Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Na Uy trong ánh bình minh của thời đại tái sinh
17:58 ngày 30/12/2019
Erling Haaland, Martin Odegaard… bóng đá Na Uy đang sở hữu một thế hệ trẻ đầy tài năng được tái sinh từ thế hệ vàng son thập kỷ 1990.

    Lịch thi đấu bóng đá hôm nay

    Năm 1993 chứng kiến ĐTQG Na Uy đạt được thứ hạng cao nhất trong lịch sử trên bảng xếp hạng FIFA. Khi ấy, đội bóng chưa bao giờ được xếp vào hàng cường quốc của bóng đá thế giới này chễm chệ ở vị trí thứ tư và 3 năm sau mới văng ra khỏi top 10 đội tuyển mạnh nhất hành tinh.

    Đó là điều khó có thể tin nổi với nhiều người nhưng mọi thứ đều có nguyên nhân. Dưới sự dẫn dắt của HLV Egil Olsen, người đầu tiên đề xuất phân tích trận đấu bằng video, ĐT Na Uy thực sự lột xác và gặt hái những thành công. Bằng chứng là suốt 8 năm Olsen dẫn dắt từ 1990 đến 1998, Na Uy thi đấu 88 trận, thắng 46 trận và chỉ thua vỏn vẹn 16 trận.

    Olsen là một nhà cầm quân thực dụng. Ông lập luận rằng các cầu thủ Na Uy không đủ khả năng đánh bại các đội bóng vượt trội. Vì vậy ĐT Na Uy thi đấu, như ông nói, phải thông minh hơn đối phương và hiệu quả nhất có thể để giành chiến thắng. Và một trong những nguyên tắc cơ bản là "chơi không bóng tốt nhất". 

    Do đó, dưới thời Olsen, các cầu thủ Na Uy tạo dựng danh tiếng là những máy chạy, chạy nhiều hơn, bền bỉ hơn và nhanh hơn đối phương, cả khi có bóng lẫn không bóng. Điều này được thể hiện qua cách Olsen bày binh bố trận. Chẳng hạn Jostein Flo, một tiền đạo cao tới 1m92 sẽ hoạt động như một trung phong di chuyển rộng thay vì trung phong mục tiêu. 

    Ngoài ra, ĐT Na Uy chủ yếu sử dụng bóng dài để phản công nhằm hạn chế nguy cơ tổn thương vì mất bóng bên phần sân nhà. Đó là một thời đại vàng son, không chỉ với Na Uy mà cả vùng Scandinavia. Thụy Điển hay Đan Mạch đều từng lọt top 6 mặc dù thật phi lý khi đánh giá những đội bóng Bắc Âu này trên cơ Brazil, Đức hay Argentina.

    Nhờ thành công ấy, các quốc gia Bắc Âu xinh đẹp nhưng thưa thớt dân cư này xuất khẩu hàng loạt cầu thủ sang Ngoại hạng Anh, khoác áo những đội bóng tiếng tăm như Manchester United, Liverpool hay Tottenham. Riêng Na Uy của Olsen, một dàn sao nở rộ và tung hoành khắp xứ sở sương mù.

    Có Ole Gunnar Solskjaer và Ronny Johnsen tại Manchester United, Stig Inge Bjornebyt và Oyvind Leonhardsen tại Liverpool, Alfie Inge Haaland và Gunnar Halle tại Leeds United. Đi về phía Nam, tại London cũng tràn ngập những tài năng Na Uy: Frode Grodas, Steffen Iversen và Erik Thorstvedt tại Tottenham, Erland Johnsen và Tore André Flo tại Chelsea; ngay cả Southampton cũng có thể tự hào với Egil Ostenstad.

    Bóng đá Na Uy từng một thời lẫy lừng những năm 1990

    Trong kỷ nguyên vàng son ấy, Ngoại hạng Anh và Na Uy hình thành mối quan hệ cộng sinh. Những cầu thủ Na Uy rập khuôn phong cách hiệp sỹ với sự tận hiến và tinh thần bất khuất, tương tự cha ông họ hơn 1000 năm trước vượt Biển Bắc trên những chiến thuyền Viking để chinh phục vinh quang chiến trận trên xứ sở sương mù. Nhiều chiến binh Viking trong số đó ở lại và sinh cơ lập nghiệp trên đất Anh.

    Tuy nhiên, khi thập kỷ 1990 khép lại, những chiến binh Viking trong địa hạt bóng đá trôi vào dĩ vãng và trượt khỏi ký ức. Như văn hào Robert Jordan từng nói: "Bánh xe thời gian lăn bánh, thời đại này đến rồi đi, để lại những ký ức trở thành truyền thuyết. Truyền thuyết tàn phai dần thành huyền thoại, và thậm chí huyền thoại cũng bị lãng quên cho đến khi Thời đại tái sinh".

    Thời đại vàng son của bóng đá Na Uy, quãng thời gian chứng kiến một số ngôi sao chinh phục đỉnh vinh quang Champions League và ĐT Na Uy đánh bại ĐKVĐ thế giới Brazil, dần tàn phai ở thiên niên kỷ mới. Vào cuối những năm 2010, ĐT Na Uy đứng thứ 32 trên bảng xếp hạng FIFA, vị trí cao nhất đội bóng này đạt được trong thập kỷ này và hiện tại chỉ đứng thứ 44.

    Có thời điểm, chính xác năm 2015, ĐT Na Uy tụt xuống trận vị trí thứ 83, xung quanh là Jamaica, Panama, Saudi Arabia, những tên tuổi nhỏ nhoi và xa lạ so với thời kỳ những chiến binh Viking của Olsen sánh vai với Đức hay Brazil. Một dẫn chứng đớn đau khác, từ EURO 2000 đến nay, Na Uy chưa bao giờ góp mặt tại một giải đấu lớn.

    Nhưng, một hiện tượng kỳ thú đang xảy ra đối với bóng đá Na Uy. Sau hai thập kỷ chìm trong đêm tối, bóng đá Na Uy lại được thắp sáng bằng thế hệ tài năng mới, ngay thời điểm bình minh của thập kỷ 2020. Và thế hệ ấy lại còn mang trong mình dòng màu của thế hệ 1990.

    So với thế hệ cha ông, thế hệ mới của bóng đá Na Uy được sinh trưởng trong môi trường lý tưởng hơn gấp nhiều lần, với những sân cỏ nhân tạo quanh năm không bị đóng băng, những giáo trình chất lượng cao và cả những công nghệ đào luyện tân kỳ. Tương tự những người anh em Iceland, người Na Uy nuôi dưỡng một thế hệ tài năng mới bằng phương pháp chú trọng yếu tố kỹ thuật và gặt hái thành công.

    Chỉ tính riêng năm 2019, không dưới 5 hậu duệ của thế hệ 1990 xuất hiện tại các cấp ĐT trẻ của Na Uy: Emil Bohinen, con trai của Lars Bohinen, cựu hậu vệ Nottingham Forest và Blackburn; Markus Solbakken, con trai Stale Solbakken, cựu tiền vệ Wimbledon, Kristian Thorstvedt, con trai Erik Thorstvedt, cựu thủ thành Tottenham; và Thomas Grevsnes Rekdal, cháu trai Kjetil, cựu tiền vệ Rennes và Hertha Berlin.

    Erling Haaland là gương mặt tiêu biểu của thời đại tái sinh của bóng đá Na Uy

    Dĩ nhiên, nổi bật nhất là Erling Haaland, con trai Alfie Inge Haaland, cựu hậu vệ của Man City và Leeds. Tài không đợi tuổi, chỉ sau giai đoạn lượt đi mùa giải này, Haaland bùng nổ dữ dội trong màu áo RB Salzburg với 28 bàn thắng chỉ sau 22 trận, trong đó có 8 bàn tại Champions League, đấu trường danh giá nhất châu Âu. Đó là một hiện tượng thực sự và chẳng có gì bất ngờ khi Haaland nhanh chóng chuyển đến Dortmund, đội bóng hàng đầu Bundesliga.

    Emil Bohinen, mới 20 tuổi đã là trụ cột của Stabaek và nhận được sự quan tâm từ một số đội bóng Ngoại hạng Anh. Một cầu thủ chơi bóng sáng tạo, một tiền vệ kiến thiết lùi sâu tiềm năng với nhãn quan nhạy bén và những đường chuyền chuẩn xác. Kristian Thorstvedt, người đã ghi 10 bàn cho Viking mùa trước là một trung phong dũng mãnh với những cú sút uy lực không kém.

    Markus Solbakken đã ra sân 84 lần cho HamKam và 25 lần khoác áo các cấp ĐT trẻ. Thomas Rekdal vừa ký hợp đồng với Mainz 05 trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2019 sau 30 lần ra sân cho Fredrikstad. Một lứa cầu thủ trẻ trung đầy đầy năng và bóng đá Na Uy nằm trên đôi vai của họ. Giữa những cầu thủ trẻ này và các bậc cha chú, họ đã có tổng cộng 231 lần khoác áo ĐT Na Uy. Vì thế, nếu có bất kỳ quốc gia châu Âu nào hướng đến tương lai từ quá khứ, thì đó là Na Uy.

    Ngoài hậu duệ của thế hệ vàng năm xưa, bóng đá Na Uy cũng sản sinh ra những tài năng hứa hẹn khác. Chẳng hạn như Sander Berge, Morten Thorsby, Mats Moller Daehli và nổi bật nhất là Martin Odegaard, tài năng trẻ thuộc biên chế Real Madrid và đang tỏa sáng trong màu áo Real Sociedad. Một chi tiết đáng nói, điểm nổi bật của những cầu thủ này là kỹ thuật cá nhân điêu luyện thay vì thể chất vượt trội, điểm đặc trưng của bóng đá Na Uy nói chung và Bắc Âu nói riêng.

    Nhờ sự phát triển của công nghệ và tiếp thu kiến thức đào tạo trẻ từ các quốc gia phát triển, định kiến dần bị dẹp bỏ, bóng đá Na Uy chú trọng phát triển kỹ năng chơi bóng thay vì chỉ thúc đẩy thể chất. Tất nhiên, Na Uy không sản sinh ra những cầu thủ nhỏ con lắt léo như bóng đá Nam Mỹ hay Nam Âu, họ tạo ra những siêu cầu thủ vừa có tầm vóc to lớn nhờ di truyền, vừa xử lý bóng khéo léo do đào tạo. 

    Berge, Thorsby, Thorstvedt và Haaland đều cao trên 1m90 nhưng tất cả đều xử lý bóng bằng chân một cách gọn ghẽ cho đến xuất sắc, điều chỉ cách đây 20 năm khó ai mường tượng ra được. Và không phải ngẫu nhiên, hậu duệ của thế hệ vàng của bóng đá Na Uy lại vươn lên mạnh mẽ để trở thành tương lai của nền bóng đá nước này.

    Đơn giản, đa số những huyền thoại năm xưa nay đều tham gia công tác huấn luyện. Đó là điều kiện tuyệt vời để con cháu họ đi theo nghiệp quần đùi áo số. Chẳng hạn như Stale Solbakken, người từng dẫn dắt Wolves tại Anh và đang trong nhiệm kỳ thứ hai dẫn dắt Copenhaghen, gã khổng lồ của bóng đá Đan Mạch. Kjetil Rekdal làm HLV của tại Eliteserien suốt nửa thập kỷ qua trong khi Lars Bohinen làm công tác huấn luyện tại giải hạng hai Na Uy từ năm 2012 đến nay.

    Odegaard là minh chứng cho thấy bóng đá Na Uy không chỉ sản sinh ra những cầu thủ cao to thô kệch

    Xuyên suốt lịch sử túc cầu, các quốc gia nhỏ, giàu có luôn gặp khó khăn trong việc sản sinh ra những cầu thủ giỏi. Brazil và Argentina, với dân số đông đảo và da dạng sắc tộc, là những cường quốc bóng đá suốt nhiều năm. Tương tự là Pháp, Đức và Tây Ban Nha, bên cạnh nguồn cung nhân tài dồi dào là công nghệ đào tạo tối tân.

    Vậy, làm thế nào Na Uy phát triển được bóng đá trẻ như hiện nay? Sự phát triển của công tác huấn luyện và cơ sở vật chất là hai yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, nền tảng từ thế hệ vàng 1990 cũng đóng góp dấu ấn rất lớn. Như Lars Bohinen từng chia sẻ: “Có những phẩm chất các cầu thủ được thừa hưởng từ cha mẹ. Nếu nhìn vào Haaland sẽ thấy, cậu ấy có trí thông minh thể chất tuyệt vời. Đặc điểm ấy kết hợp cùng đào luyện tạo ra môi trường lý tưởng để phát triển”.

    Không chỉ là một thế hệ triển vọng được hưởng lợi từ cơ hội phát triển dồi dào của thời đại, những tài năng trẻ của Na Uy còn học hỏi được những kinh nghiệm quý báu từ các bậc cha chú, đặc biệt là việc chơi bóng trong áp lực, điều mà đôi khi một HLV khó có thể chuyển tải. Đó là thứ vô giá.

    Hiện tại, Na Uy đang đứng trước có cơ hội rõ ràng nhất từ EURO 2000 để giành vé dự vòng chung kết cúp châu Âu. Một tập thể đầy khao khát, bao gồm những cầu thủ trẻ trung như Sander Berge, Jonas Svensson, Kristoffer Ajer và Ole Selnaes, và trước mắt là trận bán kết play-off EURO 2020 với Serbia.

    Đấy là bước tiến rất dài với một tập thể mà chỉ có 5 cầu thủ có trên 30 lần khoác áo đội tuyển và cho thấy tương lai hứa hẹn của bóng đá Na Uy. World Cup 2022 tại Qatar, những sao trẻ tiềm năng như Odegaard, Berge, Thorsby và Haaland sẽ bước vào độ tuổi bắt đầu đỉnh cao sự nghiệp, thời điểm họ phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tích lũy được nhiều kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao. Đó là tiền đề để ĐT Na Uy một lần nữa ra uy với bóng đá thế giới.

    Nhìn chung, các nền bóng đá thành công đều bắt đầu từ việc sửa sai từ quá khứ để áp dụng cho tương lai. Tiêu biểu là Đức và Tây Ban Nha, hai nền bóng đá đã có những cuộc cách mạng trong đào tạo trẻ sau thất bại ở những năm thập niên 1990 và 2000 để rồi thống trị bóng đá thế giới trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ này. 

    Nhưng với Na Uy, một nền bóng đá hạn chế nguồn nhân lực, thành công hứa hẹn của họ đến từ công thức ngược lại. Đó là phát triển di sản của thời đại vàng son trong quá khứ. Như nhà hiền triết Hy Lạp Plato từng nói: “Chẳng có gì phương hại khi lặp lại một điều tốt”.

    XEM THÊM

    Dortmund sẽ sử dụng sát thủ Haaland như thế nào?

    Cha của Haaland 'troll' Man United trên MXH 

    Vượt mặt M.U & Juventus, Dortmund mua thành công Haaland

    Ngọc Trung • 17:58 ngày 30/12/2019

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay