MÓN QUÀ GÁI ĐIẾM CỦA BỐ GIÀ MOGGI
Bây giờ, cái tên Luciano Moggi đã chìm vào quên lãng. Nhưng một thời, nhất là trong thời hoàng kim của Calcio, Moggi là một trong những nhân vật đáng gờm nhất trong giới lãnh đạo bóng đá đỉnh cao. Ông từng là GĐĐH của Juventus, và đã điều hành rất nhiều CLB nhà nghề khác như Lazio, AS Roma, Napoli, Torino.
Khi scandal Calciopoli bùng nổ tại Italia vào năm 2006 thì Moggi là “diễn viên chính” của vụ án dàn xếp tỉ số ầm ĩ này. Chúng ta sẽ quay lại với Calciopoli. Nhưng cần lưu ý trước: đấy không bao giờ là một scandal “dàn xếp tỷ số”, “mua bán độ”, hoặc “mua chuộc trọng tài”, như nhiều người vẫn ngộ nhận.
Đừng nói chỉ riêng ở Calcio, Moggi đã mạnh tay tặng quà cáp cho giới trọng tài châu Âu một cách công khai, UEFA tuy biết nhưng cũng chẳng làm gì được. Hồi đầu thập niên 1990, một gái gọi cao cấp tên là Monica Marini từng làm bùng nổ scandal mua chuộc trọng tài, khi tố cáo rằng cô đã được trả tiền để “giúp vui” một trọng tài của UEFA.
Marini kể: “Chúng tôi đến một khách sạn, gõ cửa một phòng. Khách lạ là người nước ngoài nên tôi cũng chẳng nói chuyện gì được. Rất đơn giản, tôi phục vụ tình dục và đi về khi xong việc. Về sau, tôi mới biết người khách nước ngoài ấy là một trọng tài bóng đá”.
Sau khi câu chuyện của Marini được đăng trên báo, hai “đồng nghiệp” khác của cô cũng lập tức kể những câu chuyện tương tự. Cũng cần nói thêm: Torino vào tận chung kết Cúp UEFA ở cái mùa bóng 1991/92 ấy.
Dựa theo chuyện kể, báo chí dễ dàng tìm ra danh tính khách lạ đã được “nhận quà”. Đấy chính là các trọng tài đến Turin điều khiển các trận sân nhà của Torino ở Cúp UEFA. Cảnh sát cùng cơ man những tổ chức điều tra, phòng chống các loại tội phạm ở Italia nhanh chóng vào cuộc. Moggi, trong tư cách quan chức điều hành cao cấp nhất của Torino, bị thẩm vấn. Ông không chối cãi điều gì, thậm chí còn giúp cảnh sát “chỉnh lại cho chuẩn” một vài chi tiết, như số tiền trả cho gái gọi.
Báo chí phỏng vấn, Moggi ngang nhiên xác nhận sự việc, trước khi tự mình đưa ra kết luận: “Đâu có chỗ nào đáng gọi là mua chuộc. Việc các đội bóng tặng quà cho trọng tài sau trận đấu là việc làm hết sức bình thường. Điều thú vị trong câu chuyện của chúng tôi chỉ là quà gì mà thôi”.
Đúng như lời Moggi: trọng tài được UEFA cử đến Turin điều khiển trận đấu của Torino ở Cúp UEFA chỉ được gái điếm phục vụ sau trận đấu, nghĩa là trên nguyên tắc thì không liên quan gì đến kết quả của trận đấu mà ông ta đã cầm còi. Trọng tài ấy cũng không nhất thiết phải phân biệt ai “tặng quà”.
Đấy là cách khuyến mãi của khách sạn? Là quà tặng bất ngờ của bạn bè? Hay bản thân những cô gái điếm trong chỉ muốn “làm quen” với khách nước ngoài? Moggi thách thức tất cả. Đội Torino của ông (khi ấy) không hề vi phạm bất cứ chi tiết nào trong điều lệ của UEFA hoặc Cúp UEFA.
Trên thực tế, UEFA hoàn toàn im lặng là vì lẽ ấy. Còn chuyện các trọng tài cứ mặc nhiên biết rằng sau mỗi trận đấu tại sân nhà của Torino, họ sẽ “có quà”, thì đấy là chuyện không thể chứng minh, mà có chứng minh thì cũng chẳng để làm gì!
“BẮT HAY” TRAO TAY CHIẾN MÃ
Tương tự với thành công của Torino ở Cúp UEFA mùa bóng 1991/92 là chuyện Perugia của chủ tịch Luciano Gaucci, liên tục thành công và tiến từ Serie C lên Serie A, như một hiện tượng thú vị trong làng bóng đỉnh cao. Nếu như lĩnh vực sở trường của giám đốc Moggi là gái thì “địa bàn” của Gaucci lại là các trường đua và lò ngựa nổi tiếng ở Italia.
Thuở ấy, trọng tài Senzacqua ở Italia rất thích sở hữu ngựa đua. Ông lại là người cầm còi trong các trận đấu quan trọng mà Perugia thành công về mặt tỷ số và thăng hạng. Thế rồi, sau mỗi lần Perugia thăng hạng, trọng tài Senzacqua lại mua được một chú ngựa ưng ý với giá rất mềm.
Ngoài chuyện đứng đầu cả một phân khúc quan trọng trong thị trường ngựa đua ở Italia, Gaucci còn là một chính khách thượng thặng trong đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và là bạn thân của Giulio Andreotti - người từng 7 lần giữ ghế Thủ tướng Italia và là một trong những nhân vật nhiều quyền lực nhất quốc gia này.
Cũng như những gì Moggi bình luận về các scandal gái gọi, Gaucci thản nhiên giải thích từng chi tiết một trong scandal ngựa đua, kết nối với việc thăng hạng liên tục của Perugia. Chung quy vẫn chỉ là: chuyện quà cáp cho giới trọng tài sau khi trận đấu kết thúc là điều hết sức bình thường.
Đến đây, lại phải nói thêm: khi giới hữu trách lao vào điều tra về chuyện quà cáp của các nhân vật tai to mặt lớn như Gaucci, Moggi, thì xin hiểu cho: đấy đều không phải là những nghi án dàn xếp tỷ số, hối lộ trọng tài hoặc mua bán độ trong môn bóng đá.
Chẳng qua, người ta điều tra tất cả những gì khả nghi, liên quan đến rất nhiều bộ luật khác nhau. Đua ngựa cũng có luật. Mại dâm hợp pháp cũng có luật. Đâu có nhất thiết, đấy phải là chuyện bóng đá!
ĐIỀU TRA CŨNG CHẲNG ĐỂ LÀM GÌ
Đến đây, hãy trở lại chi tiết mấu chốt của scandal Calciopoli ầm ĩ hồi năm 2006, khiến hàng loạt CLB lớn như Lazio, AC Milan, Juventus bị phạt rất nặng. Chi tiết ấy là: chẳng có trọng tài nào sai, cũng chẳng ai hối lộ trọng tài.
Cái sai ở đây chỉ là một việc rất ư chuyên môn: những người trong cuộc đã dàn xếp với nhau để trọng tài nào điều khiển trận đấu của CLB nào - trong khi đúng ra thì việc phân bổ trọng tài phải độc lập, ngẫu nhiên, và hoàn toàn khách quan.
Tất cả những ai tham gia vào việc điều phối trọng tài một cách sai luật ở Calcio đều bị trừng phạt nặng nề, gồm cả chuyện đánh rớt hạng Juventus - khi ấy đã do Moggi điều hành.
Còn trên thực tế, việc điều phối trọng tài thiếu khách quan đã gây ảnh hưởng thế nào đến kết quả các trận đấu của Serie A thì đấy mãi mãi chỉ là chuyện suy luận, chứ không có bằng chứng cụ thể.
Kết quả điều tra cho thấy Lazio đã được trọng tài “ưa thích” của họ điều khiển 13 lần, trong một giai đoạn cụ thể. Cũng trong giai đoạn ấy, Lazio có 25 trận do các trọng tài khác cầm còi. Ở những trận đấu với “trọng tài nhà”, Lazio có bình quân 1,54 điểm/trận. Ở những trận còn lại, điểm số bình quân của họ chỉ là 0,96. Chênh lệch 50%!
Cũng với cách đối chiếu tương tự, người ta dễ dàng tính ra rằng AC Milan kiếm được 2,35 điểm/trận khi họ được điều khiển bởi trọng tài “thân thiện”, và chỉ có 1,86 điểm/trận với các trọng tài ngẫu nhiên.
Nếu theo dõi sát sao các trận đấu ở Calcio, người ta sẽ rất dễ dàng nhận diện trọng tài nào là “cánh hẩu” của CLB nào, qua các sai lầm có hệ thống mà từng đội bóng hưởng lợi. Nhưng điều đáng nói ở đây: có phải giới trọng tài chỉ “tha hóa” ở Calcio, hoặc chỉ có các CLB Italia thường tặng quà như một cách hối lộ “biến tướng” cho trọng tài?
Tờ báo Anh The Guardian từng đặt ra vấn đề ngược lại: chẳng qua, bóng đá Italia thường bị điều tra nhiều hơn các nền bóng đá khác, và đấy là vì hệ lụy từ việc điều tra những lĩnh vực khác. Chứ chưa chắc trọng tài và giới điều hành bóng đá ở những nơi khác trong sạch hơn làng bóng Italia!
(Hết)