Đệ nhất thế chiến diễn ra trong giai đoạn 1914-1918, khi bóng đá dù đã phát triển mạnh mẽ, vẫn chưa thật sự vươn đến mức độ đỉnh cao. EURO và World Cup khi ấy đều chưa ra đời. Các giải nhà nghề như Serie A của Italia hoặc Ligue 1 của Pháp chỉ xuất hiện từ đầu thập niên 1930. Tây Ban Nha thậm chí còn chưa có giải VĐQG.
Tất nhiên, giải vô địch Anh với thể thức đá vòng tròn 2 lượt như hiện nay thì đã diễn ra đều đặn từ thế kỷ 19. Dù sao đi nữa, giải vô địch Anh vẫn được tổ chức bình thường, khi nước Anh nhảy vào cuộc chiến. Chỉ đến sau khi Everton vô địch mùa bóng 1914/15, thì giải đấu này mới phải tạm ngưng vì chiến tranh. Riêng trong làng bóng Anh thì Everton có lẽ là đội phải chịu thiệt thòi vì chiến tranh nhiều hơn cả: cuộc chơi tạm dừng đúng lúc họ đang được xem là thế lực số 1. Khi giải vô địch Anh bị hủy bỏ vì Đệ nhị thế chiến vào năm 1939 thì một lần nữa, Everton cũng đang là đội ĐKVĐ!
Hai cuộc đại chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại diễn ra chỉ cách nhau 21 năm, nhưng bộ mặt của bóng đá đỉnh cao thì đã thay đổi với khác biệt quá lớn. Đã có 3 kỳ World Cup được tổ chức, và bóng đá nhà nghề đã phát triển ổn định ở rất nhiều nơi trước khi Đệ nhị thế chiến bùng nổ vào năm 1939. Vậy nên, thiệt thòi mà môn thể thao vua phải hứng lấy vì Đệ nhị thế chiến nặng nề hơn hẳn so với cuộc đại chiến trước đó.
Ngay lập tức, giải vô địch Anh mùa bóng 1939/40 (đã diễn ra 3 vòng đầu) bị hủy bỏ, sau khi Anh tuyên chiến với Đức. Quả bóng ngừng lăn trên quê hương bóng đá kể cả sau khi cuộc chiến đã tàn ở châu Âu vào tháng 5/1945. Mùa bóng 1945/46 vẫn không thể diễn ra.
Không có gì lạ khi tuyệt đại đa số các nền bóng đá ở châu Âu đều phải ngưng trệ vì Đệ nhị thế chiến. Nhưng cũng có những khác biệt nhỏ, không phải nơi nào cũng phải chấm dứt suốt trong giai đoạn 1939-1946 như tại Anh. Thậm chí, đã có những nơi mà giải VĐQG được tổ chức liên tục trong Đệ nhị thế chiến. Ở Tây Ban Nha, La Liga gián đoạn trong 3 mùa bóng, từ 1936/37 đến 1938/39, nhưng đấy là vì ảnh hưởng của cuộc nội chiến.
Tại Italia, Serie A chỉ vắng bóng trong 2 mùa 1943/44 và 1944/45. Torino là đội vô địch mùa bóng 1942/43, và đội này vẫn luôn vô địch Serie A cho tới khi tai nạn hàng không Superga làm cho nguyên đội thiệt mạng vào cuối mùa bóng 1948/49 (Torino vẫn cứ vô địch Serie A năm 1949). Bóng đá Đức dừng lại sau mùa bóng 1943/44. Sau thế chiến, nước Đức chia hai, và vẫn chưa có bóng đá cho đến trước mùa bóng 1947/48.
Các kỳ World Cup 1942 và 1946 đương nhiên không thể diễn ra. Giải này chỉ được tổ chức trở lại vào năm 1950, tại Brazil. Vậy, trên danh nghĩa, Italia là đội giữ ngôi vô địch World Cup lâu trong lịch sử. Họ đã vô địch World Cup 1934, lại bảo vệ thành công danh hiệu vào năm 1938. Giải vô địch châu Âu mà bây giờ có thể gọi tắt là EURO thì chỉ xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1958 (VCK vào năm 1960).
Có những câu chuyện mà thật ra không dễ kiểm chứng nhưng vẫn tồn tại, cho thấy bóng đá còn có thể ngang nhiên tồn tại giữa những kẻ thù của nhau trong chiến tranh. Chẳng hạn như chuyện binh sĩ Anh và Đức đã chơi một trận bóng đá với nhau ngay giữa Thế chiến thứ nhất. Hoặc các cầu thủ của Dynamo Kiev thà chết chứ không nhường bước khi buộc phải thi đấu bóng đá với quân Đức trong Thế chiến thứ hai. Có thể là sự thêu dệt, cũng có thể người ta đã chơi bóng thật, dù không được tổ chức một cách chính thức. Dù sao đi nữa, ai cũng tin rằng bóng đá luôn tuyệt vời, đến mức bất diệt. Làm cho bóng đá phải tê liệt hoàn toàn như hiện nay thì đại dịch Covid-19 rõ ràng là quá ghê gớm rồi. Chỉ mong rằng mọi điều tồi tệ ấy sẽ kết thúc ngay trong nay mai.
Có cả “chiến tranh bóng đá” Chiến tranh làm cho bóng đá ngưng trệ là chuyện dễ hiểu. Nhưng chiến tranh nảy sinh vì bóng đá là chuyện là điều cổ kim hiếm thấy. Cuộc chiến giữa Costa Rica và El Salvador được gọi là “chiến tranh bóng đá” vì các trận vòng loại World Cup 1970 giữa hai đội này thật sự kích hoạt xung đột giữa hai nước Trung Mỹ vốn đã có sẵn hiềm khích. Khoảng 3.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài chỉ vài ngày vào tháng 7/1969. Một sự nghiệp miễn nhiễm với chiến tranh
Huyền thoại bóng đá Anh Stanley Matthews (ảnh phải) chào đời trong Đệ nhất thế chiến (năm 1915) và đã bước sang tuổi “băm” khi Đệ nhị thế chiến khép lại vào năm 1945. Vậy mà ông vẫn đoạt “Quả bóng vàng châu Âu”, khi giải thưởng này được trao lần đầu tiên vào năm 1956. Lúc bấy giờ, Matthews đã 41 tuổi. Ông vẫn khoác áo ĐT Anh, và sẽ còn chơi bóng đỉnh cao khoảng chục năm nữa. Matthews là cầu thủ Anh duy nhất xưa nay được phong tước Hiệp sĩ ngay khi còn đang chơi bóng. |
XEM THÊM
Đội hình dị: Những cầu thủ có tên trùng người nổi tiếng
Solskjaer & giới mộ điệu tiếc thương 'phù thủy chân trái' qua đời ở tuổi 35