Chiến thuật bóng đá 2010-2020: Sự lãng mạn còn không? Pressing thay đổi như thế nào?
Mourinho từ đỉnh cao quyền lực đến lỗi thời
10 năm trước, Mourinho và Inter đứng trên đỉnh cao quyền lực. Vị chiến lược gia lúc đó 47 tuổi sau khi vô địch Champions League cùng Porto, đăng quang Ngoại hạng Anh cùng Chelsea, đã giành cú "ăn ba" cùng Inter. Đặc biệt, trong hành trình lên định châu Âu, Người đặc biệt và các học trò còn đánh bại Barca, đội bóng mạnh nhất thế giới của thầy trò Pep Guardiola.
Thậm chí thời điểm đó, Guardiola cũng thừa nhận trước truyền thông rằng "Mourinho là HLV xuất sắc nhất thế giới". Một tuần sau khi đánh bại Bayern Munich để giành chức vô địch Champions League thứ hai trong sự nghiệp, Mourinho chuyển đến Real Madrid, một nấc thang mới trong sự nghiệp như mọi tân binh vẫn nói khi được gia nhập đội bóng Hoàng gia.
Tại đây, Mourinho tạo ra những cuộc thư hùng thú vị cùng Guardiola. Tuy nhiên, cũng từ đó, Mourinho dần nhạt nhòa trên sân cỏ. Ông không giành thêm được danh hiệu Champions League nào nữa và hiện nay, Mourinho đang dẫn dắt Tottenham, một đội bóng chưa thể đứng trong hàng ngũ tinh hoa của bóng đá thế giới.
Bên cạnh câu chuyện mất dần quyền lực của nhà cầm quân hàng đầu, lối chơi phòng ngự lùi sâu của Mourinho cũng dần trở nên lỗi thời, khi xu hướng hiện thời là pressing ngay bên phần sân đối phương. Trên đỉnh quyền lực của bóng đá châu Âu hiện thời là các nhà cầm quân trẻ trung và tân tiến hơn, như Zinedine Zidane, Mauricio Pochettino, Antonio Conte, Juergen Klopp, Diego Simeoneo và (vẫn là) Pep Guardiola.
91 triệu euro là thu nhập cao
Theo công bố của UEFA, doanh thu trung bình mỗi đội tại Bundesliga trong năm 2010 là 91 triệu euro. Đây là mức doanh thu cao thứ hai tại châu Âu, chỉ sau, tất nhiên, Ngoại hạng Anh. Nếu đặt trong bối cảnh năm 2018, mức doanh thu này chỉ xếp hàng thứ tư, điều đó phần nào cho thấy sự tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp bóng đá.
Nhìn một cách tổng thể hơn, doanh thu bình quân mỗi đội tại giải giải VĐQG hàng đầu châu Âu năm 2010 là 88 triệu euro, còn năm 2018 là 161 triệu euro. Các đội bóng Anh vẫn giàu có đồng đều và vượt trội so với các quốc gia láng giềng khi tăng doanh thu trung bình từ 134 lên tới 272 triệu euro.
Xếp phía sau, thứ tự vẫn không đổi là Bundesliga, La Liga, Serie A và Ligue 1. Trong đó, doanh thu trung bình của Ngoại hạng Anh bằng cả La Liga và Serie A cộng lại. Mức tăng trưởng của 5 giải VĐQG hàng đầu là 83%, tỷ lệ tương đối cao. Nằm ngoài 5 ông lớn này, mức tăng trưởng không đáng kể, chỉ trung vỏn vẹn 2 triệu euro (dưới 30%), trong vòng 8 năm. Chỉ có VĐQG Bỉ là ngoại lệ với doanh thu tăng 60%.
Số tiền xây Galacticos 2.0 chỉ đủ mua Neymar
261 triệu euro là số tiền khổng lồ Real Madrid đã chi ra trong kỳ chuyển nhượng Hè 2009, phiên chợ lịch sử khai sinh Galacticos 2.0 cùng sự trở lại của Chủ tịch Florentino Perez. Phần lớn số tiền này (236 triệu euro) dùng để chiêu mộ 4 ngôi sao Cristiano Ronaldo (94), Kaka (67), Xabi Alonso (35+5) và Benzema (35).
3 trong số đó trở thành rường cột của Real suốt gần một thập kỷ qua, góp công lớn giúp đội bóng Hoàng gia giành vô khối danh hiệu cao quý. Với số tiền tương tự, trong vòng 1 năm qua Real chiêu mộ Luka Jovic, Eder Militao, Ferland Mendy, Rodrygo và Reinier, đa phần là tài năng trẻ và không ai đứng trong hàng ngũ ngôi sao. Và cũng số tiền xấp xỉ (222 triệu euro), PSG chiêu mộ Neymar.
Điều dễ hiểu, doanh thu tăng khiến chi phí chuyển nhượng tăng. Theo ghi nhận của Transfermarkt, mùa Hè 2009 chỉ có 5 thương vụ vượt mốc 35 triệu euro, ngoài 4 ngôi sao của Real là Zlatan Ibrahimovic từ Inter đến Barca. Mùa Hè năm ngoái, số thương vụ vượt mốc 35 triệu euro là 27.
Và như đã đề cập, 35 triệu euro hiện nay không đủ để chiêu mộ ngôi sao như 10 năm trước, số tiền ấy chỉ đủ để có được những tài năng trẻ hứa hẹn. Thậm chí, Jassper Cillessen, thủ thành dự bị 30 tuổi của Barca cũng chuyển sang Valencia với mức phí tương tự Xabi Alonso 10 năm trước.
Bức tranh quyền lực sau 10 năm của bóng đá châu Âu
10 năm trước, Lyon thống trị Ligue 1 còn Auxerre xếp trên PSG. Hiện tại, PSG là kẻ thống trị, Lyon đã lâu không đăng quang còn Auxerre đang lơ lửng vô vọng đâu đó tại Ligue 2. Với hậu thuẫn tài chính từ tài phiệt từ Trung Đông, PSG đã vẽ lại bản đồ quyền lực bóng đá Pháp và tiến vào hàng ngũ những đội bóng hùng mạnh nhất châu Âu.
Một trọc phú khác cũng vươn lên tầm vóc tinh hoa trong 10 năm qua là Man City. So với PSG, Man City đầu tư căn cơ và bài hơn (dù vẫn không thoát được cái mác lắm tiền). Hơn nữa, Ngoại hạng Anh khốc liệt gấp nhiều lần Ligue 1. Bằng chứng là Man City sau khi được tập đoàn Abu Dhabi United mua lại năm 2008, đã mất 4 năm đẻ lần đầu đăng quang Ngoại hạng Anh.
Từ đó đến nay, The Citizens giành thêm 3 danh hiệu nữa. Cũng khoảng thời gian đó, PSG giành 6 chức vô địch Ligue 1. Tuy nhiên, thống trị tuyệt đối nhất là Juventus tại Serie A. Trong thập niên 2010, Bà đầm già giành tổng cộng 8 Scudetto và đều là liên tiếp.
Tại Ngoại hạng Anh, đấu trường chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt nhất, Liverpool đang vươn lên trở thành thế lực số một, soán ngôi của Man City. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang khiến cuộc thập tự chinh của Lữ đoàn đỏ phải dừng lại.
Trên đấu trường châu Âu, Liverpool cũng là nhà ĐKVĐ Champions League. Trước đó, Real Madrid tạo ra chiến tích vô tiền khoáng hậu với 3 lần đăng quang liên tiếp cùng HLV Zinedine Zidane. Tuy nhiên, dù thống trị tại châu Âu, Real lại có phần lép vế so với Barca tại La Liga.
XEM THÊM
Chiến thuật bóng đá 2010-2020: Sự lãng mạn còn không? Pressing thay đổi như thế nào?