Đôi khi, tuyển trạch viên là một công việc khá dễ dàng. Đó là khi bạn may mắn phát hiện ra một tài năng nổi trội hơn hẳn so với các đồng nghiệp, đến mức mọi băn khoăn hay thắc mắc liên quan đến anh ta là điều thừa thãi. Vấn đề ở đây chỉ là bạn có thể nhanh tay sở hữu cầu thủ tài năng ấy trước những "thợ săn" khác hay không mà thôi.
Hồi còn là những cầu thủ tuổi teen, hai tiền đạo Neymar và Sergio Aguero từng khiến tôi rất ấn tượng. Trong cuốn sổ ghi chép cũ của tôi bây giờ vẫn còn những ghi chú kiểu như đây là những cầu thủ "phải có cho bằng được". Tuy nhiên, ngay cả khi các tuyển trạch viên và giám đốc thể thao đều cảm thấy ưng ý, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn mắc phải những sai lầm.
Thật vậy, thực tế đã chứng minh từng có không ít cái tên được dự đoán sẽ có sự nghiệp lẫy lừng, nhưng cuối cùng họ lại chẳng bao giờ phát huy được hết tiềm năng như mong đợi. Đơn cử trước đây chúng tôi từng chú ý đến tài năng trẻ 16 tuổi người Colombia - Johnnier Montano thi đấu ở giải Toulon năm 1999. Lúc ấy mọi người đều quả quyết Montano sẽ có một tương lai tươi sáng.
Trước đó 1 năm, Juan Roman Riquelme đã chơi như lên đồng trong màu áo đội trẻ Argentina ở giải đấu này. Vậy nên chúng tôi cũng cố "săm soi" xem có ai đó làm tốt như cậu ấy ở mùa giải tiếp theo hay không. Trong bối cảnh như vậy, không ngạc nhiên là mọi người đều rất hứng khởi khi thấy Montano thể hiện màn trình diễn quá đỗi ấn tượng.
Thi đấu ở vị trí "số 10", Montano không chỉ cho thấy khả năng phối hợp tuyệt vời với các đồng đội mà cậu ấy còn rất nguy hiểm khi tung ra những cú dứt điểm tầm xa bằng chân trái. Đó là những phẩm chất mà ai cũng muốn thấy ở môt cầu thủ chơi trong vai trò tiền vệ tấn công. Thật tuyệt vời khi tất cả những điều ấy lại được thực hiện bởi một cầu thủ trẻ vô danh người Colombia ngay trước mắt bạn.
Nên nhớ rằng vào trong những năm cuối của thế kỷ trước, các dịch vụ video phát trực tuyến như Wyscout hay InStatScout còn chưa xuất hiện và phát triển tràn lan như hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa, những thông tin mà chúng tôi phải vất vả tìm kiếm và may mắn thu thập được là cực kỳ khan hiếm.
Vậy nên ngay lập tức tôi đã gọi điện cho BLĐ Monaco để giới thiệu Montano. Tuy nhiên, cuối cùng cầu thủ này lại khiến tất cả chúng tôi thất vọng khi quyết định đầu quân cho Parma. Hẳn là lúc đó BLĐ Parma đã nghĩ chắc mình lại chiêu mộ được một cầu thủ người Colombia xuất sắc chẳng kém gì Faustino Asprilla. Cũng chẳng trách được họ bởi những gì Montano làm được là quá tuyệt diệu.
Montano rõ ràng đã cho thấy được tiềm năng của một ngôi sao tương lai. Bằng chứng là cậu ấy được dự Copa America 1999 và còn trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở giải đấu này khi đóng góp 1 pha lập công giúp Colombia đại thắng Argentina 3-0. Tuy nhiên, sau đó Montano lại chẳng thể tỏa sáng ở Serie A. Cậu ấy chỉ đá chính 1 trận cho Parma, cộng thêm vài lần xuất hiện trong màu áo Verona và Piacenza theo dạng cho mượn.
Trở về Nam Mỹ, Montano chỉ chơi cho toàn những CLB làng nhàng ở quê nhà trước khi thử sức ở Peru. Sau này cậu ấy còn chinh chiến cả ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chẳng còn được ai biết đến vì chỉ cống hiến cho những đội bóng ít tên tuổi như Alianza Lima, USMP và Sport Boys.
Một tài năng trẻ cũng thuộc diện "sớm nở tối tàn" ở Pháp là Daniel Montenegro. Cậu ấy người Argentina, chơi ở vị trí hộ công và lớn hơn Montano 4 tuổi. Sau khi gây ấn tượng ở giải Toulon, Montenegro được Marseille ký hợp đồng. Có ý kiến cho rằng Montenegro đủ khả năng tỏa sáng ở một đấu trường đỉnh cao như Champions League, nhưng rồi cầu thủ này chỉ có thể phục vụ khán giả ở Argentina và Mexico mà thôi.
Đồng hương của Montenegro là Andres D'Alessandro cũng có câu chuyện tương tự. Cậu ấy không đáp ứng được sự kỳ vọng khi chơi bóng ở châu Âu nên lại phải quay về Nam Mỹ. Rút cục D'Alessandro cũng có được sự nghiệp không đến nỗi nào ở đây, thậm chí còn được xem là ngôi sao tại Internacional.
Còn nhớ vào năm 2011, cả một đội tuyển trạch viên ở châu Âu đã thi nhau kéo sang Peru để xem các cầu thủ tranh tài tại giải U20 Nam Mỹ. Dù giải đấu ấy có sự tham gia của hàng loạt danh thủ người Brazil như Neymar, Lucas Moura, Casemiro, Alex Sandro và Danilo, song cái tên đáng chú ý nhất lại là Juan Iturbe.
Ngay từ lần đầu xem cầu thủ chạy cánh 17 tuổi người Paraguay của CLB Cerro Porteno chơi bóng, người ta đã thấy cậu ấy có dáng dấp của cả Carlos Tevez lẫn Lionel Messi. Chi tiết hơn, Iturbe thi đấu nhiệt tình như Tevez và kỹ thuật qua người trong những tình huống 1 đấu 1 của cậu ấy cũng chẳng kém Messi chút nào.
"Đánh hơi" được tài năng của Iturbe, các "trinh sát" của Porto đã nhanh chóng liên hệ với gia đình và đại diện của cậu ấy khi giải U20 Nam Mỹ 2011 còn chưa kết thúc. Thực tế thì Porto không phải là không có lý do để vội vàng, nhưng 9 năm sau, ở tuổi 26, Iturbe lại đang dành quãng thời gian tươi đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ để kiếm sống tại... Mexico.
Trước đó, Iturbe từng đá 1 mùa cho Verona (2013/14) trước khi chuyển sang Roma với giá 20 triệu euro. Tuy có giá không hề rẻ, cậu ấy lại liên tục bị gửi sang Bournemouth, Torino và Tijuana theo dạng cho mượn. Riêng tại Bournemouth, cầu thủ này được đá có 4 trận ở mọi sân chơi.
Chưa hết, chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ trường hợp của Florent Sinama Pongolle. Cầu thủ người Pháp này kiếm được tấm vé thông hành sang Liverpool sau khi ghi tới 9 bàn ở giải U17 thế giới năm 2001. 10 năm sau, Souleymane Coulibaly cũng làm được y như Pongolle ở giải đấu tương tự. Nhờ vậy nên cậu ấy mới được Tottenham ký hợp đồng. Cả Pongolle lẫn Coulibaly đều được dự đoán sẽ trở thành những ngôi sao lớn, nhưng họ lại không bao giờ duy trì được phong độ ổn định.
Trong những năm gần đây chúng ta còn thấy có nhiều ví dụ hơn. Nổi bật nhất có lẽ là Lazar Markovic. Cầu thủ chạy cánh người Serbia này được Liverpool mua về từ Benfica hồi mùa Hè năm 2014 với giá 25 triệu euro. Bây giờ Markovic mới 26 tuổi nhưng đã trở về quê nhà chơi bóng cho CLB Partizan. Thật ra thì Markovic vẫn còn thời gian để phát triển sự nghiệp, nhưng khi chỉ đá cho Partizan thì thật khó tin cậu ấy có thể làm nên trò trống gì.
Nói vậy để thấy, mua bán cầu thủ là một hoạt động phức tạp và thú vị vì có cả yếu tố may rủi ở trong đó. Để giảm thiểu rủi ro thì không chỉ riêng đội ngũ tuyển trạch mà bản thân cầu thủ và các CLB cũng phải hết sức cẩn trọng. Với các CLB, việc phân tích dữ liệu từ nhiền nguồn trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay là hết sức cần thiết.
Về phần mình, các cầu thủ cũng cần xác định rõ mình phù hợp với môi trường bóng đá nào, triết lý HLV ra sao. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, việc cầu thủ có thể tỏa sáng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả ở trong lẫn ngoài sân cỏ.
Trong khi đó, nhiệm vụ chính của các tuyển trạch viên vẫn phải là liên tục rà soát, tìm kiếm những cầu thủ tiềm năng trên toàn thế giới. Để tăng sức cạnh tranh, họ cần nhanh chóng nắm bắt từng cơ hội trước người khác. Đơn cử như không phải ai cũng biết con trai của Montano cũng mới được gọi vào ĐT U16 Colombia....
XEM THÊM
Neymar âm thầm ủng hộ 5 triệu USD chống dịch Covid-19
Neymar có đáng bị 'ném đá' vì tụ tập chơi bời giữa đại dịch Covid-19?
Không ra sân, Rashford vẫn nỗ lực chiến đấu cho mục tiêu cao cả hơn bóng đá