Tiền “khủng” vào túi “cò”
Theo báo cáo mới nhất từ hệ thống giám sát chuyển nhượng cầu thủ của LĐBĐ thế giới (FIFA), số tiền các bên phải trả cho môi giới, người đại diện trong năm tài chính 2019 lên tới 580 triệu euro. Con số này cao gấp 4 lần số tiền các đội mất vào tay “cò” ở năm tài khóa 2015, và tăng tới 19,3% so với năm 2018.
Những thống kê giật mình của FIFA cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, thu nhập của “bên thứ ba” đã tăng lên chóng mặt, chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch bóng đá quốc tế. Và mức tăng trưởng rất cao kể trên cho thấy, nghề “cò” cầu thủ đang ngày càng lớn mạnh, đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều người. Theo báo El Pais, hiện có khoảng 600 nhà đại diện hoặc môi giới cầu thủ hoạt động tại làng cầu Tây Ban Nha. Trong khi đó, ở Anh, con số này lên đến 2.278 người, bởi so với bóng đá xứ đấu bò thì sân cỏ xứ sương mù ăn nên làm ra hơn, các đội bóng có khả năng mua sắm tốt hơn.
Trong số “cò” đông đảo đổ về kiếm ăn ở Anh, có những cái tên thuộc dạng “khủng” mà khoản tiền họ nhận được còn vượt qua cả cánh ngôi sao sân cỏ. Chẳng hạn, chỉ riêng việc đạo diễn 3 vụ chuyển nhượng Paul Pogba (Juventus), Henrikh Mkhitaryan (Dortmund) và Zlatan Ibrahimovic (Milan) tới Man United trong năm 2016, nhà môi giới khét tiếng Mino Raiola đã bỏ túi hơn 60 triệu euro tiền hoa hồng. Con số này còn cao hơn nhiều lương cả năm mà siêu sao Cristiano Ronaldo nhận từ Real Madrid.
“Cò” ngày càng “tiến hóa”
Thành công của Raiola, và những nhà môi giới lừng danh khác như Pini Zahavi hay Jorge Mendes, là động lực để nghề “cò” phát triển mạnh hơn và “tiến hóa” hơn. Ngày nay, nghề này còn có cả những công ty hoạt động theo phong cách kinh doanh thể thao Mỹ, cung cấp mọi dịch vụ mà thân chủ cần.
Oscar Ribot, cựu giám đốc quan hệ công chúng của Real Madrid, hiện đang làm giám đốc điều hành một công ty như thế. Tọa lạc trên tầng 24 của cao ốc Torre Europa tại Madrid, công ty HMG của Ribot bao thầu tất cả những gì cầu thủ và gia đình anh ta cần, từ quản lý hình ảnh, hỗ trợ pháp lý và thuế má, chăm sóc y tế và thậm chí, nếu cần sẽ cung cấp luôn dịch vụ “Osin”. Công ty này hiện đang có một lượng thân chủ đáng kể, với cái tên nổi bật nhất là tiền vệ Casemiro của Real Madrid. HMG cũng có quan hệ thân thiết với đội chủ sân Bernabeu nhờ chủ tịch công ty này, Yago Aberloa, chính là anh trai của cựu hậu vệ Alvaro Arbeloa - người khoác áo Real Madrid trong giai đoạn 2009-2016.
Theo Ribot, nghề này kiếm ra tiền nhưng cũng vì thế, nó có áp lực và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Không chỉ giành giật những ngôi sao thành danh, họ phải có cả một hệ thống chân rết săn tìm các tài năng trẻ. Bây giờ, nhiều em 12-13 tuổi đã có người đại diện. Để cạnh tranh với nhau, giới “cò” dùng rất nhiêu chiêu trò, từ mua quà tặng, giới thiệu việc làm và thậm chí ứng tiền để bố mẹ các tài năng trẻ chọn họ làm đại diện cho con mình. Một khi đã vào tròng, đối phương rất khó thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “cò” do luôn có những điều khoản phạt rất nặng nếu họ vi phạm thỏa thuận.
Chi phối các nền bóng đá
Giới “cò” sống ngày một khỏe hơn nhờ bóng đá. Và vì thế, như một tất yếu, họ chi phối ngược lại mạnh mẽ hơn vào mảnh đất màu mỡ đang nuôi sống mình, với mục đích cuối cùng là có thêm nhiều hơn nữa lợi nhuận từ bóng đá.
Dưới sự giật dây hoặc tư vấn của các tay “cò”, nhiều cầu thủ ngôi sao đã thành thạo ngón nghề làm mình làm mẩy để yêu sách với đội bóng chủ quản. Một lần nữa, Mino Raiola và một thân chủ của ông ta, tiền vệ Paul Pogba có thể được xem như ví dụ sinh động nhất về những chiêu trò này. Từ đơn giản là bắn tin cho báo giới về việc các đội bóng lớn đang quan tâm đến mình, cho tới việc tạo ra những bất đồng, xung đột trong lòng đội bóng hoặc đá trận hay trận dở…., chẳng có trò nào mà Pogba chưa từng thử qua.
Những động thái ấy khiến M.U, đội bóng chủ quản của Pogba, nhiều phen điêu đứng. Xuống thang đáp ứng mãi cũng nản, Quỷ đỏ đang tính bán ngôi sao người Pháp. Nhưng động thái ấy cũng là việc nằm trong tính toán của “cò”. Có chuyển nhượng, Raiola lại có tiền. Còn M.U, dù ở ngôi vua trên bàn cờ, vẫn hoàn toàn bị động trong cuộc chơi do “quân xe” Raiola tạo ra. Mà những người như Raiola ngày càng nhiều hơn và mánh khóe hơn. Chi phối và thậm chí kiểm soát gần như hoàn toàn các cầu thủ, họ mới là những ông chủ thực sự của bóng đá thế giới, là những người quyết định ai sẽ chơi tốt trên sân cỏ châu Âu hàng tuần.
114,8. Tay “cò” kiếm tiền nhiều nhất năm 2019 là Jonathan Barnett với 114,8 triệu euro. Barnett sở hữu Stellar Group, công ty đang đại diện cho khoảng 200 cầu thủ, trong đó có những ngôi sao như Gareth Bale (Real) hay Saul Niguez (Atletico). Không phải cứ “cò” là xấu
|
XEM THÊM
Mendes và Raiola muốn vị thế mới cho 'cò'