Lịch truyền hình trực tiếp, kết quả VCK U23 châu Á 2020
Ông Park buồn man mác
HLV Park Hang Seo bước vào phòng họp báo với một trạng thái cảm xúc rất khác so với nhiều lần trước đó. Lần đầu tiên trong 2 năm, ông phải trải qua cảm giác thất bại sớm đến như vậy. Dưới sự dẫn dắt của thầy Park trong giai đoạn 2018-2019, U23 và ĐTQG Việt Nam đã làm nên tiếng vang từ khu vực đến tầm quốc tế. Mới cách đây 1 tháng thôi, U23 Việt Nam của thầy Park còn giành huy chương vàng SEA Games. Vậy nên, cảm giác thất bại với thầy Park lúc này vẫn thật khó để nuốt trôi.
Dù vẫn cố gắng nói một cách bình thản và tự nhiên trước truyền thông nhưng ông Park đôi lần đã biểu thị trạng thái cảm xúc buồn bã. Đôi mắt của ông có lúc đỏ lại, rung rung lưng tròng. Tay của ông gạt một vòng quanh khóe miệng. Ông thở dài nhiều hơn, xoa lên trán và mắt nhìn xa xăm với tần suất thường xuyên hơn.
Đó là những hành động chỉ xuất hiện khi vị chiến lược gia này bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Có lẽ phải sau 16 năm, kể từ cảm giác lên đỉnh với Hàn Quốc ở World Cup 2002 rồi thất bại sau đó ở ASIAD, HLV Park Hang Seo mới trải qua cảm giác hụt hẫng đến như vậy…
Xua tan ảo tưởng
… Nhưng lần này, khác với 16 năm trước đó, HLV Park Hang Seo vẫn nhận được sự tin tưởng của đại đa số người hâm mộ Việt Nam. Trên thực tế ở một khía cạnh nào đó, việc U23 Việt Nam phải sớm chia tay VCK U23 châu Á có thể mang đến một tín hiệu tích cực.
Thứ nhất, với HLV Park Hang Seo, một người đã trải qua thăng trầm, thấu hiểu cái cảm giác “sự nổi tiếng chỉ như làn khói”, đủ kinh nghiệm để vượt qua nỗi buồn tại giải đấu diễn ra trên đất Thái Lan. Hơn thế nữa, thất bại này có thể giúp cho nhà cầm quân Hàn Quốc điều chỉnh lại thước đo kỳ vọng mà người hâm mộ đã và đang đẩy lên đến mức đỉnh điểm dành cho bản thân mình.
Thứ hai, rất nhiều người hâm mộ cũng hiểu rằng VCK U23 châu Á 2020 là một giải đấu hoàn toàn khác so với trình độ tại SEA Games 2019. Thêm vào đó, với lực lượng không phải mạnh nhất và trình độ và kinh nghiệm chinh chiến quốc tế cũng thấp hơn khi so sánh các đàn anh dạn dày thao trường cách đây 2 năm về trước, U23 Việt Nam thật khó để có thể đi xa ở giải đấu này. Và thứ ba, nếu một bộ phận ảo tưởng về sức mạnh của Việt Nam thì thất bại này có thể sẽ giúp họ xác định được đúng Việt Nam đang ở đâu, phải cố gắng như thế nào cho từng mục tiêu, giải đấu cụ thể.
Nhưng ông Park đã đến đỉnh điểm của thành công?
Thực sự nếu nói như thế, sự nghiệp của HLV Park Hang Seo đã khép lại cách đây khoảng 3-4 năm về trước. Đó là thời điểm mà vị chiến lược gia này đã cảm thấy thời gian cầm quân tại Hàn Quốc đã là đủ dài để khép lại. Nhưng ông Park đã không lựa chọn việc nghỉ hưu. Thay vào đó, vị HLV này hướng đến Trung Quốc rồi Đông Nam Á trước khi quyết định lần đầu tiên “xuất ngoại” để trở thành HLV trưởng của ĐTQG Việt Nam.
Mất một khoảng thời gian tương đối, ông đã xây dựng được một chiến lược hợp lý cho U23 và ĐTQG Việt Nam và giành được rất nhiều thành công trong giai đoạn 2018-2019. Chưa dừng lại ở đó, qua những đợt chọn lọc với gần 100 cầu thủ, HLV Park Hang Seo lại bắt đầu cho một lứa cầu thủ kế cận mới của bóng đá trẻ Việt Nam.
Với HLV Park Hang Seo hiện tại, chưa bao giờ ông cảm thấy thỏa mãn với những thành công mà mình đặt ra. Và cứ sau một cột mốc chạm đến với bóng đá Việt Nam, ông lại tìm đến một đỉnh cao thành công mới như thách thức cho bản thân mình. Vậy nên, khi mà U23 Việt Nam phải rời U23 châu Á 2020 từ rất sớm, thầy Park mới có cảm giác buồn xao xuyến đến vậy.
Ông Park chưa bao giờ từ bỏ khát vọng thành công. Nhưng một câu hỏi khác lại được đặt ra. Đó là liệu triết lý và nghệ thuật cầm quân của ông đã đi đến giới hạn cao nhất? Quả thực, bất cứ HLV nào cũng sẽ trải qua một thời điểm “hết bài”. Và không phải ngẫu nhiên mà Pep Guardiola, Jose Mourinho, Juergen Klopp lại lựa chọn thay đổi đội bóng dẫn dắt để tự làm mới mình như thế.
Phải thừa nhận một điều, là kể từ sau trận hòa 0-0 trước Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022, ông Park đã trăn trở rất nhiều về triết lý và lối chơi của mình dành cho Việt Nam. Sau ngần ấy thành công, Việt Nam không còn là ẩn số đối với các đối thủ trong khu vực. Sau ngần ấy giải đấu, sơ đồ 3-4-3 dựa trên lối cơi phòng ngự phản công của Việt Nam cũng đã bị đối phương bắt bài, đối phó. Đó là lý do vì sao ông Park phải tự “chuyển dịch” (điều mà ông nhắc đến liên tục trong 1 tháng gần đây) để giúp Việt Nam không còn bị nhàm chán.
Có lẽ ở một khía cạnh nào đó, quả thực HLV Park Hang Seo sẽ cần phải quyết liệt làm mới U23 và ĐTQG Việt Nam hơn nữa, từ con người, cách chơi đến những miếng đánh mới cho từng đối thủ. Và thất bại ở VCK U23 châu Á 2020 chí ít cũng cho ông thấy mình còn điểm nào chưa hoàn thiện để củng cố lực lượng cho tương lai.
“Thất bại này cũng là cơ hội để chúng tôi hoàn thiện chính mình. Sắp tới, ĐT Việt Nam tiếp tục tham dự vòng loại World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup 2020. Ở vòng loại World Cup 2022, chúng tôi có 1 trận đấu quan trọng với Malaysia nên phải nỗ lực tốt nhất để hướng đến mục tiêu chiến thắng”… Rõ ràng, “từ bỏ” không xuất hiện trong từ điển của HLV Park Hang Seo.
XEM THÊM
HLV Phan Thanh Hùng: “Đừng trách thủ môn Bùi Tiến Dũng!”
HLV U23 Triều Tiên: ‘Sai lầm của Tiến Dũng là không được phép xảy ra’