Lịch thi đấu, kết quả và bảng xếp hạng La Liga
Siêu kinh điển suốt một thập kỷ qua có mẫu số chung là Barca luôn cầm bóng nhiều hơn Real. Nhắm mắt cũng dễ dàng mường tượng ra hình ảnh các cầu thủ Barca chuyền bóng tí tách còn các cầu thủ Real tấn công bằng những đợt lên bóng chớp nhoáng chỉ với vài chạm.
Đơn giản, đó là đặc trưng của mỗi đội. Đối với Barca, kiểm soát bóng được xem là yếu tố sống còn trong mọi trận đấu và việc một cầu thủ mặc dù không trưởng thành từ La Masia nhưng biết chơi chuyền ban được xem là có tố chất (DNA) của đội bóng xứ Catalan.
Về phần Real, lối chơi tấn công chớp nhoáng hình thành cùng sự xuất hiện của Mourinho và Cristiano Ronaldo, nhằm đối phó với chính lối đá tiqui-taca của đại kình địch. Bởi sự hiệu quả lẫn sự phù hợp về con người, cách chơi này được lưu truyền và cải tiến cho đến hôm nay.
Nhìn chung, điều gì đã trở thành nền tảng sẽ được duy trì lâu dài. Thống kê vẫn chỉ ra Barca là đội có thời gian kiểm soát bóng cao nhất La Liga 2019/20, với tỷ lệ 64,1%. Sau đó mới đến Real Madrid, với 58,5%. Song, mỗi thời mỗi khác, Barca ngày nay không phải Barca của Pep Guardiola và Real hiện tại cũng không giống Real của Mourinho.
Thậm chí, hoàn toàn có thể xảy ra sự hoán chuyển mà 10 năm trước không ai nghĩ đến và không thể tin nổi. Đó là Barca tạo ra những đợt phản công sắc bén còn Real có những thời điểm áp đảo gã khổng lồ xứ Catalan về thời gian kiểm soát bóng.
Sở dĩ đề cập tới câu chuyện có vẻ ngược đời như thế, trước hết phải nói về hiện tượng. Tại vòng 17 La Liga diễn ra cuối tuần qua, Barca chỉ cầm bóng 46,7% trong trận hòa Real Sociedad 2-2 và có nhiều thời điểm, tỷ lệ cầm bóng chỉ vỏn vẹn 40%.
Nếu như trước đây, việc Barca cầm bóng dưới 50% là chuyện hy hữu, xấp xỉ 70% là điều bình thường thì vài năm trở lại đây, không ít lần đội bóng xứ Catalan cầm bóng ít hơn đối phương. Lý do là những bậc thầy kiểm soát bóng như Xavi hay Iniesta đã ra đi và Ernesto Valverde không phải là mẫu chiến lược gia theo trường phái của Pep.
Nhà cầm quân này nhận không ít chỉ trích vì ngày càng đẩy Barca xa rời phong cách tiqui-taca và có nhiều giai đoạn, sử dụng sơ đồ 4-4-2 vốn để chơi trực diện còn nhiều hơn cả sơ đồ 4-3-3 truyền thống.
Ở thời điểm hiện tại, ngay trước thềm Siêu kinh điển, tình hình nhân sự tuyến giữa của Barca cũng khá khốn khó để có thể kiểm soát bóng áp đảo. De Jong đang hòa nhập tốt nhưng không phải mẫu ong thợ chuyền bóng như Xavi, người giống Xavi nhất là Arthur thì đang dưỡng thương.
Ngoài ra, Busquets cũng có dấu hiệu chậm chạp hơn trước đây, khiến việc luân chuyển bóng và pressing cũng trở nên trúc trắc. Hệ quả nhãn tiền là ở trận đấu với Real Sociedad, tuyến giữa Barca liên tục vỡ vụn trước những đợt lên bóng vỗ mặt vào trung lộ của đối phương.
Về phần Real, đội bóng Hoàng gia lại có những con người để có thể phát huy khả năng cầm bóng. Đó là trục bộ tứ tiền vệ trung tâm hình kim cương đang thành hình với Casemiro, Valverde, Kroos và Modric. Cả 4 tiền vệ này đều đang có phong độ cao và được Zidane trọng dụng. Đặc biệt Valverde có thể xem như phát hiện của mùa giải này trong vai trò box-to-box.
Với quân số áp đảo ở trung tuyến như vậy, việc Real lấn lướt ở khâu kiểm soát bóng cũng là điều dễ hiểu. Đơn cử như trận gặp Valencia, Real cầm bóng tới 64%, tung ra 690 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 91%, những thông số thường thấy ở Barca.
Tuy nhiên, cũng nhữ Barca... thời tiqui-taca thoái trào, ở trận này Real tung ra tổng cộng 19 pha dứt điểm nhưng may mắn có được trận hòa 1-1 ở phút bù giờ với sự góp công của thủ thành Courtois. Thế nên, suy cho cùng lối chơi nào, đấu pháp nào rồi cũng phụ thuộc vào con người.
Siêu kinh điển Barca - Real: Những điều chưa biết
Real tổn thất nặng về lực lượng trước Siêu kinh điển
Sao 'khủng' nào đang chờ đá trận El Clasico đầu tiên trong đời?