Kỷ nguyên dữ liệu bóng đá (Phần I): Dữ liệu quyết định chuyển nhượng
Kỷ nguyên dữ liệu bóng đá (Phần II): Dữ liệu sẽ thay thế trinh sát viên?
Kỷ nguyên dữ liệu bóng đá (Phần III): Dữ liệu tác động tới huấn luyện, chiến thuật như thế nào?
Dữ liệu ngày càng quan trọng. Thế nên thế giới bóng đá ngày càng quan tâm nhiều hơn tới số liệu được thống kê bởi các hãng nổi tiếng như Opta, Statsbomb hay Wyscout. Ngày nay, mọi di chuyển, hành động trên sân đều được máy tính ghi chép tỉ mỉ. Thời đại “Big data” đưa ra bức tranh toàn cảnh khá rõ ràng về một cầu thủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp dữ liệu cũng không thể nói lên hết giá trị của cầu thủ đó. Nhiều người sẽ là cầu thủ kém nếu chúng ta chỉ vào các con số khô khan, nhưng hoàn toàn có thể là ngôi sao nếu đánh giá một cách tổng quan thay vì chỉ nhìn vào số liệu.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về sai lầm khi chỉ nhìn vào số liệu là trường hợp của Sir Alex Ferguson và Jaap Stam. Man United và Sir Alex đã hợp tác với Prozone từ năm 1998. Mùa Hè 2001, dữ liệu của Prozone chỉ ra Stam xoạc bóng thành công trung bình chưa tới 1 lần/trận. Sir Alex vội nghĩ rằng phong độ của trung vệ người Hà Lan đi xuống và bán anh cho Lazio. Sau khi sang Italia, Stam vẫn chơi cực hay, kiếm được bản hợp đồng gia nhập Milan, giành Siêu Cúp Italia, vào chung kết Champions League. Sau này, Sir Alex mới hiểu ra Stam ít xoạc bóng là do lối chơi và vị trí, chứ không phải vì phong độ kém và thừa nhận bán Stam là một sai lầm. Đó là ví dụ điển hình của việc dữ liệu không phản ánh hết tài năng một cầu thủ.
Lúc này, càng ngày chúng ta càng nghe nhiều về việc giới chuyên môn đánh giá chất lượng một hậu vệ thông qua số lần tắc bóng thành công. Nhưng ngôi sao một thời của Liverpool, Xabi Alonso trong một lần trả lời phỏng vấn khẳng định: “Nếu tôi thực hiện cú tắc bóng, coi như tôi đã mắc một sai lầm. Thời ở Liverpool, có lần tôi xem show bóng đá và họ phỏng vấn một cầu thủ trẻ. Họ hỏi về tuổi, thần tượng, điểm mạnh. Cậu bé trả lời: Điểm mạnh là sút và tắc bóng. Tôi không nghĩ rằng họ lại dậy các cầu thủ trẻ tắc bóng là một ưu điểm. Có nhiều thứ để học hơn như hình thành phong cách riêng. Tắc bóng chỉ là giải pháp cuối cùng. Bạn cần nó, nhưng nó không phải thứ kỹ năng mà bạn khao khát”.
Ben Stevens, Trưởng bộ phận phân tích tuyển mộ của Crystal Palace cũng đồng quan điểm: “Phòng ngự không có nghĩa là bạn làm gì, mà còn có nghĩa là bạn không làm gì. Nếu tôi thực hiện cú tắc bóng, liệu nó có tốt? Phương pháp của chúng tôi luôn luôn là “Không tắc bóng, hãy đứng trên đôi chân bạn và chặn bóng”. Nếu vị trí của bạn là hoàn hảo, điều này có nghĩa đối thủ không thể chuyền bóng cho tiền đạo. Như vậy, bạn sẽ có một hành động phòng ngự thành công mà không cần tắc bóng. Dữ liệu không thể liệt kê được những tình huống như vậy và đó là mặt trái”.
“Giá trị của hậu vệ không phải số lần tắc bóng mà là nếu đối thủ có cơ hội ghi bàn thì hậu vệ làm gì để ngăn chặn điều đó. Đôi khi tắc bóng khiến đội nhà tăng nguy cơ nhận bàn thua”, Xabi Alonso kết luận.
Một phân tích nữa chỉ ra số lần tắc bóng, thu hồi bóng của hậu vệ không nói lên anh ta tốt hay kém hơn các hậu vệ khác, mà chỉ nói lên vị trí anh ta thi đấu. Trường hợp của Tyrone Mings là minh chứng. Trung vệ của Aston Villa chỉ thực hiện trung bình 1 cú tắc bóng sau 1.000 lần chạm bóng của đối thủ. Nếu là Sir Alex Ferguson trước đây, ông sẽ kết luận Mings là trung vệ kém. Nhưng ngược lại. Mings tắc bóng ít như vậy là vì vị trí của anh, khi HLV Dean Smith luôn sử dụng anh đá thấp nhất trong hàng thủ 5 người, vị trí mà Mings không cần thiết phải thực hiện nhiều cú tắc bóng. Thay vào đó, Mings lại dẫn đầu các hậu vệ ở Premier League về số lần ngăn chặn cú sút của đối thủ.
Một ví dụ khác về việc đừng để dữ liệu đánh lừa. Đó là trường hợp của David McGoldrick (Sheffield United). Tiền đạo này chưa ghi bàn nào ở Premier League 2019/20 dù số bàn thắng kỳ vọng của anh là 6,2 (Với một tiền đạo, bàn thắng kỳ vọng “Expected Goals” thường nói lên khả năng thành công của một pha dứt điểm). Nếu HLV Chris Wilder chỉ nhìn vào số bàn thắng thì sẽ sớm loại bỏ McGoldrick. Nhưng thực tế là Wilder vẫn thường xuyên sử dụng cầu thủ này đá chính, đơn giản vì không tiền đạo nào có nhiều hành động phòng ngự bằng McGoldrick ở mùa này. Điều đó khiến anh luôn có vai trò quan trọng trong hệ thống của Sheffield United, kể cả không ghi bàn.
Nói vậy để thấy, dữ liệu không phải lúc nào cũng đúng khi đánh giá chất lượng cầu thủ. Đừng để dữ liệu đánh lừa, như Sir Alex ngày xưa. Dữ liệu là công cụ quan trọng, nhưng không thể là công cụ quyết định thay cho con người…
Haller không chiến giỏi hay tệ? 8 - Firmino mới ghi 8 bàn ở mùa này, trong khi số bàn thắng kỳ vọng của anh là 12,7. Nghĩa là, Firmino đã bỏ qua ít nhất 4,7 bàn thắng. Tuy nhiên, vai trò của chân sút này ở Liverpool vẫn là không thể thay thế. |
XEM THÊM