Cuộc tranh luận về việc ai là cầu thủ bóng đá giỏi nhất trong lịch sử đã không ngừng diễn ra trong các cuộc trò chuyện về bóng đá. Trong bối cảnh này, hai cái tên Lionel Messi và Diego Maradona chiếm vị trí trung tâm, mỗi người đại diện cho một thế hệ. Những thống kê của Messi áp đảo khi có nhiều chức vô địch quốc gia, Champions League, World Cup và số lượng kỷ lục 8 Quả bóng vàng. Không ai có thể tranh cãi về những thành tựu, tầm ảnh hưởng và vai trò trung tâm kéo dài hàng thập kỷ của Messi trong bóng đá.
Tuy nhiên, Alberto Mayol, nhà xã hội học nổi tiếng tại Argentina lại quan tâm đến một khía cạnh khác: sự bất tử, tức là sự siêu việt của một vận động viên. Nói rõ hơn, đó là sức ảnh hưởng mạnh mẽ lan tỏa ở những lĩnh vực khác, chứ không chỉ đơn thuần gói gọn trong trong môi trường thể thao. Ở EURO 2020, Cristiano Ronaldo không ngần ngại chỉ trích việc quảng cáo đồ uống Coca Cola, bất chấp có thể làm phật ý UEFA.
Trên thực tế, Messi cũng chỉ trích FIFA, nhưng luôn trong giới hạn thông thường: chỉ trích các vấn đề về trọng tài và tổ chức. Messi cũng không nói bất cứ điều gì liên quan đến chiến tranh hay xung đột lớn. Vì thế, Messi không gặp rắc rối với FIFA cũng như UEFA. Điều này khác hẳn với Diego Maradona khi luôn chống lại các chủ tịch FIFA, những người mà ông gán cho cái mác “xã hội đen”, “kẻ trộm”, “độc tài” và “ngu dốt”. Ngay như đồng đội cũ của Messi tại PSG, Kylian Mbappe cũng đã lên tiếng về cuộc bầu cử ở Pháp, kêu gọi giới trẻ tránh cực đoan.
Rõ ràng, Lionel Messi sẽ vẫn giữ kỷ lục vĩ đại trong nhiều thập kỷ, nhưng sự bất tử thực sự không phải là một cái tên viết cạnh một thương hiệu, một thành tích, một chiếc Cúp. “Tất nhiên, Messi sẽ được nhớ đến rất lâu: anh ta sẽ là một người thành đạt, một thiên tài trong công việc, nhưng anh ta sẽ không biết đến cảm giác hồi hộp của sự bất tử. Messi chỉ là phàm nhân mà thôi”, Alberto Mayol nhấn mạnh.