Bóng Đá Plus trên MXH

Messi và Ronaldo giỏi nhất thế giới: Đúng nhưng Không Đúng
17:05 ngày 03/05/2020
Lionel Messi và Cristiano Ronaldo có thể là hai siêu sao giỏi nhất thế giới chỉ vì họ hiện diện trong một thế giới bóng đá hoàn toàn khác so với quá khứ vàng son.

    Tháng 5/2020, đánh dấu tròn 15 năm Messi bước vào thế giới bóng đá và lập vô số kỷ lục, được tán tụng là cầu thủ siêu huyền thoại. Trước Messi vài năm, Cristiano Ronaldo cũng xuất thế, biến kỷ nguyên 2010 là cuộc đua danh vọng của riêng anh ta và Messi.

    Chưa bao giờ trong lịch sử bóng đá lại có 2 cầu thủ thống trị sân chơi toàn cầu như Messi và Ronaldo trong hơn 15 năm qua. Cùng nhau, họ giành được 11 QBV (6 và 5), ghi gần 1.500 bàn thắng (697 và 725), 8 Cúp Bạc Champions League và vô số các danh hiệu VĐQG khác.  

    Họ phá vỡ gần như mọi kỷ lục có thể cho CLB và ĐTQG của họ. Họ đơn giản là đã thay đổi bóng đá vĩnh viễn. Với những thống kê và kết luận đó, liệu chúng ta có dễ dàng khẳng định rằng đây là 2 cầu thủ xuất chúng nhất lịch sử bóng đá hay không? Cầu trả lời là: KHÔNG.

    Bởi vì, trong khi kỳ tài của Messi và Ronaldo là xứng đáng ca ngợi, cần phải thấy rằng họ đã tận dụng rất tốt những thay đổi sâu sắc trong bóng đá hiện đại. Việc điều chỉnh luật lệ trong bóng đá khoảng 3 thập niên trở lại đây đã dành sự ưu ái hẳn cho các cầu thủ tấn công, đặc biệt là những thay đổi trong luật việt vị.  

    30 năm trước, những cầu thủ đứng ngang với hay thấp hơn cầu thủ không phải thủ môn thấp nhất của đối phương sẽ bị phạt việt vị, bất chấp việc anh ta có tham gia vào tình huống bóng hay không.  

    Nhưng sau khi chứng kiến một kỳ World Cup quá tẻ nhạt và nghèo nàn bàn thắng năm 1990, FIFA đã đổi luật để “bảo vệ lối chơi tấn công có thể dẫn tới bàn thắng”. Trước hết, luật việt vị được điều chỉnh để những cầu thủ đứng ngang với người cuối cùng của đối phương không bị thổi phạt.

    Ngoài việc gây ra rất nhiều tranh cãi với khái niệm mới “không tham gia vào tình huống bóng”, các thay đổi tiếp sau đó giúp cho cầu thủ tấn công có lợi thế hơn nhiều.  

    Một ví dụ là hàng thủ có lẽ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, AC Milan của Arrigo Sacchi cuối những năm 1980 và đầu 1990, luôn sử dụng bẫy việt vị cực kỳ tinh tế và hiệu quả, đi kèm với việc đẩy cao đội hình, khi đội trưởng - nhạc trưởng của hàng thủ đó là Franco Baresi thường xuyên xuất hiện ở khu vực giữa sân. Việc bóp nghẹt các khoảng trống, cộng với tài nghệ của các hậu vệ, khiến những đối thủ của Milan hầu như không thể vượt qua họ.

    Rất nhiều hàng thủ lừng lẫy khác trong quá khứ cũng chơi như thế, với bẫy việt vị luôn đóng một vai trò có tính chất quyết định, chẳng hạn như bộ tứ vệ của Arsenal dưới thời George Graham gồm Tony Adams, Lee Dixon, Nigel Winterburn và Steve Bould.

    Ngày nay, chơi kiểu đó là tự sát, do một cầu thủ có thể ở trong vị trí “không tham gia vào pha bóng” ở giai đoạn thứ nhất của đợt tấn công hay một tình huống cố định, nhưng rồi lại tham gia ở giai đoạn thứ hai, hay thứ ba, một cách hoàn toàn đúng luật.  

    Trước đây, Man United có Ruud van Nistelrooy là một trong những tiền đạo đầu tiên giỏi mẹo vặt này nhất, và Ronaldo - hậu bối của Nistelrooy tại Old Trafford - là một bậc thầy khác của nghệ thuật phá bẫy việt vị kiểu đó.

    Thật ra, luật việt vị mới được nhiều HLV coi là tay đao phủ cuối cùng hạ chiếc máy chém với nghệ thuật phòng ngự, sau rất nhiều cuộc tấn công trước đó của việc điều chỉnh luật lệ, bao gồm phạt thẻ đỏ với những pha phạm lỗi từ phía sau, tính 3 điểm cho một trận thắng thay vì 2, cấm thủ môn không được bắt bóng bằng tay khi đồng đội chuyền về…  

    Với 5 QBV khác, Ronaldo đã biến thập niên 2010 thành của riêng mình và Messi

    Từng điều một thì có vẻ lặt vặt, nhưng cộng tất cả lại, lợi thế mà Messi và Ronaldo được hưởng ngày nay là điều những Johann Cruyff, Pele, Alfredo Di Stefano hay Diego Maradona nằm mơ cũng không thấy.

    Nếu bạn so sánh những hậu vệ và các hàng thủ giỏi nhất trong khoảng thời gian 20-40 năm qua, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy hầu như mỗi tuần đều có những kỷ lục mới về ghi bàn được lập.  

    Điểm qua danh sách các hậu vệ giỏi nhất ở EURO 2000 sẽ bao gồm Maldini, Nesta, Cannavaro, Ferrara, Thuram, Blanc, Desailly, Lizarazu, De Boer, Stam, Hierro, Salgado, Adams, Campbell, Mihajlovic. Đốt đuốc tìm khắp châu Âu ngày nay cũng khó tìm được một danh sách hay như thế.

    “Tiêu chuẩn tối thiểu với các hậu vệ đã giảm mạnh”, Gary Neville than phiền trên báo The Telegraph năm 2014. “Họ không biết tạt bóng, không xử lý các tình huống cố định, không biết ngăn chặn đối phương khi mặt đối mặt, không hiểu thế cục chung của trận đấu.

    Khi tôi trưởng thành những năm 1991-94, nếu tôi để hậu vệ cánh đối phương tạt bóng vào, thì đó là tội ác với cả đội. Ngày nay, chẳng ai quan tâm, nhưng có lẽ chúng ta đang so táo với lê chăng?”.

    Sự xuất hiện của các quả bóng làm bằng chất liệu tổng hợp tiên tiến ngày nay cũng đã giết chết các hậu vệ chuyên nghiệp, những nghệ nhân phòng ngự đích thực. Tới tận năm 1986, các quả bóng dùng cho giải chính thức vẫn là đồ “hữu cơ”, tức làm bằng da thuộc.  

    Công nghệ, cách mạng khoa học kỹ thuật đã hỗ trợ Messi và Ronaldo rất nhiều

    Kỳ World Cup 1986 ở Mexico đó là lần đầu tiên người ta sử dụng những quả bóng hoàn toàn bằng chất liệu tổng hợp - Adidas Azteca. Kể từ đó trở đi, bóng đá trở nên giống với thứ mà nó được chơi ngày nay: bằng nhựa dẻo.

    Và ở mỗi kỳ bóng đá đỉnh cao như World Cup hay EURO, trái bóng lại giới thiệu một thế thân mới, khiến các hàng thủ căm tức nhiều hơn. Quả bóng mới khiến công việc của các hậu vệ khó khăn hơn nhiều, bởi tốc độ, sự khó lường và hỗn loạn mà nó gây ra.

    Cùng lúc, theo nhiều cách, bóng đá trở thành một khoa học. Các cầu thủ ngày nay hưởng lợi rất nhiều từ khoa học thể thao, các phương pháp huấn luyện, chế độ dinh dưỡng, và cả các loại thuốc mới.  

    Họ có thể lực dồi dào hơn bao giờ hết, trong khi khoa học liên quan tới hạn chế và hồi phục chấn thương cũng tiến bộ hơn bao giờ hết. Messi đã được điều trị hormone làm thay đổi anh hoàn toàn ở Barcelona khi anh còn nhỏ, điều không thể khả thi trong thập niên trước đó.  

    Anh cũng bị coi là mẫu cầu thủ dễ dính chấn thương vào những năm đầu sự nghiệp cách đây 15 năm, nhưng với những chương trình chính xác đến ngặt nghèo, đến tận năm 2020, anh có thể chơi 50-60 trận mỗi mùa. Với Ronaldo thì điều đó thậm chí còn quan trọng hơn. Sự lão hoá gần như bất lực trước mẫu cầu thủ sử dụng cả lập trình máy tính để chăm sóc sức khoẻ này.  

    Chưa hết, chất lượng của sân bãi ngày nay, nhờ công nghệ và tiền bạc, cũng đã giúp ích rất nhiều. Các sân bóng từ chỗ là những bãi lầy lội, những vũng nước đọng và đầy ổ gà trở thành những mặt cỏ mượt mà thậm chí có thể đánh bi-a trên đó. Điều đó giúp các cầu thủ ít chấn thương hơn và giúp những cầu thủ chơi tấn công, nhất là những ai dựa nhiều vào kỹ thuật như Messi, trở nên lợi hại hơn nhiều.

    Các tiền đạo như Messi và Ronaldo giờ cũng được bảo vệ tốt hơn nhiều so với trong quá khứ. Số thẻ vàng trung bình mỗi trận trong 4 kỳ World Cup gần nhất là từ 3-5,5. Ở World Cup 1982 chẳng hạn, chỉ có 1,9 thẻ vàng được rút ra mỗi trận. Còn năm 1966, khi thẻ vàng thậm chí chưa ra đời, chỉ có 0,7 lần rút thẻ mỗi trận.  

    Trong kỳ World Cup 1966 do Anh tổ chức đó, Pele đã bị đá xấu từ đầu tới cuối giải, bao gồm trận gặp Hungary mà ông bị giẫm đạp tới mức Pele tuyên bố ngừng chơi cho ĐT Brazil một thời gian để phản đối.

    Năm 1982, tay đồ tể của ĐT Italy là Claudio Gentile đã liên tục đá xấu Diego Maradona và xé rách cả áo của Zico nhưng vẫn không hề bị phạt.  “Nếu bạn vào nhà vệ sinh, Gentile cũng sẽ đi theo bạn”, Mario Kempes từng nói thế về lối đá xấu xí của Gentile.

    Nếu sinh cùng thời đại của những sát thủ sân cỏ, liệu Messi có thể đứng hiên ngang thế này chăng?

    Luật ngày nay không còn cho phép các hậu vệ làm như thế nữa. Vào bóng phía sau trở thành một tội ác trong bóng đá từ năm 1998, trong khi từ năm 1991, các trọng tài có nghĩa vụ phải rút thẻ đỏ với những tình huống phạm lỗi mà họ phán đoán có khả năng ngăn cản một bàn thắng.  

    Những ứng dụng công nghệ mới nhất ví dụ như VAR, sẽ lại càng khiến các hậu vệ thêm phần bất lợi. Như Bongdaplus đã từng phân tích nhiều lần trước đây, VAR giúp số lượng bàn thắng tăng chứ không giảm như ý kiến phàn nàn của một nhân vật, ví dụ như HLV Pep Guardiola.  

    Những nghệ nhân phạm lỗi kín như Nesta trước đây, hay nhanh chân nhanh mắt như cựu danh thủ Cannavaro giờ sẽ khó xoay xở hơn nhiều. Phạm lỗi với tiền đạo đối phương ở phần sân 1/3 cuối cùng của mình đồng nghĩa coi như hứng chịu một nguy cơ thủng lưới và khiến hậu vệ trở thành tội đồ.

    Một thay đổi nữa là sự tập trung quyền lực, của cải, và danh tiếng ở một nhóm rất nhỏ các CLB khổng lồ. Cách đây 3 năm, UEFA đã công bố một báo cáo cho thấy tại châu Âu hiện giờ có 9 siêu CLB mà phần còn lại sẽ không bao giờ bắt kịp họ và càng ngày tính chính xác của công bố đó càng đúng đắn.

    Real Madrid, Barcelona, Juventus... tất nhiên nằm trong số đó. Tính từ La Liga 2000/01 đến nay, họ đã giành tổng cộng 16 danh hiệu vô địch (6 và 10). Còn trong thập niên 2010, hai CLB này đã có tổng cộng 6 lần nâng Cúp Bạc Champions League (4 và 2).

    Họ có trong đội hình 10/12 cầu thủ đắt giá nhất hành tinh, đồng nghĩa với việc Messi và Ronaldo được hỗ trợ bởi một đội ngũ cũng chẳng thua kém họ là bao. Ngay cả khi Ronaldo chuyển sang Juventus vào năm 2018, anh ta vẫn đứng trên vai của người khổng lồ của bóng đá Ý để tiếp tục thu hoạch thành công.

    Messi và Ronaldo được hưởng lợi khá nhiều từ bóng đá hiện đại.

    Tất cả những điều đó đã tạo nên điều kiện hoàn hảo cho Messi và Ronaldo ghi hết bàn này tới bàn khác, giành hết chiếc cúp này tới chiếc cúp khác. Tận 20 năm trước, quyền lực ở bóng đá châu Âu còn được san sẻ khá đồng đều, và trước đó nữa, đấy là một thế giới đầy lãng mạn nơi mọi người đều có quyền ước mơ.  

    Maradona là một ví dụ. Là cầu thủ hay nhất những năm 1980, ông chỉ chơi cho một đội bóng hạng khá tại Serie A, và mỗi tuần trong màu áo Napoli, ông đều đối mặt với những kẻ xuất chúng khác như Michel Platini ở Juventus, Marco van Basten và Ruud Gullit ở AC Milan, Lothar Matthaeus ở Inter, Falcao ở Roma, Preben Elkjaer ở Verona, Zico ở Udinese.  

    Serie A lúc đó là giải mạnh nhất châu Âu, nhưng sức mạnh là rất đồng đều: họ có 7 nhà vô địch khác nhau trong 7 mùa giải liên tiếp và mỗi trận đấu đều đầy thử thách với Maradona. Với trường hợp của Messi và Ronaldo ngày nay, hầu hết trận đấu của họ khá dễ dàng ở La Liga và Serie A. Vô địch bây giờ là chuyện nhỏ.  

    Sau cùng, mục đích của bài viết và tất cả những điều này không phải là để đánh giá thấp Messi và Ronaldo, nhưng là để trả mọi thứ về đúng bối cảnh - và có lẽ vì thế - đúng giá trị của nó. Và rất khó để có thể lôi Messi, Ronaldo ra so sánh với Pele hay Maradona để xem ai vĩ đại nhất. Danh hiệu và những con số đôi khi không phải phán quyết chuẩn mực cuối cùng.

    XEM THÊM

    Messi: 15 năm, 627 bàn và sẽ còn nhiều hơn nữa

    M.U và mối u tình cùng người Á Căn Đình

    Người hùng Javier Zanetti trong trái tim những nhà cách mạng vô sản

    Kỳ Lâm • 17:05 ngày 03/05/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay