Chuyển đến Barcelona vào năm 2008 bằng số tiền 11,8 triệu bảng với tư cách là cầu thủ chạy cánh số 1 của Arsenal, Hleb được kỳ vọng sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đội hình của Pep Guardiola. Tuy nhiên, cầu thủ người Belarus chưa bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của Pep trên sân tập và hiếm khi được trao niềm tin.
Ngay về vấn đề kỷ luật, Pep yêu cầu các cầu thủ phải đến trước giờ tập 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị nhưng Hleb lúc nào cũng gần sát giờ mới có mặt. Anh thậm chí còn không chịu học tiếng Tây Ban Nha nên quá trình hòa nhập vô cùng chậm. Mỗi khi vào sân, Hleb dường như chẳng để vào đầu bất cứ chiến thuật nào mà chơi vô cùng bản năng. Dễ hiểu vì sao Pep bán anh đi chỉ sau một mùa giải.
Cũng là một cầu thủ tốc độ khác, Overmars đến Barca năm 2000 thậm chí với cái giá hơn gấp đôi so với Hleb là 25 triệu bảng. Overmars được kỳ vọng rất nhiều bởi nhiệm vụ của anh là phải thay thế Luis Figo. Không đến nỗi gây thất vọng toàn tập như Hleb, cầu thủ người Hà Lan thi thoảng cũng thể hiện được thứ ma thuật thương hiệu của mình nhưng những chấn thương khiến đóng góp của anh không được ổn định.
Vermaelen có đôi chân khéo léo và thích chơi tinh tế ở vị trí trung vệ nên về mặt triết lý, trung vệ người Bỉ hoàn hảo với Barca. Tuy nhiên, khi bỏ ra 15 triệu bảng để mua Vermaelen về từ Arsenal vào năm 2014, Barca có lẽ "quên" mất tiểu sử chấn thương vô cùng phức tạp của cầu thủ này.
Vermaelen ở lại Camp Nou tới tận 2019. Trong thời gian đó, Barca giành rất nhiều danh hiệu lớn nhưng Vermaelen chỉ đóng góp vỏn vẹn trong 53 trận, tức là chỉ hơn 10 trận/mùa.
Petit cũng đến Barca từ Arsenal cùng với Overmars vào năm 2000 nhưng anh thậm chí còn thi đấu tệ hơn. Hình ảnh một chàng tiền vệ lãng tử nhưng hiệu quả bên cạnh Patrick Vieira không còn, Petit thậm chí mở ra lời nguyền dành cho những cựu Pháo thủ chuyển tới Camp Nou khi bị bán sang Chelsea chỉ sau một mùa. Sau Petit, một loạt đàn em như Hleb, Alex Song và Vermaelen đều là những kỷ niệm đáng quên. Rất may Cule vẫn còn thiện cảm với Arsenal nhờ vào Giovanni van Bronckhorst và then Thierry Henry.
Tuy nhiên, không phải mọi cầu thủ Premier League thi đấu tệ hại ở Barca đều đến từ Arsenal. Liverpool cũng đóng góp một người và đáng buồn thay lại là người được kỳ vọng nhiều nhất. Coutinho bây giờ vẫn là cầu thủ đắt giá nhất mà Barca từng mua với giá 145 triệu bảng chưa kể phụ phí. Dẫu vậy, đến thời điểm này, có thể khẳng định Coutinho chỉ là cái bóng của chính mình ở Camp Nou và kể cả khi chuyển sang Bayern theo dạng cho mượn, sự tự tin vẫn chưa trở lại hoàn toàn.
Các Cule thì thậm chí còn không thích Coutinho, họ la ó anh từ 4 phía khán đài Camp Nou. Coutinho cũng không phải dạng vừa, dám phán kháng lại bằng cách đưa tay chỉ lên tai đầy thách thức. Rốt cuộc, sự xung đột này chẳng dẫn đến đâu ngoài sự đau thương cho đôi bên. Giờ đây, Barca chỉ mong bán được Coutinho so với nửa giá nhập vào là đã hạnh phúc lắm rồi.
XEM THÊM
Barca đã phung phí 1 tỷ euro mua sắm như thế nào?
Đánh giá cuộc đua giữa Barca và Real ở La Liga qua từng yếu tố