Bóng Đá Plus trên MXH

Maradona: 60 năm cuộc đời của Cậu Bé Vàng
05:35 ngày 26/11/2020
Huyền thoại Diego Maradona vừa giã từ cõi trần, chỉ ít ngày sau sinh nhật hôm 30/10/2020. Ông qua đời ở tuổi 60, đi trọn một vòng Đáo Tuế của kiếp nhân sinh.

    Con người đó thấp bé trên sân cỏ nhưng là một tượng đài khổng lồ trong thế giới bóng đá và trái tim người hâm mộ. Ông là một kẻ nghiện ngập, một thứ ma mãnh, nhưng che mờ tất cả là ánh hào quang của một vị thánh bóng đá siêu phàm. Và trong ngày trở lại năm sinh của mình (Diego Maradona sinh năm Canh Tý), chúng ta cũng nên ôn lại sự chào đời và xuất hiện trên sân cỏ của Cậu Bé Vàng có một không hai này.  

    CÓ CHÚ CHUỘT RƠI XUỐNG HỐ PHÂN

    Ngày 30/10/1960, Maradona ra đời tại bệnh viện Evita Peron ở Lanus, một quận công nghiệp nằm phía Nam thủ đô Buenos Aires. Bố mẹ ông, Diego "Chitoro" Maradona và Dalma "Tota" Salvadora đều là người Esquina, thuộc vùng Corrientes ở miền Đông Bắc Argentina, gần biên giới Paraguay.  

    Gia đình ông Chitoro sống trong một căn nhà tạm đắp bằng đất và lau sậy gần bờ sông. Mỗi ngày, ông kiếm sống bằng việc đánh cá và chở gia súc ra cù lao Parana Delta ăn cỏ, rồi lại chở chúng về khi thủy triều lên. Còn bà Tota tới thủ đô Buenos Aires với ước mơ về cuộc sống khấm khá hơn. Tại đây, bà làm giúp việc cho một gia đình khá giả.

    Hai năm sau khi sống xa cách nhau, bà Tota thuyết phục chồng tới đoàn tụ gia đình ở thủ đô. Ban đầu, họ sống cùng người thân ở Villa Fiorito, vùng ngoại ô phía Nam Buenos Aires. Ông Chitoro tìm được việc làm ở một nhà máy sản xuất phân bón tại Riachuelo.  

    Nơi đây chính là vịnh biển mà nhà thám hiểm Pedro de Mendoza (Tây Ban Nha) đặt chân tới khi thành lập Buenos Aires gần 500 năm trước. Nhưng bất kể truyền thống hào hùng đó, vùng đất này thuở Maradona ra đời chỉ là một con kênh bẩn thỉu ngăn cách người giàu có và đám nghèo hèn trong thành phố.  

    Một thời gian ngắn sau khi vợ chồng nhà Maradona đến Villa Fiorito, người thân của họ chuyển đi, và ông Chitoro phải tự xây lều để ở. Nhà Maradona đã có 3 cô con gái khi bà Tota mang thai lần thứ tư.  

    Nhóc tì Diego Maradona thời trẻ trâu

    Có hàng chục giai thoại về chuyện đứa bé được sinh ra thế nào. Nhưng câu chuyện phổ biến nhất kể lại bà Tota đang khiêu vũ thì bất ngờ chuyển dạ. Vài giờ sau đó, bà hạ sinh một cậu con trai. Tương truyền cậu bé đã vung chân đá ngay lúc mới chào đời. Cậu bé được đặt tên giống cha mình: Diego.

    Thằng cu Diego lớn lên trong cảnh khốn khó: nhà không có điện, cũng chẳng có nước sạch. Vùng Villa Fiorito là như vậy. Maradona luôn nói quá khứ đó đã dạy cho ông ý nghĩa của việc sống khôn ngoan, ranh mãnh. Trong hoàn cảnh bần cùng hóa, sống giữ phẩm hạnh cao đẹp chỉ khiến ta càng nghèo đói.  

    Dân tỉnh lẻ trung thực hơn, nhưng những người sống trong khu ổ chuột còn gắn bó khăng khít hơn thế: Họ tập hợp những người bạn thân thiết xung quanh mình, đề cao lòng trung thành hơn mọi thứ. Maradona tự hào gọi đó là "chim sẻ nhỏ đầu đen", một phẩm chất kế thừa từ những người Italy và Guarani nghèo ở dưới đáy xã hội.

    Sinh nhật năm 3 tuổi, Maradona được người anh họ Beto tặng một quả bóng. Cậu thích nó tới mức ôm theo lên giường đi ngủ. Quả bóng trở thành bạn đồng hành thường trực với cậu từ lúc đó. "Có rất nhiều người sợ phải thừa nhận đến từ khi ổ chuột, nhưng không phải tôi. Bởi nếu tôi không sinh ra trong khu ổ chuột, sẽ không có Maradona. Tôi có sự tự do khi chơi bóng", Maradona tâm sự.

    Nhưng sự thực cuộc sống tuổi thơ của Maradona không đẹp như lý tưởng ấy. Villa Fiorito chẳng có đồn cảnh sát thường trực nào cả, họ chỉ đi xe bus tới đây tuần tra hàng ngày. Việc đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn an ninh, nhưng có những sự thật còn trần trụi hơn thế nhiều.  

    Lúc mới lẫm chẫm tập đi, Maradona từng suýt chết đuối trong hố phân! Cậu vô tình ngã xuống đó mà không biết. May mà ônng chú Cirilo nhìn thấy và thét lên: "Diego, cố ngóc đầu lên khỏi đống phân đó đi". Câu chuyện ấy đến nay Maradona vẫn thường kể lại. Những lời ông chú Cirilo nói lúc đó gần như đã thành câu thần chú trong những khoảnh khắc khó khăn nhất cuộc đời Maradona.  

    Argentinos Juniors là bệ phóng của sự nghiệp của Maradona

    THẰNG BÉ NGOÀI HÀNH TINH

    Ngay từ khi còn nhỏ Maradona đã kiếm tiền bằng mọi cách có thể: Mở cửa taxi, bán phế liệu, gom giấy bạc từ hộp thuốc lá rỗng... Tồn tại chính là cố gắng sống bằng đầu óc của mình. Cuộc sống lý tưởng cho người dân Argentina như cố Tổng thống Juan Domingo Perón và người vợ Evita còn lâu mới đạt được, nhưng vợ chồng Chitoro - Tota vẫn luôn ngưỡng mộ họ bằng việc trưng ảnh vợ chồng vị cố tổng thống trong nhà.

    Còn về cậu con trai Diego, họ sớm nhận ra cậu bé có tương lai với trái bóng. Gia đình ủng hộ cậu ở mọi giai đoạn phát triển. Những bức ảnh hiếm hoi còn lại đến ngày nay chụp hồi Maradona 4-5 tuổi cho thấy cậu đứng trước một hàng rào thép gai. Hàng rào đó trông rất mới, nhưng đổ nát thành một đống, cho thấy Maradona thường xuyên sút bóng vào đó nhiều tới mức nào.  

    Trên đường đến trường, Maradona thường tập... tâng bóng. Cậu chẳng bao giờ để bóng rơi cho dù có phải bước qua đường ray xe lửa. Thậm chí “trái bóng” cậu tâng cũng chẳng phải quả bóng đúng nghĩa. Có thể đó là một quả cam, một cục báo vo tròn, hoặc miếng giẻ rách cuộn lại.

    Tháng 12/1968 Maradona được đưa tới tập thử cùng Cebollitas, đội trẻ của CLB Argentinos Juniors. Đội bóng được thành lập ở trung tâm vùng Villa Crespo vào năm 1904, từ một nhóm bạn có khuynh hướng ủng hộ cánh tả.  

    Tên ban đầu của họ là Martyrs of Chicago, lấy cảm hứng từ sự kiện tám nhà hoạt động chính trị cánh tả bị treo cổ chết sau vụ bạo động Haymarket ở Chicago năm 1886. Cái tên Argentinos Juniors được chấp nhận là một phần của hiệp hội bóng đá Argentina vào năm 1909.

    Không ai ở Argentina có thể vĩ đại đến tầm cỡ của Maradona

    Sau nhiều lần thay đổi trụ sở, năm 1921, đội bóng chuyển về cố định tại La Paternal, nằm ngay phía Tây nơi đội bóng ra đời. Vào thập niên 1930, đội bóng này đi đầu trong phong trào chuyên nghiệp hóa bóng đá. Nhưng kinh phí luôn là yếu tố nan giải.

    Sau khi xuống hạng năm 1936, họ mất tới 2 thập kỷ để trở lại hạng đấu cao nhất. Trong thời gian đó, đội bóng rất tập trung phát triển đào tạo cầu thủ trẻ. Phương châm chơi bóng của Argentinos Juniors cũng rất khác biệt: Họ đề cao cống hiến, chơi đẹp mắt trong từng trận đấu chứ không nhất thiết phải thắng.  

    Năm 1960, họ xếp hạng Ba tại giải, dù từng nuôi hy vọng vô địch cho tới ngày thua River Plate 1-5 ở giai đoạn cuối. Trên thực tế, hầu hết các mùa giải họ đều phải chật vật thi đấu để tránh xuống hạng. Nếu có một cầu thủ chơi nổi bật trong đội, anh ta cũng nhanh chóng được bán cho các CLB lớn hơn.

    Argentinos Juniors không mất nhiều thời gian nhận ra tài năng thiên bẩm ở Maradona. Một thằng bé kỳ dị, lùn, mập, đầu to bất thường, khiến HLV Francisco Cornejo tưởng là người ngoài hành tinh; nhưng lại chơi bóng vô cùng nổi bật. Maradona chơi hay đến nỗi CLB nghi ngờ cậu ăn gian tuổi, và chỉ tin lúc nhìn giấy khai sinh của anh.

    Không thể hài lòng hơn khi phát hiện ra một cậu bé 8 tuổi phi thường, HLV Cornejo đưa Maradona tới gặp bác sĩ Cacho Paladino, một người từng làm việc với nhiều tay đấm quyền Anh chuyên nghiệp. Paladino cho Maradona một lộ trình thuốc uống lẫn thuốc tiêm giúp anh cải thiện thể chất. Từ bé, Maradona đã quá quen với dược phẩm hỗ trợ, như thể rất bình thường và tự nhiên vậy.  

    Ngôn từ không thể diễn tả hết tài năng của con người này

    ĐỊNH MỆNH VỚI ALBICELESTES

    Maradona nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên sân cỏ ở lứa tuổi nhí. Giờ nghỉ giữa những trận đấu của Argentinos, trong khi đội 1 nghỉ ngơi, cậu đã khiến đám đông trầm trồ khi liên tục biểu diễn các động tác kỹ thuật. Trong một trận đấu gặp Boca Juniors tháng 7/1970, Maradona gây ấn tượng đến mức đám đông hô vang tên cậu ở lại thi đấu tiếp trong hiệp 2.  

    Sau đó, cậu xuất hiện trên truyền hình, biểu diễn bằng việc tâng bóng, rồi... tâng cam, cuối cùng tâng chai nước. Ngày đó, khi được hỏi mục tiêu của bản thân, nhóc tì Maradona đã không ngần ngại trả lời: "Vô địch Argentina, vô địch World Cup".

    Ngày 28/9/1971, Maradona lần đầu tiên được báo chí Argentina đề cập tới. Phóng viên tờ Clarín có mặt trong một trận đấu giữa Argentinos và Independiente, rồi nhanh chóng bị cuốn hút trước màn biểu diễn giữa giờ nghỉ 2 hiệp của Maradona.  

    Bài báo sau này thật tuyệt cho một tài năng trẻ, trừ một điểm: tên nhân vật chính bị nhầm thành "Caradona". Phóng viên viết lại: "Cậu bé mới 10 tuổi ấy cho thấy một khả năng hiếm có trong việc giữ bóng và dắt bóng".

    Nhưng điều ấn tượng hơn cả là việc Maradona sớm được gắn định mệnh với truyền thống bóng đá của quốc gia: "Chiếc áo quá lớn với cậu, phần tóc mái vừa đủ ngắn giúp cậu nhìn rõ xung quanh. Trông cậu như thể vừa mới trốn thoát khỏi rừng vậy. Cậu có thể khống chế gọn trái bóng và dễ dàng gẩy nhẹ bóng lên bằng cả hai chân.  

    Cứ như thể cậu được sinh ra để làm cầu thủ. Trông cậu dường như không thuộc về hiện tại, nhưng sự thực lại là có. Cậu mang tình yêu thực sự của người Argentina dành cho trái bóng. Nhờ có cậu, bóng đá của chúng ta sẽ tiếp tục nuôi giấc mơ cùng những cầu thủ vĩ đại".

    Ngày hôm nay, cậu nhóc tỳ năm xưa đã tròn 60 tuổi

    Dường như bài báo đó đã gửi gắm quá nhiều hy vọng vào một cầu thủ trẻ, dù khi ấy chẳng điều gì có thể cho thấy Maradona chắc chắn sẽ thành công. Những điều diễn ra sau này dĩ nhiên có ý nghĩa ở từng giai đoạn nhất định, nhưng ta có thể thấy ngay từ khi còn rất nhỏ, Maradona đã cho thấy tư chất đặc biệt, mang dáng dấp của một ngôi sao vĩ đại sau này.

    Kể từ ngày đó, Maradona thậm chí còn bị đẩy nhanh quá trình học tập, phải nhảy cóc lớp chỉ vì... bóng đá. Không cần biết cậu học tốt hay dở, có đi thi hay không, điểm số Maradona nhận được luôn giúp cậu vượt qua môn học suôn sẻ. Tất cả nhờ có một... ông hiệu trưởng phát cuồng trước tài năng chơi bóng của cậu học trò này.

    Điều đó cho thấy các nguyên tắc thông thường không thể áp dụng cho thiên tài. Tài năng bóng đá của Maradona sớm được khai phá và trình diễn trước toàn thế giới. Và sau đó là cả một lịch sử dài đến tận ngày hôm nay!

    Kỳ Lâm • 05:35 ngày 26/11/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay