HLV Mai Đức Chung sinh năm 1951, 3 năm trước khi thủ đô Hà Nội giải phóng; 24 năm trước khi nước nhà thống nhất hai miền Bắc, Nam. Ở tuổi 74, ông Mai Đức Chung đi qua những giai đoạn lịch sử của đất nước. Ngày ông nghỉ bóng đá và chuyển sang làm công tác huấn luyện, đa phần độc giả hiện nay còn nhỏ, hoặc thậm chí mãi sau này mới sinh ra và trưởng thành như ngày hôm nay.
Các nữ cầu thủ giàu kinh nghiệm từ Tuyết Dung, Huỳnh Như hay ở tuổi bắt đầu phát triển sự nghiệp như Thanh Nhã, Vạn Sự… đều gọi HLV Mai Đức Chung bằng cái tên thân mật: “bác Chung”. Nhưng xét về tuổi đời, họ đều phải gọi nhà cầm quân này là... ông. Ngày HLV Mai Đức Chung lần đầu tiên dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam vào năm 1997, Huỳnh Như mới 6 tuổi, Tuyết Dung mới bắt đầu biết chạy. Thanh Nhã cũng còn chưa sinh ra. Một số cầu thủ khác cũng còn trong bụng mẹ.
Năm 2003, ông trở lại dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam một lần nữa, trước khi có giai đoạn oanh liệt từ năm 2017 cho đến nay. Khi những người cùng thời đã ra công viên chơi đùa với cháu con, toan nghĩ về một quá khứ sôi nổi thì HLV Mai Đức Chung vẫn sát cánh với những người cháu của mình để tạo nên chiến công oanh liệt ở Đông Nam Á, châu Á trước khi tạo dấu mốc với việc tham dự World Cup 2023 tại New Zealand. Đó là niềm hạnh phúc, là đỉnh cao vô giá mà đời người mấy ai nghĩ đến khi toan về già.
Ông Chung là một HLV đặc biệt. Đặc biệt bởi chính cuộc sống bình dị và giản đơn. “Tính tôi ngại bon chen, không thích phô trương, ồn ào. Tôi tâm niệm sự nhẫn nại, kiên trì sẽ đem đến thành công”, HLV Mai Đức Chung nói. “Tôi không ham rượu chè, bia bọt. Cà phê thì chút chút. Tôi xem phim ảnh thời xưa. Nhạc cách mạng cũng mê lắm. Không có bóng đá, tôi tranh thủ đi câu vài buổi, hoặc đi cà phê với mấy ông bạn già hay ngồi xem phim truyền hình với bà nhà. Hồi còn trẻ, tôi cũng hay dắt bà ấy vào nhà hát lớn xem ca múa”.
“Không thiếu thốn, không quá giàu có nhưng tôi hài lòng với tất cả những gì mình đang có. Cậu con trai cả của tôi sinh năm 1977, có hai con gái, lớn tướng cả rồi, thành thiếu nữ hết cả rồi. Còn trai út sinh năm 1981 cũng có 1 thằng con trai. Tôi có 3 cháu nội. Hạnh phúc giản đơn chỉ vậy thôi”.
Đến giờ, dù đạt đỉnh cao của nghề huấn luyện, dù kinh qua thành công của cả bóng đá nam lẫn bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung vẫn giản dị ở trong một ngôi nhà trong ngõ. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn đi xe máy đến thăm gia đình thông gia. Ông tự hào cái mình giàu nhất là sức khỏe, là trí nhớ. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ mặt thuộc tên đa phần những người quen biết. Ngày đội rời New Zealand, ở sân bay, ông Chung khiến tôi giật mình: “Công, bao giờ về Việt Nam đấy?”. Rồi ông ghé sang giới thiệu với trợ lý: “Công, phóng viên bên Tạp chí Bóng đá, hay đi với đội đấy!”.
Ngoài là HLV, ông Mai Đức Chung còn là một đảng viên. Ông luôn bắt đầu trả lời phỏng vấn với một từ “Vâng” và khép lại bằng “Cảm ơn Đảng và Nhà nước”. Lối sống chất phác ngoài bóng đá và sự lăn xả, nhiệt huyết trong nghề nghiệp của HLV Mai Đức Chung luôn gợi cho những người quen biết về tác phong và phẩm chất tiên phong, sẵn sàng đứng mũi chịu sào của một người Đảng viên.
Năm 2017, khi đội tuyển Việt Nam thiếu một HLV, khi nhiều nhà cầm quân dè dặt với giai đoạn khó khăn lúc bấy giờ của nền bóng đá, HLV Mai Đức Chung sẵn sàng “nhảy vào lửa”, “đứng dưới mưa” vì đội tuyển Việt Nam. “Tôi là đảng viên và tôi còn hợp đồng với VFF. Cấp trên phân công thì tôi làm. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, tôi không nhận thì lại gây khó khăn cho mọi người”.
Năm 2010, nhận lời mời vào Thủ Dầu Một dẫn dắt Becamex Bình Dương, HLV Mai Đức Chung kể: “Đó là cơ hội giúp tôi đổi đời. Có tháng lương, thưởng tôi được gần trăm triệu đồng, số tiền rất lớn với tôi ngày đó. Nói cậu đừng cười, đã có lúc tôi mất ngủ vì được… trả nhiều tiền quá”.
Câu chuyện của HLV Mai Đức Chung, trong dòng chảy sự nghiệp kéo dài 40 năm có rất nhiều những lát cắt để nói. Nhưng tựu trung lại, cách sống chất phác, mộc mạc, giản đơn nhưng nhiệt huyết, cống hiến luôn hiện diện trong từng hành động của vị HLV đáng kính.
Ông tâm niệm: “Trong cuộc sống, tôi hiền nhưng không nhu nhược. Hiền nhưng là hiền hòa, điềm đạm. Mà có lẽ tính tình mình thế, không ai nỡ hại mình, bắt nạt mình. Còn lúc làm thầy, mình cũng phải có cái uy. Cái uy, thần thái của nghề HLV phải hòa quyện với nhau. Với lại, chúng ta vẫn phải nhẫn nại. Huấn luyện cầu thủ nữ khó hơn nam gấp trăm lần vì nói gì thì nói, nữ tiếp thu kiến thức bóng đá, chiến thuật này nọ vẫn chậm hơn nam. Mình không coi các cầu thủ như con mình đẻ ra, không dành cho họ sự yêu thương và nếu không nhẫn nại, thì không bao giờ làm được bóng đá nữ đâu”.
Trong bối cảnh trào lưu huấn luận giờ đây phải là bậc thầy kiểm soát cầu thủ, là những mô hình chiến thuật phức tạp từ "high press", "mid block", "low block", là "3-5-2, 4-2-3-1 hay counter attack", kiểu như Pep Guardiola hay Mikel Arteta… thì thế giới này vẫn tồn tại một HLV trung thành với những phẩm chất lãng mạn nhất, giản dị nhất của bóng đá như HLV Mai Đức Chung, một nhà cầm quân mà cả nhân cách và tài năng đều xứng đáng để người khác ngước nhìn.