Ở Argentina, người ta vẫn cứ kể mãi những truyền thuyết như thế này về Diego Simeone. Chẳng hạn như chuyện HLV này bị đuổi khỏi sân mặc dù không hề thi đấu, và mới chỉ là một thắng bé nhặt bóng 11 tuổi. Vậy thằng nhóc đó đã làm gì?
Nó được giao nhiệm vụ nhặt bóng trong trận Velez Sarsfield tiếp đón Boca Junior năm 1982. Và nó đã ném cả 2 quả bóng vào sân cho đội nhà nhằm giúp Velez tận dụng sự rối loạn mà hưởng lợi. "Thế mà trọng tài cũng đuổi tôi", Simeone cảm thán khi kể lại vụ này năm 2005.
Truyền thuyết này không huyền ảo bởi vì mới lại tái hiện cách đây vài tháng. Ở trận đấu với Malaga hồi mùa giải vừa rồi, Simeone đã bị ban tổ chức La Liga kỷ luật treo giò vì đã xúi bẩy một cậu bé nhặt bóng ném thêm một trái bóng bất hợp pháp vào sân nhằm cản trở một pha tấn công nhanh của Malaga.
Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết kể về những điều tốt đẹp của Simeone, ngay ở giai đoạn ngây thơ, hồn nhiên và chưa nhuốm bụi bẩn của cuộc đời. Đó là một câu chuyện về sự tự tin vào bản thân của thiếu niên 17 tuổi Simeone, lúc anh được triệu tập vào đội U20 Argentina lần đầu tiên.
Simeone được yêu cầu phải có mặt tại trụ sở hiệp hội bóng đá ở trung tâm thành phố Buenos Aires. Cậu đã đến đó, thậm chí sớm hơn giờ quy định. Nhưng sau 5, 10, 15 rồi 30 phút trôi qua, không thấy ai đến, Simeone lo lắng đi hỏi han. "Họ đã xuất phát lúc 7 giờ sáng rồi", câu trả lời cho thấy Simeone đã nhớ nhầm giờ hẹn.
Simeone và một vài cầu thủ trẻ khác hoảng hốt. Đấy là cơ hội lớn đầu tiên và có thể bị huỷ hoại bởi nhầm giờ. Hoặc có thể không. Mohamed, một cầu thủ có mặt khi đó nhớ lại: "Chúng tôi sợ tái dại vì nhận ra rằng mình đã nhầm giờ tập trung.
Chúng tôi lao xuống tàu điện ngầm, xuống ga trung tâm và từ đó phải đi 2 chuyến xe buýt để bắt kịp đoàn. Sau chuyến xe bus đầu tiên thì một tai hoạ khác xuất hiện: cả bọn hết nhẵn tiền. Dù sao, chúng tôi cũng đã lên chuyến xe buýt tiếp theo.
Simeone đàng hoàng nói với tài xế: "Này chú, hãy nhớ kỹ khuôn mặt này. Một ngày nào đó, cháu sẽ là một cầu thủ chuyên nghiệp, sẽ thi đấu cho ĐTQG và sẽ là một ngôi sao. Hãy nhớ tên của cháu và các cậu kia. Đừng quên chúng cháu. Chúng cháu chỉ cần một ân huệ nhỏ".
Mohamed nhớ từng chi tiết của bài phát biểu đầy động lực đó. Đương nhiên, người lái xe đồng ý chở miễn phí. Nhưng điểm dừng xe bus vẫn cách sân tập 6km. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạy. Mỗi khi Mohamed muốn bỏ cuộc, Simeone lập tức động viên hãy cố gắng và đừng để mất cơ hội.
Khi họ đến nơi, việc huấn luyện đã kết thúc. Với cơ thể thấm đẫm mồ hôi, họ giải thích cho HLV Carlos Pachame về những gì đã xảy ra và cách họ đến đây. Pachame đã nói chuyện với HLV Carlos Bilardo của ĐT Argentina, người ngay lập tức bị thu hút bởi thái độ của 2 thằng nhóc.
Ông liền yêu cầu chúng thi đấu với đội chuyên nghiệp vốn chuẩn bị bắt đầu tập. Một tuần sau, Bilardo đưa cả hai thằng nhóc điên khùng này đến Đức để tham dự trận đấu giao hữu nhằm chuẩn bị cho VCK World Cup 1990 tại Italia.
Đến năm 1991, cả Simeone và Mohamed đều là trụ cột của ĐTQG dưới thời HLV Alfio Basile và trở thành một phần của thế hệ đã vô địch Copa America năm 1991 và 1993 - hai danh hiệu lớn gần đây nhất của bóng đá Argentina. Hơn thế nữa, Simeone nhanh chóng đứng trong hàng ngũ những cầu thủ xuất sắc cùng Fernando Redondo và Gabriel Batistuta.
Nhưng sự xuất sắc của Simeone rất khác lạ với những đồng đội siêu sao của mình. Ở Simeone, ngoài sự đa năng, đá vị trí nào cũng được, cái người ta nhớ đến con người này không phải phẩm chất kỹ thuật hào hoa, hiệu quả như Redondon, những cú sút sấm sét chính xác của Batigol, mà là sự tinh quái, quỷ quyệt, nhẫn tâm, quyết đoạt cứu cánh bất kể phương tiện.
Đó là dòng máu âm tà, bá đạo mà những tay giang hồ, phiêu lưu Italia đã mang sang Tân Thế giới để hình thành nên dân tộc, đất nước và nền bóng đá Argentina. Sự ranh ma, tính thực dụng, đề cao hiệu quả bất chấp thủ đoạn… đều thấy ở Maradona, Ortega và đặc biệt là Simeone.
Nếu cậu học trò Diego Costa là một con thú hoang sinh ra để huỷ diệt, Luis Suarez là một kẻ sẵn sàng cắn người để giữ bóng, giữ cơ hội chiến thắng thì Simeone là một chiến binh đường phố bẩm sinh, thành thạo mọi mánh khoé, thủ đoạn thao túng đối thủ để mình được hưởng lợi.
Trên sân cỏ, Simeone là một đấu sĩ giác đấu thực sự, cho dù HLV người Argentina Carlos Bilardo cũng đã ưu ái mô tả cậu học trò như một cầu thủ toàn năng, có thể đá cánh trái, cánh phải, trung tâm, tấn công hay, phòng ngự còn hay hơn, người bé con nhưng thường ghi bàn thắng bằng đánh đầu.
Song vẫn không có gì nổi bật bằng óc thủ đoạn và dòng máu lạnh ngắt trong cơ thể của Simeone. Trước trận đấu với ĐT Uruguay, Simeone đã thốt ra một cụm từ mô tả chính xác thứ bóng đá của con người trong hàng chục năm: "Thi đấu với hàm răng ngậm chặt lưỡi dao găm".
Với Simeone, mỗi trận đấu là một cuộc xung đột tàn bạo. Chỉ có những người can đảm nhất, và cũng là người xảo quyệt nhất, mới xứng đáng trở thành người chiến thắng. Tâm trí của ông khắc ghi một nhân sinh quan: Đừng bao giờ tử tế, hãy chiến đấu để được ăn thịt hoặc bị ăn thịt.
Dù đã 22 năm trôi qua, nhưng thế giới này không quên cái bẫy mà Simeone bày ra để ăn thịt David Beckham tại World Cup 1998 ở Pháp. Một Simeone quỷ quyệt đã hạ gục tiền vệ người Anh và sau đó vỗ đầu anh ta như vỗ đầu con trai.
Người ngoài nhìn sẽ tưởng Simeone tử tế lắm, nhưng những cái vỗ đầu đó là âm thanh kích thích con thú trong người Becks trỗi dậy. Ngôi sao lớn nhất của Tam Sư đã phẫn nộ, đã phản ứng với Simeone. Chỉ cần có vậy, Simeone ngã lăn trước mắt trọng tài Kim Milton Nielsen. Một tấm thẻ đỏ được rút ra và ĐT Anh thúc thủ trước Argentina.
Cơ thể của Simeone đã được luyện tập đến mức thượng thừa, chỉ cần một cái chạm nhẻ cũng để cả quy trình xử lý của thần kinh và cơ thể khởi động: Simeone lập tức ngã lăn như bị đột quỵ, những biểu hiện nhăn nhó đau đớn được diễn xuất.
Cơ chế đau đớn ăn vạ này chính là con dao găm của Simeone, chỉ cần đối phương sập bẫy là phóng ra kết liễu. Thật lạ kỳ, 2 môn đồ đắc ý của ông ta bây giờ là Costa và Suarez cũng có tài năng ăn vạ siêu quần. Đối phương biết đấy, hiểu đấy nhưng vẫn sập bẫy như thường.
Và Simeone đã viết trong cuốn sách thứ hai của mình có tựa đề là Creer - Tin Tưởng như sau: "Tôi thường liên hệ bóng đá và quyền Anh với một cuộc chiến đường phố. Trong cả ba thể loại này, luôn có một khoảnh khắc mà ai đó thể hiện sự sợ hãi trong mắt của họ, trong cơ thể của họ.
Trong bóng đá, điều đó hoàn toàn xảy ra rất nhiều lần. Chúng ta hãy lợi dụng không tiếc những cơ hội này khi cảm thấy đối thủ đang sợ hãi. Có thể khía cạnh quan trọng của việc áp đặt nỗi sợ hãi lên đối thủ là làm cho họ hiểu rằng chúng ta không có sợ hãi".
Đây có lẽ là một tuyên ngôn hành động của cá nhân, một cuốn binh thư sân cỏ hơn là một ghi chép về hồi ký bóng đá.
Rốt cuộc, người chiến binh đường phố cũng trở thành thủ lĩnh, vị tướng chỉ huy cả đoàn quân. Kể từ khi nắm quyền binh nhung tại Atletico, Simeone đã truyền vào đây tinh thần, tuyên ngôn hành động của mình vào đội bóng. Và cả niềm tin mạnh mẽ như thời xin đi nhờ xe bus nữa.
Dưới thời Simeone, Atletico không chỉ là một tập thể mà còn là một niềm tin. HLV này có thể tha thứ cho các cầu thủ vì đã trễ nải trong tập luyện và thi đấu, nhưng ông ta sẽ không bao giờ tha thứ cho việc họ thiếu đức tin. Hệ quả là, gần 10 năm qua, Atletico đang tin vào một điều gì đó khác biệt.
Simeone, bằng kinh nghiệm dàn dày chinh chiến của mình, đã biến bóng đá của Atletico thành một cuộc đi săn. "Một giây có thể thay đổi tất cả, nhưng nó rất chớp nhoáng. Con mồi ở đó và đột nhiên rồi không còn ở đó nữa. Trong tích tắc, mọi cơ hội bị tiêu tan".
Bóng đá với Simeone luôn là chiến tranh bất chấp vị thế của ông ta là gì. Trên sân cỏ, chiến binh Simeone là hiện thân của một vị tướng. Giờ đây, với tư cách là một vị tướng, Simeone lại là hiện thân của những người lính, chiến đấu trong mọi trận chiến từ các chiến tuyến.
Đứng bên ngoài đường biên, trong bộ binh nhung đen xì quanh năm suốt tháng, toát ra một thần thái hắc ám và vô cùng đáng sợ, Simeone tạo dựng thành công hình ảnh của Hắc Thám kiên nhẫn tuần tra trên khu vực Trường Thành của mình để giám sát tất cả.
Ông ta đã khiến Juergen Klopp kinh ngạc trong màn đọ sức hồi tháng Ba tại Champions League. Trận đấu mới chỉ diễn ra được khoảng 10 phút, nhưng cánh tay của Simeone đã vung vẩy để điều khiển đoàn quân thi đấu nhanh hay chậm. Ánh mắt kinh ngạc của Klopp không khiến Simeone phải cảm thấy cần có chút tự trọng.
Những tiếng gào to "Đá chậm thôi, càng chậm càng tốt" cứ vang lên miệng của Simeone đứng ngoài mọi giá trị đạo đức thể thao. Thậm chí, ông còn thúc đẩy cầu thủ giở những trò bẩn bựa để kìm hãm tốc độ trận đấu. Trong bộ hắc y đầy sức nhiếp hồn, ông vào vai phản diện trong vở kịch câm hoặc trùm găng-tơ của một bộ phim xã hội đen Nam Mỹ với đầy đủ sự đểu giả và tàn độc.
Người ta chỉ nhớ kẻ chiến thắng. Liverpool đã bị truất ngôi vương Champions League như thế, bởi một đội bóng quỷ quyệt do một kẻ quyền biến lãnh đạo. Nhưng sau trận đấu đó, Liverpool đã rơi vào lãng quên, và người ta chỉ nhắc đến Atletico và Simeone, những người đã hạ nhà vua để lấy vé vào Tứ kết.
Đó chính là mục đích của HLV này. Ông không phải là mẫu người thích đua tranh cao thượng để giành chiến thắng một cách đầy ngưỡng mộ, mà thay vào đó, Simeone đã biến mọi trận đấu thành màn đấu trí, cho dù vô đạo đức, miễn là thắng lợi.
Bất chấp danh dự, bất chấp đạo đức thể thao, bất chấp tinh thần Fair-Play, bởi những giá trị đó với Simeone chẳng có nghĩa lý gì. Ông thích Suarez trơ tráo dùng tay cản bóng, ngăn chặn bàn thắng của Ghana ở World Cup 20210, cho dù có bị cả châu Phi nguyền rủa. Ông thích Costa chơi tiểu xảo với 4 cầu thủ của Liverpool để có vé Tứ kết cho dù bị cả thế giới căm ghét.
"Thần thiêng nhờ bộ hạ", một mình Simeone đã đủ uy hiếp giang hồ, nay lại có đủ Tả phù Hữu bật, đồng chất đồng màu như Diego Costa và Luis Suarez thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.
Lẽ nào sẽ xuất hiện một kịch bản như thế này chăng: Trong trận chung kết Champions League, Atletico tái ngộ Real Madrid và dẫn 1-0. Để bảo vệ thành quả, Costa ra sức đấm người và lăn ra ăn vạ; Suarez điên cuồng cắn những ai bén mảng đến vòng 16m50 còn bên ngoài đường biên, Simeone sẽ kích động các nhóc nhặt bóng ném hàng chục quả bóng vào sân.
Thật là một viễn cảnh đáng sợ!