Hè 2009, CR7 chia tay MU để gia nhập Real với mức phí chuyển nhượng kỷ lục khi ấy - 80 triệu bảng. Nhìn từ nhiều góc độ, thì đó là bản hợp đồng thế kỷ, là đỉnh cao trong chi tiêu ở phiên chợ hè của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha năm đó và đánh dấu một sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho Los Blancos.
Khi mới đặt chân tới Bernabeu, Ronaldo mặc áo số 9. Sau 9 mùa giải gắn bó, anh trở thành chân sút ghi bàn kỷ lục mọi thời đại của Kền kền trắng với thương hiệu CR7 quen thuộc. 450 bàn thắng chỉ sau 438 lần ra sân, tuyển thủ người Bồ Đào Nha đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt ghi bàn cùng với một huyền thoại khác, Lionel Messi của đại kình địch Barca.
Cristiano phải đợi một thời gian ngắn để có được danh hiệu đầu tiên, trước khi giành được 4 vương miện vô địch Champions League từ năm 2014 cho đến khi anh chuyển đến Juventus vào năm 2018. Nhưng anh không phải đợi lâu để có bàn thắng đầu tiên cho Los Blancos.
Đó là trận đầu tiên của Ronaldo tại La Liga khi Real đón tiếp Deportivo tại Bernabeu. Sau pha phạm lỗi của Aranzubia với Raul Gonzelez, Real được hưởng phạt đền và tân binh 24 tuổi được trao cơ hội. Anh không mắc sai lầm nào để chuyển đổi thành bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 cho đội nhà ở phút thứ 35.
Sau đó, anh tiếp tục ghi thêm 4 bàn ở 3 vòng đấu kế tiếp trước khi dính chấn thương. CR7 kết thúc mùa giải đầu tiên tại La Liga trong màu áo Los Blancos với 26 bàn thắng. Và trong sự nghiệp tại Tây Ban Nha, Deportivo cũng là con mồi yêu thích của CR7 khi anh ghi 13 bàn, thực hiện 5 pha kiến tạo.
Sự nghiệp lẫy lừng trong màu áo Real bắt đầu bằng pha sút phạt đền khiêm tốn. Trong toàn bộ sự nghiệp, Ronaldo có 164 bàn thắng đến từ chấm phạt đền. Riêng tại La Liga, con số đó là 61 bàn. Bên cạnh đó, anh cũng đã bỏ lỡ 11 quả phạt đền tại giải đấu số 1 Tây Ban Nha.
Vì thế, với những người yêu Real và Ronaldo, họ luôn hoài niệm về cái ngày 29/8 của 15 năm về trước, khi một huyền thoại của họ được sinh ra.
Và, nếu so sánh so sánh tỷ lệ sút thành công penalty giữa Ronaldo và Messi thì sẽ như thế nào? Không tính các quả đá luân lưu, tỷ lệ chuyển đổi quả phạt đền chung của Ronaldo là 85%, còn của Messi là 78%.
Ronaldo đã ghi được 164 quả phạt đền (kèm theo 30 lần đá hỏng) trong toàn bộ sự nghiệp của mình, trong khi Messi đã ghi được 109 quả phạt đền (31 lần đá hỏng). Tất nhiên là không tính đến loạt sút luân lưu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một trong những "lần đá hỏng" của Messi là một pha kiến tạo cố ý để Luis Suarez lập công.
Số liệu thống kê của Ronaldo rõ ràng là vượt trội, nhưng anh không phải là “Vua sút phạt đền lạnh lùng” số một như giới truyền thông thường mô tả. Còn có những tiền đạo ưu tú khác cùng thế hệ có tỷ lệ đá penalty tốt hơn CR7 như Robert Lewandowski (91%), Harry Kane (86%) và Zlatan Ibrahimovic (85%).
Ngoài ra, cả Ronaldo lẫn Messi đều từng đá hỏng phạt đền trong những trận đấu lớn trong sự nghiệp của mình, có lúc khiến đội phải trả giá, đôi khi thì không. Huyền thoại bóng đá Argentina từng sút hỏng phạt đền tại bán kết Champions League 2011/12 trước Chelsea khiến Barca thua trận và ở trận chung kết Copa America 2016 với Chile (loạt sút luân lưu), cũng khiến Albiceleste thất bại.
Trong khi Ronaldo sút hỏng phạt đền ở 4 trận đấu lớn: bán kết Champions League 2008 gặp Barcelona (Real thắng), chung kết Champions League 2008 với Chelsea (loạt sút luân lưu) (thắng), tứ kết EURO 2024 (Bồ Đào Nha vẫn thắng) và bán kết Champions League 2011/12 gặp Bayern Munich ở loạt luân lưu (thua).