêu nhất của tôi là bóng đá rồi. Còn người yêu khác thì cứ đến rồi đi. Họ không thể chấp nhận một người con gái cứ đi đằng đẵng để đá bóng, chẳng bao giờ ở nhà. Nghĩ lại tôi cũng 30 tuổi rồi mà chưa có gia đình. Nhiều khi cũng vì theo bóng đá mà mình không muốn nghĩ đến điều đó. Bởi nếu lấy chồng rồi sinh con cũng mất 1-2 năm ở nhà. Như vậy thì không phát triển được nữa.
Đúng là có những thứ mình phải chấp nhận đánh đổi để được sống với niềm đam mê. Dù biết rằng có những lúc chạnh lòng, buồn bã...
Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi và chúc chị thành công trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp.
“Trợ lý trọng tài chịu áp lực hơn nhiều so với cầu thủ. Một tình huống nhận định đúng có thể không ai nhắc đến, nhưng chỉ cần một quyết định sai, chắc chắn sẽ bị chỉ trích. Nghề trọng tài thật sự khắc nghiệt. Các cầu thủ bây giờ phản ứng nhiều hơn ngày xưa. Thế nên, bắt sai việt vị thôi cũng đã là lỗi lớn”. Trợ lý Dương Thị Phương Thảo |