Ngày xưa
Thông thường Real nhăm nhăm chủ trương dùng tiền mua thành công. Trong nhiệm kỳ đầu trên cương vị chủ tịch Florentino Perez không tiếc tiền sắm sao cho “Dải ngân hà”. Hậu quả là những tài năng trẻ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Real như Juan Mata, Roberto Soldado và Alvaro Arbeloa không có đất diễn ở Bernabeu và phải khăn gói ra đi.
Ngày xưa, như cách nói vui của nhiều người, Barca “chả có gì ngoài các ngôi sao của nhà trồng được”. Đỉnh cao của đặc sản “cây nhà lá vườn” của Barca phải kể đến trận Gã khổng lồ xứ Catalan chạm trán đối thủ Levante vào tháng 12/2012.
Đó là trận mà Barca sử dụng đội hình gồm… cả 11 cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia trứ danh của mình. Đội hình ấy gồm Victor Valdes, Martin Montoya, Carles Puyol, Gerard Pique, Jordi Alba, Sergio Busquets, Andres Iniesta, Xavi Hernandez, Cesc Fabregas, Pedro Rodriguez và Lionel Messi.
Có thời tỷ lệ cầu thủ xuất thân từ lò La Masia trong biên chế đội Một của Barca lên tới 68%. Một tỷ lệ “nội địa hóa” đáng mơ ước với bất cứ đội bóng nào. Đã có thời bộ ba ngôi sao trưởng thành từ lò La Masia gồm Messi, Xavi và Iniesta áp đảo danh sách đề cử cuối cùng cho các cuộc bầu chọn Quả bóng vàng.
Ngày nay
Thời gian trôi qua, vẫn biết chẳng có gì là mãi mãi. Song thật đáng ngạc nhiên là Barca ngày càng đi theo vết xe của Real ngày xưa. Còn Real thì lại ngày càng xoay theo con đường của Barca ngày trước. Một cách ngẫu nhiên, hai ông lớn này đang đổi vai cho nhau.
Những năm gần đây, Real chú trọng vào việc sử dụng những tài năng do chính mình đào tạo. Hoặc Real chú trọng vào việc chiêu mộ những măng non nhiều triển vọng. Có thể kể đến những thương vụ đầu tư cho các “sao mai” như Vinicius, Rodrygo và Reinier.
Đội hình tạo nên thành công của Real, đặc biệt là trên đấu trường Champions League, những mùa giải gần đây rất dồi dào những ngôi sao được Real “chăm bón” từ khi họ còn trẻ như Casemiro, Dani Carvajal, Marco Asensio, Lucas Vazquez và mới đây có thêm Federico Valverde. Đúng là có những giai đoạn các cầu thủ này chưa thể chen chân ngay vào đội hình Real.
Nhưng Real không đẩy họ đi phũ phàng. Họ chỉ được mang đi gửi theo hình thức cho mượn hoặc hợp đồng bán kèm điều khoản mua lại. Casemiro tích lũy kinh nghiệm ở Porto. Carvajal trưởng thành ở Leverkusen. Valverde “mài ngọc” ở Deportivo. Vazquez và Asensio cọ xát ở Espanyol.
Tất cả họ đều được BLĐ Real hẹn sẵn ngày về, hẹn sẵn ngày trở lại Bernabeu tỏa sáng trong màu áo đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Họ đều quyết tâm khẳng định mình với mục tiêu trở lại Real.
Đến đây, có thể sẽ có người thắc mắc chuyện Barca cũng vừa đem hàng loạt sao trẻ đi gửi như Carles Perez (Roma), Carles Alena (Betis), Moussa Wague (Nice), Jean-Clair Todibo (Schalke) và Abel Ruiz (Braga).
Khác biệt ở đây là gì? Barca đem các sao mai của mình cho các đội bóng khác mượn với điều khoản những đội bóng này có thể mua đứt các tài năng trẻ vừa kể mà Barca không có ý định thực sự sẽ đem họ trở lại Nou Camp trong tương lai. Tới mức Carles Perez vừa công khai lên tiếng chỉ trích BLĐ Barca. Perez rất cay cú trước thực tế Barca khủng hoảng tiền đạo vì chấn thương dài hạn của Luis Suarez và Ousmane Dembele mà vẫn đẩy anh đi không thương tiếc.
Mùa này chứng kiến sự nổi lên của Ansu Fati. Nhưng ngoại lệ của chân sút 17 tuổi này là quá ít. Cũng giống như việc kể từ sau thế hệ Messi, Pique, Barca gần như chỉ dùng được mỗi sản phẩm từ lò La Masia là Sergio Roberto.
Hồi đầu tháng này, HLV Quique Setien từng chỉ có 14 cầu thủ đội Một khi chuẩn bị đấu với Betis. Cuộc khủng hoảng chấn thương và treo giò khiến Barca cũng khó lòng có dồi dào lực lượng hơn ở trận lượt về vòng 1/8 Champions League tới đây với Napoli.
Việc Barca phải dùng “quyền trợ giúp đặc biệt” để chiêu mộ khẩn cấp tiền đạo Martin Braithwaite, sau khi thị trường chuyển nhượng đã đóng cửa thì càng cho thấy Barca khủng hoảng trong chiến lược phát triển cầu thủ của mình thế nào.
Đã “nghèo” còn gặp cái eo Lựa chọn của sao mai |
XEM THÊM
MC nóng bỏng ăn mừng đặc biệt khi Napoli cầm hòa Barca