Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Vạch trần mạng lưới CLB toàn cầu: Tiến bộ hay tham lam?". Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết khác thuộc BIG STORY này:
1. Mạng lưới CLB toàn cầu, mô hình của những gã khổng lồ tham lam
2. Đi sâu vào dự án của Chelsea, vì sao họ lại chọn Strasbourg làm CLB chị em?
3. Top 10 ông chủ sở hữu nhiều CLB trong tay ở châu Âu
4. Liefering, sân sau tuyệt vời của Red Bull Salzburg
5. Những kẻ kiếm bộn tiền nhờ thách thức mọi quy định của FIFA hay UEFA
Mới đây, vụ chuyển nhượng Allan Saint-Maximin từ Newcastle sang Al-Ahli nhận phải sự phản đối của một số CLB Premier League. Họ cho rằng Newcastle và Al-Ahli cố tình thổi giá cầu thủ người Pháp lên 30 triệu bảng nhằm “bơm” nguồn tài chính bất hợp pháp cho “Chích chòe”. Cần biết, Newcastle và Al-Ahli chung chủ sở hữu là Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF).
Cuối cùng, Allan Saint-Maximin chỉ sang Al-Ahly với giá 23 triệu bảng, khá sát với giá thị trường. Newcastle về mặt nguyên tắc đã đáp ứng quy định của Premier League trong việc “không phá giá cầu thủ với những vụ chuyển nhượng từ 1 triệu bảng trở lên”. Nhưng tất cả chỉ là trên giấy tờ. Ai biết đằng sau cái bắt tay giữa Newcastle và Al-Ahli là bao nhiêu triệu bảng. Muốn khiếu nại thì cứ việc nhưng chắc chắn phần thắng sẽ thuộc về Newcastle của những người Saudi Arabia. Tỷ phú Warren Buffett từng có tuyên ngôn để đời “người giàu không sở hữu nhà chọc trời mà sở hữu những luật sư giỏi nhất”.
Nên nhớ, mạng lưới nhiều câu lạc bộ vận hành theo cách phức tạp hơn cả bộ óc của những nhà làm luật. Tất cả để phục vụ nhiều lợi ích từ thâu tóm thị trường cầu thủ, bành trướng quyền lực, kết nối đối tác làm ăn cho tới hợp pháp hóa những lợi ích phía sau thể thao. City Football Group đã đầu tư tổng cộng 1,33 tỷ bảng Anh trong 10 năm qua vào 13 câu lạc bộ chị em mà đứng đầu là Man City. Vậy nhưng chưa có cầu thủ nào trong mạng lưới đồ sộ rải khắp thế giới này lên được đội một Man City (không tính cầu thủ từ học viện Man City). Có phải đó là một thất bại mang tính chiến lược? City Football Group không nghĩ vậy.
Điều họ hướng đến không đơn giản là một đội hình mạnh hay những khoản lãi tài chính. 13 CLB thuộc mạng lưới City Football Group là một vòng tròn khép kín trong việc phát hiện, nuôi dưỡng và rèn luyện cầu thủ trẻ với rất nhiều “mánh khóe” chuyển nhượng trong đó. Chỉ trong vòng một thập kỷ trở lại đây, đã có 36 cầu thủ “thi đấu” cho Man City tổng cộng 127 năm, con số chỉ hoàn toàn trên sổ sách. Số lần ra sân thực tế của 36 cầu thủ trẻ này chỉ là…6 trận. Phần lớn quãng thời gian họ bị đem cho mượn ở các CLB chị em. Man City tốn gần 100 triệu bảng phí chuyển nhượng cho 36 cầu thủ này nhưng chỉ thu về 87 triệu bảng từ phí cho mượn.
Quy tắc của FIFA chỉ cho phép một CLB có tối đa 8 cầu thủ cho mượn xuyên quốc gia. Nhưng Man City có thể “cười” vào quy tắc này nếu họ bán một cầu thủ trẻ ra nước ngoài cho CLB chị em, nhưng thực chất chỉ là một vụ cho mượn để cọ xát phát triển. Đừng hỏi tại sao Man City dính tới hơn 100 cáo buộc về vi phạm tài chính trong đó có cả những mờ ám về chuyển nhượng, cho mượn giữa nhóm CLB chị em. Nhưng Man City vẫn ngủ ngon vì họ đã có Lodr Pannick, một Haaland trong giới luật sư nước Anh.