Marseille khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Gerard Gili và ông giúp mang về 2 chức vô địch Pháp liên tiếp cho CLB vào các năm 1989 và 1990. Marseille khi ấy có dàn sao nổi tiếng như Jean-Pierre Papin, Klaus Allofs, Enzo Francescoli, Abedi Pele, Didier Deschamps, Basile Boli, Marcel Desailly, Rudi Voeller, Tony Cascarino, Eric Cantona… đang làm mưa làm gió không chỉ ở Ligue 1, mà còn gây ấn tượng rất mạnh tại Cúp C1. Vì thế, khi vị chủ tịch Bernard Tapie và GĐTT Michel Hidalgo (cựu HLV huyền thoại Pháp vừa qua đời hôm 26/3) quyết tâm đưa Maradona về, nhiều người yêu mến Marseille đã tin chắc rằng thương vụ sẽ thành công.
Bởi sự xuất hiện của siêu sao đình đám người Argentina hoàn toàn phù hợp với tham vọng của đội bóng “chẳng có gì khác ngoài tiền” và sự ngông cuồng của Tapie, người muốn Marseille thống trị bóng đá châu Âu. Vụ chuyển nhượng càng tiến gần tới thành công khi có sự can thiệp của Michel Basilevich, doanh nhân người Pháp và là bạn thân của Maradona. “Basilevich nói với tôi rằng ông ấy có khả năng mang Maradona tới Velodrome, dù lúc đầu tôi tin đó là điều không thể”, Hidalgo từng tiết lộ trên L’Equipe hồi năm 2019.
Marseille có thể tin vào Basilevich khi chính ông là đạo diễn cho các vụ chuyển nhượng Johan Cruyff và Johan Neeskens đến Barca hay Alberto Tarantini tới Bastia. Rồi sau 1 tuần sang Italia trò chuyện với Maradona, khi về Pháp, Basilevich đã kể lại cho Hidalgo nghe những gì Cậu bé vàng nói với mình: “Diego nhảy cẫng lên, hét vào mặt tôi: Tôi muốn gặp Bernard Tapie. Ông ta đúng thật là một gã điên. Một gã điên giống tôi”.
Rồi Basilevich thiết kế một buổi gặp riêng cho Tapie và Maradona tại Napoli. “Tôi gặp Diego thường xuyên và hiểu anh ấy đang trải qua giai đoạn rất tồi tệ. Cuộc sống ở đây giống như dưới địa ngục. Anh ấy muốn chạy trốn. Ban ngày anh ấy không dám ra ngoài, không tập luyện quá nhiều nhưng vẫn chơi bóng như một vị thần. Anh ấy từng bị chụp ảnh trong một bể sục với những tên cướp địa phương”, Basilevich nhớ lại.
Sau đó, Tapie chuẩn bị phi cơ để phía Marseille bay sang Napoli gặp Maradona. Nhưng ông chủ quyền lực của đội bóng Pháp đã không đi cùng các cộng sự. Chuyến bay ấy chở doanh nhân Basilevich, GĐTT Hidalgo và anh rể Maradona hạ cánh tại phi trường Marignane. Tất cả cùng đến nhà Maradona tại ngoại ô Napoli. Hôm đó (2/6/1989), Maradona đang chụp hình với cô con gái vừa chào đời. Lúc đàm phán, Maradona không nói gì về tiền. Tất cả những gì anh quan tâm chỉ là một biệt thự nằm bên bờ biển xinh đẹp ở Marseille.
Đến 29/6/1989, sau 3 tuần đàm phán, trên chuyến bay đến Bergamo (Italia) để gặp Cậu bé vàng có thêm cả chủ tịch Tapie. Hidalgo đề nghị Maradona ký hợp đồng 5 năm. Maradona đồng ý và muốn mức lương gần 300.000 USD/tháng như ở Napoli. Thế nhưng Tapie mạnh dạn trả anh gấp đôi, cùng một biệt thự và hai siêu xe. Sau khi thỏa thuận xong, Maradona bắt đầu hỏi tên các cầu thủ Marseille và buổi trò chuyện kéo dài tới 3h sáng. Mọi thứ tiến triển rất thuận lợi và ngày đầu tiên của tháng 7, nhà vô địch thế giới năm 1986 sẽ có mặt tại Marseille để chính thức ký hợp đồng.
Nhưng rồi khi trở lại Pháp, Tapie lại chần chừ vì e ngại sự nổi tiếng cùng tính cách ngẫu hứng của Maradona có thể sẽ phá vỡ sự bình yên trong phòng thay đồ của Marseille lúc đó. Ông đã không liên lạc lại với Napoli như đã hứa. Đến đêm 30/6/1989, GĐTT Napoli khi ấy là Luciano Moggi đã gọi điện đến Marseille: “Maradona sẽ ở lại Napoli vì chúng tôi muốn anh ấy ở lại”. Vậy là vụ chuyển nhượng đã không diễn ra vào phút chót, khi mọi thủ tục gần như đã xong xuôi. Và Marseille thì vẫn thăng hoa mà không cần có Cậu bé vàng. Minh chứng là năm 1990, họ vô địch Pháp và lọt vào bán kết Cúp C1.
“Pha việt vị” hiếm hoi của tờ L’Equipe 5. Hè 1989, Diego Maradona đã gia hạn hợp đồng 5 năm với Napoli. Tuy nhiên, năm 1991, ông bị cấm thi đấu 15 tháng vì dương tính với doping. Sau án phạt, Maradona chia tay Napoli năm 1992 để sang khoác áo Sevilla, dù khi ấy ông vẫn nhận được lời mời của Marseille. Tapie tặng Maradona đồng hồ quý trong lần đầu gặp |
XEM THÊM
Đã xuất hiện giải VĐQG 'điếc không sợ súng' giữa bão Covid-19