Lịch thi đấu, Kết quả, BXH La Liga
Ở tuổi 61, cái tuổi toan về già đối với nhiều người, Quique Setien lại tìm thấy ánh sáng của cuộc đời, thông qua việc được bổ nhiệm làm HLV của Barcelona thay cho Ernesto Valverde. Nếu Valverde suốt hai năm rưỡi dẫn dắt Barca bị chỉ trích ngày càng xa rời phong cách truyền thống của đội bóng xứ Catalan thì Quique Setien được kỳ vọng tái sinh phong cách ma mị ấy, mặc dù ông chưa từng dính dáng đến Barca trong suốt sự nghiệp cầu thủ lẫn cầm quân
Bởi lẽ, Setien được xem là môn đệ không chính thức của trường phái Cruyff. Thậm chí, Setien còn được đánh giá là cuồng tín hơn cả những nhà cầm quân có gốc gác Barca. Xuyên suốt sự nghiệp, vị chiến lược gia này sử dụng sơ đồ 4-3-3 như sơ đồ chiến thuật cơ sở, mặc dù trong thời gian dẫn dắt Real Betis, ông cũng áp dụng cả sơ đồ 4-2-3-1 hoặc sơ đồ 3 trung vệ và hai hậu vệ biên dâng cao (WB).
Cách hiểu của Setien về bốn trạng thái của hệ thống chiến thuật (bao gồm tổ chức tấn công, chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công và tổ chức phòng ngự) sẽ nêu bật phong cách và triết lý của vị chiến lược gia này. Diễn giải thêm: một đội bóng sẽ có 2 trạng thái chính là tổ chức tấn công và tổ chức phòng ngự, giữa hai trạng thái này gọi là hai trạng thái chuyển tiếp. Phản công là một cách chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Gegenpressing là phương pháp đánh vào trạng thái chuyển tiếp từ phòng ngư sang tấn công.
Tổ chức tấn công
Tổ chức trận đấu của Setien đặt cược vào “total”, là từ total trong Total Football đã được Việt hóa một cách quen thuộc là Bóng đá tổng lực. Total được dịch là tổng lực chưa hẳn sát nghĩa nhưng có thể hiểu mọi cầu thủ đều tham gia vào các khâu tổ chức của bốn trạng thái và hoán chuyển vị trí phù hợp. Yêu cầu của Setien đối với đội bóng ông dẫn dắt là phát triển bóng từ phần sân nhà, nét đặc trưng trong lối chơi của Barca.
Từ những đội bóng nhỏ từng dẫn dắt như Lugo hay Las Palmas, Setien đã tổ chức cách chơi như vậy và khi sang Betis, ông còn cực đoan hơn. Bất kể sơ đồ chiến thuật là gì, Setien luôn sử dụng phương pháp lên bóng kiểu La Volpe (La Volpismo), tức đưa bóng từ vị trí thủ môn, tuyến dưới cùng lên tuyến hậu vệ rồi tiền vệ thay vì phát bóng. Cách thức lên bóng này dựa trên việc hai trung vệ và tiền vệ phòng ngự lùi sát khung thành để nhận bóng, ban chuyền để dần vượt qua các tầng áp lực (pressing). Sergio Busquets chính là gương mặt tiêu biểu của phương pháp lên bóng này với khả năng chơi bóng một chạm bậc thầy.
Nếu đối thủ không dâng cao pressing mà tổ chức phòng ngự khối đội hình tầm trung (mid block), Setien thường sử dụng các tiền vệ trung tâm giỏi rê dắt và ưa mạo hiểm để đi bóng xuyên phá qua hàng tiền vệ đối phương. Một cách thức khác tân HLV Barca sử dụng là một trong những tiền vệ trung tâm dạt biên để mở rộng không gian chơi bóng. Fabian, cầu thủ hiện thuộc biên chế Napoli đã được sử dụng theo phương pháp này ở mùa giải 2017/18.
Một đặc điểm khác trong cách bày binh bố trận của Setien là đẩy hàng tiền vệ lên độ cao đáng kinh ngạc và sự hình thành các tam giác với sự xuất hiện bất ngờ của đỉnh thứ ba. Đặc điểm này rất quan trọng với lối chơi phối hợp ở giữa sân và thu hút đối phương (một cầu thủ được chọn để thu hút sự chú ý của cầu thủ phòng ngự đối phương), qua đó tạo khoảng trống để chuyền bóng cho một cầu thủ khác đang ở tư thế trống trái (free man).
Chưa một đội bóng nào làm điều này tốt như Barca của Guardiola, với sự hiện diện của Xavi, Iniesta hay Messi. Đó là những con người sở hữu bộ kỹ năng trác tuyệt và sự ăn ý như thể thần giao cách cảm. Chưa có được những con người xuất chúng như vậy nhưng Setien cũng có được những quân bài hữu dụng để triển khai ý tưởng. Đó là De Jong, Rakitic, Vidal hay Arthur. Những cầu thủ này ít nhiều có khả năng ban chuyền hay chiếm lĩnh không gian để liên tục tạo ra các tam giác phối hợp để đưa bóng tiếp cận khung thành đối phương.
Setien muốn tập trung quân số ở các khu vực có thể dứt điểm, nhưng không chỉ bằng cách dồn quân kết tụ đơn thuần. Mục tiêu mà vị chiến lược gia này hướng tới là tăng cường khả di chuyển của mọi cầu thủ và gây sự mất phương hướng cho hàng thủ đối phương. Tất nhiên, sự lưu thông chuyển động từ hành lang bên này sang hành lang bên kia đòi hỏi sự nhuần nhuyễn và sống động, điều Setien không thể tạo ra trong những ngày tháng cuối dẫn dắt Betis.
Ngoài ra, khả năng thu hút sự chú ý ở trung lộ của Messi và Griezmann sẽ tạo ra những khoảng trống để chuyển hướng tấn công. Tại Betis, với lão tướng Jaoquin, Setien đã tìm ra phương pháp mở rộng không gian chơi bóng và vượt qua tầng áp lực của đối phương. So với Joaquin, Messi dĩ nhiên lợi hại hơn gấp nhiều lần còn Griezmann là một ẩn số thú vị đáng chờ đợi.
Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công
Việc chú trọng khâu kiểm soát bóng không đồng nghĩa Setien bỏ qua khía cạnh tổ chức phản công. Tại Betis, vị chiến lược gia này đã thể hiện khả năng phản công. Tại Barca, người tiền nhiệm Valverde cũng không bỏ qua phương án tiếp cận khung thành hữu hiệu này. Đối với Setien, ông phụ thuộc nhiều vào quân số tiền đạo để khởi động tiến trình chuyển trạng thái.
Trung phong, tùy vào tình huống, dâng cao để ghim trung vệ đối phương, dạt biên để kéo dãn đội hình hoặc lùi xuống hỗ trợ phối hợp. Chấn thương của Suarez là một tổn thất cực lớn nhưng sự hiện diện của Messi là đủ để kết liễu hàng thủ đối phương. Siêu sao người Argentina có thể tạo đột biến chỉ với một pha chạm bóng còn Griezmann vốn dĩ là chuyên gia khai thác khoảng trống dưới sự đào luyện của Simeone. Nếu Setien có thể xây dựng được trục triển khai bóng theo chiều dọc, với Busquets hoặc De Jong, Barca sẽ cực lợi hại trong phản công.
Chuyển trạng thái giữa tấn công và phòng ngự
Sự sắp xếp của hàng phòng ngự sau khi mất bóng vẫn là một trong những điểm yếu nhất của Barca trong nhiều năm qua. HLV Valverde chưa bao giờ làm được việc tổ chức phòng ngự sau khi mất bóng, thậm chí các cầu thủ Barca vốn đã thua sút về thể chất lại tổ chức hơi lộn xộn ngay từ thời điểm cầm bóng. Thất bại trước Atletico Madrid tại bán kết Siêu cúp Tây Ban Nha lột trần điểm yếu này.
Setien đi theo trường phái tổ chức gây áp lực (pressing) ngay sau khi mất bóng. Sự hiệu quả là cần thiết và sự cảnh giác khi có bóng là đủ để tránh nguy cơ bị phản kích. Vị chiến lược gia 61 tuổi này ưa thích tổ chức những đợt pressing nhỏ gọn trong vài mét, nhưng vấn đề đặt ra là sau khi Suarez chấn thương, Messi với sự uể oải thường thấy khi không bóng, không phải là người phù hợp để giữ vai trò xung kịch gây áp lực.
Trong khi đó dưới thời Valverde, Barca xuất hiện khoảng cách quá lớn giữa trung lộ và hành lang, giữa hàng thủ và tuyến giữa, làm mất khả năng tổ chức pressing ngay sau khi mất bóng, hay còn gọi là gegenpressing (counter-pressing).
Tổ chức phòng ngự
Gây áp lực một lần nữa đóng vai trò chủ đạo trong cách tổ chức phòng ngự của Setien. Khối phòng ngự dâng cao (High block), với các trung vệ dàn ở giữa sân, gây áp lực để đối thủ mắc sai lầm hoặc buộc phá bóng là cách chơi đặc trưng của Barca dưới thời Guardiola và Setien cũng áp dụng cách chơi tương tự.
Vị chiến lược gia này cũng muốn gây áp lực tầng cao (High press) khiến đối phương không còn cơ hội chuyền bóng và buộc phải phá hoặc phất bóng. Trong hình dưới, khối pressing được tổ chức theo tuyến nghiêng với ý đồ rõ ràng là bắt đối thủ phải đưa bóng sang biên phải. Đối thủ ở đây chính là Barca và trận này Betis của Setien chấm dứt mạch 40 trận bất bại của gã khổng lồ xứ Catalan tại Nou Camp.
Trong những trường hợp buộc phải lùi sâu đội hình phòng ngự, Setien vẫn muốn tổ chức phòng ngự hỗn hợp, tức các vị trí luôn sẵn sàng ập trao tranh chấp với cầu thủ kiểm soát bóng của đối phương. Barca dưới thời Valverde luôn tổ chức phòng ngự khu vực chắc chắn nhưng cách chơi này quá an toàn và thiếu đột biến. Đó là chút trợ lực để Setien có thể mạo hiểm.
XEM THÊM
Barca sa thải HLV Valverde, bất ngờ bổ nhiệm Quique Setien làm thuyền trưởng mới