CON QUỶ MA MEN GỤC VÌ HƠN 1.000 ML RƯỢU MẠNH
Lần đầu tiên, chứng nghiện rượu của Gascoigne được biết đến như một thông tin đại chúng là năm 1998. Khi ấy, Gascoigne hãy còn là tuyển thủ Anh, vừa chuyển từ Rangers sang Middlesbrough, và đề tài về sự vắng mặt của Gascoigne trong đội tuyển Anh ở VCK World Cup 1998 luôn được tranh luận một cách sôi nổi.
Trước đó, Gascoigne được HLV Glenn Hoddle sử dụng khá thường xuyên và đã góp công không nhỏ giúp Tam Sư vượt qua vòng loại World Cup. Ở tuổi 31, sự nghiệp bóng đá đỉnh cao của Gascoigne vẫn chưa khép lại (sau Middlesbrough, Gascoigne còn khoác áo Everton đến năm 2002). Thế nên, thông tin Gascoigne phải nhập viện vì rượu đã gây chấn động trong làng bóng Anh như một scandal ở thời điểm ấy.
Gascoigne uống liền một mạch 32 "shot" whisky (mỗi "shot", tức đơn vị rót rượu ở quán bar, có dung tích 35ml) và đổ gục xuống bàn. HLV Middlesbrough khi ấy, Bryan Robson, không chỉ đưa Gascoigne vào bệnh viên Priory như một biện pháp cấp cứu thông thường. Ông đã ở lại đấy, và sau khi tham khảo hết các ý kiến chuyên môn, Robson ký luôn vào các thủ tục cần thiết để bệnh viện giữ lại Gascoigne, điều trị suốt 28 ngày.
Priory, nổi tiếng khắp thế giới chứ không chỉ ở London, là bệnh viện chuyên điều trị các chứng bệnh liên quan đến tâm lý và thần kinh cho giới ngôi sao. Sau 2 tuần điều trị, Gascoigne quả quyết anh phải xuất viện. Nhưng kể từ đó, bệnh viện Priory trở thành địa chỉ quen thuộc của Gascoigne. Dĩ nhiên, Gascoigne nghiện rượu, nhưng rượu không phải là thứ duy nhất gây nghiện đối với Gascoigne. Và tuy Gascoigne là bệnh nhân "ruột" của Priory nhưng Priory lại không phải là nơi duy nhất mà anh thường xuyên cư ngụ.
Năm 2001, chủ tịch Bill Kenwright của Everton gặp John McKeown, bác sĩ thường xuyên điều trị cho Gascoigne ở bệnh viên Priory. Họ nói chuyện với nhau và quyết định phải đẩy mạnh hơn nữa việc chữa trị. Gascoigne được đưa sang Mỹ và tạm trú dài hạn trong một bệnh viên ở Cottonwood thuộc bang Arizona.
Ngoài rượu, Gascoigne còn là nô lệ của thuốc lá, cờ bạc, các loại thức uống nhiều caffeine có năng lượng cao, hoặc các loại đồ ăn vặt không có lợi cho sức khỏe. Điều trị thế nào chẳng biết, nhưng khi tuyên bố anh đã thoát khỏi chứng nghiện rượu sau rất nhiều lần xuất viện ở Cottonwood, Gascoigne lại đâm ra phụ thuộc vào những loại thuốc giảm đau có morphine.
CHỨNG HOANG TƯỞNG KHÔNG ĐIỂM DỪNG
Năm 2004, Gascoigne kiếm được một chút thu nhập sau khi xuất bản tự truyện "Gazza: My Story", do Hunter Davies chấp bút. Hai năm sau, Gascoigne lại xuất bản tự truyện "Gazza: Chiến đấu với những con quỷ trong tôi".
Đọc hết hai quyển sách ấy, người ta thậm chí không thể nhớ hết những thứ mà Gascoigne nghiện, rất khó nhớ những chứng bệnh của Gascoigne, với tên gọi kỳ lạ mà các bác sĩ kết luận. Càng không thể thống kê cho hết những lần Gascoigne nhập viện, vì những nguyên nhân... trời ơi đất hỡi. Ví dụ, Gascoigne từng uống liên tục 15 lon Red Bull. Thế là bệnh nghiện tái phát, và lại nhập viện, cấp cứu, điều trị!
Không ai có thể kiểm soát một cách chặt chẽ những điều tai hại mà Gascoigne có thể làm một cách bất chợt. Bản thân Gascoigne càng không thể hiểu mình. Bệnh lý về mặt tinh thần và những cái nghiện kỳ lạ cứ đưa Gascoigne đi từ hậu quả này đến hậu quả khác. Anh thường xuyên viêm phổi hoặc đau dạ dày. Anh phải chịu phẫu thuật, thay cả cái... hông bên phải.
Nhưng tâm lý, tinh thần, trí óc của Gascoigne bị tàn phá nhiều hơn cả. Khi đang được xem là có tình trạng tỉnh táo, Gascoigne từng gọi điện cho bố anh để thông báo về một trận đấu quan trọng: anh sẽ đánh cờ với 2 cựu tổng thống Mỹ George Bush và Bill Clinton, tại Madison Square Garden ở New York. Trận đấu sẽ được trực tiếp đến toàn thế giới!
Một câu chuyện thương tâm khác: Gascoigne từng nghĩ rằng những con vẹt đồ chơi của anh là vẹt thật. Và, đau đớn hơn, Gascoigne nghĩ rằng chúng nói thật. Người ta ghi âm những câu nói tử tế, đưa vào hai con vẹt máy rồi tặng Gascoigne để giúp anh khuây khỏa. Vì quá cô đơn, và tất nhiên cũng vì còn đang bị "chập điện" trong chương trình điều trị, Gascoigne cho rằng trên đời chỉ có hai sinh vật thân thiết với anh, cũng chỉ có hai sinh vật ấy nói thật với anh (đấy dĩ nhiên là hai con vẹt máy).
Gascoigne bị bệnh nặng và phải điều trị nhiều đến nỗi chính những lúc anh thật sự khỏe khoắn thì đấy mới là những lúc mà giới hâm mộ của anh thấy buồn. Câu nói phổ biến nhất, đúng nhất và thật nhất của Gascoigne sau những đợt điều trị thành công là: “Tôi không thể nói rằng tôi đã chừa rượu, không bảo đảm rằng tôi sẽ không uống nữa. Tôi chỉ biết rằng hôm nay tôi không hề uống, và tôi chỉ biết hy vọng ngày mai cũng sẽ như vậy”.
Ở đời, hy vọng thường không trở thành sự thật. Tuyệt đại đa số những lần cấp cứu vì uống quá chén của Gascoigne đều xuất phát từ những quyết định thật sự nghiêm túc ban đầu: chỉ nhấp môi một tí, hoặc chỉ làm một cốc vang. Bi kịch? Cuộc đời Gascoigne phải nói là còn hơn cả bi kịch. Anh đáng thương hơn là đáng trách.
BÓNG ĐÁ ANH PHẢI CỨU GASCOIGNE!
Đấy không phải là lời kêu gọi, mà là trách nhiệm. Bởi chính Gascoigne đã cứu cả nền bóng Anh, ngay trong thời điểm bi đát nhất của quê hương bóng đá. Vì sao BBC phải trao giải “Nhân cách thể thao trong năm” cho Gascoigne sau World Cup 1990? Số đông chỉ biết Gazza đã có một năm chơi bóng xuất sắc và góp công lớn giúp ĐT Anh vào đến bán kết - thành tích tốt nhất của Tam Sư kể từ sau World Cup 1966. Thêm nữa, người ta thật sự cảm động và nhớ mãi hình ảnh "nước mắt Gascoigne" trên sân cỏ Ý. Thật ra, công của Gascoigne với bóng đá Anh lớn hơn rất nhiều.
Cần nhớ, các CLB Anh vẫn bị UEFA cấm cửa, không được tham dự 3 cúp châu u trước thềm World Cup 1990. Đấy là giai đoạn cực kỳ đen tối, khi sân cỏ Anh hầu như không có một chút giá trị nghệ thuật, khán đài trống vắng và hooligan ngự trị khắp nơi. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng có dự định cấm luôn bóng đá trên toàn nước Anh. Premiership, Eric Cantona hoặc Dennis Bergkamp đều chỉ xuất hiện sau này.
Chính trong bối cảnh nguy ngập ấy, Gascoigne xuất hiện như một cứu tinh. Anh đem lại nụ cười cho những ai xem bóng đá trong giai đoạn ấy, bất kể họ là CĐV của đội nào. Gascoigne góp phần đem lại sinh khí cho sân cỏ Anh, để rồi từ đó quê hương bóng đá gượng dậy và Premiership trở thành giải VĐQG giàu mạnh nhất thế giới.
Thế nên, khi sức khỏe Gascoigne ngày càng suy sụp sau hàng chục lần cấp cứu và điều trị, khi tính mạng của anh bị đẩy đến sát bờ vực, báo chí lập tức lên tiếng: “Bóng đá Anh phải cứu Gascoigne, bởi Gascoigne đã cứu bóng đá Anh trước”.