Lịch thi đấu, Kết quả, BXH La Liga
“Hơn cả một CLB” (mes que un club), khẩu hiểu của Barcelona, được trích ra từ diễn văn tranh cử Chủ tịch của Narcis de Carreras năm 1968. Câu này khái quát giá trị của Barca, một đội bóng không chỉ đá bóng mà còn hiện thân cho khát vọng độc lập của người Catalan trước sự kìm kẹp của chính quyền trung ương Madrid.
Trong đó, dưới thời nhà độc tài Franco, nhà lãnh đạo tối cao của Tây Ban Nha từ năm 1936 đến 1975, vẫn được xem là giai đoạn Barca bị chèn ép ghê gớm nhất. Vì thế, lịch sử đội bóng xứ Catalan được dệt nên bằng những câu chuyện bị Thống chế Franco và bộ máy của ông ta vùi dập, trái ngược với sự nâng đỡ dành cho đại kình địch Real Madrid.
Trong cuốn Football in Sun and Shadow, nhà văn người Uruguay, Eduardo Galeano có viết một câu kinh điển: “Người ta có thể lắng nghe các bậc thềm tại sân Nou Camp phát ra tiếng rên siết của người Catalan dưới ách độc tài Franco”.
Tuy nhiên, trong những câu chuyện về sự chèn ép chế độ Franco tạo ra cho Barca, bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiều phần trăm là do thêu dệt mà nên? Liệu có chuyện Barca là kẻ nổi loạn còn Real Madrid là viên ngọc nạm trên vương miện Nhà Vua Tây Ban Nha hay không? Muốn có được câu trả lời xác đáng, hãy lần hồi về quá khứ cùng những cứ liệu xác tín.
1936: Từ cái chết bị ẩn của Sunyol đến Chủ tịch Barca bị Franco thủ tiêu
Sunyol là thành viên Đảng Cộng hòa cánh hữu Catalan. Ông được bầu làm Chủ tịch Barca vào năm 1935. Sunyol lập ra tuần báo thể thao La Rambla vào năm 1930. Trụ sở tòa soạn tọa lạc trước Đài phun nước Canaletas và từ đó những bài viết tường thuật Barca thi đấu được chuyển tải nhanh chóng đến độc giả. Thế nên các cules hình thành nên truyền thống ăn mừng chiến thắng của đội nhà tại nơi này.
Trong cuộc bầu cử tháng 2/1936, Sunyol được bầu vào Quốc hội Tây Ban Nha. Sau khi có ghế nghị viên, Sunyol tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí Chủ tịch Barca. Tuy nhiên, ông vẫn tại vị cho đến ngày 6/8/1936, thời điểm bị ám sát ở Madrid. Có nhiều dị bản về cái chết của Sunyol nhưng điểm chung là ông đang đi trên xe cùng một số sĩ quan Cộng hòa và chạm trán quân nổi dậy, kết quả tất cả bị bắn chết.
Chủ tịch Barca bị ám sát trên đất Madrid, dữ kiện quá dễ để đặt ra hoài nghi về sự nhúng tay của Thống chế Franco. Tuy nhiên, có một sự thật rằng giả thiết này chưa hề có chút manh mối nào. Những câu chuyện xoay quanh cái chết của vị Chủ tịch Barca được tường thuật lại sau này là lúc chết, ông mang theo 50.000 pesetas để ký hợp đồng với một số cầu thủ Real Oviedo, theo lời kể của Rossend Calvet, người kế nhiệm tạm quyền của Sunyol. Một dị bản khác cho rằng xe của Sunyol bị tấn công bởi phiến quân đi trên chiếc xe treo cờ… xứ Catalan.
Cho đến nay, cái chết của Sunyol vẫn là bí ẩn. Dù vậy, Barca vẫn tưởng niệm vị chủ tịch quá cố như một người hùng vĩ đại, một biểu tượng cho ý chí của đội bóng này. Năm 1996, 60 năm sau ngày Sunyol mất, Barca cho dựng bia tưởng niệm tại nơi ông bị ám sát. Và trên sân Nou Camp, tên ông được đặt tên cho một khu khán đài.
1943: Có hay không viên cảnh sát dùng súng đe dọa các cầu thủ Barca trong trận thua Real với tỷ số 1-11?
Khởi nguồn cho sự hận thù giữa Real và Barca bắt đầu từ bán kết Cúp Thống chế (tên của Cúp Nhà Vua giai đoạn Franco cầm quyền) năm 1943. Trận lượt về, Real vùi dập Barca với tỷ số 11-1. Trận lượt đi, đội bóng Hoàng gia thua 0-3 trên sân Les Corts, trong một trận đấu được cây bút Eduardo Teus miêu tả trên tờ Ya là “như đấu trường trung cổ”. Đó là khi những CĐV Barca liên tục hò hét man dại và ném dị vật vào các cầu thủ đối phương.
Vì vậy, các CĐV Real đã đáp trả tương xứng ở trận lượt về. Trong hồi ký của Ramon Mendoza, người sau này trở thành Chủ tịch Real Madrid còn lúc đó là một chàng trai trẻ, ông thừa nhận được gọi đến văn phòng đội bóng và mỗi người được phát cho một chiếc còi để huýt mỗi khi thủ môn Barca bắt bóng. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký không hề có chuyện Miro, thủ thành của Barca bị ném dị vật vào người suốt trận đấu, một trong số các giai thoại được thêu dệt quanh trận đấu huyền thoại này.
Tuy nhiên, mấu chốt của trận cầu lịch sử này, theo phong thanh, là chuyến viếng thăm phòng thay đồ Barca của một vị cảnh sát chính trị cùng những lời đe dọa “thua hoặc là chết”. Thậm chí người này còn mang theo cả vũ khí đến để nói chuyện. Một báo cáo còn cho biết danh tính người có mặt tại phòng thay đồ của Barca là Bá tước Mayalde, nguyên Tổng giám đốc an ninh, nguyên thống đốc Madrid, nguyên đại sứ Tây Ban Nha ở Đức và là cộng tác viên của Gestapo.
Dù vậy, sự xác tín của câu chuyện vừa nêu hoàn toàn không có. Theo Francesc Calvet, nhân chứng vụ việc, một cầu thủ của Barca lúc bấy giờ cho biết, chuyến viếng thăm của cảnh sát diễn ra trong giờ nghỉ, vì lý do các cầu thủ Barca từ chối ra sân cho đến khi được cảnh sát bảo vệ. Đơn giản họ đã quá khủng hoảng với những gì xảy ra trong hiệp 1, với việc thua 8-0 và sự thù hận khủng khiếp từ CĐV Real, sự cố không thể chối cãi trên sân.
Do đó, vào ngày 15/6/1943, Ban pháp chế LĐBĐ Tây Ban Nha quyết định phạt Real 2.500 pesetas và Barca 25.000 pesetas. Sở dĩ có sự chênh lệch tiền phạt như vậy là vì trận đấu trên sân của Barca là khơi mào cho sự vụ. Ngoài ra, cả hai vị Chủ tịch của hai đội bóng thời điểm đó, là Antonio Santos Peralba và Enrique Pineyro đều tuyên bố từ chức vì không hoàn thành trách nhiệm.
1953: Barca thỏa thuận nhả người hay bị Real cướp Di Stefano?
Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất về sự thiên vị Real, kìm kẹp Barca của chế độ Franco là thương vụ Di Stefano, một trong những vụ chuyển nhượng kinh điển nhất lịch sử. Hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo đã viết về câu chuyện này. Sự rối rắm bắt đầu từ việc cả Barca và Real đều ký hợp đồng chuyển nhượng với Di Stefano, lần lượt với các đội bóng River Plate và Millonarios.
Khi ấy, Di Stefano đang khoác áo Millonarios nhưng rối rắm ở chỗ đội bóng này thuộc Colombia, quốc gia chưa phải thành viên FIFA, do đó chưa có chế tài chuyển nhượng cầu thủ. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Armando Munoz Calero, đại diện FIFA ở Tây Ban Nha, một falangista (người ủng hộ Franco), hiệp ước được đưa ra là Di Stefano sẽ thuộc sở hữu của cả Barca và Real, và mỗi mùa khoác áo một đội.
Sau đó, Barca bán lại “cổ phần” Di Stefano để lấy lại 4 triệu peseta đã chi ra cho River Plate. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, vị Chủ tịch của Barca, Marti Carreto đã tố cáo chính quyền đã gây áp lực, thậm chí là các mối đe dọa để buộc đội bóng xứ Catalan phải chấp nhận hiệp ước. Tuy nhiên, thực tế áp lực ở đây là việc Barca bị kiểm toán tài chính, điều thời đại ngày nay là chuyện rất bình thường.
1954-1957: Nou Camp từ đâu mà có?
Nou Camp, sân nhà của Barca, cho đến nay vẫn là một trong những sân bóng bề thế nhất hành tinh với sức chứa gần 100.000 chỗ ngồi. Sân bóng vĩ đại này được khởi công năm 1954 và khánh thành vào 1957, nằm trọn trong giai đoạn Franco cầm quyền. Khoảnh đất để xây dựng sân Nou Camp được Barca mua 7 năm trước, vào năm 1950, với mức giá rẻ như bèo nhờ sự hỗ trợ của Hội đồng thành phố Barcelona, đứng đầu là Felipe Acedo Colunga.
Điều đáng nói, theo nhà báo, nhà sử học Justo Conde, việc Barca mua khoảnh đất xây sân bóng đã gặp sự phản đối của một số người dân sở hữu nhà ở trong khu đất. Vì vậy, để giải phóng mặt bằng, một mặt Barca hứa hẹn sẽ đền bù bằng một khu đất khác, một mặt Hội đồng thành phố yêu cầu di dời và đe dọa cưỡng chế. Nhiều năm sau, trên tạp chí chính thức của Barca cũng chỉ đưa tin những người được đền bù đã được “cung cấp cho một khu đất tốt hơn” và không thể biết thêm chi tiết.
Giải phóng mặt bằng xong xuôi, ngày 28 tháng 3 năm 1954, viên đá đầu tiên được đặt để xây sân Nou Camp. Trước đó, ngày 26 tháng 11 năm 1952, Hội đồng quản trị Barca đã đến thăm Franco. Theo tờ La Vanguardia ghi nhận thì nhà độc tài này “đặc biệt quan tâm đến dự án xây dựng sân bóng mới của Barca”. Vì vậy, một trong những món quà được Barca dành tặng ngài Thống chế là mô hình sân Nou Camp bằng bạc.
1962: Màn hô biến Les Corts
Trong quá trình xây dựng Nou Camp, kinh phí thực tế vượt quá kinh phí dự trù tới 67 triệu peseta, hệ quả là Barca bị nhấn chìm bởi khoản nợ lên tới 300 triệu peseta. Trong khi đó, Les Corts, sân bóng cũ của Barca, cách Nou Camp chỉ hơn 1 cây số, vẫn còn nguyên.
Vào thời điểm đó, các thành phố lớn tại Tây Ban Nha đều ở giai đoạn phát triển nóng, sự tăng trưởng đô thị hóa nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Vì vậy, nền đất sân bóng cũ của Barca tọa lạc không thiếu người nhòm ngó. Tuy nhiên, tại Tây Ban Nha tồn tại quy định phân loại mục đích sử dụng của từng loại đất. Trong đó, các sân bóng được xếp vào dạng "công viên tư nhân”, tức phải đảm bảo tỉ lệ cây xanh nhất định. Đến ngày nay quy định này vẫn tồn tại và Real Madrid gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sân Bernabeu.
Vì là đất “công viên” như vậy nên Les Corts sẽ không bán được với giá cao. Mảnh đất ấy chỉ thật sự màu mỡ nếu được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất có thể phát triển hay nôm na là đất đô thị. Do đó, năm 1961, Barca đã phải cậy nhờ tới ông Porcioles, thị trưởng thành phố để hô biến khoảnh đất Les Corts thành đất đô thị. 1 năm sau, đề xuất chuyển đổi được Porcioles phê duyệt, bất chấp sự phản đối của dân cư xung quanh. Đến năm 1963, ngài thị trưởng được vinh danh là đối tác danh dự của Barca.
Đến năm 1965, Tổng cục Quy hoạch đô thị rồi đến Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng của khoảnh đất sân Les Corts tọa lạc. Nhờ vậy, Barca đã bán được khoảnh đất này với giá 226 triệu peseta, qua đó thanh toán gần hết khoản nợ.
1974: Barca tặng kỷ niệm chương cho Franco
Năm 1971, Hội đồng quản trị Barca đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chính phủ của Franco vì đã tạo điều kiện cho đội bóng này xây dựng sân bóng mới (Nou Camp). Đến năm 1974, kỷ niệm 75 năm thành lập đội bóng, BLĐ Barca quyết định trao tặng kỷ niệm chương cho một số nhân vật đóng góp to lớn vào quá trình phát triển của CLB.
Một trong số đó là Thống chế Franco. Thậm chí theo lời khuyên của Juan Gich, trước là Tổng thư ký Barca, sau là cán bộ cấp cao trong bộ máy chính quyền của Franco, làm đến chức Chủ tịch Ủy ban Olympic Tây Ban Nha, Barca đã trao kỷ niệm chương đầu tiên cho Franco.
Kỷ niệm chương được trao tặng cho Franco tại cung điện Hoàng gia El Pardo vào ngày 27/2/1974, 10 ngày sau chiến thắng hủy diệt 5-0 trước đại kình địch Real Madrid ngay trên sân Santiago Bernabeu. Dẫn đầu phái đoàn đến Madrid vinh danh Franco là Agustín Montal, Chủ tịch Barca.
Tổng kết lại, trong những năm tháng Franco cầm quyền, Barca hẳn nhiên phần nào đó bị chèn ép nhưng không đến mức cực đoan. Bằng chứng là gã khổng lồ xứ Catalan vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt là việc xây dựng sân Nou Camp.
Ngoài ra, những câu chuyện như trận thua 1-11 hay thương vụ Di Stefano chủ yếu do thêu dệt mà nên chứ chưa hề có dấu hiệu nhúng tay của chính quyền. Dù vậy, nhờ những giai thoại trên, hình ảnh Barca càng lung linh trong vai trò biểu tượng ý chí độc lập của người Catalan.
XEM THÊM
Đích thân thuyền trưởng Barca đi do thám Real