Khắp châu Âu, áo số 5 thường được coi là số áo của một trung vệ. Nhưng ở bóng đá Nam Mỹ, đó là vị trí của hai nửa cánh gồm số 4 và số 6, được đặt ngay trước hàng hậu vệ ở vị trí nửa trung vệ, nửa tiền vệ và bây giờ được gọi là tiền vệ trụ. Và mô hình này vẫn xuất hiện ở thời hiện đại.
Tại VCK World Cup 2018, 4 trong số 5 ĐTQG Nam Mỹ đã sử dụng số 5 cho vị trí tiền vệ trụ, gồm: Lucas Biglia của ĐT Argentina, Casemiro của Brazil, Wilmar Barrios của Colombia và Carlos Sanchez của Uruguay - trong khi 13 trong số 14 ĐTQG châu Âu trao số áo đó cho một hậu vệ. Chỉ có trung vệ Miguel Araujo của ĐT Peru và tiền vệ Sergio Busquets của ĐT TBN là ngoại lệ.
Nhưng không nghi ngờ gì nữa, áo số 5 là số áo mang tính biểu tượng nhất ở bóng đá Argentina. Nền bóng đá nơi đây vốn nổi tiếng tôn sùng áo số 10 hơn bất kỳ nơi nào khác, nhưng họ cũng dành một vị trí đặc biệt trong trái tim cho áo số 5.
Ở những nơi khác, vị trí tiền vệ thường được đặt theo tên của những cá nhân cụ thể, như người Anh thường nói tới “vai trò Makelele” trong khi người Brazil lại nhắc tới “vị trí Volante” sau khi tiền vệ mỏ neo người Argentina đã thành danh ở vị trí này trong những năm 1930. Nhưng tại chính Argentina, tiền vệ mỏ neo chỉ là “Cinco - Số 5” mà thôi.
Và trong truyền thống dân dã ở Argentina, một trận bóng đá gần như là trận chiến giữa số 10 và số 5. Số 10 là kẻ sáng tạo cơ hội từ những tình huống mơ hồ để cung cấp những khoảnh khắc tấn công kỳ diệu. Còn việc của số 5 là cản trở, phá huỷ nỗ lực sáng tạo đó, kể cả bằng những cách ám muội.
Một số 5 điển hình của bóng đá Argentina được gọi là “pacman - máy quét” bởi vì công việc của số 5 là di chuyển như con thoi trước hàng thủ, tóm gọn các đường bóng hỏng của đồng đội như nhân vật Pacman trong game Nintendo cùng tên.
Nói một cách đơn giản, nó có vẻ đẹp của người đẹp chống lại quái thú, dùng sức mạnh của bộ não để chống lại sức mạnh của cơ bắp. Đó là màn đối đầu mà người Argentina cho là lãng mạn và giàu chất thơ nhất trong bóng đá, và coi đó là trung tâm của mọi trận đấu.
Mặc dù tầm quan trọng lịch sử của áo số 5 ở Argentina có thể bắt nguồn từ những năm còn chiến tranh, nhưng không phải tất cả các tiền vệ phòng ngự cổ điển của đất nước này đều mặc số đó.
Antonio Rattin, nổi tiếng vì sự hung hăng tại World Cup 1966, có phần bất thường khi mặc áo số 10 ở giải đấu này. Ngoài ra còn có sự phức tạp hơi điên rồ của bóng đá Argentina khi cho mặc số áo theo thứ tự bảng chữ cái tại World Cup từ năm 1974 đến 1982.
Trường hợp ngoại lệ chỉ dành cho những người như Maradona với áo số 10. Do đó, áo số 5 ở Argentina có lúc không phải do vị trí mà do tên của bạn bắt đầu từ chữ cái nào đó nằm giữa chữ B và chữ F.
Thật vậy, chỉ sau năm 1990, Argentina mới nghiêm túc trao áo số 5 cho một tiền vệ phòng ngự. Tại World Cup, chúng ta đã biết đến những số 5 tài hoa của ĐTQG này như Fernando Redondo, Matias Almeyda, Esteban Cambiasso, Mario Bolatti, Fernando Gago và Biglia. Nhưng Diego Simeone lại thích áo số 8, trong khi đó, Javier Mascherano thích số 14 hơn.
Trong số những cầu thủ này, không nghi ngờ gì nữa, Redondo là số 5 thanh lịch nhất, có tư duy tấn công nhất. Năm năm trước, anh được đưa vào ĐHTB mọi thời đại của bóng đá Argentina.
Tuy nhiên, anh đã không tham dự VCK World Cup 1990 và 1998 vì bất đồng quan điểm chiến thuật với HLV Carlos Bilardo, còn lần sau không lên tuyển do phản đối lệnh phải cắt mái tóc dài từ HLV Daniel Passarella. Thế nên, số 5 hào hoa bậc nhất này chỉ có 29 lần khoác áo ĐTQG mà thôi.
Redondo là một trong số ít những tiền vệ trụ thực sự xuất sắc ở cả hai mặt của vai trò tiền vệ phòng ngự và người cầm trịch chiến thuật. Mãi mãi đến bây giờ, Redondo vẫn được coi là cha đỡ đầu của chiếc áo số 5 ở bóng đá Argentina, và liên tục được yêu cầu đánh giá các chủ nhân tiềm năng cho số áo đó. Gần nhất, anh tỏ ra yêu thích 2 số 5 là Cambiasso và Gago.
“Khi tôi nghĩ về Số 5, tôi thích kiểu cầu thủ có trách nhiệm cao, luôn biết thu hồi bóng và cấp phối bóng, biết điều tiết nhịp độ của đội. Đây là một vị trí rất quan trọng, bởi Số 5 phải biết rõ cách chơi bóng, đọc tốt trận đấu, có những xử lý đột biến đủ khả năng phá vỡ áp lực từ đối thủ”, Redondo giải thích.
Redondo không thích chơi cùng với một tiền vệ mỏ neo khác như thuật ngữ “2 trụ” trong bóng đá hiện đại. Anh chỉ cảm thấy thoải mái khi một mình đảm nhiệm vai trò chỉ huy trung tâm của toàn đội.
Mẫu tiền vệ trung tâm của bóng đá Argentina này không có tại châu Âu. Thế nên, khi gia nhập Real Madrid, Redondo chơi ở vị trí số 6, và khi chuyển đến AC Milan, anh lại mặc áo số 5 cho dù chấn thương đã hạn chế nghiêm trọng thời gian thi đấu của anh cho Rossoneri.
Almeyda ưa thích số 25, Simeone yêu số 14 còn Cambiasso chọn số 19. Chỉ có Gago mặc áo số 5 ở Real Madrid và Biglia chọn số 5 ở Anderlecht. Họ đều là những tiền vệ trụ của bóng đá Argentina. Còn một số 5 mờ nhạt hơn là Claudio Yacob từng là tiền vệ trụ tại West Brom trong suốt 6 năm.
Gần đây, Leandro Paredes cũng đã đeo số 5 ở cả Roma và Zenit St Petersburg, mặc dù bây giờ anh mặc áo số 8 ở PSG do Marquinhos đã lấy số 5. Paredes cũng là lựa chọn ưa thích của Redondo cho số 5 ở Albiceleste.
Hồi năm ngoái, Redondo đã nói về số 5 này như sau: “Paredes là số 5 thích hợp của ĐT Argentina. Tôi tin rằng cậu ta đáp ứng tốt mọi điều kiện của vị trí đó. Cậu ta có thể mang lại sự cân bằng cho hàng phòng thủ. Với Messi ở phía trước, Paredes sẽ có được những tình huống thuận lợi. Paredes có kỹ thuật và trí thông minh giống như Gago khi xưa vậy”.
Ở những nơi khác của Nam Mỹ, số 5 chơi trong vai trò tiền vệ mỏ neo. Áo số 5 của Selecao tại những VCK World Cup gần đây là Felipe Melo, Fernandinho và Casemiro. Một số 5 Nam Mỹ điển hình hơn là Egidio Arevalo Rios, người đã khoác áo ĐT Uruguay 90 lần từ năm 2006 đến 2017 nhưng chưa từng ghi bàn thắng nào.
Anh này là mẫu pacman điển hình như định nghĩa của bóng đá Argentina. Nhưng ở ĐTQG anh thường mặc áo số 17, còn tại những CLB như Monterrey, San Luis Potosi, Chicago Fire, UNAL, Chiapas Jaguars, Racing Club, Club Libertad và Deportivo Municipal, anh luôn đeo áo số 5.
Quay trở lại châu Âu, trong khi có một số khác biệt trong việc sử dụng áo số 4 và áo số 6, thì có một vài nghi ngờ về danh tính của số 5. Ngoại lệ nhỏ là ở Bỉ và Hà Lan, nơi hệ thống số được sử dụng nghiêm ngặt quy định số 5 luôn thuộc về vị trí hậu vệ trái, còn lại đều dùng cho một trung vệ.
Có lẽ số 5 biểu tượng nhất trong những năm gần đây là Rio Ferdinand, người đã mặc áo số 6 trong mùa giải đầu tiên ở Man United, sau đó được đeo số 5 để nhất thể hoá với số áo tại ĐT Anh. Rio sau này cũng lập một nhãn hiệu thời trang là “5” và bây giờ đổi thành “FIVE”.
Đó là một điều trái ngược với Steve Bruce - một trong những người tiền nhiệm của Rio tại hàng thủ của Man United. Bruce có nỗi ám ảnh đáng sợ với số 5 bởi khi còn ở CLB Gillingham, số 5 này đã 3 lần đá phản lưới nhà. Do đó, khi sang Man United, ông nhất quyết chọn áo số 4.
Có một số ví dụ về các tiền vệ ở châu Âu mặc áo số 5, ví dụ như Busquets ở ĐT TBN tại Nga 2018. Nhưng trường hợp kinh điển là Zinedine Zidane tại Real Madrid. Bom tấn thế giới này đã gia nhập Real từ Juventus vào năm 2001.
Khi đó, Zidane thấy Luis Figo đã mặc chiếc áo số 10, Steve McManaman chiếm số 8 và Saviola đeo số 11. Figo hoặc McManaman có thể chuyển sang mặc áo số khác để Zidane có được số áo phù hợp nhất, nhưng điều đó không diễn ra.
Quý ông Santiago Solari đã hào sảng mời Zidane đeo áo số 21 quen thuộc của mình kể từ thời còn thi đấu cho Torino, nhưng Zidane đã chọn số áo của Manolo Sanchis, người đã giải nghệ sau 18 năm tại Bernabeu.
Tài năng của Zidane đủ uy quyền để làm cho số 5 tại Real trông thật ngầu, thật bảnh cho dù phong độ của tiền vệ người Pháp tại Real chỉ bằng một nửa những gì ông đã thể hiện tại ĐT Pháp với áo số 10. Nhưng Zidane đã truyền cảm hứng cho một số bản sao hậu duệ, đáng chú ý nhất là Miralem Pjanic.
Cầu thủ này vốn mặc áo số 15, nhưng khi anh chuyển đến Juventus từ Roma vào năm 2016, anh đã chọn áo số 5 vì Zidane là thần tượng của anh. “Zinedine Zidane đã mặc nó và tôi sẽ rất tự hào khi theo bước chân của ông ấy”, Pjanic nói. Mặc dù vậy, Pjanic không nhớ rằng Zidane đã mặc số áo 21 tại Juventus, cũng như Andrea Pirlo sau này.
Trong khi đó, Kaka đã từ chối làm điều tương tự khi anh gia nhập Real Madrid vào năm 2009, mặc dù được khuyến khích thừa kế di sản áo số 5 của Zidane. “Tôi đã không lấy số 5 không phải vì nó từng là số của Zidane mà bởi vì, đối với cầu thủ Brazil, đó là số áo thường được trao cho những cầu thủ thiên về phòng thủ, giống như tại Argentina vậy. Tại sao tôi lại thích số 8 ư, vì đó là số áo tôi mặc đầu tiên ở Sao Paulo”.
Điều thú vị là ngay cả một cầu thủ Brazil cũng cảm thấy bắt buộc phải nhắc đến nỗi ám ảnh của người Argentina với áo đấu số 5. Quan điểm của Kaka cũng giúp lý giải cho việc Gago đã chuyển từ áo đấu số 8 thành số 5, với mục đích duy trì truyền thống của nền bóng đá Argentian về “Cinco - số 5”.
XEM THÊM
Số 7 - Áo đấu của những huyền thoại tấn công